.

Nguy cơ "xóa sổ" Hãng phim truyện Việt Nam

Thứ Năm, 21/09/2017, 16:15 [GMT+7]

Chỉ hai tháng sau khi cổ phần hóa, trở thành Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), các nghệ sĩ thuộc Chi hội Điện ảnh hãng phim này đã gửi đơn kêu cứu lên Hội Điện ảnh Việt Nam trình bày những lo lắng, bức xúc về tình trạng không có việc làm, không được trả lương..., nhưng điều lớn nhất vẫn là mối lo: Cánh chim đầu đàn của điện ảnh nước nhà “gãy cánh”!

Tại buổi đối thoại giữa nghệ sĩ với lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hãng phim truyện Việt Nam.
Tại buổi đối thoại giữa nghệ sĩ với lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hãng phim truyện Việt Nam.

Nghệ sĩ cần sự tôn trọng và điều kiện làm việc

Đến trụ sở Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hãng phim truyện Việt Nam trong giờ làm việc chúng tôi chứng kiến và cảm nhận không khí đìu hiu, hoang tàn ở nơi này. Nằm giữa một trong những quận trung tâm của Hà Nội, bên cạnh hồ Tây song chỉ cần bước qua cánh cổng sập sệ của hãng phim là có thể cảm nhận được mùi ẩm mốc, không khí lạnh lẽo của những căn phòng cấp bốn lợp ngói, lâu không có hơi người. Chỉ vào những căn phòng trống hoác nằm ngay lối ra vào, anh Vũ Quốc Tuấn, Phó phòng quay phim cho biết: “Trước kia, nơi đây là kho chứa đạo cụ, nhưng những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua lãnh đạo hãng đã cho di dời sang một địa điểm khác, cách đây hàng chục ki-lô-mét. Kho đạo cụ đó nhìn thì lộn xộn, cũ kỹ nhưng lại chứa nhiều đồ đạc mang giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần của các thế hệ nghệ sĩ và lịch sử hãng phim… Những đạo cụ này đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của Việt Nam”.

Cùng chung với sự bất ngờ hụt hẫng đó, những nhân viên phòng biên kịch chúng tôi gặp cũng chỉ vào chiếc tủ đựng kịch bản giờ chỉ còn những ô trống rỗng. Họ nói trong nước mắt về hàng trăm tập kịch bản của hãng, có tập sử dụng, có tập chưa… được các cán bộ, nhân viên bảo quản, tích lũy trong nhiều năm cũng bất ngờ được chuyển sang gửi bên Viện phim quốc gia. Cảm giác bị “tước” dần những tài sản quý giá gắn bó với sự hình thành và phát triển của Hãng phim truyện Việt Nam nhiều năm khiến các nghệ sĩ không khỏi ngỡ ngàng. Không chỉ thế, theo đạo diễn, diễn viên Quốc Tuấn, ban lãnh đạo công ty hiện dồn cả bốn phòng chủ lực của hãng phim trước đây (biên kịch, quay phim, đạo diễn, thiết kế mỹ thuật) vào một phòng với tên gọi chung là phòng Nghệ thuật. Cùng đó, nhân viên của bốn phòng này cũng ngồi chung một chỗ, chen chúc hơn 20 người trong một căn phòng chưa đầy 30 mét vuông.

Mọi người đều ủng hộ chủ trương cổ phần hóa để thúc đẩy sự năng động phát triển của hãng phim, từ đó có thêm nhiều tác phẩm hay. Nhưng sau cổ phần hóa, thay vì việc vạch ra những phương hướng nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết của mỗi cá nhân, của tập thể nghệ sĩ để cùng tìm cách bứt phá trong nghề nghiệp, gây dựng lại thương hiệu “Anh cả đỏ” trong làng điện ảnh nước nhà, lại là hàng loạt thay đổi bất ngờ, gây hoang mang cho nghệ sĩ.

Chia sẻ lo lắng về tương lai, ông Lê Hồng Sơn, phòng Hợp tác và sản xuất phim của công ty cho biết, ngoài duy nhất một dự án phim đang được xúc tiến triển khai là Người yêu ơi được duyệt đặt hàng từ thời điểm trước khi cổ phần hóa thì hiện nay không có một hoạt động nghiệp vụ nào triển khai. Với lý do phòng Biên kịch không còn kịch bản nữa thì nhân viên cũng được gợi ý có thể làm ở nhà. Nếu có sản phẩm được duyệt sẽ được trả công, còn công ty sẽ đảm nhận việc tiếp tục đóng bảo hiểm… Cam kết về bảo đảm tiền lương cho cán bộ, nghệ sĩ cũng bị vi phạm khi nhiều người chỉ nhận được một phần lương, thậm chí có người lương trở về mức 0 đồng. Biên kịch, đạo diễn Nguyễn Xuân Thành không giấu nổi lo lắng về tương lai: “Thật ra, số đông anh chị em trong hãng đã tự bươn chải để sống với nghề. Vì thế, khi tiến hành cổ phần hóa với mong muốn sẽ vực dậy được nghiệp làm phim, anh em nghệ sĩ vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, sau hai tháng hoạt động, nhiều cam kết của cổ đông chiến lược là bảo đảm việc làm, mức lương và tôn trọng nghề nghiệp đã không được thực hiện nghiêm túc khiến chúng tôi rất hoang mang, thất vọng”.

Nhiều nghệ sĩ ở lại, gắn bó với công ty bởi đam mê với điện ảnh và hy vọng vào cam kết của nhà đầu tư chiến lược, lãnh đạo công ty khi cổ phần hóa. Cùng chung tâm sự này, đạo diễn Trần Chí Thành cho biết: “Hãng phim đối với chúng tôi không chỉ là mảnh đất, cánh cổng, lối đi thân thuộc mà còn là biết bao ký ức bộn bề của những thế hệ hết lòng tâm huyết vì nền điện ảnh… Nhiều nghệ sĩ còn trụ lại bởi luôn coi nơi này là một phần máu thịt của mình, cho dù đồng lương quá bèo bọt. Điều chúng tôi cần là nhà đầu tư chiến lược hãy nhìn nhận một cách toàn diện, có những điều hành đúng đắn, không để cho các nghệ sĩ có cảm giác không được làm nghề”.

Lãnh đạo có thật sự nghĩ đến điện ảnh?

Sau nhiều bức xúc của nhân viên trong Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hãng phim truyện Việt Nam, chiều 19-9, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty vận tải thủy (VIVASO) Nguyễn Thủy Nguyên, cổ đông chính cùng lãnh đạo công ty đã có cuộc đối thoại với các nghệ sĩ. Tại đây, những câu hỏi về việc sẽ tạo việc làm, chi trả lương cho anh em nghệ sĩ như thế nào? Định hướng phát triển ngắn hạn, dài hạn ra sao? Liệu có việc dọn dẹp kho xưởng, dồn phòng ban để lấy chỗ cho thuê bán hàng không…? cũng đã được đưa ra chất vấn.

Giải đáp về chuyện chi trả lương, ông Nguyễn Thủy Nguyên cho rằng: “Làm gì có chuyện một người hai, ba năm không đến cơ quan mà vẫn được hưởng lương 100%, đóng cả bảo hiểm, chưa kể phải dành cho phòng làm việc nữa”. Theo ông Nguyễn Thủy Nguyên, phía công ty vẫn đang nghiên cứu kịch bản để làm phim, nhưng không thể bỏ tiền tỷ để làm phim chỉ có vài người xem... Phủ nhận việc chia nhỏ đất của hãng để cho thuê bán hàng, ông Nguyên khẳng định mục đích chính của việc di chuyển kho là nhằm cải tạo cơ sở hạ tầng đã quá xuống cấp.

Ông Nguyên cũng cho hay: Nếu được các cơ quan chức năng cho phép thì sẽ dựng tại nơi đây một rạp chiếu phim nhằm giải quyết vấn đề “đầu ra” cho hãng. Không chỉ thế, đây sẽ còn là nơi có thể mời đạo diễn, diễn viên Hô-li-út về giao lưu hoặc làm phim. Trước mắt, theo ông Nguyên, công ty sẽ dọn những phòng ở bên ngoài rồi phá đi để dựng một tấm biển quảng cáo thật lớn mà như ông nói là “Để người ta biết đến chuyện hãng phim có viết kịch bản thuê, làm phim thuê. Người ta muốn viết kịch bản về dòng họ, hay làm phim về lịch sử của tỉnh này, huyện kia cũng làm”. Ông Nguyên khẳng định: “Chúng ta chưa làm những cái lớn thì làm những cái nhỏ. Tôi nói cái này hơi buồn cười nhưng thậm chí xã đặt làm phim tôi cũng quay, nhân vật nào thuê chúng tôi cũng làm”. Cũng theo ông Nguyên, đây là giải pháp tình thế nhằm đưa việc về công ty hãng phim trong thời điểm khó khăn này. Ông nhấn mạnh, có làm có hưởng, không làm không hưởng. Nghe về lý thì đúng là như vậy, song điều lãnh đạo công ty không đả động đến hoặc cố tình không hiểu rằng làm nghệ thuật không giống như sản xuất một món hàng đơn thuần, cứ làm là sẽ có kết quả ngay mà để có một kịch bản tốt, một bộ phim hay, các đạo diễn, nhà biên kịch phải mất thời gian nhiều tháng mới có thể hình thành tác phẩm và chuẩn bị các công đoạn triển khai, có khi cả năm là chuyện bình thường.

Chờ đợi và hy vọng

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đặng Xuân Hải cũng bày tỏ những lo ngại về tình trạng của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hãng phim truyện Việt Nam thời điểm này. Ông cho biết: “Trong toàn bộ quá trình cổ phần hóa của hãng phim, bên Hội không được tham vấn hay hỏi ý kiến. Nhưng về cá nhân, tôi cho rằng có lẽ nên tìm nhà đầu tư chiến lược là đơn vị có hoạt động gần gũi hơn với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, có như vậy mới có thể hiểu, tiếp cận tốt hơn với hoạt động của hãng phim”. Tuy nhiên, ông Hải cũng thẳng thắn cho rằng: Vài năm gần đây, Hãng phim truyện Việt Nam lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng do thiếu vốn. Ông cũng thừa nhận hai tháng sau cổ phần hóa thì đúng là chưa đủ để thay đổi và để có thể làm gì ra tấm ra món, mà cần phải có thời gian là sáu tháng, thậm chí hai năm… mới có thể xốc lại hoạt động. Song quan trọng hơn , bên cạnh việc xây dựng các phương án phát triển mang tính chiến lược lâu dài thì tại thời điểm này, ít ra lãnh đạo của công ty cũng phải đưa ra được phương án tình thế nhằm giải quyết những bức xúc trước mắt, phát huy ngay hiệu quả để anh em có việc làm, yên tâm cống hiến.

Trong vụ việc này, có thể thấy rõ mâu thuẫn giữa một bên là nhà đầu tư, người làm kinh tế với tư duy chỉ bỏ tiền ra cho những cái thu lại lợi nhuận, còn một bên là các nghệ sĩ là biên kịch, đạo diễn, quay phim - những người nhiều năm làm việc trong cơ chế bao cấp, thực hiện phim đặt hàng, tức là đợi việc để làm. Vướng mắc này không phải mới nảy sinh mà đã được đặt ra ngay từ thời điểm tiến hành cổ phần hóa. Khi ấy, nhiều người nghi ngờ liệu một nhà đầu tư chiến lược như Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) chưa từng hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, liệu có đảm đương nổi công việc vực dậy một hãng phim với những sản phẩm đặc thù đang ở tình trạng yếu kém nhiều năm?

Hơn lúc nào hết, tại thời điểm bất ổn này, cần một tiếng nói định hướng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đơn vị đại diện cho Nhà nước có 20% vốn trong công ty cổ phần - đồng thời là đơn vị chủ quản cũ của Hãng phim truyện Việt Nam. Tương lai của Hãng phim truyện Việt Nam (trước đây) sẽ như thế nào vẫn là một dấu hỏi lớn?

Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam là vấn đề nhức nhối mấy năm nay rồi và có nhiều điều cần xem xét lại, bởi nó đã và đang gây nên những xáo trộn đau lòng cho anh em nghệ sĩ và nguy cơ xóa sổ một địa chỉ văn hóa nổi tiếng của điện ảnh cách mạng Việt Nam đã tồn tại 60 năm qua. Khi thực hiện cổ phần hóa, giá trị thương hiệu và giá trị đất đai của hãng phim bằng 0, là điều mà ai cũng bất bình và thấy có cái gì đó không ổn, nhất là khi Tổng công ty Vận tải thủy - VIVASO là nhà cổ đông duy nhất, cổ đông chiến lược. Họ hành xử thiếu cẩn trọng với di sản của Hãng phim truyện Việt Nam, không làm đúng với cam kết cũng như mong đợi và kỳ vọng của các nghệ sĩ. Những người làm điện ảnh nước nhà rất mong muốn Chính phủ cho thanh tra lại quá trình cổ phần hóa Hãng phim.

NSƯT Nguyễn Thị Hồng Ngát

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, nguyên Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam

Theo Trúc Hà và Trịnh Mai Anh (Nhân Dân)