.

Một vài kỷ niệm với nhà thơ Hoàng Vũ Thuật

Thứ Hai, 25/09/2017, 16:05 [GMT+7]
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật.
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật.

(QBĐT) - Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật sinh năm 1945, quê  Hồng Thủy, Lệ Thủy. Anh là tác giả của những tập thơ gây được sự chú ý của bạn đọc khắp nơi trong cả nước như: Thế giới bàn tay trái, Tháp nghiêng, Ngôi nhà cỏ, Màu, Mùi... Anh cũng nhận được nhiều giải thưởng thơ Trung ương và địa phương. Nhờ “duyên thơ”, tôi may mắn trở thành người bạn thân thiết của anh từ những năm 70 của thế kỷ trước.

Tôi mê thơ từ khi đang học phổ thông, nhưng mãi đến năm 1973 khi được phân về dạy ở Trường sư phạm 10+3 mới có thơ đăng trên Văn nghệ Quảng Bình và Báo Phụ nữ Việt Nam. Lúc đó, Hoàng Vũ Thuật đã trở thành cây bút chủ lực của văn nghệ tỉnh nhà.

Vào một buổi chiều thứ bảy cách đây đã mấy chục năm, trong lúc tôi đang loay hoay chuẩn bị tư trang về với vợ con ở thị trấn Hoàn Lão thì có hai người đến trước cửa phòng tôi. Tôi vội vàng ra bắt tay, mời hai anh vào phòng. Anh người hơi cao, ăn mặc có vẻ chỉn chu, nhẹ nhàng hỏi: Xin lỗi, thầy có phải là Mai Văn Hoan không? Tôi gật đầu. Anh tiếp: Tôi là Hoàng Vũ Thuật và bạn tôi là Hải Kỳ.

Ôi, Hoàng Vũ Thuật và Hải Kỳ, tôi đã đọc khá nhiều thơ của hai anh đăng trên Văn nghệ Quảng Bình, bấy lâu chỉ nghe danh, bây giờ mới gặp người. Tôi xiết chặt tay hai anh.

Thế là ba chúng tôi ngồi đàm đạo văn chương như những người bạn thân thiết từ bao giờ. Sau buổi sơ ngộ đó, cứ một hai tuần Hoàng Vũ Thuật lại cưỡi chiếc win màu đen từ Hồng Thủy về Đồng Hới. Chúng tôi gồm Hoàng Vũ Thuật, Hải Kỳ, Đỗ Hoàng và anh Văn Tăng lập thành một nhóm bạn thơ “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Chúng tôi thường tổ chức những cuộc sinh hoạt thơ tự phát khi ở phòng tôi, khi ở nhà anh Văn Tăng, khi ở căn phòng tập thể của vợ chồng Hải Kỳ...

Trong những buổi sinh hoạt thơ ngẫu hứng như thế thường có một vài bóng hồng nên chúng tôi chủ yếu là đọc thơ tình. Hứng lên, chúng tôi còn kéo nhau ra Trung Trạch thăm nhà thơ cầm cày Hồng Thế hoặc vào Cam Thủy thăm Phạm Hữu Xướng.

Trong nhật ký Hải Kỳ có đoạn; “Nghĩ buồn cười cho những đứa làm thơ phú. Khi người ta hối hả về nhà nghỉ lễ thì bọn mình rời nhà cửa vợ con ra đi. Say bạn hơn say cả tình nhân. Thật là những mối tình văn nghệ, chỉ biết có văn chương, chẳng còn biết trời đất gì”. Tôi nhớ nhất là chuyến đi Mỹ Thủy dự cưới Đỗ Hoàng. Trước ngày cưới, chúng tôi tổ chức cuộc gặp mặt với các  bạn yêu thơ Lệ Thủy.

Đó là một đêm trăng sáng. Gió từ sông Kiến Giang thổi vào mát rượi. Sự có mặt của hai hoa khôi cùng với men rượu quê say nồng làm cho các thi sĩ đọc thơ như lên đồng. Nhất là Hoàng Vũ Thuật! Tôi nhớ hôm đó anh đọc thật hay bài thơ Không đề: anh là kẻ có tội/ vì đã dám yêu em/ như người trần cháy khát/ uống liều cốc nước tiên/ em sẽ trừng phạt anh/ tống giam anh địa ngục/ trói chặt cả hai chân/ bằng sơi dây xích sắt/ rồi em làm quan tòa/ đưa anh ra xử án/ và có thể cao hơn/ đem pháp trường xử bắn/ mặc tất anh chẳng cần/ sợ gì dây xích sắt/ nếu đạn bắn vào anh/ sẽ làm em chết mất. Bài thơ này Hoàng Vũ Thuật đọc khá nhiều lần nên mấy anh em  trong nhóm chúng tôi ai cũng thuộc.

Theo tôi, đây là một trong những bài thơ tình hay của anh nhưng chẳng hiểu vì sao một thời gian dài anh không đưa vào tập nào. Mãi đến năm 2010, tôi mới thấy Không đề xuất hiện trong tập thơ Màu (NXB Lao động). Một bài thơ cũ đặt trong tập thơ mới mà không hề cũ chút nào. Kết thúc buổi gặp mặt, hai hoa khôi cùng song ca: Người ơi, người ở đừng về... đầy bịn rịn và lưu luyến.

Năm 1979, Hoàng Vũ Thuật cho ra đời đứa con tinh thần đầu tiên: Tập thơ Những bông hoa trên cát do Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên ấn hành với số lượng đáng nể 1200 cuốn. Tôi cầm tập thơ do Hoàng Vũ Thuật ký tặng với tấm lòng trân trọng và ngưỡng mộ. Hầu hết những bài thơ trong tập như: Về nét hoa văn mang hình ngọn lửa, Con chim ri rí, Mùa lau trắng, Hoa kiều kiều, Xuôi sông Lam nhớ Nguyễn Du... tôi đã từng nghe anh đọc, giờ đọc lại tôi vẫn thấy bồi hồi, xao xuyến.

Và tôi đã thức trắng một đêm ròng để viết đôi lời cảm nhận. Không ngờ bài viết của tôi được chọn đăng số ở đặc san Văn nghệ Bình Trị Thiên. Thành công ban đầu đã kích thích tôi rất nhiều, giúp tôi tự tin vững bước trên lĩnh vực nghiên cứu phê bình cho đến tận bây giờ. Tôi nghĩ: có lẽ đó chính là nhờ cái “duyên thơ” trời xe giữa tôi và Hoàng Vũ Thuật chăng?

Đầu tháng 8 năm 1979, tôi được Ty Giáo dục Bình Trị Thiên điều động vào Huế dạy học sinh chuyên Văn, cũng là năm Hoàng Vũ Thuật nhập học khoa Văn (Đại học Tổng hợp), sau đó công tác ở NXB Thuận Hóa; Hải Kỳ được điều vào Huế bồi dưỡng đội tuyển Văn cấp 2 tham gia thi học sinh giỏi Quốc gia, rồi học tiếp 4 năm ở khoa Văn, Đại học sư phạm; Đỗ Hoàng cũng chuyển vào Huế làm phóng viên báo Dân trước đó.

Nhóm thơ chúng tôi có thêm hai gương mặt mới đó là Ngô Minh, lúc đó cán bộ phòng Tổ chức Ty Thương nghiệp Bình Trị Thiên  và Lê Đình Ty “phó nháy” của hiệu ảnh Phú Xuân. Thời gian đầu mới vào Huế, Hoàng Vũ Thuật tá túc tại căn phòng như tổ chim của tôi ở khu tập thể trường Trưng Trắc. Thỉnh thoảng tôi cùng các bạn lang thang trên đường Huỳnh Thúc Kháng - nơi có ngôi nhà  màu hồng của “nữ sinh Đồng Khánh”.

Hải Kỳ ghi lại: “Mai Văn Hoan, Hoàng Vũ Thuật, Đỗ Hoàng, Lê Đình Ty, Ngô Minh và mình rủ nhau đi thăm cây vú sữa của Hoan. Trời mưa lây rây. Cả bọn đạp xe xuống Bãi Dâu. Bất chợt mưa như trút. Nép tạm vào hiên nhà ven đường. Vuốt nước mưa trên đầu, trên mặt nhìn nhau cười như một bọn mất trí” (Nhật ký Hải Kỳ).

Đầu tháng 11 năm 1980, biết tôi có giấy báo đi học cao học (sau đại học) ở Vinh, cô giáo Chi Mai tổ chức bữa cơm chia tay, có mời cả Hoàng Vũ Thuật cùng dự. Tiễn tôi và Hoàng Vũ Thuật đến giữa sân trường Trưng Trắc, đứng dưới hàng tràm hoa vàng, Chi Mai hỏi nhỏ: Hai anh có biết tràm hoa vàng còn có tên gì nữa không? Hai chúng tôi đều lắc đầu. Còn có tên là cây nhạc ngựa - Chi Mai nói.

Hoàng Vũ Thuật thốt lên: Tên hay quá! Sáng hôm sau, anh mang tặng Chi Mai bài thơ Cây nhạc ngựa với những liên tưởng hết sức bất ngờ: Hàng nhạc ngựa như đàn ngựa chờ anh bên suối/ đất nước những cuộc chia ly kéo đến bất thường/ cửa sổ mở ra gặp một mùi hương/ gặp bầu trời màu mây biên giới/ thu chợt đến mùa thu chờ đợi/ trang sách đọc dở dang để lại trên bàn/ tiếng nhạc ngựa lanh canh ngoài phố...

Hai năm sau (1982), bài thơ Cây nhạc ngưa nhận được giải thưởng của báo Văn nghệ. Có lẽ một phần cũng do cái “duyên thơ” trời xe giữa tôi và Hoàng Vũ Thuật chăng? Đêm trước khi tôi lên đường ra Vinh nhập học, tại hiệu ảnh Phú Xuân, các bạn Hải Kỳ, Ngô Minh, Đỗ Hoàng, Lê Đình Ty đều có thơ tặng. Riêng Hoàng Vũ Thuật có đến hai bài: Con tàu nhịp võng, Bạn và em. Cả hai bài  đều giàu chất liên tưởng, rất đúng phong cách thơ Hoàng Vũ Thuật: Con tàu kéo hồi còi như dòng mực tím/ viết lên núi Ngự Bình/ như cánh áo len viền/ bồi hồi mùa đông Huế... (Con tàu nhịp võng).

Năm 1989, anh đã chọn tiêu đề Thế giới bàn tay trái đặt tên cho tập thơ thứ 5 của mình. Cũng bắt đầu từ đó, anh vạch cho mình một lối đi riêng, không giống ai, thể hiện qua các tập thơ: Đám mây lơ lửng, Tháp nghiêng, Ngôi nhà cỏ, Màu, Mùi.

Sau ngày Bình Trị Thiên tách thành 3 tỉnh (1989), nhóm thơ chúng tôi cũng tách thành 3 nơi. Đỗ Hoàng ra Hà Nội; Hoàng Vũ Thuật, Hải Kỳ, Lê Đình Ty ở Đồng Hới; Huế chỉ còn lại tôi và Ngô Minh. Rồi Hải Kỳ và Lê Đình Ty lần lượt ra đi. Mặc dù Hoàng Vũ Thuật hình thành một nhóm bạn thơ mới ở Quảng Bình nhưng anh vẫn thường xuyên liên lạc với Ngô Minh và tôi.

Tiếc là mấy năm gần đây, Hoàng Vũ Thuật không được khỏe nên anh không thể bia rượu như xưa nữa. Có điều rất lạ là từ đau yếu đến nay anh sáng tác có phần sung sức hơn. Thơ anh xuất hiện liên tục trên báo Văn nghệ, Nhà văn và tác phẩm, Tạp chí Thơ, Văn nghệ Quân đội, Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Nhật Lệ...

Tôi rất trân trọng những người bạn thơ của mình...    

Mai Văn Hoan