.

Minh Hóa: Dấu ấn phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"

Thứ Bảy, 30/09/2017, 10:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn huyện Minh Hóa không ngừng được đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức, khơi dậy được tiềm năng, sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân.

Để thực hiện hiệu quả phong trào TDĐKXDĐSVH, Ban chỉ đạo phong trào huyện đã nghiên cứu các văn bản chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn về quy trình, phương pháp xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, đơn vị văn hoá trong toàn huyện. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào được chú trọng xuyên suốt từ huyện đến tận các thôn, bản.

Trong đó, công tác kiện toàn ban chỉ đạo từ cấp huyện đến cấp cơ sở được quan tâm. Sau đó, các ban đã căn cứ vào tình hình, đặc điểm của đơn vị mình để xây dựng phong trào theo đúng quy trình phù hợp, dựa trên ý chí, nguyện vọng cũng như sự tự giác của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức...

Thông qua các hoạt động trong phong trào đã góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào đời sống nhân dân. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trên tất các các lĩnh vực. Đặc biệt, Ban chỉ đạo các cấp luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm nên đã tích cực tuyên truyền, phổ biến về nội dung, tiêu chuẩn xây dựng. Nhờ đó, nhận thức của người dân về vai trò của mình trong phong trào TDĐKXDĐSVH ngày càng nâng lên.

Các hoạt động thể dục, thể thao trên địa bàn huyện Minh Hóa luôn được duy trì và phát triển.
Các hoạt động thể dục, thể thao trên địa bàn huyện Minh Hóa luôn được duy trì và phát triển.

Tính đến nay, toàn huyện Minh Hóa có 7.399/12.935 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Ông Đinh Thanh Hải, một người dân ở xã Hóa Hợp tâm sự: “Nhằm xây dựng gia đình văn hóa, tôi thường xuyên nhắc nhở con cháu trong nhà luôn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, răn dạy con cháu biết vâng lời ông bà, cha mẹ.

Trong đám cưới con, tôi cũng không tổ chức tiệc tùng để tiết kiệm chi phí và mời khách đến dự không quá 300 người. Vừa rồi, có người anh trai mất, gia đình tôi cũng thực hiện việc cúng tế tiết kiệm, phù hợp với phong tục tập quán của địa phương”.

Phong trào xây dựng làng văn hóa tiếp tục nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân. Qua triển khai thực hiện, các thôn, bản có đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển, đời sống tinh thần ngày càng phong phú. Bà con luôn chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực xây dựng cảnh quan môi trường sạch đẹp. Phong trào giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới tiếp tục được nhân rộng.

Bên cạnh đó, các xã, thị trấn đưa nội dung việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ cưới, tang, lễ hội vào tiêu chí các danh hiệu văn hóa. Nhờ đó, trên địa bàn đã có nhiều gia đình tổ chức đám cưới, đám tang theo nếp sống mới, được cán bộ và nhân dân hưởng ứng cao, nhiều hủ tục lạc hậu ở vùng dân tộc thiểu số dần được xóa bỏ. Đến nay, trên địa bàn huyện có 85/135 thôn, bản, tiểu khu đạt chuẩn văn hoá, có 111 thôn, bản có nhà văn hóa đạt chuẩn, 135/135 thôn bản, tiểu khu xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước.

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện tốt quy ước xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Từ đó, các đơn vị nâng cao tính kỷ cương, nền nếp nơi công sở, ý thức chấp hành kỷ luật công tác, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy các phong trào thi đua lao động, sản xuất, thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Hoạt động phối hợp xây dựng cơ quan, đơn vị có nếp sống văn hóa đang được triển khai hiệu quả. Đến nay, tổng số cơ quan, đơn vị được công nhận danh hiệu đơn vị đạt chuẩn văn hóa là 50/120 đơn vị.

Ông Lê Đình Thi, Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng huyện Minh Hóa chia sẻ: “Thực hiện công tác xây dựng đơn vị văn hóa, chúng tôi luôn quán triệt anh chị em trong cơ quan đi làm đúng giờ, giữ tác phong lề lối trong công việc, hết lòng phục vụ nhân dân”.

Ông Đinh Ngọc Tọa, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Minh Hóa cho biết: “Hiệu quả rõ nhất của phong trào TDĐKXDĐSVH là góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế ở địa phương. Đồng thời, phong trào nâng cao ý thức giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, tạo cho người dân, cơ quan, đơn vị có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Quan hệ giữa các cá nhân và cộng đồng chặt chẽ hơn, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó. Việc thực hiện hương ước, quy ước văn hóa ở cơ sở được triển khai thực hiện thường xuyên, do vậy các tập tục lạc hậu dần được xóa bỏ”.

Phong trào còn thúc đẩy hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn thêm sôi nổi. Công tác quy hoạch đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được quan tâm. Hệ thống thông tin đại chúng ngày càng phát triển, mạng lưới y tế phát triển toàn diện. Những kết quả đạt được từ phong trào không chỉ đánh dấu sự chuyển biến tích cực về ý thức cộng đồng mà còn tạo sự gắn kết các gia đình, dòng tộc; tạo động lực cho nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Xuân Vương