.

"Biển Quảng Bình" một tình yêu dân tộc

Thứ Ba, 19/09/2017, 09:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Biển Quảng Bình là tập thơ văn chào mừng hội nghị văn hóa miền biển toàn miền Bắc họp tại Nhân Trạch (Bố Trạch) tháng 12-1963, do Ty văn hóa thông tin Quảng Bình xuất bản.

Tập thơ văn ra đời cách đây đã hơn 50 năm, nhưng những gì mà các nhà văn, nhà thơ thời bấy giờ gửi gắm vào những câu thơ, trang văn đều thể hiện tinh thần yêu quê hương đất nước, yêu biên giới hải đảo và nơi đâu cũng có dấu ấn biển trời của Tổ quốc.

Bìa tập sách Biển Quảng Bình do Ty Văn hóa Thông tin Quảng Bình xuất bản năm 1963.
Bìa tập sách Biển Quảng Bình do Ty Văn hóa Thông tin Quảng Bình xuất bản năm 1963.

Sự hiện diện của tập thơ văn “Biển Quảng Bình” trước đó và trong hoàn cảnh hiện nay lại càng có ý nghĩa khi cả đất nước đều hướng về biển và hải đảo.

Sự góp mặt của các nhà thơ, nhà văn trong tập sách này gồm có: Xuân Hoàng, Thanh Hảo, Nguyễn Văn Dinh, Lê Hồng Cần, Dương Tử Giang, Nguyễn Văn Sử, Lê Nguyên, Hải Bằng, Hồ Ngọc Ánh, Hoàng Ái Hữu, Văn Hiệp, Lương Thiện, Lê Công Khai, Anh Minh, Hồ Thanh Hà, Lam Xuyên, Thái Thị Huyền Cân, Đào Nguyên, Thanh Nghị, Hồng Tâm, Trần Công Tấn. Với 33 tác phẩm thơ, văn, mỗi người mang một vẻ tài năng khác nhau.

Cho dù là thơ hay văn xuôi, tình cảm của tác giả dành cho vùng đất, con người, công việc của miền biển Quảng Bình là rất lớn. Nhà thơ Thái Thị Huyền Cân đã ca ngợi các cô gái Cảnh Dương đảm đang, tháo vát: “Gái Cảnh Dương, đeo gươm, vác súng/Đánh thằng Tây ôm bụng van trời/Ngày nay đan lưới, san đồi/Biết nung gạch ngói, làm vôi, nấu dầu/Biết xếp đôi thúng buôn trầu/Biết bỏ đôi sọt hai đầu chè xanh/Nghề cưa các chị cũng tinh/Xẻ gỗ nhanh tựa dao phanh cá ngừ/Ai ai cũng phải trầm trồ/Gái Cảnh Dương cừ chẳng kém gì trai”.

Nhà thơ Xuân Hoàng trong bài thơ Nhớ Quách Xuân Kỳ đã có những câu thơ về biển Quang Phú rất hay: “Quang Phú ngày nay lên hợp tác/Cờ đầu miền biển đấy Kỳ ơi/Ở đây có đội mang tên cậu/Vượt sóng ra vào khắp lộng khơi”.

Nhà thơ Thanh Hảo cũng nhắc lại làng biển Lý Nhân Nam ngày trước nghèo xơ xác, biển sông đói cá, người dân bỏ làng ra đi. Vậy rồi, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, của cách mạng, làng biển này đổi thay rõ rệt: “Dập vùi, cát bỏng, sóng xô/Ngờ đâu Đảng đến, giương cờ vùng lên/Từ cách mạng chòm trên xóm dưới/Ấm lòng người nước tưới cây khô/Biển vui sóng vỗ nhấp nhô/Thuyền vui lưới bủa trên bờ cá giăng”.

Cũng là Hợp tác xã Lý Nhân Nam, nhưng nhà thơ Nguyễn Văn Dinh lại có cách nhìn khác hơn qua đôi mắt của người con xứ biển: “Chiều chiều thuyền cập bến, bãi cát thành chợ hôm/Cá làm vui cho người, người làm giàu cho hợp tác/Đêm đêm cá ngời lân tinh như chuỗi ngọc trai óng bạc/Cá đầy khoang như ngọc đầy khoang/Những thuyền cá bên nhau gối bãi trăng vàng....”.

Biển Bảo Ninh được nhà thơ Dương Tử Giang diễn tả qua một trường ca dài, ca ngợi về vùng đất và con người miền biển nơi có chiến khu Vườn Ba của xã Bảo Ninh trong kháng chiến: “Dòng nước mạch ngầm soi động cát/Rừng phi lao bám sát biển Đông/Hừng hực cờ mọc ngang sông/Đố ai ngăn nổi gió lồng Bảo Ninh” (Bài ca Bảo Ninh).

Nhà thơ Nguyễn Văn Sử lại kể chuyện xã viên đội thuyền đánh cá nữ Minh Khai của thôn Mỹ Cảnh, năm 1961, Tỉnh hội phụ nữ Quảng Bình tặng cờ cho phụ nữ Bảo Ninh, lá cờ có thêu chữ “Nữ Minh Khai”: Xã viên đội nữ Minh Khai/Ngày ngày cưỡi sóng ra khơi làm nghề”. Nhà thơ đã ca ngợi những con người bám biển, bám tàu để làm giàu cho quê hương: “Lấy tên cờ phất lên tiến bước/Nữ Minh Khai ngày vượt mức tăng/Thuyền về rộn bến đêm trăng/Thuyền hôm cá nặng, đầy khoang ánh ngời/Nhìn cá vui: thu, ngừ, chim, nục/Nhìn lưới xăm, kỹ thuật nâng cao/Lòng vui đời những tự hào/Tay ôm biển rộng trời cao về mình”.

Trong bài thơ “Gửi Cảnh Dương”, nhà thơ Lê Nguyên cho chúng ta biết về một làng biển anh hùng, nơi cuộc sống của người dân no ấm, làng quê trù phú, có nhà bảo tàng kháng chiến, có những con đường đá tường san hô... Trai gái làng Cảnh Dương gắn bó với công việc: “Trai chài lưới, dong buồm ra hòn Gió/Hò xuất quân vang mặt biển ban mai.../ Những cô gái bỏ đôi quang hàng xén/Rủ nhau về cùng phơi ngói, nung vôi”.

Nhà thơ Hải Bằng, người con xứ Huế cũng đến với miền biển Quảng Bình trong thời cách mạng và có 4 bài thơ tặng cửa Ròn. Mỗi bài thơ đều có một cách mô tả khác nhau về biển. Và cái hay của nhà thơ Hải Bằng là đã gửi hết tâm tình của mình qua các câu hỏi: “Mẹ hỏi con vì sao yêu biển?/Con trả lời nơi mẹ sinh con/Em hỏi anh vì sao yêu biển?/Anh trả lời nơi ấy mặt trời lên/Nếu biển hỏi vì sao yêu biển?/Tôi xin đưa tặng biển những con thuyền”.

Nhà thơ Hoàng Ái Hữu đã tặng đội bóng chuyền nữ thôn Phú Hải hai năm liền vô địch miền Bắc với bài thơ “Thôn chài Phú Hải”: “Phú Hải ơi! Bốn mùa xanh biển gọi/Rộn xóm chài dựng hợp tác cấp cao/Chung sức người: vàng lưới, dây câu/Bãi cát rộng bình minh sóng bủa”.

Nhờ có phong trào làm ăn hợp tác xã mà cuộc sống của nhiều vùng biển Quảng Bình được nâng lên. Nhà thơ Lương Thiện có cảm xúc dâng trào trong bài thơ “Đêm trăng bờ Nhật Lệ”: “Kể từ thuở lên cờ hợp tác/Thuyền chung thuyền, công sức chung nhau/Quản gì sóng gió gian lao/Tiến theo Quang Phú cờ đầu dựng xây/Khen cho đội nữ Minh Khai/Bốn mùa vững lái dã đôi cánh buồm/Cá về nặng gánh đường thôn/Dưới trăng óng ánh hơn muôn sao trời...”

Biển đảo là một phần cơ thể của Tổ quốc, nơi đó sự thiêng liêng của sóng cả, đảo xa, có sự sống và tài nguyên vô tận. Nhà thơ Nguyễn Văn Dinh đã nhắc đến hình ảnh “Thuyền ta bám biển không rời/Đầy khoang cá bạc ngời ngời/Thuyền về cập bến tiếng cười ròn tan”. Tác giả cũng đã thể hiện được tinh thần yêu nước của mình qua bài thơ “Giữ cho bể lặng sóng êm”: “Chim ơi! Ta bảo chim này/Xạ kích ta tập đêm ngày chóng quen/Giữ cho bể lặng sóng êm/Đảo xa chim đậu bình yên kiếm mồi”.

Quảng Bình nơi được mệnh danh là quê hương của gió và cát. Trong bài thơ “Nghe sóng”, nhà thơ Anh Minh đã ví: “Lòng nghe sóng từng ngày rào rạt/Quê hương ta bát ngát biển xanh/Nhà ta; thuyền, trại, ghe mành/Đảo xa bãi vắng vẫn tình quê hương”.

Trong cuộc sống, có rất nhiều người được lớn lên từ biển, họ yêu biển, yêu quê hương, yêu sự sống như nhà thơ Hồ Thanh Hà trong bài thơ “Giữ biển” đã tâm sự: “Tôi yêu biển từ trong bụng mẹ/Tuổi lên năm cắt giấy xếp thuyền/Mơ ra biển cho thành thủy thủ/Biển nuôi tôi vỗ cánh bay lên”.

Đến với văn xuôi, người đọc sẽ cảm nhận được về miền biển Quảng Bình qua các bút kí “Tiếng gọi của biển” (Xuân Hoàng), truyện ngắn “Lại ra khơi” (Trần Công Tấn). Các tác phẩm này đều ca ngợi vùng đất và con người miền biển, như: nói về Hợp tác xã Quang Phú, đội đánh cá Gia Ninh... “Những thế hệ trẻ mới sinh ra rồi cũng mang thông điệp đến với biển một khi họ lớn lên rằng “Người công dân tí hon của cái làng mới đó hẳn cũng đang bắt đầu làm quen với tiếng biển gọi cha chú mình lên đường ra khơi trong những buổi đẹp trời””.

Qua những bài thơ và văn xuôi, tập thơ văn “Biển Quảng Bình” đã thể hiện một tình yêu dân tộc, một sự khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Người dân chài của các làng biển, các hợp tác xã Lý Nhân Nam, Quang Phú, Bảo Ninh, Cảnh Dương, Cửa Ròn, Đá Nhảy, Phú Hải..., những đội đánh cá nữ Minh Khai..., đã góp phần làm nên nguồn đề tài vô tận cho các nhà văn, nhà thơ lấy cảm hứng sáng tác.

Trần Nguyễn Khánh Phong