.

Thủ tướng lắng nghe tâm tư của đội ngũ sáng tác, biểu diễn văn nghệ

Thứ Bảy, 05/08/2017, 19:08 [GMT+7]

Chiều 4-8. tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Liên hiệp các hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam và các hội chuyên ngành Trung ương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Đây là lần đầu tiên trên cương vị Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi gặp gỡ, tìm hiểu đời sống, hoạt động sáng tạo và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ sáng tác, biểu diễn và sưu tầm văn học nghệ thuật nước nhà.

Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ có những biện pháp hỗ trợ để giới văn nghệ sỹ tiếp tục có thêm nhiều tác phẩm có chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật, phản ánh sâu sắc hiện thực đất nước, thành tựu của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Cùng dự buổi làm việc có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Văn học nghệ thuật phát triển tích cực

Theo báo cáo của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, mặc dù còn không ít trở ngại, khó khăn nhưng tình hình sáng tác văn học, nghệ thuật của cả nước vẫn có sự phát triển tích cực.

Số lượng các tác phẩm văn học, nghệ thuật nhiều gấp bội, xuất hiện một số tác phẩm có chiều sâu về tư tưởng và nghệ thuật. Không gian suy nghĩ, cảm hứng, phương pháp sáng tạo được rộng mở.

Văn nghệ sỹ tự tin, năng động, tiềm năng sáng tạo của người nghệ sỹ được giải phóng. Bức tranh văn nghệ trở nên phong phú, sống động, nhiều mầu sắc.

Văn học, nghệ thuật đang vươn lên, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa đa dạng và ngày càng cao của nhân dân.

Tại buổi làm việc, thay mặt cho các tổ chức thành viên, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gửi tới Thủ tướng và Chính phủ 9 kiến nghị với mục tiêu tháo gỡ khó khăn trong sáng tác và đời sống của văn nghệ sỹ cả nước; tiếp tục sự nghiệp phát triển triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước.

Theo đó, Liên hiệp các hội kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi quy trình, điều kiện xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước phù hợp và sát thực hơn với tình hình thực tế của nền văn học nghệ thuật nước nhà; đảm bảo chính sách thường xuyên để hỗ trợ sáng tạo văn học, nghệ thuật.

Cùng với đó, Liên hiệp các hội cũng mong muốn Chính phủ có chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho văn nghệ sỹ gặp khó khăn trong đời sống theo mô hình Làng nghệ sỹ; có chính sách hỗ trợ hoạt động sân khấu, đặc biệt là sân khấu dân tộc hiện đang trong tình trạng rất khó khăn, lạc hậu rất xa so với châu lục; tạo cơ chế để các văn nghệ sỹ đóng góp vào quy trình xây dựng, hoàn thiện sách giáo khoa, góp phần bồi dưỡng kiến thức văn học nghệ thuật cho các thế hệ học sinh, sinh viên.

Tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp

Trong số các kiến nghị được nêu ra tại buổi làm việc, vấn đề trung tâm và cũng là bức xúc lớn nhất ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh tại buổi làm việc chính là nội dung trong dự thảo Luật về Hội đang được Bộ Nội vụ xây dựng.

Theo đó, dự thảo thay đổi mô hình hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam từ mô hình tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp thành mô hình tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Không tán thành với quan điểm này, phía Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam mong muốn việc xây dựng Luật về Hội phải phù hợp và bám sát tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Cho ý kiến về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tán thành và nhất trí cao với quan điểm của các văn nghệ sỹ, lãnh đạo Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Với tư cách Thủ tướng Chính phủ, tôi hoàn toàn ủng hộ như tinh thần Nghị quyết 23 đã nêu, đây là tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp phục vụ sự nghiệp Cách mạng của dân tộc đặt dưới lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, Thủ tướng nhấn mạnh.

Một lòng theo Đảng, theo cách mạng

Lắng nghe và tiếp thu mọi ý kiến tại buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các tổ chức thành viên trong những năm qua.

Thủ tướng cũng trân trọng gửi lời thăm hỏi ân cần đến trên 40 ngàn văn nghệ sỹ, những người làm công tác văn hóa nghệ thuật trong cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, văn hóa, văn học nghệ thuật có vai trò đặc biệt trong đời sống kinh tế xã hội, điều này đã được thê hiện rõ qua các Nghị quyết 33, Nghị quyết 11 của Đảng.

Thủ tướng đánh giá những ý kiến của các văn nghệ sỹ tại buổi làm việc là hết sức tâm huyết, thể hiện trách nhiệm của giới văn nghệ sỹ.

“Thấy được các đồng chí một lòng theo Đảng, theo cách mạng, gắn với sự nghiệp cách mạng và chính các đồng chí đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta,” Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng nhận thấy, trong quá trình phát triển, hoạt động của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật cũng còn nhiều khó khăn cần được xử lý sớm.

Nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo phát triển sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của đất nước nhưng quá trình giải quyết các vấn đề cụ thể còn có những bất cập, Thủ tướng cũng thẳng thắn cho rằng những bất cập đó thuộc về trách nhiệm của khối Nhà nước, của Chính phủ và bản thân Thủ tướng.

Thủ tướng vui mừng nhận thấy từ khi có Nghị quyết 23/2008 và Nghị quyết số 33/2014 của Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, giới văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã thể hiện rõ tinh thần đồng hành, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững phẩm chất cách mạng, đấu tranh với cái xấu, cái ác, cổ vũ khát vọng vươn lên của dân tộc, xây dựng lối sống người Việt Nam.

Kết quả này tiếp tục khẳng định truyền thống quý báu của Liên hiệp các hội qua 70 năm trưởng thành; thực sự trở thành ngôi nhà chung cho các tổ chức thành viên, có vai quan trọng, là đầu mối quảng bá, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống dân tộc thông qua các hoạt động, bồi dưỡng, phát triển các tác phẩm văn hóa nghệ thuật.

Góp ý nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, Liên hiệp các hội chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh của các văn nghệ sỹ; chưa biết xử lý tiền bạc, ngân sách cho đúng, kịp thời.

Vấn đề xã hội hóa nguồn lực chưa được chỉ đạo tốt từ trung ương đến địa phương. Đời sống của nhiều anh em văn nghệ sỹ còn khó khăn; kinh phí hỗ trợ đãi ngộ, đào tạo, khuyến khích tài năng của Nhà nước còn hạn chế…

Đất nước và nhân dân mong muốn ngày càng có nhiều tác phẩm của anh chị em văn nghệ sỹ Việt Nam xứng tầm hơn nữa, chiếm lĩnh trận địa văn hóa tư tưởng thông qua văn học nghệ thuật, Thủ tướng bảy tỏ và nhấn mạnh: “Chúng ta không chạy theo thị trường, chúng ta không phải xã hội thị trường nhưng nghiên cứu những xu hướng của thị trường, nhu cầu của thị trường để đáp ứng nhu cầu của quần chúng là vấn đề rất lớn của từng văn nghệ sỹ cũng như các tổ chức có liên quan.”

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam chú trọng hơn nữa việc xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ cả về số lượng và chất lượng; quan tâm đào tạo bồi dưỡng tài năng trẻ, tăng cường kết nối bồi dưỡng nghề nghiệp giữa các thế hệ văn nghệ sỹ; tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động, nâng cao khả năng tập hợp, tạo môi trường thuận lợi để phát huy tài năng.

Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cũng cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới công tác lý luận phê bình văn hóa nghệ thuật để hoạt động này thực sự có tính khoa học, thuyết phục và hiệu quả hơn, tránh tư tưởng 1 chiều; đổi mới công tác sáng tác sưu tầm có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, tạo môi trường không gian thuận lợi cho hoạt động sáng tạo để có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, loại hình có tác động lan tỏa trong xã hội.

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các tổ chức thành viên cần chủ động tăng cường các giải pháp cụ thể phòng, chống sự xâm nhập các sản phẩm phi văn hóa và âm ưu diễn biến hòa bình thông qua văn hóa tư tưởng.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chính sách đối với văn hóa nghệ thuật; tiếp tục nghiên cứu chính sách xã hội hóa, tăng cường tài trợ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật chứ không chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước.

Thủ tướng cũng cơ bản đồng ý về chủ trương đối với những kiến nghị được nêu ra tại buổi làm việc liên quan đến những vấn đề như kinh phí hỗ trợ hoạt động; hỗ trợ cho các nghệ sỹ tiêu biểu gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ hoạt động cho các cơ quan báo chí của Liên hiệp các hội; vấn đề nhà ở xã hội cho văn nghệ sỹ gặp khó khăn về nơi ở…/.

Theo Quang Vũ-Đăng Quang (TTXVN/Vietnam+)