.

Thắm tình làn điệu hò khoan...

Thứ Năm, 31/08/2017, 08:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Lệ Thủy, vùng quê giàu truyền thống cách mạng và văn hóa. Nói đến Lệ Thủy không thể không nhắc đến hò khoan. Với lối hát dung dị, mộc mạc và gần gũi, làn điệu dân ca này từ bao đời nay đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi một người dân quê lúa. Bởi vậy, hò khoan được xem như một “bảo tàng”, lưu giữ nét đẹp truyền thống, văn hóa tinh thần của người dân Lệ Thủy qua bao thế hệ. Và để ghi nhận những giá trị văn hóa đặc sắc đó, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch đã công nhận hò khoan Lệ Thủy là Di sản Văn hóa (DSVH) phi vật thể cấp Quốc gia.   

Ông Nguyễn Văn Duyệt ở thôn Lê Xá, xã Mai Thủy là một nghệ nhân hò khoan. Dù đã ở tuổi ngoài 80, từng có hơn 40 năm vật lộn với nghề sơn tràng nhưng ông vẫn còn minh mẫn lắm. Những làn điệu hò khoan được ông thể hiện hết sức mượt mà, minh chứng sự thăng trầm, nỗi vất vả và tinh thần lạc quan của con người trong cuộc sống. Giữa bạt ngàn những cánh rừng keo, tràm của xã Mai Thủy, làn điệu hò lỉa trâu (hò lơi) được ông thể hiện khiến người nghe rung động: “Hơ... Đòn dài vai rộng, chân bấm cổ cò, nghe giọng chàng hò cong lưng mà... bấm tới.  Hà... hơi... i lơi... Con ai dò dỏ (nho nhỏ-PV) tóc bỏ ngang vai, bốn bề rú rậm lại đốt hà... a... ơ than một hô... mình. Hơ... hơi, ra về nhớ bạn chơi vơi... xăm xăm bước tới bến ơ... đò... hà... gặp em...”.  

Nét sâu lắng, mặn mà thể hiện lối sống dung dị, mộc mạc được người dân Lệ Thủy hình tượng hóa qua những làn điệu hò khoan đã thực sự thấm sâu vào tâm khảm của mỗi một thực thể sống. Đã là người Lệ Thủy, dù ở tuổi “xưa nay hiếm” hay một đứa trẻ mới chào đời đều được cảm nhận những tình cảm chân thành, được nuôi dưỡng, lớn lên trong làn điệu hò khoan. Em Trương Phan Thảo Ly, học sinh lớp 4 Trường tiểu học số 1 Hồng Thủy đã chứng minh cho chúng tôi thấy điều đó. Trong sân trường, dưới gốc cây bàng cổ thụ, điệu hò khoan được em cất lên khiến cho mọi thanh âm, sự náo nhiệt như lắng xuống: “Hô khoan ơ... hờ xin mời tất cả số ơ... con. Ơi là... hố. Đất nước quê hương đẹp tươi giàu mạnh, chúng em người làm chủ tương ơ... lai. Ơ... khoan, ơi là... Hố khoan ơi hò khoan. Rèn đức luyện tài sớm hôm chăm ơ... chỉ. Ơi là... hố. Ơ... hờ... ơ... không phụ công ơn cô ơ... thầy.”

Một tiết mục biểu diễn của các nghệ nhân Câu lạc bộ hò khoan Lệ Thủy.
Một tiết mục biểu diễn của các nghệ nhân Câu lạc bộ hò khoan Lệ Thủy.

Không chỉ thể hiện muôn mặt đời thường của cuộc sống, hò khoan còn là phương thức thể hiện khát vọng, đạo lý, nhắc nhủ con người sống giữ trọn chữ hiếu, trung, nhân, nghĩa và đặc biệt là tình yêu lứa đôi. Từ gần một thế kỷ qua, hò khoan cũng đã gắn bó, song hành với lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, thể hiện nét độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc, hòa quyện với đất trời, được người dân Lệ Thủy bao đời vun đắp và phát huy.

Bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc của hò khoan Lệ Thủy không chỉ là trách nhiệm của mỗi một người dân mà còn là của các cấp chính quyền địa phương. Nhận thức được giá trị của hò khoan, Huyện ủy Lệ Thủy chỉ đạo việc bảo tồn và phát triển các làn điệu. UBND huyện đã giao cho các cơ quan chuyên môn chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở tổ chức thực hiện công tác bảo tồn và phát triển hò khoan Lệ Thủy bằng việc tổ chức các lớp tập huấn hàng năm về hò khoan cho hạt nhân các câu lạc bộ (CLB) và cán bộ văn hóa các xã, thị trấn trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện đã có 206 CLB hò khoan tại các thôn, bản, tổ dân phố; 68 CLB hò khoan của các trường học; 1 CLB nghệ nhân hò khoan cấp huyện. Mặt khác, các địa phương chủ động tổ chức các hội thi, liên hoan văn nghệ, dạ hội văn nghệ của các làng, xã, huyện; phối hợp quảng bá các làn điệu hò khoan đến với công chúng trong và ngoài huyện; đăng tải và xuất bản nhiều tài liệu về hò khoan Lệ Thủy; mở các lớp truyền dạy về hò khoan cho học sinh các cấp học và các hạt nhân văn nghệ trẻ; tổ chức giao lưu văn hóa hò khoan Lệ Thủy tại một số tỉnh thành trong nước... Đặc biệt, từ năm 2012, Phòng GD-ĐT Lệ Thủy đã đưa hò khoan Lệ Thủy vào giảng dạy ở các trường học trên địa bàn, đồng thời mở trang “Hò khoan Lệ Thủy” trên Website của ngành để quảng bá, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản hò khoan Lệ Thủy.

Đồng chí Lê Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy chia sẻ: Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị DSVH hò khoan Lệ Thủy, thời gian tới, UBND huyện Lệ Thủy tiếp tục tăng cường quản lý, đầu tư kết hợp với vận động xã hội hóa; tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo và đầu tư của Trung ương và của tỉnh nhằm đáp ứng cho các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH phi vật thể hò khoan Lệ Thủy. Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường công tác xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, phát huy di sản như ban hành kế hoạch bảo tồn, phát triển, quản lý hò khoan Lệ Thủy; thành lập các quỹ vận động bảo tồn và phát triển hò khoan Lệ Thủy của con em xa quê tâm huyết với quê hương...

Học sinh Trường tiểu học số 1 Hồng Thủy trong giờ sinh hoạt hò khoan Lệ Thủy.
Học sinh Trường tiểu học số 1 Hồng Thủy trong giờ sinh hoạt hò khoan Lệ Thủy.

Với tư cách là Trưởng phòng Văn hóa thông tin của huyện, đồng chí Nguyễn Dương cho rằng, việc nâng cao nhận thức về vai trò của hò khoan Lệ Thủy trong xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây cũng chính là mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội huyện đang quyết tâm thực hiện nhằm đưa Lệ Thủy trở thành một điểm đến của du lịch phía Nam Quảng Bình. Cùng với lễ hội bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chùa Hoằng Phúc, suối nước khoáng Bang, hò khoan Lệ Thủy sẽ góp phần không nhỏ hình thành tour du lịch đưa du khách đến khám phá vùng đất đầy tiềm năng, đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Lệ Thủy. Mặt khác, việc nâng cao năng lực tự quản của cộng đồng, khuyến khích và động viên các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động phát huy giá trị DSVH hò khoan Lệ Thủy cũng sẽ góp phần nuôi dưỡng, mở rộng đối tượng cảm nhận và hưởng thụ loại hình văn hóa đặc sắc này.

Trong xu thế phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, sự tác động của các yếu tố văn hóa hiện đại, hội nhập khiến một bộ phận thế hệ trẻ ngày nay chưa thực sự mặn mà với các làn điệu hò khoan Lệ Thủy. Vì thế, bảo tồn và phát triển các giá trị của DSVH hò khoan Lệ Thủy là yêu cầu bức thiết nhằm cường quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế. Trước mắt, địa phương cần tiếp tục chỉ đạo ngành Giáo dục – Đào tạo đưa hò khoan Lệ Thủy vào chương trình giảng dạy từ bậc mầm non đến trung học cơ sở. Bên cạnh đó, huyện cũng cần tổ chức những cuộc thi, hội diễn giữa các trường, các cấp học, các đơn vị trong huyện về hò khoan Lệ Thủy, tạo nền tảng để giữ gìn làn điệu dân ca của quê hương.

Nguyễn Hoàng