.

Những người bạn

Chủ Nhật, 20/08/2017, 09:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Rời trường cấp ba của huyện, bạn cùng lớp tôi tỏa đi muôn phương. Nỗi lo ngành nghề, cơm áo rồi vợ con đã kéo chúng tôi đi qua nhiều năm tháng; tuổi xế chiều mới ngoảnh lại, tìm nhau. Hai mươi lăm năm sau ngày chia tay, chúng tôi mới lần đầu họp lớp cũ, đúng như lời ca “trường quen vắng ta nay ta lại về”.

Khoảng thời gian ấy đủ để tạo nên sự khác biệt giữa chúng tôi và khiến ai cũng xuýt xoa, ngỡ ngàng khi gặp lại. Bên những chủ tịch huyện, giám đốc sở là những người thợ xây, làm ruộng; người từng đi nhiều nơi trên thế giới nhưng có kẻ vẫn quanh quẩn ở làng; bạn giỏi toán ngày xưa nay thành danh với nghề báo, cô giỏi văn lại chễm chệ cùng sạp vải ngoài chợ... Nhưng có hai người khác nhau đến đối lập như một nghịch lý khiến bạn cùng lớp nể phục khi nhắc đến người này và thương cảm khi nhắc đến người kia; đó là Đa và Chiến.

Hồi đi học, Đa không giỏi nhưng lanh; việc cậu được điểm cao trong các bài kiểm tra một phần nhờ sự “cứu trợ” của các bạn ngồi cạnh. Bởi lanh nên các chiêu trò nhảy rào trốn học hay quậy phá của cậu không dễ bị thầy cô bắt sống. Gặp lại sau nhiều năm, ai cũng trố mắt khi biết thằng bạn chuyên đầu têu chuyện ngỗ ngược khi xưa nay đã trở thành tiến sĩ, viện trưởng viện nghiên cứu của một bộ.

Vừa nhận quyết định bổ nhiệm viện trưởng, Đa về mở tiệc chiêu đãi cả làng, có lẽ chẳng thua ông nghè ngày trước vinh quy bái tổ. Cầm phong bì mời dự tiệc có ghi cả cấp bậc chức vụ, học hàm học vị của gia chủ, tôi cảm tưởng xa lạ hơn là thân tình. Đa điều nhiều thuộc cấp ở xa hàng trăm cây số về quê phục vụ cho bữa vui; rồi từ trang trí đến trang phục, từ lời giới thiệu đến phát biểu trịnh trọng của gia đình và đơn vị khiến tôi cảm tưởng đang dự buổi lễ nào đó ở cơ quan. Và nữa, tuy Đa vừa được bổ nhiệm viện trưởng nhưng trước đó cả năm, người làng và đồng nghiệp ở cơ quan vợ anh đã nghe anh thăng chức đó rồi. Hóa ra, người nhà Đa đã “đi tắt đón đầu”, “tự phong” cho người thân rồi “quảng bá” trước khi tin vui thành hiện thực.

Càng thành đạt, Đa càng chăm về quê làm việc thiện. Tặng quà người già, tặng cặp và vở cho học sinh nghèo vượt khó, tặng cây xanh và ghế đá cho trường tiểu học của xã... là những việc Đa đã từng. Nghĩa cử ấy của anh càng được nhiều người biết bởi trên mỗi gói quà đều ghi rõ người hảo tâm; cả những cây xanh chưa kịp đâm chồi cũng cúi mình mang tấm biển to tướng ghi tên người tặng. Và nữa, báo chí,

Facebook cũng góp phần tiếp sức để tiếng thơm của bạn tôi lan tỏa, bay xa. Việc thiện nguyện của Đa đã nhiều lần lên báo; nếu không, anh cho lên “phây” nên truyền nhanh như tốc độ ánh sáng. Với nhiều người cùng quê, Đa là niềm tự hào của làng xã; là người con ưu tú của quê hương, trọn vẹn cả thành đạt và hiếu nghĩa. Người thận trọng thì buông lời xa xôi: “Không ít kẻ làm việc thiện cốt để đánh bóng tên tuổi, để nhiều người biết mình.”

Minh họa (Tiến Hành)
Minh họa (Tiến Hành)

Họp lớp, trong khi Đa hào hứng kể về những trở ngại anh đã qua để thành “chánh quả” thì đồng môn Thông (đang phụ trách văn phòng đại diện của một tờ báo lớn) ghé tai tôi: “Đa phát triển nhanh còn nhờ quan hệ giỏi”. Quả có thế, cứ nhìn những tấm ảnh được treo nhiều tầng nơi phòng khách nhà anh cũng phần nào thấy sự quảng giao của gia chủ. Đó là những tấm ảnh Đa chụp chung với các sếp; cấp trung ương có, địa phương lại càng nhiều. Khách tới nhà, anh giới thiệu lai lịch từng tấm ảnh, không quên “khoe” mối quan hệ giữa mình với những người đứng cạnh. Chỉ nghe giọng cũng biết anh tự đắc lắm lắm về những mối quan hệ ở tầm “vĩ mô”. Những người cùng huyện cùng xã làm to ở trung ương đều được Đa tìm cách kết thân, có khi bỗng dưng trở thành bà con... tù mù; đại loại như “Anh người yêu con ông bác thằng bạn”. Người lạ nghe kể các mối quan hệ của anh thì nể; kẻ biết chuyện, chỉ cười: “Trò tạo thế, giải quyết khâu oai đấy mà.”

Chương trình họp lớp của chúng tôi có mục tạm gọi là “tự kể chuyện”; mỗi người có thể tự bạch về gia cảnh, công việc, làm ăn. Trong khi Đa lung khởi bao đồng về mình thì Chiến cực ngắn khi san sẻ chuyện riêng. Anh kể vắn tắt về vợ con, chuyện mưu sinh càng vắn tắt hơn: “Về việc làm ăn, ngày ngày các bạn vẫn thấy những đồng nghiệp của mình thập thò, khép nép ở quán cà phê, quán nhậu. Vậy nên ai cũng biết rồi, có gì đáng kể đâu”. Chiến nói về nghề bán vé số của mình bằng giọng tưng tửng, pha chút tự trào như thế. Đáp lại, cả lớp lặng thinh.

Hồi trẻ, Chiến học giỏi đều các môn; riêng tiếng Anh, cậu không có đối thủ ở trường. Nhớ tốt, bắt chước tài trong phát âm, lại chăm khiến Chiến thành siêu sao trong môn học này. Cậu đậu đại học nhưng không được nhập học bởi quá khứ dzích dzắc của cha. Chúng tôi buồn thay cho bạn nhưng Chiến chẳng hề oán thán; chỉ nuối tiếc, buông xuôi: “Thôi đành vậy”. Trong khi bạn bè tung tăng phơi phới vào các trường đại học, dạy nghề thì Chiến lặng lẽ về với con trâu, đồng ruộng. Anh được bà con bầu làm đội phó sản xuất của hợp tác xã, chuyên lo phân, giống, thuốc trừ sâu và gắn bó với việc này nhiều năm cho tới khi hợp tác xã giải thể.

Các con Chiến đều học giỏi giống ba. Cũng giống ba, thằng đầu đậu đại học nhưng đứng trước nguy cơ không được học; nguyên do lần này là  kẹt tiền. Biết chuyện, lớp chúng tôi kết nối và trợ giúp Chiến. Cầm chút tiền mang nghĩa tình của các đồng môn, anh rưng rưng: “Cảm ơn các bạn nhưng chỉ một lần này thôi, nghe”. Về sau, chúng tôi nhiều lần gợi ý giúp các con Chiến nhưng anh từ chối khéo, giọng rắn rỏi: “Mình tự lo được”. Cả khi con thứ hai vào đại học, anh cũng tự gồng mình xoay xở.

Để làm chỗ dựa cho hai con, Chiến rời quê lên phố thuê nhà ở cùng và tìm việc mưu sinh. Anh trụ lại với nghề thợ xây (đúng hơn chỉ là phụ hồ) lâu hơn cả. Lao động nặng, mưa nắng cùng bao lo toan khiến anh gầy quắt queo, già xơ xác. Về họp lớp, ai cũng tròn mắt nhìn Chiến nhưng không dám quở. Sau lần ngã từ giàn giáo khiến một chân khập khiểng và một bên tai nghễnh ngãng, Chiến phải giải nghệ thợ xây. Nhà báo Thông đã tìm cách giúp bạn bằng cách hỗ trợ Chiến mở quầy bán báo và bán vé số. Với nghề này, Chiến không những nuôi hai con học xong đại học mà còn ổn định cuộc sống ở thành phố. Nay hai con đều đã có việc làm với thu nhập khá nên anh có phần thơ thới hơn.

Lần họp lớp trước Tết năm nay, Chiến vắng do ốm. Chúng tôi họp mặt đúng lúc cơn lũ muộn vừa đi qua, cả vùng chiêm trũng của huyện nhà còn lênh láng nước. Đa đưa ra sáng kiến tặng quà những gia đình chúng tôi từng ở trọ thời đi học, nay đang chịu thiệt hại do lũ. Danh nghĩa là của lớp nhưng thực chất tiền quà do Đa bao trọn. Ai cũng hồ hởi, Đa nhìn Thông nháy mắt: “Nhà báo nhớ đưa tin việc thiện nguyện này nhé”. Thông “ô-kê”.

Chợt nhớ Chiến, tôi đề nghị: “Ta nên dành phần quà tặng Chiến; hắn đang ốm, lại khó nhất lớp.” Mọi người ồ lên cộng hưởng; nữ lớp trưởng vỗ tay: “Hay, sao tôi không nghĩ ra nhỉ?!” Riêng Thông bàn lùi: “Không được đâu bởi tôi biết hắn chẳng nhận”. Trong khi các bạn ngơ ngác rồi liên tục “tại sao”, nhà báo vẫn thản nhiên với nhận định chắc như định đề của mình. Sau cùng, anh gợi ý: “Cứ điện nói thẳng với Chiến trước”. Thông cầm máy “thuyết khách” một hồi lâu rồi lắc đầu, chuyển máy cho lớp trưởng. Giọng nữ tha thiết vẫn không lay chuyển được anh. Nói qua nói lại đến nóng cả máy nhưng Chiến vẫn kiên định: “Cảm ơn nhưng các bạn nên chuyển quà cho người khó hơn mình”. Đa ngồi cạnh sốt ruột: “Để tôi” rồi cầm lấy điện thoại. Anh cứ luôn mồm “bạn nghe mình nói nè...”; “bạn nghe mình nói nè...” nhưng Chiến chẳng nghe. Sau cùng, Đa buông máy, lắc đầu thất vọng. Thông được dịp cao giọng: “ Đã bảo mà... ‘Ca’ này hơi bị khó đấy.” “Khó sao?” Đáp lại tò mò của mọi người, Thông vẫn nhẩn nha: “Hắn lạ lắm!” “Lạ sao?” Những ánh mắt háo hức nhìn Thông, chờ đợi.

Theo Thông, dù nhọc nhằn mưu sinh nhưng Chiến rất hay làm từ thiện. Qua đài báo, biết đâu đó có những mảnh đời khốn khó là Chiến tìm đến tòa báo của Thông nhờ chuyển tiền giúp đỡ, không nhiều nhưng thường xuyên. “Có buổi trưa nắng đổ lửa, mình đi nghỉ rồi nhưng Chiến vẫn gõ cửa cơ quan báo gửi tiền giúp một bệnh nhân đang lâm vào đường cùng. Nhìn thằng bạn của mình mồ hôi ròng ròng, mặt đỏ đến cả tai, kéo cái chân què lệch bệch giữa trưa hè, mình nghẹn lòng. “Ông làm tôi đau tim đây nè!’ Mình nói mà nhìn lảng ra đường, nếu ngó vào mắt hắn, chắc khóc mất. Thấy sắc mặt thất thường của mình, Chiến còn chọc: ‘Nhà báo đa cảm quá; nếu ông là con gái chắc bị bọn sở khanh lừa cho có bầu liên tục’. Lời tếu táo ấy cũng chẳng làm mình cười được” Cũng theo lời Thông, nhiều lần anh đề nghị Chiến ghi rõ danh tính khi làm thiện nguyện nhưng đều bị từ chối, lý do: “Được chia sẻ với người trong hoạn nạn là vui rồi; ghi tên hay không, quan trọng gì.” Thế nên những khoản tiền Chiến nhờ báo gửi giúp người khác mãi là của “một độc giả giấu tên.”

Khoảng lặng kéo dài sau lời Thông. Nghe tôi nhắc nhanh nhanh lên đường tặng quà cho bà con kẻo muộn, Thông nhìn Đa: “Bạn cho vài số liệu về việc thiện nguyện chiều nay để tối mình kịp làm cái tin gửi báo”. Đa vẫn ngồi bất động, lặng nhìn ra khoảng sân đầy nắng. Bất chợt, anh quay lại nhìn cả lớp, trầm giọng: “Ta cứ tặng quà nhưng đừng đưa lên báo làm gì, nhé.”

Chúng tôi nhìn nhau, chợt hiểu vì sao bạn đột ngột đổi ý.

Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Hoạt