.

Hướng thượng

Chủ Nhật, 21/05/2017, 10:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Thương trường như chiến trường nên việc đổi ngôi giám đốc công ty là bình thường. Lạ là mỗi lần như thế, có mấy anh tự tha hoá hệt như kỳ nhông đổi màu theo thời tiết.

Giám đốc công ty đầu tiên được kể đến là người (nói theo ngôn ngữ dân gian) có tâm hồn ăn uống. Món khoái khẩu của ông lắm khi dân dã nhưng không hẳn dễ tìm; đại loại dưa không làm từ lá cải mà phải là ngồng cải; trái móc mật dầm chua thay cho cà muối, đòng đong cân cấn kho lá nghệ thích hơn hải sản cao sang... Người miền ngược nên sếp khoái những món mang hơi hướng núi rừng; thường chỉ những người tâm phúc mới chiều được sự tinh mồm của sếp. Bữa liên hoan nào đó ở công ty, sếp bất ngờ nhận ra có những người hợp cạ ăn uống nhưng chưa quen. Sếp nhìn mâm cỗ, mắt long lanh, rõ là sự phấn chấn và ngạc nhiên đến cùng lúc. Mắt không rời món nướng chủ lực ăn kèm rau rừng chấm muối ớt, sếp thích thú, hất hàm: “Ai thiết kế?” Đám thực khách nở nụ cười lấy lòng rồi chỉ trưởng phòng hành chính. Anh này rụt rè bước tới diện kiến sếp, hai tay xoa xoa như phải ghẻ. Sếp cao giọng “được”; cả đám vỗ tay đôm đốp.

Nhóm quyền lực của công ty thường ăn nhậu với giám đốc đâu hay từ đây  họ phải chia sẻ khẩu vị chua cay của sếp. Một phần tất yếu trong bữa ăn của sếp là ớt, ông ăn ớt rau ráu như nhai dưa chuột. Các món xào, kho cũng phải cho ớt kha khá mới thích. Hậu quả là ngồi cùng sếp, khối anh đỏ mặt, xuýt xoa, mồ hôi ròng ròng như cảm nắng. Một gia vị cũng thuộc nhóm không thể thiếu với sếp là mẻ. Xào thịt kho cá, quên gì kệ, quên mẻ là vứt, mà phải tra nặng tay để dậy mùi. Nào phải ai cũng ưa chua chua cay cay như sếp nhưng đành ngậm đắng nuốt cay cho yên chuyện.

Kẻ nào đạo diễn những món sướng một người, khổ nhiều người? Không khó chỉ ra - trưởng phòng hành chính, kèm theo là những tiếng lầm bầm “thằng hướng thượng”, “đồ lạng lách”. Ngay khi mới phong thanh nghe công ty sắp có giám đốc mới, anh ta liền bí mật điều nghiên sở thích của bề trên. Ăn là vậy, uống của sếp cũng phải độc chiêu mới xứng tầm. Trà phải hái từ những cây chè shan tuyết trên núi cao chót vót, thậm chí phải nhờ khỉ hái-anh ta bảo thế. Nếu không phải trà tinh khiết ấy thì trà ướp sen, làm kỳ công như để tiến vua ngày trước. Sau ăn uống là hiệp hai thư giãn, vui vẻ. Khoản này đích thị là năng khiếu của những giọng ca gắn liền bia rượu do trưởng phòng hành chính chủ xướng. Đám này nhảy múa như đánh võ, hát như chửi nhau nhưng lẽo đẽo theo sếp để hiến tế là chính. Ngày nghỉ, thầy trò đổi gió bằng cách ngược lên rừng với chim kêu vượn hú cùng suối khe róc rách. Họ đi săn rồi quây quần bên đống lửa vừa nướng vừa xuýt xoa thưởng thức thành qủa lao động cùng rượu bia lai láng. Hoang dã nhưng không kém phần thi vị khi trưởng phòng hành chính bố trí mấy em chân dài kè kè bên sếp. Âm dương cận kề, rượu bia đưa đẩy, núi rừng chở che, bóng đêm đồng loã khiến bọn họ thoả sức đi đến tận cùng sự sướng. Sau mỗi cuộc vui, chỉ cần giám đốc vỗ vai “được!” là trưởng phòng có quyền vênh mặt với đồng nghiệp. Yêu ghét mặc kệ nhưng ai cũng phải nể anh ta về khả năng đi tắt đón đầu nhu cầu của sếp.

Từ núi rừng, trưởng phòng hành chính cùng ê kíp hướng thượng quay ngoắt về với biển khi công ty có giám đốc thứ hai. Vị này yêu biển từ trong ra ngoài, nghĩa là thích dung nạp hải sản, thích ngâm mình vùng vẫy hàng giờ dưới biển. Trưởng phòng lại lật đật ôm phao theo sếp với vẻ háo hức ngời ngời như thật. Người lũn cũn như cái nấm, tròn quay như cối xay, xuống nước chắc chìm không sủi tăm nhưng anh ta lẵng nhẵng bu sếp như gà con bám mẹ. Ngặt nỗi, sếp đi bơi đúng vào giờ vàng cần cho gia đình, nghĩa là sáng sớm và cuối ngày. Mặc vợ con tự lực cánh sinh, trưởng phòng quyết không rời sếp. Trong khi anh ta thả hồn với những cuộc vui bất tận thì vợ ở nhà quấn giò với việc nhà và chăm hai con nhỏ. Mệt nhất là khoản đưa đón hai nhóc đi học thêm, học kèm triền miên như chong chóng; lắm khi chị đi mà ngỡ chân không dính đất. Thỏ thẻ ngọt nhạt không xong, chị vùng lên, đùng đùng tìm đến tận nơi chồng du hí, lôi về. Thư thư được mấy bữa rồi đâu lại vào đấy.

Giám đốc bị thoái hoá cột sống, nghỉ bơi nhưng đồ chừng vẫn thiết tha với biển. Sau một tuần điều nghiên, trưởng phòng hành chính đưa ra tua mới- câu cá. Sếp sướng, vỗ tay đánh đét “hay!”. Ngày nghỉ, thuyền lại rẽ sóng đưa sếp cùng xê-ri tâm phúc ra biển làm ngư dân nửa vời. Mỗi khi sếp câu được cá, cả đám vỗ tay như sấm, làm kinh động cả đảo vắng. Nắng gió biển khơi khiến họ đen như cột nhà cháy nhưng không ai muốn bỏ cuộc. Ái ngại nhất khi họ cười, hàm răng trắng loá khiến khuôn mặt đen càng tương phản. Có anh đen đến nỗi, khi cười mới giúp người đứng xa xa định vị được những bộ phận trên mặt anh ta. Trưởng phòng hành chính tất nhiên vừa tiên phong mở lối vừa kiên trì đến phút chót trong những cuộc vui với sếp. Anh ta liên tục bội ước với vợ về cam kết ăn tối ở nhà, trừ khi vì công việc. Nghe vợ càm ràm, anh vặt lại, giọng vênh lên đầy vẻ cao ngạo: “Nghĩ ngắn tũn như thế, khá sao được! Muốn sang phải bắc cầu kiều, muốn được “phát triển” phải yêu... cái gì cô không biết à?!” Chẳng rõ biết không nhưng vợ quyết không buông yêu sách: Phải dành một ngày nghỉ mỗi tuần cho gia đình. Ừ à cho qua chuyện nhưng với sếp, anh vẫn như hình với bóng. Thế là sân nhà bùng nổ.

Ngày u ám nào đó, trưởng phòng hành chính đến công ty với nét mặt đưa đám cùng cánh tay te tua rỉ máu. Trước những ánh mắt hình dấu hỏi của đồng nghiệp, anh nhăn nhó: “Bị mèo quào”. Thế đã tiêm phòng dại chưa? Đã uống kháng sinh ngừa nhiễm trùng chưa? Nạn nhân cười như mếu, gật gật nhưng mắt bối rối, nhìn lảng đi nơi khác. Cái gật đầu không dứt khoát của anh khiến nhiều người sinh nghi. Và rồi, thông tin rò rỉ từ buồng tắm cho hay, không chỉ trên tay, trên người anh còn nhiều chỗ xây xước, kể cả “vùng cấm”. Phản biện của kẻ hay rắc rối nào đó: “Khả năng tự vệ đâu mà để chó mèo xâm hại toàn thân như thế?!”. Như sực tỉnh, rất nhiều tiếng “à” lên cộng hưởng. Sau cuộc phúc tra âm thầm của những thám tử tự phong, sự thật hé ra trước ngỡ ngàng của bao người. Thương tích nham nhở kia chính là hậu quả tức nước vỡ bờ. Khi ngôn từ yêu thương không níu được chân chồng, trong phút giây quẫn chí hồ đồ, vợ trưởng phòng hành chính đã dùng ngay hạ sách-bạo lực. May mà bàn tay người đẹp lúc mất khôn kịp dừng khi chưa quá muộn. May nữa là chị này chăm cắt móng tay thành ra di hoạ để lại trên cơ thể đức lang quân chỉ trầy da tí chút.

Ở công ty, không ai gần sếp bằng lái xe riêng cho giám đốc. Nhưng hình như anh này không biết tận dụng lợi thế cự ly. Bằng chứng là anh tỏ ra dửng dưng trước những thú vui, sở thích của sếp. Đưa sếp lên rừng xuống biển, trong khi sếp cùng cận thần đi tìm trò vui, anh ngã ghế nằm rung đùi đọc báo hay nghe nhạc rồi đẩy luôn một giấc. Bữa nào sếp thư giãn gần sân ten-nít, coi như anh trúng mánh. Những dịp ấy, anh đưa sếp tới nơi rồi lật đật thay đồ, xách vợt ra sân làm vài séc. Anh buộc đối thủ phải nhớ khi rinh kha khá giải thưởng từ những giải ten-nít không chuyên của thành phố. Anh vui ra mặt khi công ty xây dựng sân ten-nit; ấy là thời điểm vị giám đốc thứ ba sắp về nhận nhiệm sở. Khi công ty có sếp mới cũng là lúc lái xe riêng cho giám đốc bỗng dưng được sếp yêu. Không vồ vập, chẳng cầu thân nhưng anh được sếp cảm tình ngay bữa đầu xem anh chơi ở sân công ty. Trên hàng ghế khán giả, ông liên tục vỗ tay, la hét cỗ vũ cho anh, hồn nhiên như đứa trẻ. Hết trận, ông chạy vào sân bắt tay anh, chúc mừng chiến thắng rồi thách đấu vào chiều hôm sau.

Tin sếp đấu với lái xe lan nhanh kéo theo háo hức mong chờ. Chưa tới giờ nghỉ, cán bộ nhân viên công ty đã ùa ra vây kín sân. Trận đấu diễn ra với khán giả ủng hộ nghiêng hẳn về phía sếp; đừng thắc mắc sao bên trọng bên khinh như thế. Chung cuộc, phần thắng thuộc về lái xe và liên tục những ngày sau, anh đều thắng. Dường như càng thua, sếp càng muốn so tài với anh để rồi sau mỗi trận đấu phải chi tiền giải khát. Loáng thoáng đến tai anh: “Lính mà không biết điều, chơi với sếp mà thẳng băng như thế là dở”. Trưởng phòng hành chính gặp anh cảnh báo thẳng mặt: “Hiếu thắng cho lắm coi chừng thiệt thân đấy!”. Sau phút giây ngơ ngác, anh lái xe vặt lại, giọng khét mùi chọc ngoáy: “Tôi thể thao vị thể thao chứ không thể thao vị người trên cao như ai đó đâu!”. Kẻ bị điểm huyệt tái mặt, quay đi.

Như sự kéo theo tất yếu, khi sếp mê ten-nít, trưởng phòng hành chính cùng xê-ri hướng thượng khẩn trương đoạn tuyệt săn bắn, bơi lội chuyển ngay sang môn thể thao từng được cho là thời thượng. Quần áo, giày, vợt đi đứt mấy triệu nhưng sá gì; sáng sáng chiều chiều họ tưng bừng ra sân, cứ như yêu ten-nit từ kiếp trước, cứ như sắp thành những siêu sao quần vợt tầm cỡ Nadal, Federer, Djokovic tới nơi rồi. Nhìn trưởng phòng hành chính chơi với sếp, ngứa mắt không chịu được. Bóng đưa thẳng vào sếp cứ như dọn cỗ mời xơi; lắm khi đường bóng của sếp chẳng hóc hiểm gì nhưng anh ngã lăn lóc cố đỡ, cốt làm trò cho đối thủ. Thua triền miên nhưng anh vẫn ham chơi một cách đáng ngờ. Và rồi, sự nhàm chán không đến với kẻ thua mà đến với người thắng; giọng sếp ỉu xìu: “Chơi món này mà chênh lệch quá cũng mất sướng”. Mỗi lần ra sân, sếp lại giao kèo: “Phải sòng phẳng, không được chơi “chính sách” đấy”. Nhưng trưởng phòng tưởng sếp nói vậy mà không phải vậy nên đâu lại vào đấy.  

Hình như sếp chỉ hứng thú khi so tài với anh lái xe. Từ ngày anh này không chơi ở sân công ty nữa, sếp cũng ít ra sân. Nhưng đam mê nào dễ dứt, ông bảo anh quay lại sân nhà nhưng bị từ chối thẳng. Ông gặng hỏi thì nhận được lời chân thành: “Ở công ty mình có những người chơi thể thao vì mục đích khác. Em sợ dây vào họ, mang tiếng”. Sếp vỗ vai anh, miệng cười nhưng không vui: “Tôi biết”.

Trưởng phòng hành chính và những người đồng dạng ngơ ngác khi sếp rời sân nhà qua sân khác, chơi cùng anh lái xe. Phong trào ten-nít của công ty đang sôi sùng sục bỗng dưng hạ nhiệt. Có người gặp trưởng phòng hành chính, hỏi kháy: “Thế nào, sắp chuyển sân hả?”. Anh ta cúi mặt, chẳng nói gì, không lâu sau thì giã từ ten-nit

Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Hoạt