.

Nơi gìn giữ hát tuồng và các làn điệu dân ca

Thứ Ba, 25/04/2017, 14:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Say mê âm nhạc, luôn muốn được gìn giữ và lưu truyền dòng nhạc dân tộc, cụ thể là hát tuồng và các làm điệu dân ca quê hương, là tâm nguyện của các thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ, đàn và hát dân ca xã Phú Trạch (Bố Trạch). Nhờ có họ, những giai điệu truyền thống ngọt ngào vẫn vang lên và đang được truyền lại cho nhiều thế hệ sau.

Không biết hát tuồng và các làn điệu dân ca Phú Trạch có từ lúc nào nhưng theo các cụ cao niên kể lại thì hát tuồng có cách đây 300 năm trước, thời Trịnh- Nguyễn phân tranh. Lúc bấy giờ, người dân của làng Đông Duyệt 1 (xã Phú Trạch) say mê những làn điệu tuồng cổ nên đã chịu khó học hỏi và được các bậc tiền bối truyền dạy học hát, học múa và sử dụng nhạc cụ đặc trưng dành cho tuồng. Trước đây, những lời tuồng cổ đều được các thế hệ đi trước hát bằng lời cổ. Ngày nay, những ghi chép đều bị thất truyền nên tuồng cổ chỉ được lưu truyền bằng miệng và trong trí nhớ của các cụ ông, cụ bà.

Giữa bộn bề cuộc sống hiện đại, nhưng hát tuồng và các làn điệu dân ca của Phú Trạch vẫn song hành và tồn tại cho đến ngày hôm nay. Tuy nhiên, nó không còn phát triển rầm rộ như trước. nếu không có ý thức giữ gìn thì nguy cơ mai một sẽ trở thành hiện thực tháng 9-2012, xã Phú Trạch đã quyết định thành lập Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, đàn và hát dân ca Phú Trạch, sinh hoạt tại thôn Đông Duyệt 1, trong đó nhấn mạnh hát tuồng và dân ca là hình thức sinh hoạt văn nghệ chính của CLB. Mục tiêu của cấp ủy chính quyền và người dân địa phương hướng đến là bảo tồn những vốn quý của văn hóa văn nghệ dân gian, đặc biệt là tuồng cổ.

Chúng tôi tới thăm cụ Phạm Thị Tơn, nghệ nhân tuồng cổ, thôn Đông Duyệt, là thành viên CLB văn hóa văn nghệ, đàn và hát dân ca xã Phú Trạch. Dù đã ngoài 80 nhưng khi nghe chúng tôi nhắc đến hát tuồng, mắt cụ sáng lên. Cụ kể, thân sinh của cụ từng là trưởng đoàn tuồng Hàng Đội, thường dẫn đoàn đi biểu diễn khắp nơi, đặc biệt là tại các lễ hội như lễ cầu mùa, cầu yên, cầu phúc... Sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc nên lên 10 tuổi, cụ Tơn đã theo cha đi biểu diễn, chủ yếu là hát tuồng và dân ca. Vừa kể chuyện, cụ vừa hát một đoạn tuồng cổ cho chúng tôi nghe, mặc dù lời hát, lối diễn khá phức tạp nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được sự mượt mà êm ái của làn điệu dễ đi vào lòng người.

Cụ Phạm Thị Tơn và ông Nguyễn Duy Sung là một trong số ít người còn lại của Phú Trạch biết đến tuồng cổ.
Cụ Phạm Thị Tơn và ông Nguyễn Duy Sung là một trong số ít người còn lại của Phú Trạch biết đến tuồng cổ.

Thấy chúng tôi còn muốn nghe thêm nên cụ lại ngân nga một bài tuồng mới. Bài hát có đoạn: “Ngày Bác về thăm 55 năm về trước/ Khi cả Quảng Bình, cả nước thi đua/ Xây dựng quê nhà, cấy lúa trồng ngô/ Vào đổi công hợp tác, mở cờ đi lên”. Biểu diễn xong, cụ Tơn ngậm ngùi chia sẻ: "Hát tuồng cổ đang có nguy cơ thất truyền, bởi lối hát, lối diễn khá phức tạp, không thuận theo nhu cầu của lớp trẻ nên gặp nhiều khó khăn trong việc truyền dạy. Trước đây có rất nhiều vở tuồng cổ được viết bằng tiếng Hán, do chiến tranh tàn phá, qua nhiều năm truyền miệng nên hiện còn rất ít người có thể nhớ được. Nếu không truyền lại gấp, khi chúng tôi “đi xa” rồi thì làn điệu tuồng cổ khó mà giữ gìn”.

Từ bao đời nay, tuồng và các làn điệu dân ca đã ăn sâu vào máu thịt người dân Phú Trạch. Cũng nhờ đam mê, có năng khiếu hát tuồng và các làn điệu dân ca, chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc, nhiều con em xã Phú Trạch đã thi đỗ vào các trường đào tạo âm nhạc. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Duy Sung (nhạc công của CLB), các con ông đều giỏi đàn, hát, trong đó có con trai Nguyễn Xuân Thịnh được phong tặng là nghệ nhân dân gian xã Phú Trạch; Nguyễn Xuân Thoại được đào tạo qua trường lớp âm nhạc hiện đang công tác tại Đoàn nghệ thuật truyền thống tỉnh Thừa Thiên-Huế; Nguyễn Quốc Toản đang hoạt động ở Đoàn nghệ thuật truyền thống tỉnh Quảng Bình; gia đình ông Dương Văn Đoan có 3 đứa con trai, 2 cháu nội cũng đang công tác tại đoàn nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế... Nhờ có năng khiếu và truyền thống về âm nhạc dân tộc, được đào tạo qua trường lớp nên xã có rất nhiều người thành đạt trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật.

Được biết, trước khi qua đời, cụ Phạm Bá Hoạt (nghệ nhân tuồng cổ) đã truyền dạy lại được một số làn điệu như tảo mã, hát khách, hát nam, hát xuân... cho các nghệ nhân dân gian của xã là Phạm Thị Hồng Phương, Nguyễn Thị Hòa. Ngoài những làn điệu tuồng cổ, các nghệ nhân dân gian đã sáng tác thêm nhiều bài tuồng mới nhằm làm phong phú thêm các tiết mục diễn.

Tuy nhiên, CLB vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Kinh phí hoạt động của CLB hiện nay chủ yếu là khoản tự đóng góp của các thành viên. Cũng vì khó khăn về kinh phí nên CLB không có điều kiện giao lưu, học hỏi, tập huấn nghiệp vụ, không có điều kiện mời các cộng tác viên, nghệ nhân dân ca về truyền dạy và cộng tác với CLB; không có điều kiện mua sắm nhạc cụ... Mặt khác, so với nhạc trẻ bây giờ với lời lẽ và giai điệu dễ nhớ, dễ thuộc thì hát tuồng, hát dân ca thực sự rất khó bởi cách luyến láy phức tạp nên khó thu hút thế hệ trẻ tham gia. Từ chỗ 37 thành viên nhưng nay chỉ còn 16 thành viên trong CLB.

Trong thời gian tới, CLB rất cần được cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa về vật chất lẫn tinh thần, nhằm khôi phục và phát triển hát tuồng và làn điệu dân ca của địa phương, góp phần tích cực vào việc bảo tồn các giá trị văn hoá dân tộc, khơi dậy trong mỗi người dân tình yêu quê hương và ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá đặc trưng của làng quê.

Thanh Hoa