.

Một ngày và mọi ngày

Thứ Sáu, 21/04/2017, 09:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Không thể phủ nhận thời đại công nghệ số tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Cơ hội bởi mỗi người chúng ta đều được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ. Nhưng nó lại làm mai một thói quen đọc sách vốn có bởi sự lấn lướt của các phương tiện hiện đại. Những hoạt động ý nghĩa hướng đến Ngày sách Việt Nam 21-4 như một sợi dây bền bỉ cố gắng “vực dậy” văn hóa đọc dường như đang bị xô lệch.

“Sách là một tài sản mà càng chia ra thì bạn càng giàu có”. Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Huế đã nhấn mạnh điều đó trong bài phát biểu của mình tại buổi lễ phát động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam lần thứ 4, vừa được diễn ra tại Thư viện tỉnh.

Điều khiến một người làm công tác xuất bản sách lâu năm như ông luôn trăn trở là sự thờ ơ của người trẻ với sách dẫn đến việc lãng quên dần thói quen đọc sách và sự đi xuống của văn hóa đọc. Nhưng theo ông Hà, trong chuyến công tác đến với Quảng Bình lần này, ông lại khá tâm đắc với những nỗ lực của chính quyền, các cấp, ngành và các đơn vị trong tỉnh trong việc mang sách, báo đến với từng tầng lớp nhân dân.

“Tôi đã được dự Ngày hội đọc sách của Trường tiểu học Hải Thành. Tôi đã thấy được tình yêu sách sáng lên trong từng ánh mắt của các em học sinh nơi đây. Nếu trường nào cũng làm được như thế này, chúng ta sẽ không còn phải lo lắng về sự đi xuống của văn hóa đọc ngày nay nữa”, ông Hà chia sẻ.

Thói quen đọc sách của trẻ em xuất phát từ sự gợi ý của bố mẹ, thầy cô giáo.
Thói quen đọc sách của trẻ em xuất phát từ sự gợi ý của bố mẹ, thầy cô giáo.

Đúng như lời ông Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Huế, sự kiện đó là một ngày hội thực sự của cô và trò Trường tiểu học Hải Thành (Đồng Hới) khi họ được hòa mình vào một thế giới sách và thỏa sức khám phá. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đây là lần thứ 3 trường tổ chức ngày hội đọc sách vào đúng dịp Ngày sách Việt Nam cho các em. Nhưng hoạt động đọc sách không phải chỉ diễn ra trong một ngày hôm đó mà suốt cả năm học, nhà trường  luôn chú trọng đến công tác nâng cao văn hóa đọc cho học sinh. Thư viện nhà trường lên lịch đưa sách đến tận từng lớp học. Ngoài ra, trường còn có một thư viện ngoài trời. Ở mỗi khối lớp cũng xây dựng các tủ sách mini để giúp học sinh có thể đọc và tìm hiểu sách ngay sau mỗi giờ học. Chúng tôi vẫn luôn hy vọng những nỗ lực đó sẽ như ngọn lửa ấm lan truyền tình yêu sách, lan tỏa văn hóa đọc đến từng em học sinh của mình”.

Hoạt động của cô và trò Trường tiểu học Hải Thành chỉ là một trong rất nhiều hoạt động hướng đến Ngày sách Việt Nam 21-4. Điều dễ hiểu bởi ngày này giờ đây đã trở thành một sự kiện văn hóa quan trọng không chỉ với những người yêu sách mà cả cộng đồng xã hội. Không khí sôi động nhưng không kém phần trang trọng của lễ phát động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21-4 như một lời mở đầu hấp dẫn cho một câu chuyện ý nghĩa cần tìm tòi, khai phá.  

Để hưởng ứng sự kiện này, các đơn vị: Nhà xuất bản Đại học Huế, Công ty TNHH Sách - Văn hóa Thời đại, Công ty TNHH Tân Minh (Nhà sách Trẻ), Nhà sách Fahasa Quảng Bình đã tham gia trưng bày 3 gian hàng với các hình ảnh, tư liệu quý về đất nước, chủ quyền biển, đảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa, con người, vùng đất Quảng Bình và những tác phẩm văn học mới...Ngoài hoạt động trưng bày, bán sách với giá ưu đãi, các đơn vị còn tặng quà, tặng sách cho thư viện các trường học vùng biển, vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn.

Thư viện tỉnh cũng hưởng ứng Ngày sách Việt Nam với những hoạt động ý nghĩa, như: phục vụ tuần lễ đọc sách miễn phí tại Thư viện tỉnh; tặng sách cho 3 tủ sách tiêu biểu với số lượng từ 100 – 300 bản/tủ sách; thực hiện luân chuyển sách tại các đơn vị phối hợp... Theo bà Trương Thị Quỳnh Anh, Giám đốc Thư viện tỉnh, những nỗ lực ấy nhằm mang đến những tiện ích nhất để góp phần thu hút người đọc đến với sách, tạo cơ hội cho những người yêu sách thỏa mãn được sở thích của mình. Từ đó, tạo nên phong trào đọc sách sâu rộng trong cộng đồng.  

Để khuyến khích và gây dựng lại phong trào đọc sách trong nhân dân, giữ gìn nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần, truyền thống văn hiến của dân tộc Việt Nam, ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21-4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam. Đây cũng là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách đối với đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành lưu giữ, quảng bá sách.

Tại lễ phát động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam lần thứ 4, những gian hàng sách kèm giá ưu đãi có sức hút đặc biệt đối với những độc giả nhỏ tuổi. Nhìn các em say sưa với những cuốn sách thơm mùi giấy mới, mới hiểu, tình yêu sách tựa như ngọn lửa luôn âm ỉ cháy và trách nhiệm của người lớn là phải biết khơi lên ngọn lửa ấy.

Nhưng, như lời phát biểu của đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi lễ phát động thì không phải việc làm đó chỉ làm trong một Ngày sách Việt Nam mà phải là việc làm hằng ngày. Các cấp, ngành cần tạo sự hưởng ứng của xã hội một cách sâu rộng và hiệu quả, đồng thời huy động mọi nguồn lực trong việc đầu tư phát triển văn hóa đọc, tạo cầu nối giữa người dân với giá trị từng cuốn sách. Ngày hội sách chỉ là hoạt động cao điểm nhất trong rất nhiều chuỗi nỗ lực nâng cao văn hóa đọc, chứ không phải là ngọn lửa bùng lên rồi vội vàng tắt lịm.

Bởi với thực trạng văn hóa đọc đi xuống như hiện nay, việc tổ chức ngày hội sách trong thời lượng có hạn sẽ không thể làm thay đổi được nhận thức, thói quen đọc sách của toàn xã hội.

Để ý nghĩa của sách được phát huy thực sự, cần có những hoạt động liên tục, không chỉ dừng lại ở việc tổ chức ngày hội sách hàng năm và trông chờ rằng việc làm này sẽ “vực dậy” văn hóa đọc. Mỗi gia đình cần có tủ sách riêng, mỗi trường học cần hình thành các CLB đọc sách để tạo nên phong trào đọc sâu rộng, hiệu quả. Và, như đã nói, thói quen đọc sách của trẻ em xuất phát từ chính từ khơi gợi của bố mẹ, thầy cô giáo không chỉ trong một ngày mà trong mọi ngày bởi “trường học vĩ đại nhất chính là sách vở” (Thomas Carlyle).

Diệu Hương