.

Lễ cúng tổ nghề thuốc nam của người Vân Kiều

Thứ Sáu, 14/04/2017, 09:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Nói đến loài cây mà người Vân Kiều dùng để làm thuốc thì trước hết phải kể đến a-năng. A-năng, theo các già làng Vân Kiều là một loại thảo dược quý hiếm chỉ mọc trên những khu rừng bao quanh bản làng có tộc người này sinh sống.

Lá cây a-năng dùng để tránh thai, chỉ cần lót lá dưới chiếu hay dắt vào lưng thì “chuyện trai gái” dẫu đêm hay ngày sẽ không bị “vỡ lở”. Lá a-năng không dễ kiếm, số người Vân Kiều từ xưa đến nay tìm ra chỗ cây a-năng sinh trưởng và hái được thứ lá này cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Để chứng minh công dụng nghe có vẻ hoang đường của loài dị thảo này, một bác sĩ ở Quảng Trị đã cất công tìm bằng được lá cây a-năng rồi thử nghiệm thành công trên các cặp chuột bạch và cả hàng chục đôi vợ chồng tự nguyện sử dụng a-năng làm biện pháp tránh thai. Tuy vậy, công trình nghiên cứu đặc biệt này thiếu kinh phí nên còn dang dở...   

Lại có loài thuốc nam người Vân Kiều xưng là cây me, củ như củ gừng, củ nghệ. Cây me đực củ có màu trắng, củ cây cái có màu vàng. Đem củ me thái lát mỏng, phơi khô rồi sắc cả me đực, me cái để uống cùng lúc nghe đâu sẽ chữa được bệnh hiếm muộn cho phụ nữ. Bệnh dạ dày, thầy lang Vân Kiều dùng cả thân, lá và quả của loài cây rỗ, có vị rất chua, thường mọc tận trong các hốc đá trên núi cao, phơi khô rồi đem xay nhuyễn với mè đen Vân Kiều (hạt nhỏ, tròn đều) để chữa. Bệnh đại tràng được trị bằng lá của cây khôi, một loài cây rễ cọc, lá to tựa lá cây đu đủ, có màu vàng. Bệnh gan thì dùng cây cam thảo, nhân trần, chó đẻ, dứa dại. Còn có cả loài cây dây, củ có màu trắng, thái mịn với củ nghệ đen, sau đó ngâm chung với mật ong rừng ba tháng mười ngày là bài thuốc chữa sỏi thận.

Thầy lang Hồ Văn Nhoa ở bản Khe Ngang, xã Trường Xuân (Quảng Ninh) trong lễ cúng tổ nghề thuốc nam.
Thầy lang Hồ Văn Nhoa ở bản Khe Ngang, xã Trường Xuân (Quảng Ninh) trong lễ cúng tổ nghề thuốc nam.

Những loài kỳ hoa dị thảo mà người Vân Kiều tinh tuyển rồi đúc kết thành bài thuốc dân gian để chữa bệnh đều được lấy từ núi rừng mà theo họ là của Giàng cai quản. Bởi thế, gốc rễ sâu xa lễ cúng tổ nghề thuốc nam của người Vân Kiều trước hết là để tạ ơn Giàng, vị thần không chỉ nắm trong tay mùa màng, sự no đủ mà còn ban phát cho đồng bào những cây thuốc quý phòng khi cơ thể đổ bệnh. Theo quan niệm đó thì tổ nghề của người Vân Kiều khác xa so với các dân tộc anh em, cụ thể là người Kinh. Tổ nghề người Kinh là một vị có công rất lớn trong việc sáng lập và truyền bá một nghề nghiệp nào đó trong phạm vi địa lý rộng lớn. Còn tổ nghề của người Vân Kiều tiện tặn và nhỏ hẹp hơn, cha truyền nghề cho con, bạn bè giúp nhau làm ăn, hàng xóm dạy nghề cho nhau. Sự quảng đại và hữu hảo của những người được cho là hiểu biết tường tận truyền cho ai chưa biết thì người đó chính là vị tổ nghề đáng kính của người Vân Kiều.

Lễ cúng tổ nghề thuốc nam được thầy lang Vân Kiều tổ chức 3 năm một lần vào thời điểm mà dân bản rảnh rang nhất trong năm sau khi ruộng nương đã được chăm bón hay lúc vụ mùa đã gặt hái xong. Vị thầy thuốc vừa biết bắt bệnh vừa bốc được thuốc đông y thường rất hiếm. Ngày thường, ở các bản làng xa gần của người Vân Kiều, nếu được mời mọc thì vị này đều sẵn lòng băng rừng vượt suối để đến với người ốm. Vậy nên, đến kỳ cúng tổ nghề, người bệnh đã lành, thân nhân bệnh nhân và cả dân bản khắp vùng đều tề tựu về nhà vị thầy lang của mình để dự lễ. Trước hết, họ cảm ơn thầy lang quanh năm chịu thương chịu khó không quản nắng mưa, đi khắp rừng núi tìm những cây lá chữa được bệnh. Sau nữa, là tình xóm chòm, bản xứ đến để hưởng ứng tục lệ của người anh em đồng tộc.

Ngày nay, y học đã phát triển vượt bậc, y tế thôn bản được đầu tư nên người Vân Kiều dần loại bỏ được quan niệm thuốc nam có thể chữa được bách bệnh, nhưng vẫn còn đó những vị thuốc nam gia truyền của các thầy lang uy tín được bà con tin dùng. Bởi vậy, lễ cúng tổ nghề thuốc nam vẫn được tổ chức đều đặn từ chiều ngày 16 đến tận sáng ngày 20 trong tháng âm lịch phù hợp mà thầy lang đã chọn từ trước.  

Đồ vật bài trí và lễ vật bày cúng được thầy lang Vân Kiều chuẩn bị rất công phu. Một cây nêu được dựng lên ở gian giữa ngôi nhà sàn, trên cây nêu có treo một bộ cung tên, một chiếc gùi tre, một lưỡi rìu, một lưỡi liềm, một cặp con ong, một đôi ve sầu   và cái trống tượng trưng được làm bằng một đốt ống lồ ô. Ấy là những con vật, công cụ được cho là gắn với cuộc đời bốc thuốc của thầy lang. Xung quanh cây nêu có bốn chum rượu cần được lên men và ủ vùi từ nhiều tháng trước. Đầu giờ chiều ngày 16, thầy lang bưng lễ vật đặt trước bàn thờ tổ nghề bao gồm 1 con gà luộc, 2 mâm gạo nếp, 2 chục trứng gà. Tiếp đến là nghi lễ tỏ bày tấm lòng thành kính cũng như báo cáo công trạng hành nghề với vị tổ sư của mình rồi kết thúc bằng hành động cúi lạy mời vị tổ nghề chính thức về dự lễ cúng.

Cuối giờ chiều ngày 16, các bệnh nhân từng được thầy lang cứu chữa, thân nhân người bệnh, bà con, dân bản xa gần đến đông đủ. Họ được thưởng thức rượu cần với thịt heo rừng nướng. Vừa ăn uống, đồng bào vừa hát Tà-oải, Si-nớt, những khúc dân ca truyền thống của tộc người Vân Kiều kèm theo tiếng đàn sáo du dương.

Lễ cúng tổ nghề thuốc nam của thầy lang Vân Kiều bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng đa thần của tộc người này. Lễ cúng tổ nghề nằm trong dòng chảy văn hóa đậm đà sắc thái bản địa của người Vân Kiều.

Nguyễn Tiến Dũng