.

Em họ tôi

Thứ Năm, 20/04/2017, 08:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những câu chuyện cũ của người già ở làng, người ta thường bắt gặp tổ từ “Năm Tây tới” định vị thời gian của sự kiện cách nay đã tròn 70 năm. Ngày 27-3-1947, quân viễn chinh Pháp đổ bộ vào Đồng Hới. Sau cuộc chạm súng hơn một giờ trên bãi cát Hải Thành, quân ta rút lui bảo toàn lực lượng lên chiến khu kháng chiến lâu dài. Quân Pháp, với ưu thế về vũ khí tối tân, nhanh chóng đánh lan ra chiếm hầu hết vùng đô thị và đồng bằng ven quốc lộ. Sau đó chúng thiết lập đồn bốt và càn quét cướp bóc các vùng giáp ranh và vùng kháng chiến.

Làng tôi ở tả ngạn sông Kiến Giang. Chừng giữa năm bốn bảy, hầu hết bà con đã tản cư lên vùng chân thềm Trường Sơn, để mỗi khi Tây càn lên là bồng bế nhau chạy vào rừng. Trong một lần như vậy, thím tôi gánh một đầu là nồi niêu gạo mắm, một đầu là đứa con nhỏ chừng một tuổi chạy theo làng. Vào đến rừng, kiểm lại, thím kinh hoàng nhận ra đứa con nhỏ đã rơi đâu mất. Thời gian này, chú tôi đang theo đơn vị chiến đấu ở xa. Chờ cho bớt tiếng súng càn, những người can đảm cũng liều trở ngược lại lối mòn nhưng hai ba ngày sau vẫn không tìm được. Thím tôi tâm thần hoảng loạn như điên dại.

Sau đợt càn, Tây về lại đồn, dân trở lại làng tản cư. Một buổi chiều, có người thanh nữ bế một đứa trẻ còm nhom lần hồi đi tìm những người mẹ trẻ xin sữa. Đứa trẻ suy dinh dưỡng nặng, trông như một con khỉ con. Người thanh nữ kể rằng tình cờ nhặt được đứa bé trong một bụi sim. Ban đầu cô tưởng là con khỉ con hay con dũi con dím, lại gần thì thấy rõ là đứa trẻ, bèn bế về nuôi nhưng không có sữa cho bú. Tin lan nhanh. Những người làng tôi chạy đến thì biết đó là con của chú thím. Em họ tôi được trao lại cho mẹ, nhưng thương thay, lúc ấy thím tôi, sau cú sốc quá mạnh đã không còn tỉnh táo nữa. Tin tức bay đến đơn vị Vệ quốc đoàn. Chú tôi xin phép về được một ngày thăm con. Rồi, nhiệm vụ chiến đấu không thể trì hoãn, chú cũng đành dứt áo trở lại đơn vị.

Vậy mà, trong tình thương của bà con, của làng tản cư và dân bản địa, em họ tôi vẫn lay lắt sống cho tới ngày yên hàn trở lại làng cũ bên tả ngạn Kiến Giang, nhưng thím tôi lại bị đạn pháo của Tây sát hại. Chú tôi phục viên chuyển ngành rồi tục huyền. Em họ tôi lớn lên dưới sự nuôi nấng của mẹ kế, vẫn còi cọc còm nhom. Những năm hậu chiến sau chống Pháp, kinh tế vùng Lệ Thủy cũng chưa khá lên được. Chú tôi lại thoát ly, lương ba cọc ba đồng. Thím tôi, vợ tục huyền của chú, một phụ nữ xinh đẹp, không giỏi làm nông lại đẻ sòn sòn ba, bốn đứa con nữa nên kinh tế càng khó khăn. Em họ tôi, cô bé rơi trên đường chạy tản cư năm nào nay cũng đã lên chín lên mười, trở thành trụ cột trong nhà, chung vai cùng dì thay cha nuôi em...

Cũng như bao dòng họ khác, người họ tôi xưng hô thứ bậc quy củ lắm. Em họ hơn tôi đến sáu, bảy tuổi nhưng vẫn gọi tôi bằng anh xưng em tử tế. Chúng tôi cũng được người lớn dạy phải xưng hô lại bằng o, o Ngh. Tôi lớn lên có cha có mẹ nuôi dưỡng, được đến trường nên có phần tự tin.

O Ngh. mồ côi mẹ nên chỉ được học biết chữ rồi ở nhà lao động. Công việc đồng áng vùng chiêm trũng quê tôi vất vả vô cùng. Nhưng, chính cái tình huống ngặt nghèo và thực tiễn cuộc sống đã rèn dũa cho cô em họ tôi đức tính chịu thương chịu khó hay lam hay làm, ngoan hiền và dễ thương vô hạn. Làng trên xóm dưới khi nhắc đến o đều dành một tình cảm đặc biệt. Họ thường răn con, đặc biệt là con gái: “Cứ nom (nhìn) con Ngh. con ông Kh. mà học theo cho nên người”. Chữ “nên người” theo đúng nghĩa là thiêng liêng lắm đấy. Vậy mà o Ngh. được trở thành tấm gương nên người.

Rồi, em họ tôi cũng thành thiếu nữ. Tuổi mười chín đôi mươi nhưng o vẫn còm nhom gầy gò. Duy có đôi mắt mở to chân thành, đức tính siêng năng thật thà khiêm nhường  thì đã thành một giá trị giữa làng. Chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ nổ ra. Cả nước có chiến tranh. O Ngh. cũng có tham gia dân quân trực chiến nhưng không được thường xuyên vì hoàn cảnh gia đình éo le khó khăn. Chú tôi sơ tán theo cơ quan càng xa nhà, các em họ tôi vẫn chưa trưởng thành. Thím tôi một nách hai tay con chung con riêng san sẻ manh áo miếng cơm nuôi nhau.

Rồi hạnh phúc lứa đôi cũng đến với em họ tôi: o Ngh. lấy chồng. Thời gian này, chiến tranh ác liệt quá, tôi theo trường cấp ba sơ tán cách nhà gần 200 km ra tận đỉnh Hoành Sơn nên không dự lễ cưới của O. Nhưng tôi hiểu, lễ cưới ngày ấy, thời chiến, gia cảnh khó khăn nên chắc là sơ sài lắm. Làm gì có nhẫn cưới, áo cô dâu! Làm gì có của hồi môn, trâm cài đầu... May lắm thì có vài cân kẹo cứng cho lũ trẻ, ấm chè mạn, gói thuốc rê cho cánh đàn ông... Lễ cưới tổ chức trong hầm “bán âm bán dương”, cha mẹ cô dâu chú rể “có nhời” với hai họ trong tiếng phản lực Mỹ gầm rú và tiếng bom nổ gần xa đâu đó. Ôi, em họ tôi! Sao từ khi ra đời đã “nghe tiếng súng Tây” rơi vào bụi, nhịn đói khát sữa lắt lay như con dũi con dím, lớn lên khoai sắn qua ngày đến khi về nhà chồng cũng không ra khỏi hiểm họa bom đạn chiến tranh...

Nhưng, may. Em họ tôi gặp được người tốt.

Chồng o, anh M. là bạn học của tôi. Là bạn học nhưng hơn tôi phải bốn, năm tuổi. Ngày trước là vậy. Lùa một cái, cả đám trẻ con lớn bé vào vỡ lòng rồi lên lớp một. Hết cấp hai, chú ấy ở nhà lao động nông nghiệp. Cũng là sắp đặt của hai gia đình. Chú họ tôi nho nhã, chữ nghĩa, thông gia với bên ấy là con nhà võ can trường mạnh mẽ, mà thành “bà con tiên” mấy chục năm không điều tiếng gì. Mấy chục năm tôi đi lang bạt kỳ hồ ăn thua đủ với đời thì vợ chồng o ở quê cày bừa cấy hái “ruột bầu râu tôm” sinh thành một mạch...tám đứa con. Tôi có duy nhất một lần ghé thăm bạn học cũ, thăm em họ đúng thời bĩ cực của hai vợ chồng với tám đứa trẻ năm đại hạn mất mùa. Không có gì đãi đằng anh họ từ thủ đô về, o có vẻ buồn, tủi phận. Rồi, năm tháng qua đi ở mỗi số phận với bao lo toan đời thường. Một ngày, em trai của o, cũng tức là em họ của tôi, Nguyễn Thế Đức, một người rất tài hoa và lạc quan, gọi điện:

- Anh ơi, anh Minh, anh rể của em mất rồi.

Ôi, người em rể họ, người bạn học thưở thiếu thời đã mất khi mới chạm thất thập. Tôi hơi choáng nhưng không ngạc nhiên. Dượng ấy là người tốt, dòng nhà võ, mạnh mẽ cần cù thương vợ con, nhưng...hay rượu. Sức khỏe người ta vốn ít song hành với rượu.

Điều bất ngờ và buồn hơn ở cú điện thoại thứ hai cũng của em họ tôi chỉ vài tháng. Giọng Đức lắp bắp, nhòa lệ: “Anh ơi, chị Nghĩa cũng mất rồi!” Tôi như người đang đi bị bước hụt. Ôi, người em họ ngoan hiền dễ thương của tôi, mẫu hình cho bao bà mẹ dạy con gái... ra đi mãi mãi rồi. Nhân sinh thất thập! Ai rồi qua bảy mươi coi như chỉ tính bằng tháng bằng tuần. Làng tôi, người qua bảy mươi tám mươi nối nhau đi.

Nhưng sao việc o mất khiến tôi bàng hoàng nhiều. Cứ mường tượng ra cái cảnh đứa trẻ chưa đầy tuổi rơi từ thúng mẹ chạy Tây, bò vào bụi sim ngồi như con khỉ con, con dím con dũi mà thương. Rồi, cả thời niên thiếu mồ côi mẹ, cha công tác xa nhà, trong vai trò chị cả cùng với dì cưu mang bồng bế rau cháo lũ em, cơm không đủ no, áo không đủ ấm...

Vĩ thanh: Cái sự trùng lặp trong câu chuyện năm Tây tới (1947) và ký ức làng quê không nguôi động cựa khiến tôi viết đôi dòng về cuộc đời buồn của người em họ. Nhưng, an ủi cho o hay là cho tôi, là cuộc đời có những trang vui. Em trai khác mẹ của o, một người tài hoa đang làm giáo học ở thành phố tìm đến tâm sự, tôi có thêm thông tin: Tám đứa con của o đều lớn khôn mạnh mẽ, thành người tử tế. Cũng hợp lẽ thôi, một người Mẹ như o mà con cái hư được sao? Dòng họ tôi lại được một nhà nghiên cứu ở Huế, sau khi đọc ba mươi sáu sắc phong qua các triều đại, hạ một câu xanh rờn “Danh gia vọng tộc”. Em họ tôi dẫu ít học nhưng đã “thấu” được chữ “bần tiện bất năng di” (Nghèo khó không đổi dời). Một điều bất ngờ nữa mà suốt nửa thế kỷ qua tôi vô tình không biết: Người phụ nữ nhặt được o năm “Tây tới” vẫn dõi theo, mỗi năm vài bận đùm bọc sắn khoai về thăm, lại coi các con của o như cháu ngoại. Hiện bà đã qua tuổi chín mươi vẫn sống khỏe ở một làng ven chân thềm Trường Sơn.

Ôi, lòng người quê tôi thời đã qua thơm thảo biết bao!

Tương Huyền