.

Chợ quê trong lòng phố

Thứ Ba, 18/04/2017, 09:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Tồn tại ngót nửa thế kỷ qua, chợ Cộn (Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới), trung tâm giao thương của người dân vùng Đồng Sơn, Đức Ninh, Nghĩa Ninh, Bắc Nghĩa luôn mang trong mình những nét quê rất đỗi bình dị, dân dã.

Đi chợ Cộn từ bao giờ đã trở thành nếp sinh hoạt của bà con nơi đây. Với họ, chợ Cộn không chỉ là nơi giao thương, mua bán mà còn là nơi lưu giữ chút hồn quê giữa lòng phố xá phồn hoa, náo nhiệt.

Không phải ngẫu nhiên mà chợ Cộn, nơi được coi là một trong những chợ có "lịch sử ra đời" sớm nhất Đồng Hới lại mang trong mình nhiều nét xưa cũ. Ngày trước, Đồng Sơn vốn là trung tâm của thị xã, người Đồng Sơn phần lớn là người gốc Đồng Hới. Ở đây còn tồn tại khá nhiều nét sinh hoạt văn hóa, cũng như những làng nghề truyền thống của người Đồng Hới xưa.

Chợ Cộn vào buổi sáng là lúc đông đúc và tấp nập nhất. Có thể tìm thấy ở chợ vô số các mặt hàng cần thiết cho sinh hoạt thường ngày.

Đi chợ Cộn, dễ nhìn thấy hình ảnh những người phụ nữ tóc đã bạc trắng, móm mém, hiền lành và rất đỗi thân thương. Người miền Trung thường gọi họ là các mệ, danh xưng mang đậm tính địa phương nhưng lại gói gọn hết tất cả sự giản dị, chân chất của của làng quê miền Trung xưa. Các mệ ở đây phần nhiều là người địa phương đã bán ở chợ Cộn hàng chục năm nay. Chỗ ngồi của các mệ nhỏ bé, khép mình đầy khiêm nhường, các mặt hàng nếu là hoa quả, rau dưa thì là của nhà trồng được, nếu là đồ dùng thì của nhà làm ra.

 Một góc chợ Cộn.
Một góc chợ Cộn.

Gian hàng của mệ Dương Thị Thà nằm nhỏ bé cạnh lối vào của chợ. Gọi là gian hàng nhưng thực chất chỉ là mấy cái thùng lật úp đặt liền nhau. Trên đó là khoảng chục cặp trầu cau, vài quả cà chua và mấy bó lá chè. Tất cả đều là của nhà trồng được. Một ngày mệ bán được đôi ba chục nghìn, chừng ấy vừa đủ cho mệ trang trải cuộc sống thường ngày.

“Trầu cau thì được bao nhiêu người mua, mà nếu có mua thì đó cũng là những người của thế hệ xưa cũ. Vậy mà tui chẳng muốn bỏ cái món hàng này đi, bởi bán hàng với tui không chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn để gặp gỡ người này, người kia, trò chuyện cùng các bạn già cùng bán hàng cho đỡ buồn. Với người già như chúng tôi, đó cũng chính là niềm vui sống”, bà Thà chia sẻ.

Chợ quê là như thế, người bán không mưu cầu lợi nhuận, người mua lại chẳng phải giàu sang, món hàng được bán là đặc sản của nhà, của quê, việc trao đổi cũng đơn giản, thuận mua vừa bán. Văn hóa chợ quê hình thành từ những điều bình dị như thế.

Chợ Cộn là một trong số không nhiều những khu chợ ở Đồng Hới mà ở đó ta có thể tìm lại những hình ảnh xưa, một cụ bà chậm rãi nhen lửa nướng bánh, một cụ bà khác móm mém nhai trầu, rổn rảng với sạp nón của mình, hay những chị nông dân thuần quê hiền lành với mớ rau, con cá; người đàn ông chất phác, chung thủy với làng nghề. Họ, dù già dù trẻ thì vẫn mang đậm chất của những nông dân xưa, hiền hậu, chân thành. Và vì vậy, đến chợ không chỉ để bán, để mua, mà còn để đem về những câu chuyện đẹp, những kỷ niệm quý giá...

Nguyễn Lệ Thủy