.

Ngày của mỗi người

Chủ Nhật, 12/03/2017, 09:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày bà nội của Hoà sắp mất, ba mẹ dẫn anh em Hoà tức tốc về quê. Ba mẹ ngồi xuống bên bà. Mẹ áp bàn tay khẳng khiu đã bắt đầu lạnh của bà nội vào bàn tay mình, như để truyền hơi ấm. Ba ôm đôi vai gầy của nội, nghẹn ngào trong nước mắt: “Mẹ có điều gì dặn chúng con?” Bà mở mắt, cố gồng mình lấy sức chặn những cơn ho kéo đến mỗi lúc một dày; lúc lâu, mới lên tiếng: “Ngày kỵ tổ tiên...các con đừng quên!” Với giọng rời rạc, bà kể từng ngày giỗ tiền nhân. Theo lời bà, từ đời cụ cao trở lên đã được tế tại đại hiệp kỵ của tộc, con cháu nhà mình chỉ giỗ từ ông bà cố của nội trở xuống; kể cả những vị tuyệt tự và tảo thương là ba mươi tám vị tất thảy. Đáp lời bà, ba luôn miệng “con nhớ rồi”, mẹ thì “dạ” thành kính, mắt đẫm lệ. Hoà nghĩ, vào hoàn cảnh ấy, chắc ai cũng làm vậy để yên lòng người sắp mất nhưng sao có thể nhớ được quá nhiều ngày tháng như thế.

Sau ngày bà nội mất không lâu, ba mẹ sắm lễ cúng, mời tổ tiên rời quê lên phố cùng con cháu. Ba mẹ bàn nhau, phải chọn chỗ cao nhất, trang trọng nhất trong nhà đặt bàn thờ gia tiên. Ba là bộ đội, xa nhà thường xuyên; việc cúng giỗ chỉ mẹ lo. Giỗ nhỏ, mẹ bày hương hoa, bánh trái; giỗ lớn, mẹ chuẩn bị trước cả tháng rồi tất tả về quê mời bà con.

Minh họa
Minh họa

Vào ngày giỗ, mẹ thường kể cho anh em Hoà nghe về người đã khuất. Chẳng hạn, mùng mười tháng tư là giỗ em trai ông cố của ba. Cụ là nghĩa quân trong phong trào chống Pháp hưởng ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi. Phong trào đó có tên Nghĩa hội Quảng Nam, do chủ tướng Nguyễn Duy Hiệu và phó tướng Phan Bá Phiến lãnh đạo. Khi Nghĩa hội tan rã, cụ về quê lạy tạ tội cha mẹ vì không thể báo hiếu rồi tự vẫn, quyết không sống chung với giặc. Mùng tám tháng mười là giỗ bà nội của ba. Mẹ về làm dâu chưa được bao lâu thì bà mất. Bà không biết chữ nhưng thuộc cả Truyện Kiều và Lục Vân Tiên.

Ngày bà sắp mất, có đoàn sinh viên đi điền dã nhờ cho biết những làn điệu dân ca cổ. Đang mệt nhưng bà vẫn gắng hát một số làn điệu bài chòi, hò khoan để họ thu thanh; mấy ngày sau thì “đi”. Mùng sáu tháng năm là giỗ ông nội của Hoà. Sinh thời, ông lo việc tộc họ, làng nước hơn cả việc nhà. Ngày ông mất, từ cụ già đi sấp tới đứa bé lững chững đều đến tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Đoàn đưa tang ông dài hàng cây số, từ nhà tới huyệt mộ. Mẹ bảo, giờ Hoà về quê, chỉ cần giới thiệu là cháu nội ông Ba Chánh sẽ nghe người người nói những lời tốt về ông... Mẹ kể về người xưa, cả những người mẹ chưa một lần gặp mặt thật thân thương, ngỡ như họ đang ở đâu đây, gần lắm. Hoà hỏi, sao mẹ nhớ tài thế, nhất là những ngày giỗ; mẹ ngước nhìn bàn thờ, không đáp.

Những ngày tháng khác mẹ cũng luôn nhớ là sinh nhật của Hoà và em Bình. Mẹ còn nhớ khi được mấy tháng thì các con mọc chiếc răng sữa đầu tiên hoặc chập chững những bước đầu đời hoặc cất tiếng gọi “ba”, “bà”. Ngày Hoà còn bé, mẹ tổ chức mừng sinh nhật con chỉ gồm những người trong nhà. Hoà biết điều này qua những tấm hình, giờ nhìn thấy lạ với chính mình. Khi đi học, tất nhiên Hoà không thể thiếu các bạn cùng lớp trong ngày vui của mình. Vào dịp đó, mẹ gặp cô chủ nhiệm xin danh sách của lớp rồi đọc cho con trai viết thiệp mời các bạn. Những tấm thiệp nhỏ xinh ấy luôn hiển hiện, mỗi khi Hoà nhớ về tuổi thơ. Sau này, đi học xa, lắm lúc Hoà quên cả ngày sinh của mình nhưng mẹ thì không. Trước ngày đó, mẹ thường gọi điện nhắc: “Sắp tới sinh nhật con đấy”. Tiếp đó, Hoà lĩnh giấy báo ra bưu điện nhận quà mẹ gửi.

Ra trường, Hoà về làm việc ở thành phố quê hương; lâng lâng khi nhận tháng lương đầu đời, cứ nghĩ nên có quà cho người thân để ghi dấu thời điểm đáng nhớ. Nhưng quà gì cho có ý nghĩa, nhất là với mẹ. Càng lớn, Hoà càng cảm nhận tình thương vô bờ mẹ dành cho người thân, cả những người đã cách mẹ nhiều năm tháng. Dường như, mẹ chẳng lúc nào nghĩ về mình, nhận biết ấy khiến Hoà càng thương mẹ.

* * *

Chiều nay là thứ bảy nhưng mẹ vẫn đi làm. Trước khi đi, mẹ bảo Hoà nấu cơm ăn sớm để em Bình kịp đi học thêm buổi tối. Mẹ làm ca ba, về trễ nên không phải chờ. Mẹ dặn thức ăn khô để trong chạn còn thức ăn tươi và rau nấu canh trong tủ lạnh. Đi được đoạn, mẹ quay về nhắc Hoà nhớ đem quần áo ngoài dây phơi vào, khi chiều tắt nắng.

Khi ti-vi qua chương trình bản tin cuối ngày, Hoà bảo em gái cùng ra đón mẹ. Mẹ ngạc nhiên thấy hai con đứng đón tận ngõ: “Sao các con chưa ngủ để sớm mai đi học, đi làm?” Bé Bình định lên tiếng, Hoà đưa ngón tay lên miệng, ra dấu im lặng. Mẹ bước vội xuống nhà dưới, giở lồng bàn trên mâm, tròn mắt. Cả một mâm thịnh soạn, lại toàn những món mẹ thích. Mẹ ngơ ngác; quay lại, thấy Hoà ôm gói quà bọc giấy hồng, cài nơ xanh; Bình ôm bó hoa nâng lên, mắt vui long lanh. “Mẹ biết hôm nay là ngày gì không?” “Ngày gì?”-Mẹ hỏi lại. “Mẹ cố nhớ xem”. Im lặng giây lát rồi mẹ lắc đầu khe khẽ. Hoà trịnh trọng từng lời: “Hôm nay là- sinh nhật- mẹ.” Mẹ thốt lên, rưng rưng: “Ôi, các con!” Mẹ dang tay ôm hai con, ba mái đầu chụm vào nhau hồi lâu.

Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Hoạt