.

Hát Kiều Quảng Kim: Nỗi lo mai một

Thứ Sáu, 17/03/2017, 08:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ năm 1937 làng Quảng Kim (Quảng Trạch) đã có đoàn hát kiều. Năm 1945, làng có đến 2 đoàn hát Kiều. Khoảng thời gian này phong trào hát Kiều của làng có lẽ là hưng thịnh nhất. Hai đoàn đã đi diễn Kiều khắp nơi, từ Cảnh Dương, sang Quảng Châu, lên Quảng Hợp, hay vào tận Ba Đồn rồi ra cả vùng Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đoàn hát Kiều của làng được sát nhập vào đội văn nghệ tuyên truyền của xã đi biểu diễn ở khắp vùng tự do.

Hát Kiều Quảng Kim đã trải qua những thăng trầm và có lúc tưởng chừng như thất truyền trong giai đoạn chống Mỹ đến những năm 80 của thế kỷ trước. Đến khoảng năm 1990, vì sự đam mê, lòng nhiệt huyết trong mình, ông Đặng Văn Đôn, cùng các cụ như: cụ Phan Uy, cụ Từ Tình, cụ Lê Lam... đã dày công nghiên cứu, sưu tầm và tập luyện, khôi phục lại câu lạc bộ hát Kiều của xã Quảng Kim.  

Ông Đặng Văn Đôn chia sẻ: Sưu tầm kịch bản là công việc đầu tiên và hết sức vất vả, phải thuyết phục các cụ nhớ lại mấy điệu hát Kiều rồi chép lại để khỏi thất truyền. Sưu tầm được kịch bản rồi, phải tìm các cụ trong đội hát Kiều năm xưa để biết phải hát những làn điệu gì. Cuối cùng tập hợp lại, rồi chỉnh lý nhằm có kịch bản hoàn chỉnh.

Hiện, ông Đôn còn lưu giữ nhiều cuốn kịch bản hát Kiều với 65 trang viết tay, đã từng diễn trên 31 làn điệu hát chính như: điệu nói lối, hát xướng, ngâm thơ và la chớ...

 CLB hát kiều Quảng Kim.
CLB hát kiều Quảng Kim.

Từ năm 1993, câu lạc bộ hát Kiều Quảng Kim được khôi phục và phát triển với 25 thành viên chính. "Kép" chính của câu lạc bộ lúc bấy giờ là những cụ ông, cụ bà đam mê môn nghệ thuật hát Kiều cổ, nên họ gắn bó rất chặt chẽ với câu lạc bộ, bằng niềm đam mê nghệ thuật truyền thống của bản thân, mà không hề đòi hỏi bất cứ điều gì. Thậm chí, trang phục, đạo cụ, cũng do người trong đội tự nguyện bỏ tiền mua. Mặc dù, không có một nguồn kinh phí, hỗ trợ nào, nhưng câu lạc bộ hát Kiều của các cụ vẫn duy trì sinh hoạt, biểu diễn phục vụ người dân trong xã và tham gia các hội diễn văn nghệ quần chúng ở huyện, tỉnh, và những ngày Tết, ngày lễ trọng đại của đất nước.

Hiện nay, 25 thành viên của câu lạc bộ hát Kiều Quảng Kim xưa kia chỉ còn lại 5 cụ với tuổi đời cao, sức khỏe yếu, các thế hệ sau này thì chưa thể hiểu hết được cái hay, cái sâu sắc của hát Kiều, vì thế chưa lĩnh hội và không có đam mê về loại văn nghệ truyền thống này.

Hơn nữa, cuộc sống của bà con nơi đây vẫn còn rất khó khăn, họ phải chật vật thường xuyên để kiếm sống, nuôi gia đình, nên cũng không có thời gian tập luyện, nối tiếp, thay thế các cụ gìn giữ môn nghệ thuật truyền thống của quê hương mình.

Mặc dù chính quyền xã Quảng Kim đã quan tâm và chỉ đạo thành lập lại câu lạc bộ hát Kiều, nhưng vẫn không duy trì được bao lâu. Bởi, nếu muốn gây dựng lại thì không thể chỉ trong ngày một ngày hai có thể làm được, mà trước hết, các thành viên phải hiểu được sâu về truyện Kiều, về các làn điệu hát Kiều, các lối diễn trên sân khấu và hơn hết là lòng đam mê, nhiệt huyết đối với hát Kiều.

Vì vậy, thật khó khăn và xót xa, tiếc nuối khi nhìn hát Kiều Quảng Kim đang có nguy cơ mất dần theo thời gian.

Mỹ Hiền
(Đài TT-TH Quảng Trạch)