.

Có ai ngược dòng sông Kiến với tôi không?

Thứ Ba, 21/03/2017, 09:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Tuổi thơ, tắm ở bến sông, tôi chỉ thấy sông Kiến Giang là đoạn sông chảy qua làng. Lớn lên chút ít, chèo thuyền cắt cỏ chăn trâu, tôi biết sông Kiến xuôi về Hạc Hải. Hạc Hải là “Biển cạn”, sông xuôi về biển là tận cùng rồi. Lên học cấp ba trường huyện mới hay, Kiến Giang còn có tới hai ngã ba sông, là nơi nhập lại của rào Mẹ và rào Con ở An Sinh còn có tên Nôm là Trôốc Vực. Và một ngã ba sông chia nhánh tạo nên Mũi Viết ở huyện lỵ mà dân gian cho rằng là tinh hoa của truyền thống hiếu học, thành tài. Bây giờ, đúng ra là hơn một phần tư thế kỷ qua, từ ngày tái lập tỉnh, tái lập hai huyện Lệ Thủy - Quảng Ninh, tôi biết thêm về lộ trình con sông ấu thơ: Hạ nguồn đi qua hai huyện, nhập với Đại Giang thành Nhật Lệ. Thượng nguồn sông phát nguyên từ núi Quan Độ nơi tiếp giáp với tỉnh Quảng Trị.

Ký ức tuổi thơ tôi ghi dấu được hình ảnh những chiếc ghe gọ căng buồm đâu từ dưới hạ nguồn ngược Kiến Giang lên bán một vài sản vật vùng biển như nước mắm, cá ướp, có khi cả quần áo vải vóc, bánh kẹo. Dịp ấy, các bến sông nhộn nhịp lắm. Nghĩ lại thấy thương. Hồi ấy, kinh tế hàng hóa vùng Lệ Thủy quê tôi hầu như chưa có. Người nông dân thường chỉ có đôi ba đồng hào trong túi nhờ bán nải chuối hay con gà, con ngan. Người tụ tập ở bến sông nhiều khi chỉ để nhìn ngắm những sản vật lạ mắt, thèm thuồng.

Ngày đầu tái lập tỉnh, tình cờ gia đình nhỏ của tôi từ Huế ra lưu lại ở quê vài ngày rồi có dịp xuôi Kiến Giang về Đồng Hới bằng đò máy. Đò băng qua Hạc Hải, mênh mang mênh mang mà nhớ một thời theo cha xuống phá cắt cỏ, nước lạnh như kim châm và gió mùa lồng lộng thổi làm co rúm tấm thân tội nghiệp của con trẻ. Đò dọc ghé chợ Hiền Ninh có cái tên rất ngộ: chợ Cộôc, trao đổi ít hàng nông sản rồi lại nổ máy xuôi dòng. Dịp ấy tôi mới được nhìn thấy cái nơi hợp thủy của Kiến Giang với Đại Giang: ngã ba Trần Xá mênh mông sóng vỗ. Rồi sau đó không lâu, cơ may lại mỉm cười: tôi có dịp ngược dòng Nhật Lệ lên Kiến Giang cũng bằng thuyền máy.

Bây giờ ô tô máy lạnh hay xe buýt mỗi ngày mươi mười lăm chuyến đưa khách tận cổng nhà. Với tôi, hai chuyến đò dọc xuôi ngược Lệ Thủy – Đồng Hới trên sông Kiến Giang những năm đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước là không gì thay thế được. Phải đi đò dọc mới thấy cái nhịp sống làng quê hiện hữu ngay trong lòng thuyền. Trong vòng chừng 250 phút, thuyền là một xã hội, một cái làng thu nhỏ với tất cả những sắc màu tình cảm của đời thường. Nếu chịu bắt chuyện, bạn có thể thâu tóm gần đầy đủ gương mặt kinh tế, văn hóa, xã hội vùng hai huyện qua lời kể của những bạn đồng hành  “lắm điều”.

Ngược dòng Kiến Giang.  Ảnh: T.H
Ngược dòng Kiến Giang. Ảnh: T.H

Rồi đường bộ dần được nâng cấp, năng lực vận tải được giải phóng, tiết tấu làm ăn nhanh hơn, không ai kiên nhẫn ngồi trên thuyền hơn bốn giờ chỉ để nghe tiếng máy cano đơn điệu đến buồn ngủ. Và, những chiếc thuyền già “hồi hưu” neo lại hoặc chuyển đổi công năng. Ở các bến sông không còn cảnh những chiếc thuyền bẻ lái đỗ vào bờ. Những hành khách rối bời hành lý bước xuống. Trên bờ có dăm ba người thân đưa tiễn vẫy theo. Năm mươi năm, tôi được mục sở thị cuộc chuyển giao từ đò dọc chạy buồm sang chạy máy, nhẹ nhàng thân thiện, không hề có “tác dụng phụ”.

Và bây giờ đây, năm thứ mười bảy của thiên niên kỷ mới, có ai tự hỏi rằng: những chiếc thuyền buồm, thuyền máy từng chở ta lên về Lệ Thủy- Quảng Ninh - Đồng Hới, những người bạn của nông phu và tiểu thương một thuở ấy, nay đang ở đâu?...

Một ngày, tôi nhận cú điện thoại từ số máy lạ, giọng Bắc: - “A lô, tôi ở...xin cho tham vấn, một tương lai gần, trong việc khai thác thế mạnh sông Nhật Lệ có thể đưa tuyến du lịch ngược dòng lên Kiến Giang tham quan các di tích thắng cảnh văn hóa và lịch sử hai bờ...?

Ôi, dù tôi là con dân hai huyện, là có cả một thời thơ ấu “... giang tay ôm nước vào lòng/ Sông mở nước ôm tôi vào dạ”, một thời trai trẻ kiếm sống ngược xuôi trên sông, cũng làm sao trả lời được đây!? Hay ta làm một chuyến khảo sát ngược dòng Nhật Lệ bằng thuyền máy (và thuyền buồm), ngược lên tận ngọn nguồn sông Kiến? Qua ngã ba Trần Xá sóng nước mênh mang, đi dọc rặng bần Quảng Xá, qua Hạc Hải “nghe tôm cá rì rào”, lên quãng sông thượng Hạc Hải đến tận ngọn nguồn đang được nạo vét kè bờ. Những bến nước xây bậc lên xuống, có ghế đá cho nông phu chiều chiều hóng mát, đêm đêm ngắm trăng. Khuôn viên Nhà lưu niệm Đại tướng đã được trùng tu. Mũi Viết thành một quần thể sinh thái và sinh hoạt văn hóa. Lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh xây dựng khang trang. Chùa Hoằng Phúc với hơn 700 năm tuổi được phục dựng tôn tạo làm nơi gửi gắm tâm linh... Có ai còn hứng thú ngược dòng sông Kiến với tôi không???.

Nguyễn Thế Tường