.

Trò chuyện với nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Nguyễn Ngọc Trai

Thứ Tư, 22/02/2017, 08:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi tình cờ gặp lại nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Nguyễn Ngọc Trai trong một chuyến xe tốc hành từ Huế ra Đồng Hới. Năm nay, mặc dù đã ở cái tuổi thất thập mà trông ông vẫn còn minh mẫn lắm. Từ khi bắt tay vào con đường nghiên cứu đến nay, ông đã hơn 12 đầu sách, trong đó có những cuốn dày tới hàng nghìn trang, chưa kể khoảng hơn 100 bài báo, bài nghiên cứu đã được đăng ở các báo, tạp chí trung ương, địa phương. Và ông cũng luôn khiêm nhường chưa bao giờ tự xưng danh là nhà nghiên cứu, nhưng với tất cả những gì mà ông đã đóng góp cho công tác nghiên cứu, thật xứng đáng để tôn vinh ông là nhà nghiên cứu văn hóa có uy tín trên quê hương Quảng Bình.

Nguyễn Ngọc Trai sinh năm 1944 ở làng văn hóa Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông vào học Trường đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội. Ông  từng trải qua nhiều nghề và từng làm việc tại Văn phòng UBND của tỉnh Quảng Bình, của Bình Trị Thiên, trở về làm Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình giữ cương vị Chánh văn phòng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ông đến với sự nghiệp văn chương khi tuổi còn trẻ. Một trong những bí quyết để đưa đến cho ông thành công đó là sự đam mê sưu tầm và biết trân trọng giá trị văn hóa dân tộc. Ông có hẳn một thư viện gia đình với vài nghìn cuốn sách quý. Ông cũng được tiếp xúc làm việc, trò chuyện với nhiều nhà khoa học nổi tiếng trong, ngoài nước. Nhưng quan trọng hơn cả là niềm say mê đến cháy bỏng công tác nghiên cứu lịch sử văn hóa. Ông tranh thủ mọi lúc mọi nơi đến với vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông cũng thường dành thời gian vào các thư viện quốc gia, các bảo tàng để tra cứu tư liệu. Thế mạnh của ông là vốn am hiểu chữ Hán, chữ Nôm trong quá trình nghiên cứu.

Nguyễn Ngọc Trai đã xuất bản khá nhiều công trình có giá trị được dư luận đánh giá cao. Những công trình của ông đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của độc giả. Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu của ông như: Hoàng Kế Viêm cuộc đời và sự nghiệp, sách dày 400 trang; Quảng Bình địa danh địa giới qua các thời đại, sách dày 200 trang; Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình xưa nay, sách dày gần 1.000 trang; Thánh mẫu Liễu Hạnh; các tập thơ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tập thơ Hồn quê..; Những khảo cứu chuyên luận về đất nước con người quê hương Quảng Bình... Đánh giá về công trình của ông nghiên cứu về Hoàng Kế Viêm, Tiến sĩ sử học Phan Viết Dũng từng viết: Đây là công trình nghiên cứu khoa học lịch sử nghiêm túc, công phu, rất được giới sử học đánh giá cao. Một trong những trăn trở của ông là làm sao để chuyển tải những giá trị văn hóa quý báu mà ông cha đã để lại cho thế hệ tương lai.

Nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Nguyên Ngọc Trai.
Nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Nguyễn Ngọc Trai.

Nhà nhiên cứu Nguyễn Ngọc Trai đã cùng các đồng nghiệp tâm huyết đến miền sơn cước của huyện Minh Hóa để tìm những dấu tích xung quanh vương triều vua Hàm Nghi với phong trào Cần vương trên vùng đất Quảng Bình. Ngay sau đó, ông đã công bố bài viết trên Tạp chí Nhật Lệ, in bài trong tập sách Tìm về Quảng Bình xưa.

Ông vui vẻ trò chuyện với chúng tôi về những điều mới trong quá trình khảo cứu địa danh, con người vùng đất địa linh nhân kiệt của quê hương Quảng Bình. Lâu nay mọi người cứ hiểu sông Nhật Lệ là nước mắt giữa ban ngày, thực ra đó là nghĩa suy đoán. Ông đã tra cứu gốc nghĩa của Nhật Lệ: Lệ là đẹp, Nhật là ánh sáng đẹp. Nhật Lệ là dòng sông tuyệt đẹp. Cũng có người giải nghĩa từ Phong Nha là răng của gió. Đâu phải như vậy, Phong Nha theo tài liệu ông có được: Phong là đỉnh núi, Nha là nơi ở các vị Phật tiên trên các đỉnh núi. Có nghĩa rằng Phong Nha là vùng đất linh thiêng mà các vị vua chúa ngày xưa đã thờ cúng. Hang Tám TNXP nằm trong vùng đất linh thiêng này. Có nhà nghiên cứu đặt vấn đề giải mã từ Bàu Tró do phát âm của từ thờ hạt Ló, hoặc từ cổ của tiếng Chăm Pa mà ra. Qua tra cứu tư liệu, ông cho rằng, Bàu Tró theo nghĩa Hán Nôm đọc là Bàu Chú. Có nghĩa rằng nơi đón nước, rút nước các nơi quy tụ. Ông từng có bài nghiên cứu về một làng cổ xưa của Quảng Bình là làng Thọ Linh với những chứng cứ lịch sử tồn tại trên 1.800 năm.

Cũng như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khác, ông mong muốn những công bố mới của mình sẽ góp phần vào công cuộc phát triển du lịch bền vững. Thực tế, Quảng Bình rất có lợi thế trong loại hình du lịch văn hóa tâm linh. Một vùng quê mà bao nhiêu ngọn núi, con sông còn để lại nhiều dấu tích văn hóa linh thiêng. Ông cũng đã dày công nghiên cứu về 200 năm chiến tranh và chia cắt thời Trịnh Nguyễn phân tranh trên vùng đất Quảng Bình. Dù bị chia cắt nhưng dòng người Việt vẫn đi theo con đường sơn cước vào lập quê mới trên quê hương Quảng Bình và phương Nam.  Sau khi tìm hiểu kiến trúc cổ, bản đồ cổ, sách cổ của Hoành Sơn Quan, ông đã có đủ chứng cớ khoa học để khẳng định: Di tích lịch sử văn hóa Hoành Sơn Quan là của Quảng Bình. Ông đã công bố bài viết trên các tạp chí nghiên cứu văn hóa.

Quảng Bình là nơi có lịch sử phát triển của văn hóa Phật giáo. Những ngôi chùa cổ ở Quảng Bình là những điểm du lịch văn hóa tâm linh rất được du khách ưa chuộng. Có thể kể đến chùa Hoằng Phúc ở Mỹ Thủy, Lệ Thủy; chùa Liễu Hạnh ở Quảng Trạch; chùa Kim Phong (tục gọi chùa Non) ở núi Thần Đinh, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh; chùa Quảng Xá xã Tân Ninh; chùa Cảnh Tiên ở Dinh Mười, Gia Ninh; chùa Quan Âm ở Đức Trạch, Bố Trạch. Ông cũng vừa có một khám phá mới về ngôi chùa Linh Sơn 500 năm tuổi ở xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa và nhiều ngôi chùa lâu đời trên khắp Quảng Bình. Ông đã có nhận xét hiếm thấy nơi nào còn để lại dấu tích thời văn hóa Hùng Vương như ở quê hương ta. Từ Kẻ Chỉ, một mô hình dân cư có từ thời Hùng Vương thống kê được ở tỉnh ta có tới trên 64 làng mang tên làng Việt cổ. Quảng Bình cũng để lại nhiều địa danh thể hiện sự kiên cường, anh dũng của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đó là hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại, hang Tám TNXP, lèn Hà, phà Long Đại, phà Xuân Sơn, đường 20 Quyết thắng, Cổng Trời, đèo Mụ Dạ...

Quảng Bình cũng là nơi sinh ra những con người huyền thoại như Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Hoàng Kế Viêm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tất cả tạo nên sự phong phú đa dạng để phát triển bền vững loại hình du lịch văn hóa tâm linh. Với niềm tri ân sâu sắc Đại tướng Võ Nguyên Giáp, riêng ông đã viết đến 37 bài thơ ca ngợi công lao to lớn của Đại tướng. Ông đã được mục thị và dịch câu đối bằng chữ Hán tại tháp chuông trong khu mộ Đại tướng.

Trong cuộc trò chuyện, ông tiết lộ với chúng tôi về những dự định tương lai. Trước mắt ông đang viết công trình nghiên cứu văn hóa Phật giáo Quảng Bình và những ngôi chùa từ hàng nghìn năm. Thuận lợi ông làm chủ được những công cụ như máy tính, chụp ảnh, tự đánh máy, trang trí sách và chuyển những bài nghiên cứu qua hệ thống thư điện tử. Ông vẫn thầm lặng cống hiến cho bạn đọc qua các công trình nghiên cứu có giá trị. Xin được kết thúc bài viết này bằng sự cảm ơn nhà nghiên cứu Lịch sử văn hóa Nguyễn Ngọc Trai và mong ông có thêm nhiều thành công mới trên con đường nghiên cứu lịch sử và thi ca này.

Phan Hòa