.

Ném xoang vui xuân

Thứ Ba, 28/02/2017, 15:43 [GMT+7]

(QBĐT) - “Ai lên Minh Hoá quê mình / Chè xanh mật ngọt thắm tình nước non”. Là huyện miền núi rẻo cao, Minh Hoá được biết đến với những đặc sản như cơm pồi, ốc tực (cơm bột ngô, ốc vặn), mật ong rừng, cá mát và những câu hò điệu ví thắm đượm tình người như hò thuốc, đúm nói... Đặc biệt có nhiều trò chơi dân gian thể hiện tính nhân văn sâu sắc như trò chơi ném xoang ở làng Tân Lý, xã Minh Hoá.

Trò chơi ném xoang, còn gọi là ném cù ở làng Tân Lý, xã Minh Hoá, huyện Minh Hoá được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán. Trò chơi gồm hai cây xoang dựng trên một sân đất rộng khoảng 3 sào đất. Cây xoang được làm bằng tre già và chắc, cao 100 đốt, tương đương 20m. Xoang được đan bằng tre che nhỏ hoặc sợi mây, với chu vi 14 thước tương đương 5,6m. Hai cây xoang đặt cách nhau khoảng 50m và có độ cao khác nhau. Cây cao 20m, còn gọi là xoang “trên eng” (đàn anh) dành cho lứa tuổi từ 18 trở lên, và xoang “tướn ún” (đàn em) dành cho lứa tuổi từ dưới 18 trở xuống, có chiều cao thấp hơn 3m. Quả cù để người chơi ném vào xoang là củ chuối sứ được gọt tròn và nướng qua lửa để tạo độ bền dẻo, không bị vỡ khi ném. Quả cù có đường kính 15cm, nặng khoảng 1kg.

Khi tổ chức trò chơi, các bô lão trong làng họp bàn thống nhất địa điểm, thời gian, nội quy cụ thể, đồng thời cắt cử thanh niên trai tráng trong làng chặt tre dựng xoang, gọt cù chu đáo đầy đủ. Ngày tổ chức, trước khi vào hội làng có thầy mo cúng thổ địa để báo cáo tổ chức trò chơi, rèn luyện sức khoẻ, mong thần linh phù hộ độ trì, bảo đảm trò chơi được diễn ra tốt đẹp, không xảy ra tai nạn đáng tiếc,...

Trò chơi ném xoang trở thành nét văn hoá không thể thiếu trong những ngày đầu xuân ở làng Tân Lý, xã Minh Hóa.
Trò chơi ném xoang trở thành nét văn hoá không thể thiếu trong những ngày đầu xuân ở làng Tân Lý, xã Minh Hóa.

Sau khi tế lễ xong, thể lệ trò chơi được công bố, những người tham gia ném xoang tập trung vòng tròn quanh cây xoang. Người lớn tuổi nhất, cũng là người có uy tín nhất khai trương ném cù vào giữa (giao cù). Tiếp đến những người tham gia chen nhau cướp cù ném vào xoang. Nội quy trò chơi cũng được quy định cụ thể là: người chơi không xô đẩy, gài chân làm người khác ngã hoặc có những động tác gây nguy hiểm đối với người cùng chơi. Khi ném nếu tung cù ở phía trước là phạm quy, mà cù cũng khó vào được xoang. Khi ném phải vung tay ra phía sau mới đủ lực để ném cù lên xoang, đúng góc độ, cù dễ vào xoang, nhưng lại dễ bị người khác cướp mất cù trên tay. Vì vậy người tham gia ném xoang phải khoẻ, có chiều cao tốt, có sức bật mạnh và nhanh nhẹn để luồn lách tránh những đối thủ cùng chơi, giữ bóng cù, ném cù nhanh và chính xác.

Khi chơi nếu ai ném vào xoang đầu tiên thì năm ấy được phong “tráng sĩ” của làng và được nhận phần thưởng là một mâm xôi, con gà luộc, một mâm hoa quả.

Theo những cụ cao niên ở làng Tân Lý, xã Minh Hoá: trò chơi ném xoang đã có từ lâu đời, là một môn thể thao truyền thống để luyện tập sức khoẻ, thể hiện tinh thần đoàn kết, không phân biệt già trẻ, gái trai.

Ném xoang không chỉ là trò chơi người dân thư giãn sau những ngày lao động mệt nhọc vất vả, mà còn ý nghĩa tâm linh cầu cho mưa thuận gió hoà, dân làng làm ăn phát đạt, sức khoẻ dồi dào, không xảy ra dịch bệnh. Theo quan niệm của người xưa, năm nào nếu cù vào xoang “trên eng” trước thì năm đó làng được mùa lúa, còn nếu cù vào xoang “tướn ún” trước thì năm đó chỉ được mùa ngô, mất mùa lúa.                       

X. Phú – T. Dương