.

Lễ giỗ tổ thợ nề

Thứ Hai, 13/02/2017, 15:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Với hơn 50% lao động làm nghề nề truyền thống, người Đức Ninh Đông (Đồng Hới) tự hào với đôi bàn tay tài hoa của bao đời cha ông họ đã xây nên những công trình vững chải. Sau những ngày Tết đầm ấm, những người thợ nề nơi đây lại bắt đầu một năm làm nghề với bao ước vọng về một cuộc sống đủ đầy.

Một bộ phận người dân Đức Ninh Đông hôm nay có gốc gác từ làng Diêm Điền – một trong những làng quê nổi tiếng tài hoa, có lịch sử hình thành và phát triển hơn 400 năm tuổi. Những người Diêm Điền xưa đã trải qua nhiều nghề, đáng kể đến là những nghề có sức sống dài lâu, có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội và làm nên hồn vía của một làng quê hơn 400 năm tuổi, như: nghề mộc, nghề làm muối, nghề nề... Đó là những nghề vốn nuôi sống bao đời người Diêm Điền, tạo nên truyền thống văn hóa bền chặt của một làng nghề nơi chốn thị thành.

Theo Địa chí làng Diêm Điền, nghề thợ nề của làng có những bước phát triển đáng trân trọng. Hành trình đi lên của nghề truyền thống này đã ghi dấu bước chân bao thế hệ người thợ Diêm Điền, in đậm dấu ấn của những công trình đặc sắc với những đường nét kiến trúc phức tạp, những hoa văn cổ, “lưỡng long chầu nguyệt”, hình rồng trên mái đình, chùa... Những công trình vững chải và tinh hoa ấy đã chứng minh một thực tế rằng ở làng Diêm Điền, nghề thợ nề không chỉ đơn thuần là một kế sách sinh tồn của bao đời người dân nơi đây mà nó còn được thăng hoa bởi chính đôi bàn tay tài hoa, óc sáng tạo của người làm thợ.

 Nghi thức cúng bái tại nhà các chủ thầu xây dựng.
Nghi thức cúng bái tại nhà các chủ thầu xây dựng.

Nhiều cao niên làng Diêm Điền kể lại rằng thuở xưa, khi thợ nề còn ít, công việc thợ nề chỉ giản đơn là việc chất đá chắn đất bờ rào, nhồi rơm với đất sét tấp trát làm tường nhà tranh. Vậy nhưng, người Diêm Điền khi đó đã có ý thức học nghề thợ nề, đi phụ thợ cho các tổ thợ trong và ngoài làng, vừa phụ, vừa để mắt học kỹ thuật. Sự cần cù, chịu khó, trí thông minh, nhanh nhẹn cộng với bàn tay tài hoa sẵn có, nhiều người Diêm Điền đã nhanh chóng tiếp thu được tay nghề. Lâu dần, người Diêm Điền dần vững tay chân, bắt đầu đứng ra đảm nhận những công trình xây dựng lớn, có kiến trúc cầu kỳ, phức tạp. Truyền thống nghề nề làng Diêm Điền ghi đậm dấu ấn của những người thợ tài hoa như ông Bùi Cu, Bùi Hiệp, Bùi Xương... Thời Pháp thuộc, có ông Bùi Tường vốn là một thợ nề làng Diêm Điền, được chính quyền Pháp tặng huân chương bởi tay nghề điêu luyện. Sau năm 1954, thợ nề Diêm Điền bắt đầu phát triển cả công trình dân dụng và công trình cao cấp.

Trải qua những bước thăng trầm cùng nghề, nay thợ nề Diêm Điền đã tạo được chỗ đứng vững chắc. Nhiều công trình lớn, kiến trúc tinh xảo, đặc sắc trong và ngoài tỉnh đã in đậm dấu ấn của những người thợ lành nghề nơi miền quê này. Cùng với nghề mộc, nghề nề đã mang danh tiếng cho người Diêm Điền và làng Diêm Điền đi khắp trong Nam, ngoài Bắc.

Giờ nghề nề của làng Diêm Điền xưa đã có sự phát triển đáng kể khi không chỉ ở Diêm Điền mà hơn 50% lao động của phường Đức Ninh Đông hôm nay vẫn bền bỉ với nghề xưa cũ ấy. Có một điều đặc biệt là người Diêm Điền xưa vẫn thường có tập tục giỗ ông thủy tổ thợ nề vào đúng ngày 23 và 24 tháng 11 âm lịch hằng năm thì đến hôm nay truyền thống đó vẫn những thợ nề Đức Ninh Đông giữ vững. Như ngọn lửa ấm, nét văn hóa tốt đẹp ấy còn được lan tỏa đến những vùng quê lân cận.

Lâu dần, lễ giỗ tổ thợ nề không còn chỉ bó hẹp trong các đoàn thợ ở Đức Ninh Đông mà trở thành ngày giỗ tổ chung của những tốp thợ nề tại Đồng Hới. Vậy là cứ dịp này hằng năm, không chỉ thợ nề Đức Ninh Đông, mà thợ nề Đức Ninh, Bắc Lý, Nam Lý... cũng tổ chức lễ giỗ ông tổ nghề. Với họ, đây là một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm, là dịp đặc biệt để họ cùng tề tựu đông đủ, cùng nhau ôn lại những buồn vui, vất vả trong một năm gắn bó cùng nghề.

Anh Đoàn Quyền (Đức Trường, Đức Ninh Đông), một người có gần 30 năm làm nghề thợ nề cho hay: hiện nay, tại Đức Ninh Đông ước tính có khoảng 100 đoàn thầu xây dựng. Với người dân nơi đây, dẫu nhiều vất vả nhưng đây vẫn là nghề mang lại cho họ cuộc sống đủ đầy, no ấm. Người làm thợ ở mảnh đất này, dù có bận rộn đến đâu thì đến ngày giỗ thủy tổ, vẫn gác lại những bận bịu cơm áo, những toan lo đời thường để ngồi lại bên nhau, cùng thành kính dâng lên ông tổ nghề đồ cúng lễ như một cách để tri ân tiên tổ đã cho họ một phương kế sinh nhai.

Lễ giỗ thủy tổ thường được tổ chức ở nhà của chủ thầu, trưởng các nhóm thợ. Sáng sớm, cả đoàn thợ có mặt đông đủ ở nhà trưởng nhóm, bắt tay vào chuẩn bị mâm cúng lễ. Đồ cúng ít nhiều tùy thuộc vào điều kiện từng nhà nhưng việc đầu tiên và đoàn nào cũng thực hiện là tập trung dâng hương tại ngôi miếu cổ của làng. Sau đó, các đoàn thợ bắt đầu tản ra, mỗi đoàn về lại nhà chủ thầu, bắt đầu các nghi thức cúng bái tại đây.

Anh Quyền cho biết, mặc dù đã thực hiện nhiều năm nhưng lễ giỗ tổ thợ nề không chỉ vẫn giữ vững nét linh thiêng như thuở trước mà còn được tổ chức công phu hơn bởi đời sống của người thợ nề đã bắt đầu bớt đi những vất vả. Sau một năm bận bịu cơm áo, họ quý những giây phút thảnh thơi ngồi bên nhau, cùng gác lại những toan lo để sẵn sàng cho một năm làm ăn nhiều hy vọng. Họ cùng kính cẩn thắp hương lên ông thủy tổ, cùng ước nguyện những điều tốt đẹp cho nghề nghiệp mình đang gắn bó.

Với người Đức Ninh Đông, nghề nề không đơn thuần là một phương kế sinh nhai, giúp họ đi qua những đói khổ, nghèo khó, mà còn là niềm tự hào, sự hãnh diện mỗi khi nhắc đến. Bởi nhắc đến nghề nề ở Đồng Hới, người ta lại nghĩ ngay đến đôi bàn tay tài hoa của người Diêm Điền xưa. Nghề xưa, đất cũ, nhưng những người con của Đức Ninh Đông hôm nay vẫn trân trọng, nâng niu nó để cùng vun đắp nên một cuộc sống mới với nhiều ấm no.

Diệu Hương