.

Kỳ tích làng ven sông

Thứ Tư, 01/02/2017, 18:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Niềm tin vào ngày mai chiến thắng đã tiếp sức cho người dân làng Xuân Lai (Xuân Thủy- Lệ Thủy) vượt lên đạn bom của quân thù trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, làm nên một kỳ tích, khắc những nét tuyệt đẹp vào truyền thống đua bơi trên dòng Kiến Giang...

Làng Xuân Lai quê tôi chạy dọc theo dòng Kiến Giang. Dòng sông trong xanh, mát rượi chảy qua tuổi thơ trang lứa chúng tôi để lại bao kỷ niệm sâu đậm về làng quê. Nhưng có lẽ khắc dấu ấn vào tuổi thơ chúng tôi là những mùa bơi đua trên dòng sông này được tổ chức vào dịp Quốc khánh 2-9 hàng năm. Làng ven sông nên đua bơi đã ngấm vào máu thịt người dân trong làng. Nói không ngoa rằng, từ khi có lễ hội đua bơi trên dòng Kiến Giang đến nay năm nào làng Xuân Lai đều góp mặt, nhiều năm có cả đò đua lẫn đò bơi và luôn là “đối thủ” đáng ngại của nhiều làng khác trong huyện.

Mùa đua bơi năm 1963 được tổ chức khá rầm rộ ở Lệ Thủy và đò bơi làng Xuân Lai về nhất toàn huyện. Để có được chiếc đò bơi này đội Sơn Tràng của làng đã lặn lội cả mấy tháng trời chọn được cây gỗ được coi là tuyệt tác trên đại ngàn Trường Sơn, theo “đơn đặt hàng” của ông thợ bắt đò bơi, ông Hoàng Lanh. Nhìn độ “càn lướt” của nó trên trường đua nhiều “chuyên gia” trong làng bơi đua đánh giá rằng chiếc đò này còn về nhất dăm năm nữa. Niềm vui khôn tả và người dân làng tôi lại háo hức chờ đợi mùa đua bơi năm sau... Nhưng có ai biết rằng đấy là mùa đua bơi cuối cùng trên dòng Kiến Giang kể từ khi lễ hội này khởi phát đến lúc này, khi cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đang cận kề. Vâng, những năm sau đó chiến tranh trùm bóng đen lên từng làng quê, khúc sông, mọi cuộc vui chơi tụ tập đông người phải hủy bỏ. Bơi đua trên dòng sông quê hương chỉ còn trong ký ức.

“Hậu duệ” của vị “chiến binh” năm xưa chuẩn bị xuống nước thi tài trên dòng sông quê hương.
“Hậu duệ” của vị “chiến binh” năm xưa chuẩn bị xuống nước thi tài trên dòng sông quê hương.

Làng tôi có một ngôi đình rất to, được xây dựng công phu với nhiều họa tiết phức tạp và đẹp mắt, tọa lạc ngay giữa làng. Đình được xây trên nền đất rất cao, những trận lũ lịch sử không ngập được nền đình. Những năm trước chiến tranh, ngôi đình này là nơi tổ chức rất nhiều lễ hội lớn nhỏ trong làng. Bọn trẻ chúng tôi coi đây là “điểm hẹn” với những trò chơi bất tận của tuổi thơ trong gió nồm nam mát rười và trên nền xi măng bóng loáng. Sau mỗi mùa đua bơi, chiếc đò bơi làng tôi lại có một “chỗ nghỉ” ngay sau đình, dọc theo hành lang có mái che, tường chắn, kín gió mưa. Và tất nhiên vị “chiến binh” vừa làm nức lòng dân làng mùa đua bơi năm 1963 cũng được đặt trang trọng nơi này trong sự canh gác cẩn trọng của cán bộ hợp tác xã.

Nhưng thật đáng buồn, vị “chiến binh” sông nước này nằm luôn trên cạn đến gần...10 năm! Và cũng chừng ấy thời gian người dân làng tôi đã phải chăm sóc kỹ lưỡng vị “chiến binh” này trong bom đạn chiến tranh.

Khi chiến tranh vào hồi khốc liệt, bến đò ngang sông Kiến Giang được chuyển đến làng tôi. Thế là làng Xuân Lai lại có thêm một “mục tiêu quân sự” trong mắt kẻ thù. Và rồi bom đạn dội xuống làng như dày thêm. Ngôi đình làng được lệnh phải tháo dỡ để tránh bị đánh bom. Lúc này chiếc đò bơi đang” tá túc” ở đây phải tính làm sao? Quả là khó vì đò bơi rất dài, không dễ gì tìm chỗ cho nó để vừa bảo  đảm an toàn về bom đạn vừa tránh được nắng, mưa và cả sự dòm ngó của kẻ thù trên không. Bởi để lộ ra không chừng lại có những trận bom khốc liệt dội xuống ngay tức khắc. Trước đó không lâu làng Xuân Lai đã phải chịu mấy trận bom liền, mất mấy mạng người và hàng chục ngôi nhà bị phá hủy khi một chiếc xà lan do ngụy trang không kỹ phía bờ sông đối diện để máy bay địch phát hiện được. Cũng có người “bàn ra”, rằng chiến tranh biết đến khi mô kết thúc, tuổi thọ của đò thì có hạn, hay ta rã ra làm thành hai chiếc đò ngang đi gặt lúa? Nhưng rồi người dân trong làng vẫn quyết liệt giữ lại đò, với một niềm tin sắt đá, chiến tranh rồi sẽ kết thúc, sẽ lại bơi!

Bơi đua trên dòng Kiến Giang.
Bơi đua trên dòng Kiến Giang.

Chiến tranh đã phủ bóng đen lên từng xóm làng, từng khúc sông, nhưng không làm tắt niềm tin vào ngày mai chiến thắng của người dân làng tôi! Và chiếc đò bơi lại được kéo tựa và vách đình còn chừa lại, thợ mộc trong làng tự nguyện bỏ công làm thêm mái nhỏ dọc bờ tường để đủ che mưa, nắng cho nó. Như có sự linh thiêng, dù bom đạn bời bời trong những năm chiến tranh khốc liệt nhưng chiếc đò bơi làng tôi vẫn cơ bản vẹn nguyên, chỉ vài chỗ bị mảnh bom làm trầy xước và phần đuôi có hư hỏng chút ít.

Đầu xuân năm 1973, lúc này Hiệp định Pa ri đã được ký kết, miền Bắc đã im tiếng bom rơi và Tổng Bí thư Lê Duẩn vào thăm Lệ Thủy. Nhân sự kiện này huyện tổ chức bơi đua và vị “chiến binh” năm xưa của làng Xuân Lai lại lướt sóng thi tài cùng những đò bơi khác trong huyện. Đây là cuộc đua bơi không chính thức nhưng chiếc đò bơi làng tôi cũng đã thể hiện đẳng cấp của mình khi bỏ xa nhiều đò bơi khác. Và mùa đua bơi năm đầu tiên sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất nó lại về nhất toàn huyện trong niềm vui bất tận của người dân trong làng. Chiếc đò bơi này còn tiếp tục tham gia đua bơi vài năm nữa với thứ hạng cao trong huyện và khi đã không còn “phong độ” do thời gian, nó mới chịu về “vườn”.

Nửa thế kỷ đã đi qua, có người nhớ, có người quên trước những sự kiện lớn nhỏ trong dòng chảy của thời gian. Nhưng với người dân làng Xuân Lai, không thể nào quên vị “chiến binh” trên sông nước đã được dân làng gìn giữ như báu vật qua cuộc chiến khốc liệt gần một thập kỷ.

Vâng, có thể đó chỉ là chuyện về chiếc đò bơi, nhưng không thể không nói đến niềm tin vào ngày mai chiến thắng của người dân trong cuộc chiến giữa dân tộc ta với một đội quân có sức mạnh vật chất vượt trội. Chính niền tin ấy đã làm nên kỳ tích của làng ven sông, khắc dấu ấn đậm nét vào truyền thống đua bơi của người dân Lệ Thủy và cắt nghĩa về sức sống mãnh liệt của một lễ hội đã đi vào lòng dân trên dòng sông này!

Văn Hoàng