.

Tình đất

Thứ Bảy, 07/01/2017, 19:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Bây giờ, hơn mười năm sau, Tuấn mới có dịp sánh bước bên Loan.

- Anh Tuấn, còn nhớ đoạn đường này không? - Người thiếu phụ má đỏ hây hây trong nắng sớm, nheo mắt tinh nghịch nhìn bạn đồng hành, khúc khích cười.

- Làm sao quên được con đường kỷ niệm... - Tuấn cố tình kéo dài âm điệu hai chữ kỷ niệm pha giọng cải lương, nhìn Loan cười chúm chím. Bấy nhiêu đó cũng đủ khiến cho cô cười ra nước mắt.

Ngày ấy, cũng con đường này một sáng đi dạy học, Loan giẫm trúng phân bò. Cô thọc chân xuống mương, dội nước vào dép, một con đỉa to tướng, dài ngoẵng như ngón tay bám ngay vào chân. Loan thét oai oái. Tuấn chạy đến. Loan vừa sợ, vừa tủi thân, ôm chầm vai anh òa khóc như một đứa trẻ. Sau đó, cứ mỗi lần đi qua đoạn đường này, Tuấn thường giễu Loan: “Con đường kỷ niệm!” lần nào cô cũng xông tới đấm thùm thụp vào lưng Tuấn để chữa thẹn. Con đường xưa, giờ đây cao ráo và thẳng tắp giữa cánh đồng cò bay thẳng cánh đến tận chân trời. Tuấn bồi hồi, tìm sự chia sẻ:

- Vùng đất năm xưa đã mất hẳn cái vẻ hoang dã rồi em nhỉ?

Loan trầm ngâm ôn lại những kỷ niệm buổi ban đầu hai người đặt chân lên “Vùng rừng thiêng nước độc” để làm nghề “gõ đầu trẻ” rồi bất chợt giọng cao vút, tự hào:

- Đã khác xa cái thời gian khổ, tịch liêu mà chúng mình từng trải qua. Tí nữa đến trường anh sẽ thấy sự biến đổi còn lớn hơn nữa. Tám phòng học khang trang, các công trình phụ đều đâu vào đó.

Tuấn còn đang đi dọc hành lang của ngôi trường nhìn ngược, nhìn xuôi, một cô giáo còn rất trẻ, xinh như nụ hồng trong sương mai từ phòng học bước ra:

- Xin lỗi! Anh cần gặp ai?

Tuấn chưa kịp đáp, cô bé đã reo lên:

- Ối dào! Có cả chị Loan... - Nhận ra sự quá trớn trước khách lạ, cô giáo trẻ im bặt, thẹn thùng. Tuấn tinh ý, cười nhẹ, phá đi bầu không khí đang chùng xuống:

- Tôi muốn thăm lại trường cũ. Nơi ngày xưa tôi từng dạy học cô ạ!

Cô bé đẹp như mơ sửng sốt, nhìn Loan như kẻ xa lạ:

- Trời ơi! Sao chị Loan không giới thiệu ngay từ đầu? Thì ra đây là anh Tuấn! - Loan vừa kịp đến nơi, cười xòa:

- Vâng! Anh ấy chính là người thầy giáo đầu tiên của trường này. Người đã cùng chị chống chèo, dạy dỗ các em vùng sâu, vùng xa có được cái chữ. Lớp học trò ấy bây giờ có nhiều em là cử nhân giúp ích cho đời.

Cô giáo trẻ có tên là Thư. Nguyễn Hoàng Thư cười vui như Tết:

- Cả cô giáo Loan cũng là tiền bối của trường này nữa chớ! Chị ấy nói về anh Tuấn nhiều lắm! Chuyện anh, chị đến vùng kinh tế mới này gieo những hạt giống văn hóa đầu tiên giống như chuyện thần thoại. Em nghe chị Loan kể, có lần anh, chị đi sinh hoạt Đoàn ban đêm bị lạc lối đến tận chân rừng, nghe hổ gầm. Và chuyện chị Loan bị đỉa đeo, em muốn dựng tóc gáy.

Nhìn điệu bộ và nghe giọng nói pha chút khôi hài của Thư, Tuấn phì cười:

- Thế cô đã có lần nào bị đỉa bám vào chân chưa ạ?

Cô bé giãy nẩy lên như đang bị đỉa đeo kinh hoảng:

- Không có đâu anh! Thuở anh và chị Loan đến đây dạy học, đồng ruộng còn hoang vu, lầy lội, cỏ lác dày đặc. Còn bây giờ như anh thấy đấy! Đường sá toàn bê tông sạch, đẹp, nhà cửa mọc lên như nấm. Người ta thi nhau đắp hồ nuôi tôm, nuôi cá, trồng cây ăn trái như nông trang. Ban đêm khắp làng điện sáng choang. Hồi đó, nghe nói ngôi trường này chỉ có hai gian, vách trát đất, mái lợp tranh. Mỗi lần anh, chị muốn dạy thêm buổi tối phải đốt đuốc dò dẫm đến trường, em phục và thương anh, chị quá!

Tuấn tranh thủ viếng thăm những gia đình mà anh quen thân trong những năm còn dạy học. Người nào, nhà nào cũng muốn giữ anh lại để đãi đằng, trò chuyện cho thỏa lòng nhớ nhung. Lúc anh trở về nhà Loan, mặt trời đã khuất dần sau dãy núi. Trên đường về, Tuấn băng qua cánh đồng lúa ngút ngàn xanh đang thì con gái. Xa xa, vài cánh cò chao nghiêng trong ánh chiều. Đàn trâu no cỏ thuần thục đèo các chú mục đồng, chậm rãi quay về lối cũ, tiếng sáo từ đâu vút cao thánh thót mật ngọt, góp phần làm cho bức tranh quê thêm sống động, trữ tình. Loan ra tận ngõ đón Tuấn:

- Anh vào rửa ráy rồi dùng cơm với mẹ con em. Hôm nay có món canh chua cá đồng mà anh từng ưa thích.
Tuấn cười hiền, xăm xăm tiến lại bên thềm giếng:

- Đợi anh có lâu không? Anh làm phiền em quá!

Loan vắt chiếc khăn lông còn mới nguyên lên vai Tuấn, cười ròn rã:

- Thôi đi ông tướng khéo khách sáo với em! Nhớ ngày còn dạy học ở đây, bao giờ anh, em mình cũng ăn cơm chung, ở trọ chung một nhà.

Tuấn ranh mãnh:

- Tánh anh hay lơ đoễnh nên già rồi còn ế vợ.

Cả hai cùng cười phá lên vui vẻ, hồn nhiên như ngày họ mới bắt đầu đặt chân lên bục giảng làm thầy, cô giáo.

Chẳng mấy chốc mâm cơm được dọn ra trước thềm. Tuấn giành phần bới cơm cho mẹ con Loan. Anh ngồi ăn tự nhiên như người một nhà, còn Loan thì ăn nhỏn nhẻn như mèo, nói, cười luôn miệng, mặt tươi như hoa trông thánh thiện. Hai đứa trẻ hết nhìn Tuấn lại nhìn Loan, chúng có vẻ thắc mắc trước sự xuất hiện của chàng. Một người hoàn toàn xa lạ lại được mẹ chúng tiếp đón như người ruột thịt.

Minh họa
Minh họa

Sau bữa cơm chiều, hai đứa trẻ bi bô đùa giỡn dưới gốc mận đầu hè. Loan rót nước mời Tuấn. Anh nhấm nháp, tận hưởng vị thơm ngon của chung trà, nhìn những giọt nắng loang lổ trên mảnh sân cũ, mắt thoáng buồn:

- Loan ơi! Anh muốn biết tường tận về cái chết của Thái?

Chủ nhà hơi bất ngờ trước câu hỏi đường đột của khách. Đang vui bỗng dưng vẻ mặt Loan buồn vời vợi:

- Sự việc xảy ra ngoài sức tưởng tượng của em. Hôm ấy anh Thái cùng với em trai của ảnh bơi xuồng sang sông nhận cây bạch đàn. Khi bơi ra giữa dòng trời nổi cơn giông,  gió xoáy ào ào xuồng bị hất chìm. Anh Thái dìu em trai vào bờ rồi quay ra, lặn xuống sông tìm chiếc xuồng. Có lẽ vì quá chủ quan ở tài bơi lội vốn có mà anh Thái bị đuối sức...Lúc ấy trên bờ sông chỉ có em trai anh Thái, nhưng chú ấy không biết bơi...Mãi đến chiều bà con mới vớt được xác anh ấy...

Suốt đêm Tuấn không tài nào ngủ được. Chiếc giường anh nằm vô tình đối diện với bàn thờ Thái. Ánh đèn tỏa sáng. Trong ảnh, đôi mắt Thái nhìn anh chòng chọc như thôi miên, như muốn gởi gắm điều gì trước lúc đi xa. Lời của Thái năm nào như còn vang vọng đâu đây: “Mình biết Tuấn yêu Loan nhiều lắm! Mình không bao giờ có ý định chiếm đoạt người cậu yêu. Khổ nỗi, Loan chỉ xem cậu như người anh trai thân yêu nhất, biết làm sao được! Đôi khi niềm vui của người này lại là nỗi đau của kẻ khác. Đừng buồn nghe Tuấn!”.

Đêm ấy, sau mười năm Tuấn mới hiểu hết cái nhìn của Thái. Anh day dứt vô cùng! Bao kỷ niệm vui, buồn trong những năm tháng sống trên mảnh đất thân yêu này, với đàn học sinh, với Loan và bao người dân hiền hòa, mến khách cứ hiện về trong tâm khảm Tuấn, khiến anh xúc động dâng tràn.

Trời gần sáng, Tuấn mới thiếp đi. Trong giấc mơ, anh thấy mình dắt tay Loan dạo chơi trên một ngọn đồi đầy hoa tím. Bỗng đâu có một thanh niên nét mặt hao hao giống Thái xông tới giành giật Loan ra khỏi tay Tuấn và bất thần xô anh một cái thật mạnh. Anh thét lên kinh hoàng, có cảm giác rơi lơ lửng trong không gian, đến khi nghe toàn thân lạnh buốt mới hay đã nằm tận dưới vực sâu ngập ngụa trong biển nước. Tuấn sợ điếng người, loi ngoi kêu cứu. Đột nhiên, từ trên cao có một sợi dây trắng toát, mềm như lụa rơi đúng tầm tay anh. Anh cả mừng, bám víu sợi dây, mắt nhắm nghiền, thân thể dường như bay bổng lên cao. Thoáng chốc, anh mở mắt ra đã thấy Loan đứng bên cạnh trên đồi cao đầy hoa màu tím. Cô âu yếm nhìn Tuấn, nhoẻn miệng cười và dang rộng vòng tay:

- Loan của anh đây mà! Hãy nói yêu em đi anh!

Tuấn giật mình, choàng dậy, nghe bên ngoài chim hót véo von. Nắng sớm nhảy nhót bên cửa sổ. Anh vươn vai bước ra hiên, đứa con đầu con của Loan vụt chạy đến, lí nhí:

- Má con đi dạy rồi! Dặn cậu ăn cơm xong mới được đi về. Má còn gởi cậu tờ giấy đặt trên bàn kia kìa!
Tuấn thấy người nhẹ nhõm, trìu mến xoa đầu cậu bé:

- Cháu ngoan quá!

Anh hồi hộp cầm mảnh giấy trên bàn đọc ngấu nghiến:

“Anh! Trông anh ngủ say quá em không nỡ đánh thức. Anh thông cảm! Đến giờ em đi dạy, không nán lại được để chia tay cùng anh, buồn thật! Chúc anh lên đường mạnh giỏi. Thỉnh thoảng hãy đến thăm mẹ con em...Đừng quên mảnh đất mà chúng mình đã có một thời gắn bó!”

Em: Ngọc Loan

Tuấn thẫn thờ, nhìn thấy cây bút Loan để sẵn trên bàn, anh chợt hiểu ý, cầm lấy, ghi lại cho Loan mấy dòng rồi đến bên bàn thờ đốt cho Thái nén nhang, thầm thì:

- Tạm biệt Thái! Nếu anh cho phép, tôi sẽ trở lại để thay anh chăm sóc mẹ con Loan.

Truyện ngắn của Trần Quốc Cưỡng