.

Ngọt lành hò khoan xứ Lệ

Chủ Nhật, 01/01/2017, 13:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Người Lệ Thủy chân tình, dung dị: “Anh đưa em về thăm quê anh xứ Lệ. Nơi giọng hò ru anh thời thơ trẻ...”. Về lại bên dòng sông Kiến Giang để nghe câu hò nhặt khoan, ngọt lành- hò khoan Lệ Thủy! Đó là tinh hoa, hồn cốt người dân xứ Lệ cho dù đi bất cứ nơi đâu, ở chân trời góc bể nào cũng mong có dịp hồi hương.

Buông cuốc cày, thành nghệ nhân

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trong một lần tái ngộ cùng tôi trên danh nghĩa thầy trò, biết tôi ở Quảng Bình, ông tha thiết: “Mình duyên nợ nhiều với miền Trung, riêng quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì bản thân bị chinh phục ngay tức khắc, khi lần đầu tiên tiếp xúc với những giai điệu hò khoan Lệ Thủy. Cái hồn cốt, phong thái thể hiện, nghệ nhân biểu diễn, nét độc đáo riêng có của hò khoan Lệ Thủy làm mình say ngây ngất, thành duyên nợ với nó”.

Cũng vì duyên nợ cùng hò khoan Lệ Thủy, ông Nguyễn Hùng Vĩ đầu tư nhiều công sức tìm hiểu, sưu tầm, quảng bá, trở thành nhịp cầu nối đưa hò khoan Lệ Thủy vượt tầm ra khỏi không gian, thời gian văn hóa khu biệt vùng miền. Hò khoan Lệ Thủy được các nghệ nhân chân trần một đời cuốc cày gắn cùng đồng ruộng biểu diễn hào sảng, khoan dung, thuần phác trên các sân khấu lớn làm cho khán giả khắp mọi miền Nam Bắc cảm tình, ngợi ca.

Hò khoan Lệ Thủy sánh duyên cùng dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh.
Hò khoan Lệ Thủy sánh duyên cùng dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh.

Trở lại Lệ Thủy nhân dịp hò khoan Lệ Thủy sánh duyên cùng dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh - di sản văn hóa phi vật thể thế giới, tôi đắm say vào trong những điệu hò, lời ru nhặt khoan, rồi cùng với những nghệ nhân “chân đất” chìm sâu vào vốn văn hóa dân dã mà tinh tế, thành mạch ngầm thủy chung chảy trong huyết quản mỗi một con người xứ Lệ.

Ông  Đặng Ngọc Tuân, tác giả cuốn sách “Hò khoan Lệ Thủy” chia sẻ: “Ngược dòng lịch sử, vùng đất Lệ Thủy nằm trong vùng giao thoa của rất nhiều nền văn hóa. Năm 1069, Lý Thái Tổ chinh phạt phương Nam, Lệ Thủy từ đó thuộc về  Đại Việt. Hình thành từ cái nôi lao động, sản xuất nông nghiệp, thuộc về người dân lao động, suốt chiều dài lịch sử, hò khoan Lệ Thủy xác lập cho mình bản sắc riêng khác với các loại hình diễn xướng dân gian các vùng miền khác. Hò khoan Lệ Thủy không phải thú tiêu khiển, phục vụ cho một giai tầng nào trong xã hội mà thuộc về nhân dân, ai cũng có thể tham gia được. Người dân nghèo cày ruộng, cấy lúa, chèo thuyền, thả lưới, tát nước, giã gạo, lỉa gỗ... lấy lời ca, tiếng hát cho quên đi mệt nhọc; theo thời gian hình thành nên một môi trường diễn xướng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng chung”.

Hò khoan Lệ Thủy được nâng niu, giữ gìn sau lũy tre làng, gắn chặt với những biểu trưng văn hóa làng xã: cây đa, bến nước, sân đình... Vì sáng tạo từ nghệ nhân chân đất nên dù lời hay, ý đẹp, ngôn ngữ tinh tế, ý nhị, giàu hình tượng và cảm xúc, hò khoan Lệ Thủy vẫn đậm nét đặc trưng dân dã, mộc mạc, dung dị. Nghệ nhân Nguyễn Thị Hải Lý, CLB dân ca và hò khoan xã Phong Thủy so sánh: “Nghe hò khoan Lệ Thủy một câu hò cũng hay, nghe hò thâu đêm suốt sáng cũng không chán. Nốt kết của hò con mở ra nốt đầu cho hò cái. Nốt kết hò cái lại mở đầu cho hò con. Sự chuyển tiếp, luân hồi theo trục không gian, thời gian tưởng chừng như vô tận, mạch trào, mãnh liệt!”

Trong hành trình hơn 700 năm phát triển hò khoan Lệ Thủy, từ những làn điệu cơ bản, các nghệ nhân dân gian tiếp tục sáng tạo thêm nhiều lối hò như: “lối giao duyên”, “lối nhân nghĩa, “lối điển tích”, “lối ghễnh ghẹo”, “lối bồn ba”... Như nhiều loại hình diễn xướng khác, hò khoan trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng có tính sân khấu, hoặc trong những lúc nông nhàn. Một điều độc đáo ở hò khoan Lệ Thủy là chỉ trong trường hợp biểu diễn hay thi thố thì mới dùng đến nhạc cụ như nhị, sao, trống... Còn thông thường, nhạc cụ trong hò khoan chỉ là những công cụ lao động như chày giã gạo, mõ tre, sanh, gậy, mâm đồng, chén trà... Những công cụ lao động thô sơ này bắt nhịp tạo ra âm thanh rất mộc mạc, gần gũi, đời thường.

Hành trình đến di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Hò khoan Lệ Thủy với đặc trưng “riêng có” trong tổng thể nền văn hóa, văn nghệ dân gian vùng duyên hải miền Trung, Bình Trị Thiên đã thực sự xứng đáng để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và tương lai là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.

Tình chàng ý thiếp, tình yêu quê hương, đất nước luôn chất chứa trong mỗi làn điệu hò khoan Lệ Thủy.
Tình chàng ý thiếp, tình yêu quê hương, đất nước luôn chất chứa trong mỗi làn điệu hò khoan Lệ Thủy.

Ông Dương Ngọc Liên, Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện Lệ Thủy cho biết: “Hiện tại hò khoan Lệ Thủy bảo tồn và phát triển khá vững chắc trong nhân dân. Chúng tôi có 8 nghệ nhân văn nghệ dân gian được công nhận, trong đó có 3 nghệ nhân ưu tú. Toàn huyện Lệ Thủy thành lập 10 CLB hò khoan. Hò khoan Lệ Thủy cũng chính thức đưa vào giới thiệu, quảng bá, giảng dạy trong hệ thống trường học, đây chính là nguồn nuôi dưỡng quan trọng nhất để hò khoan Lệ Thủy sống mãi với thời gian cùng mảnh đất và con người xứ Lệ. Trên hành trình hướng đến di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, hò khoan Lệ Thủy có nhiều chuyến giao lưu, quảng bá trong tỉnh và cả nước, đặc biệt sánh duyên cùng với dân ca quan họ Bắc Ninh, dân ca ví dặm Nghệ Tỉnh là hai di sản văn hóa phi vật thể nhân loại”.

Bằng sự kết nối của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ và Hội đồng hương Quảng Bình tại Hà Nội, lần đầu tiên hò khoan Lệ Thủy đến với công chúng thủ đô Hà Nội rồi ngược lên vùng quan họ Bắc Ninh. Hơn 10 tiết mục chắt chiu, gói gọn tình người và văn hóa xứ Lệ do chính những nghệ nhân chân đất, vốn quen tay cuốc tay cày biểu diễn làm say lòng người miền Bắc.

Mỗi câu hát, mỗi lời ca hò khoan Lệ Thủy chất chứa một câu chuyện về nhân tình, thế thái; tình chàng ý thiếp, duyên gái trai... Nhưng sâu sắc, bao trùm tất cả đó là tình yêu quê hương, đất nước, con người. Lời nhắn nhủ trao gửi giữa người với người sống trọn chữ hiếu, nghĩa nhân trung...

Người Hà Nội giã biệt với hò khoan Lệ Thủy rồi mà vẫn vấn vương theo lời hát giao duyên: (Nữ) “Thiếp gặp chàng dạ mừng hớn hở/Chàng gặp thiếp như hoa nở trên (hơ) bồn/Hơ hô khoan ơ là hò khoan ơ hò khoan/Nghiêng tai mà hỏi với trai khôn/Thầy mẹ ở bên nhà đã sửa...hơ... chậu/ Ơ là hô!/Ơ... hơ... sửa chậu xây bồn mô... hơ... chưa? (Nam) “Anh nỏ thiếu chi nơi màn loan mà chiếu kế/Nỏ thiếu chi nơi mà cao bệ dài...hơ... giường/Hơ hô khoan ơ là hò khoan ơ hò khoan/Em đừng chê anh nghèo mà tráo đấu lường thưng/Em chớ nghe thầy với ơ...hơ... mẹ/Ơ hơ ơ, với mẹ khiến em đừng có thương ơ...hơ... anh...!” .

Ngô Thanh Long