.

Chờ đợi bảo vật quốc gia mới trên đất Quảng Bình

Chủ Nhật, 15/01/2017, 18:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận thêm 14 bảo vật quốc gia, nâng tổng số bảo vật quốc gia lên 88 sau 5 đợt công nhận. Năm 2013, tỉnh ta vinh dự có một bảo vật quốc gia là tượng Avalokitesvara Đại Hữu, văn hóa Chămpa, hiện đang được trưng bày, bảo tồn tại Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay, tỉnh ta vẫn chưa có thêm bảo vật nào có được vinh dự này. Đây cũng là điều trăn trở đối với những ai quan tâm đến văn hóa tỉnh nhà và đội ngũ những người làm công tác văn hóa.

>> Chiêm ngưỡng những bảo vật quốc gia "độc nhất vô nhị" của Việt Nam

Theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Ngọc Trai, tượng Avalokitesvara Đại Hữu được Hery de Pirey phát hiện vào đầu thế kỷ XX tại vùng Đại Hữu, An Ninh, Quảng Ninh. Đây là một trong những hiện vật thể hiện nghệ thuật tạo hình độc đáo của nền văn hóa Chămpa và có niên đại từ thế kỷ X.

Điểm nổi bật của tượng nằm ở phần đầu và phần cánh tay. Trong đó, phần đầu có búi tóc cao, được chạm khắc một vành miện hình cung chạy vòng quanh trán làm “nền” cho chiếc mũ hình tháp jata đội bên trên. Mặt trước của mũ jata có chạm nổi một hình tượng Đức Phật đang ngồi trong thế nhập đại đình, đó là tượng phật A Di Đà. Đây là một trong những yếu tố đồ tượng học xác định tượng Avalokitesvara Đại Hữu cũng chính là tượng Bồ Tát Quan Thế Âm. Phần tay mang ý nghĩa với các tùy vật trên bốn bàn tay tượng, gồm: quyển sách, chuỗi hạt, hoa sen và bình cam lồ. Bên cạnh đó, tượng Avalokitesvara Đại Hữu còn độc đáo ở ý nghĩa, hình tượng mang yếu tố Phật giáo.

Bà Trần Thị Diệu Hồng, nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, trong một bài viết nghiên cứu đã chỉ rõ, tượng chính là minh chứng cho sự khéo léo và kỹ thuật điêu luyện của các nghệ nhân Chămpa trong từng nhát chạm khắc trên đá, đồng, kim loại khác. Đặc biệt, tượng đạt đỉnh cao về nghệ thuật tạo hình, về hình thái cơ học đạt sự cân xứng. Tượng thần tuy trừu tượng cao siêu, nhưng vẫn gần gũi với người trần tục, phản ánh đề tài tính ngưỡng, thần thoại, tôn giáo, tính lịch sử, tính hiện thực của cuộc sống xã hội Chămpa đương thời.

Với những giá trị lịch sử, nghệ thuật đó, tượng Avalokitesvara Đại Hữu được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2013 và được lựa chọn cùng 5 bảo vật khác để trưng bày tại Mỹ, giới thiệu đến công chúng trên toàn thế giới.

Tượng Avalokitesvara Đại Hữu là bảo vật quốc gia được công nhận năm 2013
Tượng Avalokitesvara Đại Hữu là bảo vật quốc gia được công nhận năm 2013

Ông Tạ Đình Hà, nguyên Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh chia sẻ, bên cạnh tượng Avalokitesvara Đại Hữu, tỉnh ta vẫn còn không ít cổ vật có giá trị và đầy tiềm năng để được vinh danh là bảo vật quốc gia. Có thể liệt kê ra đây, như: gốm, sứ, tiền thời Lý, Trần; một số tượng Chăm; “tâm tâm” do vua Hàm Nghi tặng cho tướng quân Lê Trực trước khi ông ra trận… Nếu được công nhận là bảo vật quốc gia, các bảo vật này sẽ được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt. Đồng thời, Nhà nước sẽ thẩm định miễn phí, hướng dẫn nghiệp vụ bảo quản và tạo điều kiện để phát huy giá trị các bảo vật quốc gia.

Đơn cử như “tâm tâm” của tướng quân Lê Trực cũng đã chứa đựng biết bao câu chuyện, huyền thoại về người anh hùng yêu nước đất Quảng Bình. Ông Mai Thế Trung, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cho biết, theo lý lịch của bảo vật, "tâm tâm" là của nhà ái quốc Lê Trực, thôn Thanh Thủy, xã Tiến Hoá, huyện Tuyên Hóa. Hiện vật được làm bằng vải satanh thêu. Ông đã sử dụng hiện vật này trong thời kỳ chống giặc ở Thanh Hóa năm 1886. Sau đó, ông đánh Pháp ở Hướng Phương, Đồng Vải… giết một tên quan hai Pháp và đánh đắm nhiều thuyền bè Pháp theo cửa Gianh lên Thanh Thủy. "Tâm tâm" sau này được ông Lê Bá Phiên cất giữ và giao cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh bảo quản.

Hay chỉ nói riêng đến văn hóa Chămpa, Quảng Bình vẫn còn nhiều di tích, di vật có giá trị, thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu và những ai quan tâm. Đó là hệ thống các thành lũy, như: lũy cổ Hoàng Sơn/lũy đá Lâm Ấp/lũy Hoàn Vương ở Quảng Trạch, thành Kẻ Hạ hay còn gọi là thành Khu Túc/thành Lồi ở Bố Trạch, thành Nhà Ngo hay còn gọi là Ninh Viễn thành ở Lệ Thủy...; các loại hình mộ táng, mộ vò Chămpa, dấu tích của các tháp Chăm, các tác phẩm điêu khắc ở Quảng Trạch, Quảng Ninh, Bố Trạch...; hệ thống các giếng Chăm.

Đây chính là minh chứng rõ nét cho thời kỳ phát triển rực rỡ của Vương quốc Chămpa cổ đại trên mảnh đất Quảng Bình. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đăng Mạnh, Trường đại học Khoa học Huế trong một nghiên cứu của mình đã cho thấy một thực tế, đó là việc trùng tu bảo quản và phát huy giá trị của di sản văn hóa Chămpa trong lĩnh vực du lịch nói riêng ở các địa phương gặp không ít khó khăn. Nếu có cơ hội để một trong những bảo vật của nền văn hóa Chămpa trên đất Quảng Bình được công nhận là bảo vật quốc gia thì việc bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống các di tích, di vật này sẽ gặp nhiều thuận lợi, cũng như nhận được sự quan tâm, chú ý hơn từ cộng đồng. Trên thực tế, mặc dù hấp dẫn với các giá trị lịch sử, nghệ thuật, tâm linh, nhưng những di tích về văn hóa Chămpa rất hiếm hoi được có tên trong các điểm đến du lịch của tỉnh nhà. PGS.TS Trần Đăng Mạnh cũng đã đề xuất 6 nhóm giải pháp chính để khắc phục thực trạng này, bao gồm: tổng kiểm kê, đánh giá di sản, trùng tu tôn tạo và bảo vệ di tích, phát triển nguồn nhân lực, tổ chức quy hoạch du lịch, xây dựng các tour du lịch di sản văn hóa Chămpa và xã hội hóa các hoạt động du lịch di sản văn hóa Chămpa.

Để được công nhận là bảo vật quốc gia, theo khoản 21, điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (2009), bảo vật phải là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo, có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc sự nghiệp của anh hùng dân tộc. Bảo vật quốc gia có thể là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định. Bảo vật quốc gia cũng có thể là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên. Trong tương lai, kỳ vọng rằng tỉnh ta sẽ vinh dự có thêm các bảo vật quốc gia khác để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản sẽ được nâng lên tầm cao mới

Mai Nhân