.

Tiếng tơ đồng

Thứ Sáu, 09/12/2016, 10:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông ngồi đó, giữa mênh mang xúc cảm, giữa ngưng đọng thời gian, đôi mắt lim dim thả hồn theo từng tiếng đàn. Giữa khoảnh sân nhỏ, tiếng đàn đáy của ông đủ sức xua đi cái rét mướt đầu đông nơi xóm núi. Đôi bàn tay nhăn nheo đã lấm tấm vết đồi mồi, nhưng chỉ cần động vào đàn thôi là bao nhiêu hứng thú của tuổi thanh xuân bỗng chốc quay trở về khiến cho nó trở nên linh hoạt khác thường. Thỉnh thoảng ông lão lại mỉm cười, nụ cười hiền hậu đến thân thương.

Người làng gọi ông Đinh Văn Đống (75 tuổi, xã Yên Hóa, Minh Hóa) là lão nghệ sỹ già, dẫu chưa một lần ông được đứng trên một sàn diễn lớn. Và dẫu trọn đời, ông cũng chỉ biết gắn chặt cuộc đời mình với xóm núi nghèo đến xác xơ này. Nhưng lạ kỳ, ở ông lão với mái tóc bạc phơ kia lại toát lên khí chất của một người nghệ sỹ và hơn tất cả, ông có một đam mê đến mãnh liệt với nghiệp cầm ca.

Ông Đống sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc khi cả ông nội và cha đều là những người có biệt tài chế tác nhạc cụ truyền thống, nhất là đàn đáy – chiếc đàn đặc biệt chỉ duy nhất có ở Việt Nam. Từ nhỏ, ông đã bắt đầu say sưa ngồi bên nhìn cha làm đàn. Tiếng đục đẽo, tiếng đàn khi trầm, khi bổng cứ thế ngấm dần trong ông. Tình yêu với cây đàn truyền thống cũng theo cậu bé Đống lớn dần lên từng ngày. Tiếng đàn, giọng hát ca trù theo ông trên từng bước trưởng thành, cả những năm tháng chiến tranh ác liệt tham gia vào đội thanh niên xung kích của xã. Rồi khi hòa bình lập lại, cuộc sống bộn bề với cuộc mưu sinh, hay cả khi ca trù tưởng chừng như không còn đất sống trên mảnh đất nghèo khó này thì ông vẫn thế, vẫn miệt mài nâng niu từng ngón đàn.

Ông Đống là người duy nhất ở huyện Minh Hóa có biệt tài chế tác đàn đáy
Ông Đống là người duy nhất ở huyện Minh Hóa có biệt tài chế tác đàn đáy

Từ tiếng đàn, ông yêu luôn cả ca trù – loại hình âm nhạc truyền thống vốn sống trọn vẹn với bao đời người dân nơi đây. Khi ca trù thiết thân với họ, cây đàn đáy theo đó cũng dần trở nên thân thuộc và khiến nhiều người hết lòng say mê. Ông Đống lại miệt mài đục đẽo, cân chỉnh để chế tác ra chiếc đàn đặc biệt ấy. Tay nghề của ông nhờ thế cũng thành thạo dần lên. Những chiếc đàn được làm từ đôi bàn tay thô ráp của người nông dân ấy cũng dần trở nên trau chuốt hơn, mượt mà hơn.

Ông bảo, để làm nên một chiếc đàn đáy hoàn chỉnh cần mất gần ba tháng trời. Chỉ riêng khâu xẻ gỗ, phơi gỗ để tránh co, nở đã mất trọn một tháng. Đây là khâu rất quan trọng, quyết định đến tiếng trầm, bổng của cây đàn nên người chế tác phải cẩn trọng và kiên trì. Gỗ làm thân đàn thường bằng gỗ mít, được chọn lựa kỹ càng. Rồi phải đục đẽo tỉ mỉ, cân chỉnh lại sao cho 3 dây tơ của đàn được chính xác, âm thanh cất lên phải thanh thoát, có hồn. Vậy nên, chơi được đàn đáy đã khó, để tự tay làm nên một chiếc đàn như thế là cả một biệt tài hiếm gặp.

Tay cầm đàn vốn nhẹ nhàng, mảnh mai là thế, nhưng khi trở lại với cuộc đời trần trụi, ông vẫn sấp ngửa mưu sinh trên thửa ruộng cày, vẫn trọn vẹn trách nhiệm của một người đàn ông trụ cột. Chỉ khi ngồi trước cây đàn, ông lão ấy như trở thành một con người khác: say sưa, đắm mình như thể ông đang tự tách mình ra một thế giới khác. Ở nơi đó không có xô bồ mưu sinh, không chật vật cơm áo, chỉ có cây đàn trầm mặc cùng thời gian. Ông vẫn nói, biểu diễn ca trù mà không có tiếng đàn đáy thì chẳng ai muốn nghe. Thông thường, trước khi ca cất tiếng hát, kép đàn phải chơi dạo trước một khúc. Sự kết hợp hài hòa giữa giọng ca của đào nương, sự nhịp nhàng của tiếng phách, tiếng đàn, tiếng trống tạo nên một âm hưởng vừa thiết tha, vừa sang trọng. Nói rồi, ông lại lần dở với cây đàn, gẩy một khúc thân thương nhuốm màu xưa cũ.

Hát ca trù và chơi được nhiều nhạc cụ, ông Đinh Văn Đống là thành viên đầy tâm huyết của CLB Ca trù xã Yên Hóa.
Hát ca trù và chơi được nhiều nhạc cụ, ông Đinh Văn Đống là thành viên đầy tâm huyết của CLB Ca trù xã Yên Hóa.

Khi ca trù được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, ông bảo, mình chẳng cần quan tâm đến Unesco là tổ chức gì, quan trọng như thế nào, chỉ cần biết rằng loại hình âm nhạc gắn bó với bao đời người dân quê ông đã được nhiều người biết và trân trọng, thế là đủ làm ông ấm lòng. Nhìn ông lão, có một điểm chung đặc biệt với tất thảy những người đam mê các loại hình văn nghệ truyền thống khác đó là nỗi lo thất truyền. Nỗi lòng đau đáu của ông ẩn cả trong tiếng đàn khi trầm, khi bổng, trong nụ cười thật hiền nhưng phảng phất nét buồn xa xăm. Những người như ông Đống thường “thèm” được truyền nghề, mong được nhiều người tìm đến để học hỏi về đàn đáy, về ca trù. Ông Đinh Minh Đấu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa –Thông tin và Thể thao huyện Minh Hóa cười vui khi nói về ông Đống: “Ông tâm huyết và nhiệt tình hiếm có. Từ trước đến giờ, hễ ai cần ông dạy hát ca trù, ông đều say sưa truyền dạy mà không một lời than thở hay đòi hỏi gì. Đến giờ cả huyện chỉ có một mình ông làm được đàn đáy nhưng lại có rất đông người với đủ đối tượng đã bắt đầu biết hát ca trù. Để ca trù không bị thất truyền như hôm nay, công lao của ông Đống nhiều lắm”. Hình ảnh người thầy cao tuổi cao gầy, khuôn mặt khắc khổ, mái tóc bạc màu thời gian tận tụy chỉ dạy học trò từng lời ca, ngón đàn thể hiện cái tâm của một thế hệ muốn lưu giữ báu vật cho con cháu. Cho đến giờ, thỉnh thoảng, những học trò học hát ca trù của ông lại tìm về căn nhà nơi xóm núi nghèo, lại cùng ông trò chuyện về ca trù, về cách đàn thế nào, hát thế nào cho hay. Có khi lại “khoe” với ông những ngón mới học xong, rồi lại cố học cho được những ngón đàn độc, khó của ông.

Ngoài đàn đáy, con người tài hoa và đầy đam mê ấy vẫn có thể tự tay làm được rất nhiều loại nhạc cụ truyền thống khác như đàn bầu, măng-đô-lin... Chẳng theo một trường lớp nào, những gì ông có được đều từ sự tích lũy, khả năng tự tìm tòi, học hỏi và trên tất cả là luôn dành một sự say mê đặc biệt cho các loại hình âm nhạc truyền thống. Ngọn lửa đam mê đã được ông truyền lại và lan tỏa cho những người con, người cháu trong gia đình. Bốn người con (ba gái, một trai) của ông Đống có người là ca nương, là người đánh trống chầu trong CLB Ca trù xã Yên Hóa. Sự kế thừa ấy đã khiến ông cảm thấy ấm lòng.

Chiều muộn. Tiếng tơ đồng da diết của ông lão vẫn đủ sức xua đi cái giá lạnh đầu đông. Trăn trở cùng những cây đàn nhuốm màu thời gian, nhưng ông có biết đâu, chính mình cũng đã là hóa thân thành một cây đàn!

Ngọc Minh

Ông Đinh Văn Đống hiện là thành viên tích cực của CLB ca trù xã Yên Hóa và CLB dân ca huyện Minh Hóa. Ghi nhận những đóng góp của ông Đinh Văn Đống trong bảo tồn và phát huy các loại hình văn nghệ truyền thống, tháng 11-2016 vừa qua, ông là 1 trong 37 nghệ nhân được Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.