.

Sơn Thủy thực hiện nếp sống văn minh

Thứ Năm, 01/12/2016, 09:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Sơn Thủy là xã bán sơn địa nằm ở phía tây huyện Lệ Thủy. Toàn xã có 2.200 hộ, với dân số gần 8.000 người, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/người/năm. Xã có 10 thôn, 100% thôn đều xây dựng quy ước, hương ước đưa các hoạt động đi vào nề nếp. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển, các câu lạc bộ và các dịch vụ văn hóa phát triển theo hướng tích cực.

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nay là cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, diện mạo, cảnh quan môi trường có những đổi mới tích cực, toàn xã hiện có 10/10 làng văn hóa, 5/5 cơ quan đạt danh hiệu đơn vị văn hóa. Cuối năm 2016, Sơn Thủy đạt 17/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới và phấn đấu về đích năm 2017.

Thực hiện Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND, của UBND huyện Lệ Thủy về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, ngay từ năm 2013, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết để thực hiện tại địa phương, tổ chức tuyên truyền đến các chi bộ, các tổ chức đoàn thể và các tầng lớp nhân dân; đồng thời tổ chức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các thôn, đơn vị ký cam kết thực hiện, nhất là cán bộ, đảng viên. Xã tổ chức hội nghị phát động phong trào thi đua thực hiện nếp sống văn minh lồng ghép với các phong trào khác ở địa phương như các phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Thông qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên rõ rệt; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn được cán bộ, nhân dân đồng tình hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.   

Sơn Thủy tham gia đò bơi trong lễ hội đua thuyền truyền thống hàng năm của huyện Lệ Thủy.     Ảnh: P.V
Sơn Thủy tham gia đò bơi trong lễ hội đua thuyền truyền thống hàng năm của huyện Lệ Thủy. Ảnh: P.V

UBND xã Sơn Thủy cũng đã chỉ đạo công tác cải cách thủ tục hành chính. Việc thực hiện đăng ký kết hôn, chỉ có hai người kết hôn đến UBND xã để đăng ký kết hôn, không cần phải hai gia đình cùng đi. Đám cưới được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, không phô trương hình thức, không rườm rà, không nặng nề về đòi hỏi lễ vật, không tổ chức linh đình quá 600 khách không tổ chức quá 2 ngày, không mở nhạc công suất lớn, quá giờ quy định. Cán bộ công chức không mời cưới trong giờ hành chính... Năm 2015, xã Sơn Thủy có 68 /78 đám cưới thực hiện theo nếp sống mới, đạt tỷ lệ 88%.

Hiện nay, đa số hộ gia đình khi có đám tang đã dùng băng đĩa nhạc tang thay cho đội nhạc trực tiếp, không mời rượu, thuốc; việc rải vàng mã dọc đường khi đưa linh cữu được hạn chế, khắc phục triệt để bằng việc bó thành bó để đốt; không còn các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan và các thủ tục rườm rà khác trong lễ tang. Đám tang không để quá 48 tiếng để bảo đảm vệ sinh môi trường, không tổ chức ăn uống linh đình, không mời rượu, bia, thuốc lá. Các thôn đã thành lập đội âm công chịu trách nhiệm đưa tang theo đúng lễ nghi, phù hợp với quy định mới. Đội âm công không ăn cơm, mà gia đình chỉ bồi dưỡng tối đa 2 triệu đồng nhằm giảm bớt phiền hà cho gia đình khi có đám tang. Những đối tượng chính sách, người già neo đơn, độc thân được đội âm công lo ma chay chu đáo. Các thôn Hoàng Viễn, Mỹ Đức, Ngô Xá   thực hiện tốt việc tổ chức đám tang theo nếp sống mới.

Hằng năm, xã Sơn Thủy có lễ hội đua thuyền trên sông Cẩm Lý được tổ chức vào dịp Quốc khánh 2-9 và Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11) được duy trì theo đúng phong tục và quy định. Việc tổ chức lễ hội ở xã đã đi vào nền nếp và theo hướng xã hội hoá cao, là một nét đẹp trong đời sống văn hóa và hoạt động thể thao của người dân Sơn Thủy.

Lễ hội bơi thuyền trên sông Cẩm Lý mừng Tết Độc lập 2-9 được tổ chức vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, đầy ý nghĩa, thu hút đông đảo nhân dân trong địa phương cũng như các địa phương lân cận tham gia. Các nghi thức trong lễ hội được tiến hành trang trọng, phù hợp với truyền thống văn hóa của địa phương. Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm được tổ chức tại các khu dân cư, phát huy được những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của quê hương Sơn Thủy.

Các buổi lễ kỷ niệm, được tổ chức ngắn gọn, bảo đảm tính trang trọng, đi sâu vào nội dung kỷ niệm, khơi dậy truyền thống tốt đẹp của quê hương và dân tộc. Phần lễ ngắn gọn, đúng mục đích, phần hội vui tươi lành mạnh phấn khởi bằng các hoạt động văn nghệ và trò chơi dân gian như kéo co, bơi thuyền nhôm... Nhân dân ủng hộ phần kinh phí và các khoản ủng hộ của nhân dân được công khai, minh bạch, bảo đảm dân chủ tự nguyện, có sự miễn giảm đầy tính nhân văn. Đến nay, 10/10 thôn của xã đã đưa việc thực hiện nếp sống mới vào trong tiêu chí bình xét gia đình văn hóa.

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội ở xã Sơn Thủy đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động đều được tổ chức trong thời gian ngắn và gọn nhẹ phù hợp làm cho nhân dân cảm thấy ít phiền hà. Từ đó tình đoàn kết cộng đồng ngày càng gắn bó, góp phần làm giảm các tệ nạn xã hội, đời sống tinh thần trong nhân dân ngày càng nâng cao. Có được kết quả như trên là do sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận, các đoàn thể nhân dân, sự hưởng ứng  tham gia và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân xã Sơn Thủy.

Đình Hoàng
(Đài TT-TH Lệ Thủy)