.

Nặng hơn ký ức

Thứ Sáu, 30/12/2016, 16:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Bên ly café sáng nay, tôi lặng im trước trang giấy cũ nằm yên trong cuốn tạp chí vừa mượn từ người bạn thân có nguyên vẹn bài thơ Cái roi tre của Nguyễn Vĩnh Tiến, -“Bố tôi vớ cái roi tre/ Khi tôi bỏ học, chạy về thăm ông/ Nhà tôi người đứng, người trông/ Bà ngồi than thở, trời không ngớt nồm”,...

Câu chuyện được kể ở ngôi thứ nhất, chủ yếu là việc xử sự của con người trong đó gợi liên tưởng về sự chi phối của những chuẩn mực nào đó trong mối quan hệ huyết thống.

Tác giả khắc họa hiện thực có chiếc roi tre được dùng để răn dạy mình bằng nghệ thuật ngôn từ chứa đựng cảm xúc của người con bị bố đánh vì bỏ học nên có những ấn tượng thị giác, cảm giác, hình ảnh và nhịp điệu.

Rồi chủ thể thẩm mỹ đưa vào thơ một không gian vừa xác định vừa ước lệ, vừa cụ thể vừa trừu tượng của nhận thức về sự hữu hạn của đời người: “Ông tôi ốm độ mươi hôm/ Rễ tre, rễ mít đã chờm ra sân/ Đàn gà vẫn đứng một chân/ Con bên thành giếng, con gần đống rơm/ Hoa nhài nở chẳng còn thơm/ Ấm trà nguội ngắt, bữa cơm vội vàng”.

“Ông tôi mê tỉnh ngổn ngang/ Cầm tay tôi lại đặt sang tay bà”, đến đây thì đã hiểu vì sao hoa nhài nở chẳng còn thơm/ ấm trà nguội ngắt, bữa cơm vội vàng trong không gian của một gia đình và không gian thơ xuất hiện hành vi bỏ học, chiếc roi tre cùng những tâm lý, tình cảm, nhận thức và hành động tạo ra một phán đoán thẩm mỹ mang giá trị đạo đức cơ bản, -“Tôi nhìn ông, muốn khóc òa/ Nỗi đau đâu cứ phải là roi tre!”.

Với việc chứng kiến người thân chia tay cuộc sống trần thế, không gian thơ được nén lại, hướng vào thế giới nội tâm của mỗi nhân vật với sự cô đọng tuyệt đối của ngôn ngữ thơ gắn với lương tri và cảm xúc của con người: -“Chiều nay bỏ học tôi về/ Bố tôi quăng cái roi tre lên trời”.

Tuổi thơ, tuổi hoa niên của anh em tôi trong những năm 1970, 1980 có rất nhiều trận đòn của ba mình không ngoài những lý do trốn ngủ trưa đi bắt dế, không làm bài tập ở nhà, ham chơi nên quên trông em nhỏ, không chịu giúp mạ đem quần áo đang phơi vô nhà khi trời đổ mưa, đầu trần đạp xe giữa trời nắng chang chang của mùa hè vi vút gió lào, chơi đá banh làm gãy dập một góc luống cải hay vôồng rau khoai của nhà hàng xóm,... Thuở ấy, khái niệm và cụm từ bạo lực gia đình hầu như không xuất hiện và không được ai sử dụng trong đời sống hàng ngày mà trái lại, mỗi lần các con bị đòn thì người mẹ thường can ngăn người cha đều phải nhận lại câu nói “Thương cho roi, cho vọt”.

Ba tôi về miền tịnh độ đã hơn 5 năm và anh em tôi vẫn nhớ, qua độ tuổi ham chơi hơn ham học thì các con không còn bị ba đánh đòn mỗi khi mắc lỗi. Cách dạy con của ba từ độ ấy là những cuốn sách hay, tờ báo tốt nhiều lúc được ba mua bằng những đồng tiền mà lẽ ra phải được ba dùng để ăn bữa sáng, sắm quần áo và giày dép mới, thưởng thức hộp trà ngon, tậu chiếc xe tốt cho mình và thường đưa các con về làng nội, làng ngoại để con trẻ biết đâu là dòng sông quê nhà, cánh đồng làng, hương hỏa của ông bà, gốc tích của dòng họ. Các con được sinh ra và lớn lên ở thị thành nhờ đó mà thuộc rõ đường về quê, thấm dần tình làng nghĩa tộc, nặng hơn ký ức đời người,...

Tình cảm gia đình, như trong bài hát Ba ngọn nến lung linh của nhạc sĩ Ngọc Lễ vẫn thường vang lên trong nhiều năm nay, -“Gia đình, gia đình. Ôm ấp ta những ngày thơ. Cho ta bao nhiêu niềm thương mến. Gia đình, gia đình. Vương vấn bước chân ra đi. Ấm áp trái tim quay về. Gia đình, gia đình. Ôm ấp ta những ngày thơ. Cho ta bao nhiêu niềm thương mến. Gia đình, gia đình bên nhau mỗi khi đớn đau, bên nhau đến suốt cuộc đời”.

Nguyễn Bội Nhiên