.

Phát triển văn hóa, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch: Những nỗ lực đáng ghi nhận

Thứ Sáu, 18/11/2016, 10:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Phát triển sự nghiệp văn hóa và đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch là một trong những nhiệm vụ được tỉnh ta hết sức chú trọng. Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, đầu tư, nâng cấp nhiều công trình, hạng mục phục vụ du lịch đã tạo khởi sắc cho nhiều địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tạo điều kiện thuận lợi để toàn tỉnh thực hiện thành công các chỉ tiêu về phát triển văn hóa, xã hội.

Trong những năm qua, sự nghiệp văn hóa được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư phát triển. Hàng năm, với sự hỗ trợ nguồn vốn từ Trung ương thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã làm thay đổi cơ bản về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các xã khó khăn.

Các thiết chế ở cơ sở ngày càng được đầu tư đồng bộ và phát huy hiệu quả để phục vụ nhân dân, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là nâng cao một bước về đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, nơi còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Trong 5 năm (2011-2015), tổng số vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho việc trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bản tỉnh ta là 30.380 triệu đồng. Trong quá trình thực hiện, để bảo đảm công tác trùng tu, chống xuống cấp kịp thời các di tích trên địa bàn, hàng năm tỉnh đã phân bổ nguồn vốn từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia văn hóa và lồng ghép nguồn vốn địa phương để đầu tư cho một số di tích cần được ưu tiên chống xuống cấp.

Trong tổng số các di tích được tu bổ, tôn tạo giai đoạn 2011-2015, có 2 dự án được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư phát triển (Di tích Thành Đồng Hới và bảo tồn, tôn tạo khu di tích lăng mộ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh) và hơn 20 di tích di tích được hỗ trợ chống xuống cấp bằng nguồn sự nghiệp. Nhìn chung, các di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã phát huy được giá trị, là một trong những điểm dừng chân tham quan của khách du lịch, các nhà nghiên cứu lịch sử, là nơi học tập, nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học.  

Từ dự án sưu tầm và bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể tiêu biểu, tỉnh ta đã triển khai thực hiện nhiều nội dung quan trọng như sưu tầm bảo tồn các lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số quanh Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; sưu tầm bảo tồn một số điệu hò Quảng Bình; kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của ngư dân miền biển...

Nhằm thực hiện các mục tiêu về phát triển hệ thống văn hoá, thông tin ở cơ sở, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo... hàng năm được sự quan tâm, hỗ trợ của nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, hệ thống thiết chế văn hoá thông tin cơ sở ở tỉnh ta từng bước được trang bị, đầu tư đồng bộ.

Nhiều địa phương, nhất là các thôn, bản thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh được trang cấp một số thiết bị như amply mier 8 line JBA, ti vi 21 inches, đầu đĩa, loa thùng, micro, đàn Organ (đầy đủ các phụ kiện)... và hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị cho các đội thông tin lưu động tuyến huyện. Các đơn vị được trang cấp thiết bị đã phát huy tốt hiệu quả sử dụng, góp phần thúc đẩy phong trào sinh hoạt văn hoá, văn nghệ phát triển mạnh mẽ, đồng thời đây còn là phương tiện hữu hiệu để tuyên truyền chế độ chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến tận cơ sở.

Củng cố và phát triển hệ thống thư viện cũng là nhiệm vụ được tỉnh ta hết sức chú trọng. Toàn tỉnh hiện có 8 thư viện, gồm 1 thư viện tổng hợp tỉnh và 7 thư viện tuyến huyện hàng năm được phân bổ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để đầu tư trang cấp các loại sách, báo. Nhờ đó nguồn sách của các thư viện khá phong phú về chủng loại, phục vụ tốt nhu cầu đọc sách, học tập của người dân trên địa bàn tỉnh.

 Khôi phục, phát triển các lễ hội truyền thống-một trong những ưu tiên của các địa phương.
Khôi phục, phát triển các lễ hội truyền thống-một trong những ưu tiên của các địa phương.

Thời gian qua, Chương trình phát triển du lịch tiếp tục được tỉnh ưu tiên đầu tư, xem đây là một ngành kinh tế quan trọng, mang tính đột phá của tỉnh. Nhờ sự hỗ trợ của Trung ương về nguồn vốn đầu tư hạ tầng du lịch, tỉnh đã đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng quan trọng như: Tuyến đường du lịch vào chân núi Thần Đinh; bảo tồn, nâng cấp khu nhà thờ và lăng mộ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh; đường du lịch nối từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây vào Hang Tám thanh niên xung phong; đường du lịch nối từ đường Hồ Chí Minh nhánh Đông vào khu du lịch Trằm Mé...

Theo đó, bộ mặt hạ tầng du lịch Quảng Bình đã có những chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư, nâng cấp tạo điều kiện cho việc phát triển ngành kinh tế du lịch nói riêng và nền kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Tổng vốn được giao để thực hiện kế hoạch giai đoạn 2011-2015 là 85.701 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương: 81.969 triệu đồng, ngân sách địa phương: 3.732 triệu đồng.

Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định song việc thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa và tình hình thực hiện vốn đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch giai đoạn 2011-2015 ở tỉnh ta còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế.

Thực tế cho thấy nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình hàng năm còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của địa phương. Đối tượng tham gia các chương trình chủ yếu là hộ nghèo, xã nghèo, hạn chế về khả năng nguồn lực nên khó khăn trong việc triển khai thực hiện cũng như huy động các nguồn lực khác để lồng ghép thực hiện các chương trình mục tiêu trên địa bàn.

Ngoài nguồn ngân sách do Trung ương và tỉnh hỗ trợ, việc huy động sự tham gia đóng góp của người dân trên địa bàn hưởng lợi còn rất nhiều khó khăn trong khi mức đầu tư hỗ trợ từ Chương trình chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu thực tế. Vì vậy còn nhiều giá trị văn hóa phi vật thể chưa được đầu tư nghiên cứu, bảo tồn như việc nghiên cứu, bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình, đặc biệt là đồng bào dân tộc Chứt...

Thực tế cho thấy, nhu cầu đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển du lịch của tỉnh hiện nay lại rất lớn, trong khi nguồn hỗ trợ của Trung ương hàng năm chỉ từ 16-18 tỷ đồng nên chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch của địa phương.

Một số dự án do nhà thầu gặp khó khăn về năng lực tài chính nên đã ngừng thi công làm cho thời gian thực hiện dự án bị kéo dài như: dự án nước sạch khu du lịch Phong Nha; dự án đường du lịch Phong Nha (trục 32m); dự án đường Hồ Chí Minh nhánh Tây - Hang Tám thanh niên xung phong. Hiện nay phần việc còn lại của các dự án đã được UBND tỉnh cho phép lập lại dự án và điều chỉnh tổng mức theo đơn giá mới để lựa chọn nhà thầu khác tiếp tục thi công.

Nhằm từng bước khắc phục những khó khăn hạn chế và phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2011-2015, giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta sẽ tập trung nhiều hoạt động nhằm hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa (bao gồm cả vật thể và phi vật thể) trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp di tích...

Bên cạnh đó, toàn tỉnh sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về  phát triển hạ tầng du lịch trong đó tập trung chú trọng vào một số dự án như: Dự án Đường du lịch nối từ đường Hồ Chí Minh nhánh Đông vào khu du lịch Trằm Mé;  Đường du lịch bắc sông Son (từ đường Hồ Chí Minh vào điểm du lịch Chày Lập-khu du lịch Phong Nha); Nâng cấp đường du lịch nối từ Nhà thờ Nguyễn Hữu Cảnh ra Đền thờ Nguyễn Hữu Hào và Nguyễn Hữu Dật đến khu du lịch phá Hạc Hải; Xây dựng hạ tầng điểm dừng chân khách du lịch quốc tế Khe Ve (Phục vụ khách du lịch Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanma qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo và đường QL 12A); Xây dựng Nhà máy xử lý rác thải, năng lượng sạch khu du lịch Phong Nha (công suất 40 tấn/ngày) và một số công trình hạng mục quan trọng khác.

Nh.V