.

Ca trù làng Đông Dương

Thứ Năm, 17/11/2016, 15:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Làng Đông Dương, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch không chỉ có bề dày về truyền thống lịch sử, mà còn lưu giữ được nhiều loại hình văn hóa, đặc biệt là làn điệu ca trù, một giá trị văn hóa phi vật thể đã được Unesco công nhận vào năm 2009.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, ca trù làng Đông Dương có cách đây hơn 200 năm về trước. Ca trù hay còn gọi là hát ả đào, hát nhà tơ, hát nhà trò, hát cô đầu, là dòng âm nhạc dân gian truyền thống. Đông Dương là một vùng quê nằm trên dải đất miền Trung, nên ảnh hưởng đậm nét văn hóa cung đình.

Ca trù được xem là một sản phẩm của lối hát cửa đình, hát cho các vị thần, thánh bề trên, với các bài như: dâng hương, dâng rượu, luyện sơn trang để cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu mùa màng tốt tươi, người dân quanh năm no đủ. Trải qua nhiều biến thiên của thời cuộc, ca trù vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu của người làng Đông Dương. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù dưới bom đạn ác liệt nhưng tiếng ca trù vẫn vang lên trầm bổng trong những ngày hội làng.

Năm 1999, Câu lạc bộ ca trù Đông Dương được thành lập với 9 thành viên, là những người tâm huyết với ca trù. Ông Lê Tấn Đạt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: "Câu lạc bộ ca trù thành lập để khôi phục lại vốn ca trù hiếm có của quê hương.

Lúc đó, nhờ các cụ tâm huyết với ca trù ghi chép bài bản cách thức múa hát và toàn bộ hệ thống ca trù. Ca trù làng Đông Dương là loại hình ca trù hát đứng, có nghĩa là 2 đào hát, một trống, một đàn tức là một chầu và một kép. Gốc của những bài hát ca trù là từ chữ nôm, với 120 bài. Sau này các cụ dịch ra chữ quốc ngữ để hát...".  

Một tiết mục được các thành viên Câu lạc bộ ca trù Đông Dương biểu diễn trong buổi sinh hoạt định kỳ.
Một tiết mục được các thành viên Câu lạc bộ ca trù Đông Dương biểu diễn trong buổi sinh hoạt định kỳ.

Từ khi thành lập cho đến nay, ngoài việc đi diễn ở nhiều lễ hội, Câu lạc bộ ca trù Đông Dương còn vinh dự tham gia Hội diễn Liên hoan ca trù toàn quốc vào năm 2014. Đặc biệt, để quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa phi vật thể của Quảng Bình cho du khách trong nước và quốc tế, Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đã phối hợp với Câu lạc bộ ca trù Đông Dương tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ du khách.

Để bảo tồn và phát huy hồn cốt dân tộc qua loại hình nghệ thuật dân gian ca trù, hiện các nghệ nhân, các đào nương đang tiếp tục truyền đạt những kỹ năng, kinh nghiệm hát ca trù cho thế hệ trẻ trong làng. Hiện tại, các thành viên trong Câu lạc bộ ca trù Đông Dương vừa duy trì lối hát cũ, vừa sưu tầm, học hỏi thêm những bài hát mới, nội dung phù hợp hơn với cuộc sống mới.

Tuy nhiên, vấn đề bảo tồn làn điệu ca trù Đông Dương hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Bởi từ khi thành lập cho đến nay, hoạt động của câu lạc bộ vẫn đang dựa vào nguồn kinh phí được trích từ những lần biểu diễn. Dù đam mê, nhưng các thành viên trong câu lạc bộ vẫn phải đối mặt với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền.

Ông Đoàn Tuấn Tư, Trưởng phòng Văn hóa, thông tin huyện Quảng Trạch cho biết: di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện Quảng Trạch được tồn tại trong trí nhớ và được lưu truyền chủ yếu bằng con đường truyền miệng. Quảng Trạch đang tập trung để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó có ca trù làng Đông Dương. Hằng năm phòng cũng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện xây dựng và bố trí nguồn kinh phí.

Tuy nhiên, do điều kiện nguồn ngân sách địa phương còn hạn hẹp, để bố trí ngân sách hàng năm cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa chưa đáp ứng được. Do đó, cần sự đầu tư nguồn ngân sách của tỉnh, của Trung ương để đáp ứng được phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là giá trị văn hóa phi vật thể ca trù làng Đông Dương".

X.Phú-M.Ánh