.

Nhiếp ảnh Quảng Bình: Còn rất nhiều việc phải làm

Thứ Sáu, 07/10/2016, 08:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam Vũ Huyến là người nhiều năm đồng hành và dõi theo từng bước trưởng thành của nhiếp ảnh Quảng Bình. Nhân dịp Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ảnh báo chí và kỹ năng tác nghiệp báo điện tử, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trò chuyện cùng ông về những lợi thế và định hướng phát triển của nhiếp ảnh tỉnh nhà.

Quảng Bình không ở trong tốp các đội mạnh của khu vực

- Phóng viên (PV):  Đã nhiều lần, ông nói rằng Quảng Bình là đề tài vô tận cho nhiếp ảnh. Theo ông, các nhà nhiếp ảnh Quảng Bình đã thực sự khai thác tốt lợi thế đó hay chưa?

- Nhà báo Vũ Huyến: Với nhiếp ảnh cũng như các loại hình văn nghệ khác, cuộc sống luôn ở phía trước mà văn nghệ phải luôn tìm cách phấn đấu, phản ảnh cho kịp. Quảng Bình hôm nay là địa phương được sự chú ý nhiều về du lịch ở tầm quốc gia, có những điểm du lịch thu hút rất nhiều nhà nhiếp ảnh, khách du lịch quốc tế. Chỉ riêng đề tài này, nhiếp ảnh Quảng Bình đã thấy phải cố gắng nhiều để theo kịp và “hòa nhập” với họ. Nghề ảnh, có ý muốn là chưa đủ, phải có điều kiện kinh tế đi kèm, thiết bị yếu, thậm chí lạc hậu sẽ hạn chế nhiều đến sự phản ảnh cuộc sống. Nhưng trước hết nhà nhiếp ảnh, nhà báo nào cũng phải có ý muốn sáng tạo và tự hào về nơi mình sống. Quảng Bình có quyền hãnh diện vì đã có Sơn Đoòng và nhiều hang động quý tầm cỡ thế giới.

- PV: Ông nói rõ thêm về những khó khăn, hạn chế mà nhiếp ảnh Quảng Bình đang gặp phải?

- Nhà báo Vũ Huyến: Chủ yếu là về đội ngũ những người chụp ở Quảng Bình. Đã ít, lại ít người trẻ tuổi năng động và xốc vác với nghề ảnh vốn là thứ nghề cần có sức khỏe, mạnh mẽ và dẻo dai. Thiếu trang thiết bị chụp tốt đã đành, nhưng quan trọng nhất là anh em làm nghề rất thiếu thông tin mới, hay về ảnh Việt Nam và tình hình phát triển nhiếp ảnh luôn sôi động ở các nước trong khu vực và trên thế giới. Điều kiện sống và làm nghề ảnh của phần đông anh em Quảng Bình còn rất khó khăn, trong khi để có nhiều ảnh tốt thì các nhà nhiếp ảnh phải chi phí rất nhiều cho đi lại, sáng tạo.

Nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến (trái) trong chuyến đi thực tế tại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 79 (Lệ Thủy).
Nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến (trái) trong chuyến đi thực tế tại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 79 (Lệ Thủy).

- PV: Tôi quan tâm nhiều đến đánh giá của ông về đội ngũ người cầm máy. Vì sao lại ít người cầm máy trẻ đến như thế?

- Nhà báo Vũ Huyến: Mỗi địa phương, tổ chức ở Việt Nam có cách xây dựng và đào tạo đội ngũ khác nhau. Tổ chức dạy, tập huấn liên tục cho cán bộ trẻ trong giới báo chí, văn nghệ, phối hợp với các trường đại học, dạy nghề để mở lớp về nhiếp ảnh, mở lớp sáng tác... là điều kiện để có nhiều người chụp ảnh trẻ. Chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của Trung ương, qua các hội chuyên ngành là không đủ. Về ảnh nghệ thuật, Quảng Bình hiện chỉ có vài ba tay máy cứng, xông xáo và có khả năng đi dài hơi. Quảng Bình không ở trong tốp các đội mạnh của khu vực.

Đầu tư cho “cái đầu và quả tim”

- PV: Đầu tư cho nhiếp ảnh không chỉ là đầu tư cho kỹ thuật, mua sắm thiết bị, mà là đầu tư cho “cái đầu và quả tim”. Ông từng nói như vậy?

- Nhà báo Vũ Huyến: Đúng là trang bị không quyết định nhưng không thể không có vì đây là nhiếp ảnh. Nhà văn chỉ cần cây bút là viết được, còn chụp thì máy càng tốt, đầy đủ các ống kính thì càng có điều kiện tạo ra tác phẩm tốt. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là chất lượng của cái đầu nhà văn nghệ. Đó là phải có tâm, có tình, có tài, có trí. Những hiểu biết cơ bản về văn học, hội họa... ảnh hưởng rất nhiều đến việc tạo ra các bức ảnh vừa sâu về nội dung, vừa đẹp về hình thức. Phải có nhiều tài liệu tốt, hay để thường xuyên tham khảo, học tập. Việc này trước hết phải là nguyện vọng của từng cá nhân và biết được tạo ra cách để nâng cao trí thức. Tập thể, tổ chức chỉ khuyến khích và hỗ trợ phần nào thôi. Ý muốn học tập, khám phá trước hết là của từng người, chẳng ai thay thế được. Vì vậy trong thực tế có một số người đã vượt lên và lập thành tích, tạo được đà để đi lên. Số người cầm máy thỏa mãn với mình, với những gì đạt được cũng đã xuất hiện ở Quảng Bình, giống như đang có ở một số địa phương khác. Họ đã và sẽ bị tụt lại, chậm lại, vì lý do sức khỏe thì không sao, rất tiếc lại do thỏa mãn, bằng lòng danh hiệu này, tước hiệu khác. Nghề ảnh là nghề phải học và nắm bắt kiến thức mới suốt đời và liên tục. Thiết bị chụp càng tốt thì lại càng phải học để tạo ra những tấm ảnh có giá trị thực, có chiều sâu tư tưởng và giá trị nhân văn.

- PV: “Nhiếp ảnh là phải thực”. Đấy là ông nói về ảnh báo chí hay ảnh nghệ thuật?

Nhà báo Vũ Huyến: Cái thực trong ảnh báo chí thực ra không giống hoàn toàn với cái thực trong ảnh nghệ thuật. Ảnh báo chí làm nhiệm vụ cổ vũ, nêu gương cái hay, phê phán cái dở thì mặc nhiên ảnh phải rất thật về người, nơi xảy ra, việc xảy ra và diễn biến sự kiện. Không được bịa, làm giả, sắp đặt lộ liễu... Vì làm như thế dễ làm mất lòng tin của người xem.

Còn trong các lĩnh vực nghệ thuật ảnh khác như ảnh tĩnh vật, ảnh quảng cáo, ảnh ý tưởng sắp đặt, ảnh thân thể... thì việc sắp đặt sao cho đẹp mắt, dễ nhìn... lại rất cần thiết. Nhưng cái thật là thật về cảm xúc, phải logic. Ví dụ không thể ghép thêm vài cây cầu qua sông Nhật Lệ để nói là thành phố Đồng Hới đang phát triển, hoặc cắm hoa Tuy luýp vào lọ hoa, chụp thật đẹp rồi chú thích là “hoa quê hương Quảng bình”... Chuyện lấy người mẫu đóng giả nông dân... như nơi nào đó thì hình như Quảng Bình chưa thấy có? (cười).

Đất và người Quảng Bình luôn là đề tài hấp dẫn cho nhiếp ảnh. (Trong ảnh: Tác phẩm “Vào vụ mới” của tác giả Lê Đức Thành).
                                                 Đất và người Quảng Bình luôn là đề tài hấp dẫn cho nhiếp ảnh.                                                                (Trong ảnh: Tác phẩm “Vào vụ mới” của tác giả Lê Đức Thành).

- PV: Là người chụp từ những năm chiến tranh, được đào tạo rất cơ bản về văn học, báo chí, học ảnh ở nước ngoài, lăn lộn với công việc đa dạng của nghề như viết báo, chụp ảnh, đào tạo và quản lý cấp ngành, quốc gia..., ông chia sẻ kinh nghiệm gì với những người cầm máy trẻ?

- Nhà báo Vũ Huyến: Với tôi, rèn luyện để có sức khỏe dẻo dai, gây và giữ được niềm đam mê nghề dài lâu là điều quan trọng nhất. Muốn thế phải kiểm soát được ý nghĩ và mọi hành động của mình. Chụp, viết để làm gì? Phục vụ ai? Phải biết tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của tổ chức, anh em nhưng phải tự mình là chính, phải không dừng lại mà tìm cách vượt lên dù khó. Nghề ảnh là nghề cần sự đầu tư dần dần, chớ nóng vội và tự thỏa mãn. “Tôi vẫn đang đi học”. Đó là câu nói thật nếu như tôi đang còn ý định tiếp tục cống hiến cho nghề báo, nghề ảnh.

Với anh em trẻ cầm máy Quảng Bình cũng như các cơ quan quản lý địa phương cần xác định: Để nhiếp ảnh báo chí và nghệ thuật đóng góp tích cực cho sự phát triển quê hương thì còn quá nhiều việc phải làm.

- PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này.

Diệu Hương (thực hiện)