.

Giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống

Thứ Ba, 11/10/2016, 09:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Lễ hội là loại hình văn hóa được sáng tạo và nuôi dưỡng bởi đam mê và lòng nhiệt huyết của những thế hệ tiền nhân. Nói đến lễ hội là có thể hình dung ngay ra được nội hàm văn hóa rộng rãi diễn ra trong đời sống xã hội qua từng giai điểm lịch sử cụ thể. Sở dĩ lễ hội dễ dàng thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo quần chúng, bởi nó không những bộc lộ được vẻ ngoài đa sắc thái trong diễn trình từ lễ đến hội mà còn hướng tâm hồn con người đến với căn tính thật thà, chứa đựng những giá trị nhân văn cao cả.

Lễ hội vừa dung dị, gần gũi vừa cung cách, linh thiêng để tưởng nhớ và biết ơn những thế hệ đã qua và nói lên sức mạnh trong việc kết nối cộng đồng làng xã. Đến với môi trường lễ hội, mỗi người dân được dịp làm mới mình bằng cách khám phá, sáng tạo và cảm thụ những điều tốt đẹp từ ngọn gió tâm linh thổi tới. Được ví như chiếc đòn gánh, gánh hai đầu đất nước, Quảng Bình, ngay từ thời điểm trực thuộc chính quyền của quốc gia Đại Việt (thế kỷ XVI) đã trở thành một không gian lãnh thổ có địa giới hành chính toàn vẹn với sự quần tụ, khai phá và lập nghiệp của con dân Việt đến từ khắp mọi miền. Vì lẽ đó nên hệ thống các lễ hội dân gian có trong tâm thức của người Quảng Bình từ rất sớm.

Ngay từ những sáng tạo ban đầu, các thế hệ tiền nhân đã tạo dựng được hình thái lễ hội đậm đà bản sắc, có tính chọn lọc và bản lĩnh văn hóa cùng với biết bao nguyện ước tốt đẹp. Trước hết, mỗi cá nhân đã gửi trọn niềm tin yêu vào thần linh để các vị chở che cho đời sống dương thế lắm nguy nan. Khi cơn khát tâm linh đã được giải tỏa thì mặc nhiên họ tự mở rộng tâm trí nguyện cầu an bình cho cộng đồng làng xã bằng niềm tin lớn lao đi cùng lòng tự nguyện và sự thành tâm. Trải dài trong tiến trình lịch sử, các ngôi làng ở Quảng Bình đã gây dựng nên đặc trưng văn hóa lễ hội bằng việc tu bổ và dựng xây các thiết chế văn hóa làng nước như đình, chùa, đền, miếu, cây đa, bến nước. Cho đến hôm nay, truyền thống ấy vẫn được tôn tạo và phát huy để phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.  

Theo bản danh sách đăng ký kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của Sở Văn hóa-Thể thao, toàn tỉnh có 52 lễ hội truyền thống dân gian. Hầu như vùng miền nào cũng có lễ hội truyền thống, từ đồng bằng, ven biển đến trung du, miền núi. Đó là lễ hội đập trống của người Ma Coong ở xã Thượng Trạch (Bố Trạch), một xã miền núi, rẻo cao với ý nghĩa cầu may, cầu sức mạnh, cầu vượt qua tai họa, cầu an bình từ trời đất xuống khắp các tộc người. Ở vùng trung du có lễ hội rằm tháng ba của người Nguồn huyện Minh Hóa, gắn với câu ca xưa: “Thà rằng đau ốm mà nằm/ Không ai nỡ bỏ chợ rằm tháng ba”.

Lễ hội cướp cù Đồng Hới năm 2016.
Lễ hội cướp cù Đồng Hới năm 2016.

Đồng bằng là vùng tập trung nhiều lễ hội nhất, thể hiện qua tên gọi của từng nghi lễ gắn với cư dân canh tác lúa nước, như lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang với ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, mừng mùa màng bội thu của cộng đồng dân cư sống dọc 2 bờ sông Kiến Giang (Lệ Thủy), lễ hội tát vung làng Đại Phong, xã Phong Thủy (Lệ Thủy), lễ hội cầu yên làng Đức Trạch, xã Đức Trạch (Bố Trạch). Cùng với đó là sự đa dạng trong tín ngưỡng thờ cúng của từng làng, từng dòng họ, từng nghề nghiệp. Trước hết phải kể đến hàng chục lễ hội ở các đình làng để tri ân các vị khai canh, khai khẩn cùng chức sắc khả kính có công với mỗi vùng đất cụ thể, như lễ hội thành hoàng làng Phạm Xuân Quế, làng Lũ Phong, phường Quảng Phong (Ba Đồn), lễ hội lục niên đáo lễ đại trường xã Tiến Hóa (Tuyên Hóa), lễ hội rước sắc Hòa Ninh, xã Quảng Hòa (Ba Đồn). Ngoài ra còn có lễ hội đền Liễu Hạnh công chúa, xã Quảng Đông (Quảng Trạch), thể hiện dấu ấn đậm nét của tín ngưỡng thờ mẫu ăn sâu trong tâm thức cư dân bản địa với ý thức hướng về nguồn cội, về người mẹ, là biểu tượng của sức khỏe và tài lộc.  

Quảng Bình là tỉnh có 116 km đường bờ biển, dọc trên chiều dài đó là những làng mạc náu mình dưới những triền cát trắng. Biển là máu thịt, là lẽ sống, là hạnh phúc xen lẫn buồn tủi, nhưng trên hết biển chính là một vị thần quyền uy, cần được tôn sùng, bảo vệ hơn là bất kính, khai tận. Với suy nghĩ hướng thiện đó, từ bắc chí nam, mỗi làng biển Quảng Bình từ thuở mới định hình đã sống hết mình với những lễ hội sống động, rực rỡ sắc màu. Có thể kể đến lễ hội cầu ngư làng Cảnh Dương, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch), lễ hội rước thuyền Long Châu, làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch (Bố Trạch), lễ hội lục niên cảnh độ Đồng Hới của cư dân sống dọc sông Nhật Lệ, lễ hội cầu ngư Hải Ninh (Quảng Ninh),...    

Chất dân gian trong các lễ hội truyền thống ở Quảng Bình luôn được thể hiện đậm nét, bám rễ đậm sâu vào đời sống từng cá nhân. Đó chính là điều kiện tiên quyết để lễ hội tiếp tục được bảo tồn từ thế hệ này qua thế hệ khác. Một trong những điểm sáng nhất trong các lễ hội đó là gần như tất cả tinh hoa văn hóa truyền thống đều được người dân, những nghệ sĩ chân đất phát lộ hết. Từ âm nhạc, văn học đến kiến trúc, nghệ thuật diễn xướng và cả tín ngưỡng, phong tục được trình diễn đồng nhất trong một di sản văn hóa, lột tả hết truyền thống lâu đời cũng như quá trình dựng xây của vùng đất đó. Bản chất của lễ hội truyền thống chính là đặc tính thế tục cũng như sự giao thoa văn hóa vùng miền. Đây là yếu tố quyết định để gây dựng, củng cố và phát huy sự cố kết cộng đồng bắt nguồn từ cá nhân, gia đình, dòng họ cho đến làng xã, là cội nguồn của phát triển xã hội.

Các lễ hội truyền thống ở Quảng Bình đựng chứa bản sắc văn hóa riêng rẽ của từng vùng miền, từ cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh. Đó là không gian bí ẩn có trong những tín ngưỡng đa thần ở các lễ hội của đồng bào Chứt và Bru-Vân Kiều; là sự trang trọng, quy cũ làm nổi bật công đức tiền nhân để con cháu được dịp chiêm ngắm và ghi nhớ công ơn hiện diện trong các lễ hội đình làng ở đồng bằng, trung du; là sắc thái hồ hởi, thiết tha trong những lễ hội cầu ngư của người miền biển; đó còn là nét đẹp trong đức tin của những cộng đoàn giáo dân trong những ngày lễ bổn mạng, lễ quan thầy của các xứ đạo nằm rải rác khắp địa bàn toàn tỉnh.

Tất cả tạo nên sự đa dạng, phong phú về giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống. Sự thành tâm, kính cẩn của cộng đồng với các đấng bảo trợ, với tiên tổ đã tạo nên bộ quy tắc ứng xử văn hóa dựa trên quy chuẩn “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đó luôn là truyền thống tốt đẹp, là chuẩn mực của những di sản văn hóa đầy tính nhân văn mà ông cha ta đã dày công sáng tạo, vun đắp và đang được thế hệ con cháu tiếp nối, bảo tồn và phát huy.

Nguyễn Tiến Dũng