.
Di sản văn hóa thế giới:

Thành Nhà Hồ

Thứ Bảy, 15/10/2016, 16:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Vào cuối thế kỷ XIV, Triều Trần đã trở nên ruỗng nát, lung lay tận gốc, đất nước rơi vào tình trạng rối ren. Nhân hoàn cảnh đó, Hồ Quý Ly, một quý tộc có thanh thế và nhiều vây cánh trong triều lấn át dần quyền lực, phế truất vua Trần, lập ra một vương triều mới: Triều Hồ.

Hồ Quý Ly là người có nhiều tham vọng cải cách nhằm cứu vãn nguy cơ sụp đổ của nhà nước phong kiến và củng cố địa vị thống trị của dòng họ mới. Về chính trị, ông tìm cách gạt bỏ các thế lực thân cận triều Trần, tăng cường quyền lực, tập trung quyền hành vào tay họ Hồ. Về quân sự, ông tăng cường xây dựng lực lượng, cải tiến tổ chức và trang bị kỹ thuật mới nhằm tăng cường sức mạnh của đội quân thường trực và cả lực lượng dự bị. Về kinh tế, ông cho thi hành một số chính sách cải cách nhằm hạn chế thế lực kinh tế của quý tộc nhà Trần, xoa dịu nỗi bất bình trong dân chúng và chủ yếu nhằm mưu đồ lợi ích của tập đoàn thống trị mới như chính sách “hạn điền”, “hạn nô” và phát hành tiền giấy thay tiền đồng. Về văn hóa, giáo dục ông chủ trương chấn chỉnh lại chế độ thi cử theo hướng thiết thực hơn. Đặc biệt, từ năm 1397 Hồ Quý Ly khi đang làm Phụ chính Thái sư, tước Đại vương ông đã cho xây dựng kinh đô mới ở An Tôn (Vĩnh Lộc - Thanh Hóa) gọi là Tây Đô (thường gọi là thành Nhà Hồ) bắt vua Trần dời đô vào đó vừa để thực hiện âm mưu thoán đạt vừa để xây dựng cơ sở cát cứ, phòng thủ.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Đinh Sửu, /Quang Thái/ năm thứ 10 /1397/, (Hồng Vũ năm thứ 30). Mùa xuân, tháng giêng, sai Lại bộ thượng thư kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh (có sách chép là Mẫn) đi xem xét và đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hóa, đắp thành, đào hào, lập nhà tông miếu, dựng đàn xã tắc, mở đường phố, có ý muốn dời đô đến đó, tháng 3 thì công việc hoàn tất...”.

Việc xây thành và dời đô về An Tôn gặp phải sự phản đối của nhiều quan lại vì: “An Tôn đất đai chật hẹp, hẻo lánh, ở nơi đầu non cuối nước, hợp với loạn mà không hợp với trị. Cho dù dựa vào thế hiểm trở thì đời xưa đã có câu: “Cốt ở đức chứ không cốt ở hiểm” nhưng Hồ Quý Ly vẫn quyết.

Tuy đã có nhiều cố gắng trong cải cách nhằm xây dựng một vương triều vững mạnh nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của lịch sử và đòi hỏi cấp thiết của dân tộc Triều Hồ chỉ tồn tại được một thời gian ngắn trước sự tấn công xâm lược của Nhà Minh vào năm 1407.

Triều Hồ đã đi vào quá khứ nhưng thành Nhà Hồ vẫn tồn tại hơn 600 năm như một chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử thăng trầm của đất nước.

Ngày 27 tháng 6 năm 2011, thành Nhà Hồ được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới bởi đã đáp ứng hai tiêu chí được quy định trong Công ước Di sản thế giới năm 2008. Đó là tiêu chí 2 “Bày tỏ sự trao đổi quan trọng của các giá trị nhân văn, qua một thời kỳ hay bên trong một khu vực văn hóa thế giới, về những phát triển trong kiến trúc, công nghệ, nghệ thuật điêu khắc, quy hoạch thành phố hay thiết kế phong cảnh” và tiêu chí 4: “Là ví dụ nổi bật về một loại hình công trình xây dựng, một quần thể kiến trúc hoặc kỹ thuật hoặc cảnh quan minh họa một (hoặc nhiều) trong giai đoạn lịch sử nhân loại”.

Cổng Nam - Thành Nhà Hồ
Cổng Nam - Thành Nhà Hồ

Thành Nhà Hồ được coi là tòa thành đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít tòa thành đá còn lại trên thế giới. Trong hồ sơ di sản thế giới, thành Nhà Hồ được mô tả là công trình kỳ vĩ bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng bằng đá lớn và sự kết hợp các truyền thống xây dựng độc đáo có một không hai ở Việt Nam, khu vực Đông Á và Đông Nam Á cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15. Nhờ kỹ thuật xây dựng độc đáo, sử dụng các vật liệu bền vững, đặc biệt là các khối đá lớn, đây là một trong số ít các kinh thành chưa chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, cảnh quan và quy mô kiến trúc còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Từ thành phố Thanh Hóa theo quốc lộ 45 đi về hướng Tây Bắc hơn 40 km, thành Nhà Hồ hiện nằm trên đất xã Vĩnh Tiến và xã Vĩnh Long cách thị trấn Vĩnh Lộc 1 km về phía Bắc. Với địa thế xung quanh có hệ thống núi đá bao bọc lại được án ngữ bởi sông Mã và sông Bưởi thành Nhà Hồ được đặt vào thế hiểm yếu “đầu non cuối nước”. Thành Nhà Hồ gồm ba khu vực: La thành (thành ngoài), Hào thành và Hoàng Thành (thành nội). La thành là thành ngoài bao quanh thành nội gọi là Đại La được đắp bằng đất chạy dài từ bờ sông Mã, nơi tiếp giáp giữa làng Hà Lương và làng Cao Mật chạy vào chân núi Đún phía Tây Nam chiều dài gần 10 km hiện còn dấu tích một số đoạn ở xã Vĩnh Phúc và xã Vĩnh Long. Chiều cao La thành không có tài liệu ghi chép nhưng những đoạn thành còn lại cho thấy chân thành rộng đến 30m. Sát chân thành phía trong có đường cho binh lính, voi, ngựa hành quân tuần tiễu, ngoài có rừng tre gai bảo vệ vây quanh. Bên ngoài La thành, có hệ thống hào rộng 50m, sâu 2m bao quanh tạo thành đường thủy nối Hón Tàu ra sông Bưởi. Qua biến thiên thời gian hệ thống hào thành bị bối lấp thành ruộng nhưng vẫn còn dấu tích. Hoàng Thành là hệ thống kiến trúc đồ sộ được xây thành hình vuông với chu vi 3.508m, diện tích là 769.086 m2. Phần tường cao 6m, phía ngoài được ốp bằng những phiến đá lớn, ghè đẽo công phu xếp chồng lên nhau. Phía trong tường cũng được xây bằng những tảng đá lớn ở giữa lũy đắp bằng đất trộn với cát, sỏi, đá cuội.

Thành có 4 cổng ở bốn hướng: Bắc, Nam, Đông, Tây nằm chính giữa tường thành đều xây theo kiểu cuốn vòm. Ba cổng Bắc, Tây, Đông chỉ có một cửa, riêng cổng phía Nam có ba cửa, cửa giữa rộng hơn hai cửa bên. Kỹ thuật xếp đá cuốn vòm ở các cửa thành đạt tới trình độ cao mà ngày nay người ta vẫn đang tìm lý giải. Đá xây cổng là những phiến đá to, nặng tới hàng chục tấn được ghè đẽo, mài nhẵn, tạo tác theo hình thang (múi bưởi) được đưa vào các vị trí trên cao một cách chính xác để ghép lại thành hình vòm tạo ra lực cân bằng mà không cần chất kết dính là một kỹ thuật khác biệt, độc đáo của những người thợ xây dựng. Sử dụng hơn 20.000m 3 đá để xây dựng, gần 100.000m 3 đất được đào đắp công trình hoàn thành trong một thời gian ngắn (3 tháng) là một kỳ tích đầy bí ẩn. Chính vì thế, việc xây Hoàng thành đã trở thành một huyền thoại, người xưa cho rằng “Hồ Quý Ly có phép đan lồng, phết giấy một đêm mai hóa thành cổng đá”.

Theo sử sách, bên trong Hoàng thành có những công trình kiến trúc như điện Hoàng Nguyên (nơi vua ngự triều), cung Nhân Thọ, Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu... nhưng ngày nay chỉ còn dấu tích, duy vẫn còn đôi rồng đá (mất đầu) nằm song song hai bên đường xuyên qua thành nổi từ cổng Nam lên cổng Bắc. Cặp rồng thể hiện nghệ thuật chạm khắc thời Trần lúc hưng thịnh với đặc điểm mềm mại, khỏe mạnh. Đặc biệt, ở núi Đún Sơn thuộc xã Cao Mật (nay thuộc xã Vĩnh Thành) phía nam thành Tây Đô còn có một quần thể kiến trúc Đàn Nam Giao do Hồ Hán Thương sai đắp năm 1402 để nhà Vua làm lễ tế Trời. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, đàn Nam Giao nhà Hồ là đàn tế cổ nhất hiện còn tìm thấy với dấu tích nền móng tương đối nguyên vẹn. Ở đây còn có giếng Ngự Duyên (còn gọi là giếng Vua) một di tích quan trọng được tu bổ theo nguyên trạng.

Ngoài di tích di sản thế giới thành Nhà Hồ trên đất huyện Vĩnh Lộc còn nhiều di tích liên quan đến nhân vật, sự kiện lúc xây thành. Đó là công trường khai thác đá xây dựng ở núi Phù Lưu; nơi đậu thuyền và bãi đóng thuyền, Bến Ngự ở làng Cổ Điệp bên dòng sông Bưởi; đền thờ nàng Bình Khương - người phụ nữ tiết nghĩa đập đầu vào tường đá chết theo chồng khi xây thành; đền thờ  Trần Khát Chân để nhớ vị tướng tài ba một lòng vì giang sơn xã tắc...

Đến với Di sản văn hóa thế giới thành Nhà Hồ chiêm ngưỡng quần thể kiến trúc bằng đá kỳ vĩ, độc đáo đã tồn tại hơn  600 năm để hiểu thêm tài năng sáng tạo của ông cha. Hơn thế nữa, thành Nhà Hồ còn là một chứng nhân của những trang sử bi hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Phan Viết Dũng