.

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội: Mười năm của những đổi mới

Thứ Ba, 27/09/2016, 08:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Kể từ Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25-11-2005 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, tỉnh ta đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của người dân và các cấp, các ngành, địa phương.

Các giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống của người Quảng Bình được khơi dậy và phát huy hiệu quả, nhiều tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu dần dần bị loại bỏ khỏi cuộc sống cộng đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít những mặt hạn chế, như: một số đám cưới quá xa hoa, tốn kém, đông khách, các lễ hội đơn điệu chưa phát huy được giá trị cộng đồng, các đám ma còn rườm rà, tồn tại nhiều thủ tục mê tín dị đoan...

Trong suốt hành trình mười năm qua, quán triệt sâu sắc nội dung của chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, các địa phương trong tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ động trực quan, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, truyền thống cách mạng, qua đó củng cố xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 28-1-2013 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, đơn vị, xã, phường, thôn, tổ dân phố, người dân triển khai theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với lĩnh vực này.

Để cụ thể hóa Chỉ thị số 20, Sở Văn hóa và Thể thao đã hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo 159 xã, phường, thị trấn tổ chức sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước cho 1.269 thôn, bản, tổ dân phố, chú trọng vào các nội dung, như: tổ chức đám cưới với tinh thần vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp truyền thống dân tộc, không quá 600 khách mời, khuyến khích tổ chức cưới bằng tiệc ngọt, tổ chức đám tang chu đáo, gọn nhẹ, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, không tổ chức ăn uống linh đình, khuyến khích bà con dùng băng nhạc hiếu, không rải vàng mã, tiền các loại dọc đường đưa tang...

Xã hội hóa các hoạt động lễ hội một cách hiệu quả là mục tiêu hướng đến của tỉnh ta.
Xã hội hóa các hoạt động lễ hội một cách hiệu quả là mục tiêu hướng đến của tỉnh ta.

Để việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đi  sâu vào cuộc sống, công tác phối hợp giữa các đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp địa phương được chú trọng. Trên cơ sở các văn bản của Trung ương và của tỉnh, các địa phương, các ngành chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tiêu chuẩn cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn của từng ngành, từng địa bàn để triển khai.

Chẳng hạn, nhiều thôn, tổ dân phố, xã, phường đã đưa các quy định nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vào hương ước, quy ước, vào các tiêu chí bình xét thi đua cuối năm, bình xét gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, xã đạt chuẩn nông thôn mới và phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Công tác tuyên truyền được đánh giá là mũi nhọn thông qua sự tham gia tích cực của các phương tiện thông tin đại chúng, như: Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn hóa Quảng Bình cùng hệ thống đài truyền thanh cơ sở. Nhiều xã, phường đã chủ động xây dựng chương trình phát thanh riêng, có chuyên mục về văn minh đô thị nhằm tăng cường hiệu quả tuyên truyền đến quần chúng nhân dân. Sự phối hợp giữa các ngành trong việc triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ngày càng chặt chẽ, đồng bộ. Sở Tư pháp hướng dẫn cơ sở đưa quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vào hương ước, quy ước của thôn, bản. Các cơ quan thành viên của Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình để lồng ghép nội dung thực hiện với các phong trào thi đua của từng ngành, đưa vào tiêu chí bình xét thi đua. Đồng thời, chú trọng thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và hội viên, đoàn viên trong các tổ chức đoàn thể quần chúng, trong cơ quan đơn vị thực hiện tốt quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Nhờ những nỗ lực đó, nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, ý thức trách nhiệm được tăng lên và việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội ngày càng đi vào quy củ.

Đối với việc cưới, các thủ tục được đơn giản hóa, gọn nhẹ, đăng ký kết hôn đúng quy định của pháp luật, các nghi lễ được thực hiện nghiêm trang, giữ được thuần phong mỹ tục, các nghi thức được tổ chức với tinh thần vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của từng địa phương và gia đình. Những thủ tục có tính phong tục, như: chạm ngõ, lễ hỏi, xin dâu, được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ. Mô hình đám cưới tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố được người dân hưởng ứng tích cực, các tình trạng tảo hôn, thách cưới, thủ tục rườm rà, mời khách số lượng lớn, dựng rạp cưới gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị dần dần được hạn chế.

Đối với việc tang, trong mười năm qua, chính quyền địa phương thực hiện quy hoạch đất nghĩa trang, nghĩa địa và vận động nhân dân chôn cất người mất đúng quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường. Các đám tang được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống, tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, không còn tình trạng bày cỗ mời khách, để người chết trong nhà quá 48 tiếng, không rải tiền, vàng mã trên đường đưa tang. Nhiều xã, phường đã xây dựng mô hình trong tổ chức việc tang, đó là khi có người qua đời, Hội Người cao tuổi phối hợp với Ban cán sự tổ dân phố đứng ra lo liệu mọi khâu, góp phần giảm bớt chi phí tốn kém, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đang được nhân rộng trên toàn tỉnh.

Về lễ hội, các lễ hội dân gian truyền thống được duy trì, phục hồi và phát triển theo hướng lành mạnh, bảo đảm yếu tố giữ gìn, phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương, vùng miền. Các lễ hội được tổ chức chu đáo, chặt chẽ theo đúng quy định của Chính phủ, khi tổ chức đều báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, thành lập ban tổ chức lễ hội, quy định thời gian, địa điểm tổ chức, nội dung lễ hội, bảo đảm an ninh trật tự, không có hiện tượng lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan, trục lợi.

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, vẫn còn đó không ít mặt hạn chế cần khắc phục. Ở một số địa phương, việc triển khai còn mang nặng tính hình thức, chưa có biện pháp thiết thực, thiếu kiểm tra, đôn đốc và chưa có sự quyết liệt trong việc phê bình đối với cá nhân, tập thể vi phạm. Việc bình xét công nhận danh hiệu gia đình, khu dân cư, cơ quan văn hóa... ở đa số các địa phương chưa áp dụng triệt để các tiêu chí đã được đề ra. Khâu tuyên truyền, vận động được các cấp, các ngành, các đoàn thể tiến hành thiếu thường xuyên, cho nên, hoạt động còn chưa đi vào chiều sâu, tính lan tỏa chưa cao. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa đi sâu nghiên cứu, đề xuất các biện pháp chỉ đạo kịp thời. Công tác vận động, tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mức. Công tác sơ kết, tổng kết, mở các hội nghị chuyên đề đánh giá, trao đổi kinh nghiệm chưa được coi trọng. Vẫn còn đó những đám cưới tổ chức còn rườm rà, linh đình, mới đông khách, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, thách cưới, đòi hồi môn, tảo hôn...; những đám tang rườm rà, nhiều thủ tục, mê tín dị đoan, xây lăng mộ phô trương, tốn kém, lãng phí; một số lễ hội đơn điệu về nội dung, hình thức, chưa bảo đảm vệ sinh môi trường và chưa thu hút được sự chung tay của cộng đồng.

Nguyên nhân chính là do công tác tuyên truyền chưa được thường xuyên, hình thức còn chưa đổi mới, chưa phù hợp và một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa thực sự chú trọng, sâu sát.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc phát huy các mặt đã đạt được và đẩy mạnh khắc phục những mặt hạn chế, tỉnh ta sẽ xây dựng các mô hình cụ thể cho việc tổ chức lễ cưới, đám tang phù hợp với thuần phong mỹ tục, phong tục tập quán của từng địa phương, đảm bảo nếp sống văn hóa, tiến bộ, lành mạnh, tiết kiệm. Đồng thời, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối kết hợp giữa chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, đơn vị trong việc thực hiện nếp sống văn minh đối với việc cưới, việc tang, lễ hội sẽ được tăng cường mạnh mẽ hơn. Các hoạt động văn hóa, thể thao sẽ được tiếp tục xã hội hóa, khuyến khích và tạo mọi điều kiện cần thiết để người dân cùng tham gia, đóng góp sức người, sức của. Những hội nghị sơ kết, tổng kết việc thực hiện nếp sống văn minh sẽ được triển khai thường xuyên nhằm đúc rút kinh nghiệm và kịp thời biểu dương các cá nhân, tập thể thực hiện tốt.                        

P.V