.

Quảng Ninh: Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"

Thứ Năm, 29/09/2016, 09:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, 15 năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) ở huyện Quảng Ninh ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, tác động mạnh mẽ đến đời sống nhân dân, phục vụ tích cực các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Phạm Trung Đông cho biết: 15 năm qua, phong trào TDĐKXDĐSVH đã được cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp huyện Quảng Ninh chú trọng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Vì vậy, các ngành, các cấp của huyện đã chủ động vào cuộc, kịp thời triển khai khá toàn diện nội dung của phong trào, đều khắp ở các khu dân cư, đến từng hộ gia đình, mang lại những tác động rất tích cực đến mọi mặt của đời sống, được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Phong trào đã góp phần trong xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trên địa bàn huyện; khơi dậy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc như “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, “tình làng nghĩa xóm”; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, ổn định an ninh chính trị, không ngừng thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển.

Nét nổi bật là, qua thực hiện phong trào, nhân dân Quảng Ninh đã đoàn kết xây dựng đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Theo đó, ở khắp các địa phương trong huyện, các tầng lớp nhân dân đã thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật...

Từ trong các phong trào thi đua, đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, điển hình về phát triển kinh tế; nhiều hộ gia đình từ khó khăn nay đã có thu nhập khá, làm giàu chính đáng... Phong trào cũng đã tác động sâu sắc đến nhận thức phát triển kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư sản xuất, xây dựng trang trại. Qua đó, giải quyết việc làm hàng năm cho trên 3.000 lao động.

Việc xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hoá lành mạnh, kỷ cương xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cũng được triển khai rộng rãi từ huyện đến cơ sở. 100% thôn, bản, tiểu khu trong toàn huyện đã có hương ước, quy ước được UBND huyện phê duyệt và từng bước thực hiện có hiệu quả.

Cuộc vận động “TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư” do UBMTTQVN huyện chủ trì tiếp tục phát triển và ngày càng đi vào chiều sâu, có chất lượng; đã xây dựng nhiều mô hình tiêu biểu như: Khu dân cư bảo đảm an toàn giao thông, khu dân cư thực hiện công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình, khu dân cư điểm sáng chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư, khu dân cư phòng chống tội phạm...

Lãnh đạo huyện Quảng Ninh trao thưởng cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống của huyện năm 2016.
Lãnh đạo huyện Quảng Ninh trao thưởng cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống của huyện năm 2016.

Đặc biệt, thông qua phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong huyện đã đóng góp trên 100 tỷ đồng để đầu từ xây dựng các thiết chế văn hóa; trong đó chú trọng xây dựng, tu sửa nhà văn hoá và nhiều công trình hạ tầng dân sinh. Nhiều nhà văn hóa thôn được xây dựng mới khang trang như thôn Thượng (Võ Ninh), Kim Nại (An Ninh), Tả Phan (Duy Ninh), Long Đại, Đồng Tư (Hiền Ninh)...

Ngoài ra, bằng nguồn đóng góp của cán bộ, đoàn viên, các tổ chức đoàn thể trong toàn huyện đã xây dựng mới nhà văn hóa cho các bản đặc biệt khó khăn như: Liên đoàn Lao động huyện đóng góp xây dựng nhà văn hóa bản Khe Ngang (Trường Xuân), Mặt trận, Hội Phụ nữ đóng góp xây dựng nhà văn hóa bản Dốc Mây, Rìn Rìn (Trường Sơn); Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân đóng góp xây dựng nhà văn hóa bản Khe Dây (Trường Sơn).

Nhờ vậy, đến nay 116/116 thôn, bản, tiểu khu trên địa bàn đều có nhà văn hoá, bảo đảm phục vụ các hoạt động văn hóa cộng đồng, huyện Quảng Ninh trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh xóa điểm trắng về nhà văn hóa, trong đó có trên 60% nhà văn hóa đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Ngoài ra, toàn huyện đã đầu tư, nâng cấp 10 đình làng kết hợp thiết chế văn hoá với trị giá trên 20 tỷ đồng.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã trở thành nét đẹp được duy trì trong mỗi một gia đình trên địa bàn huyện trong suốt những năm qua. Tỷ lệ gia đình văn hoá trên địa bàn tăng bình quân mỗi năm trên 800 hộ. Nếu như năm 2000 chỉ có 7.368 hộ đạt gia đình văn hóa, thì đến năm 2015 có 20.309 hộ được công nhận hộ gia đình văn hoá, đạt 81%, tăng 2,7 lần so với năm 2000. Toàn huyện đã có 93/116 thôn, bản, tiểu khu được công nhận danh hiệu văn hoá, với 560 lượt; trong đó có 113 lượt thôn, bản, tiểu khu được công nhận danh hiệu làng văn hoá đạt 3 năm liên tục.

Riêng thôn Quảng Xá (Tân Ninh) 6 lần được công nhận và giữ vững danh hiệu làng văn hoá 17 năm liên tục, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; thôn Quảng Xá (Tân Ninh), thôn Thượng (Võ Ninh), bản Sắt (Trường Sơn) được công nhận danh hiệu thôn, bản văn hóa tiêu biểu của tỉnh; nhiều thôn, bản, tiểu khu nhiều năm liền đạt danh hiệu văn hoá như Lương Yến, Văn La (Lương Ninh), Tả Phan (Duy Ninh), Hà Thiệp (Võ Ninh), tiểu khu 1 (Quán Hàu), Hàm Hoà (Hàm Ninh), Bắc Ngũ (Gia Ninh), Rào Đá (Trường Xuân), Xuân Dục 4 (Hiền Ninh) và Cây Sú (Trường Sơn)...

Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trên địa bàn cũng không ngừng phát triển và đi vào hoạt động có nền nếp. Thông qua các cuộc tổ chức thi đấu TDTT, các cấp, ngành, địa phương đã tuyên truyền đến mọi người dân nâng cao nhận thức và hưởng ứng việc tập luyện thường xuyên TDTT; chú trọng phát triển phong trào quần chúng và nâng cao chất lượng phong trào TDTT ở vùng sâu vùng xa, trường học, các lực lượng vũ trang... Đến nay, toàn huyện có gần 28.000 người luyện tập TDTT thường xuyên, đạt 28,7%, tăng bình quân trên 1.000 người mỗi năm.

Điều đáng nói nữa là, nhờ thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong hoạt động văn hóa,  TDTT, các lễ hội trên địa bàn đã được duy trì thường xuyên, khơi dậy và phát huy được mọi nguồn lực của nhân dân, các tổ chức cơ quan, doanh nghiệp tham gia, như lễ hội làng, lễ cầu mùa, cầu an, lễ hội xuống nước... Huyện duy trì lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ vào dịp Quốc khánh 2-9 hàng năm với số lượng tăng dần các xã, thị trấn, tham gia, nhất là năm nay, ngoài 12 thuyền bơi nam đến từ 12/15 xã, thị trấn, còn có thêm nội dung đua thuyền nữ, thực sự tạo khí thế vui tươi phấn khởi, có ý nghĩa thiết thực, góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất trong các tầng lớp nhân dân.

Từ thành công của lễ hội đua thuyền 2016, tạo ra tiền đề cho huyện tiếp tục tổ chức lễ đua thuyền sinh động, hấp dẫn hơn và chất lượng cao hơn vào các năm tới. Từ đó, tạo khí thế thi đua, góp phần tiếp tục khơi dậy phong trào TDĐKXDĐSVH  trên địa bàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Trung Đông, bên cạnh những kết quả tích cực, trong thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH ở huyện Quảng Ninh  vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế, cụ thể: Phong trào phát triển chưa đều khắp trên địa bàn. Công tác chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện phong trào ở một số địa phương chưa đồng bộ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, chưa khơi dậy được tiềm năng sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân. Kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện phong trào từ  huyện đến cơ sở còn gặp nhiều khó khăn...

Chính vì vậy, trong thời gian tới, Huyện uỷ, UBND huyện Quảng Ninh sẽ tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH; trong đó chú trọng đến việc lồng ghép nội dung phong trào với các phong trào của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội; đồng thời quan tâm đầu tư, bố trí ngân sách thoả đáng xây dựng các thiết chế văn hoá... để nâng cao ý thức hưởng thụ văn hoá cho nhân dân, nhất là các xã miền núi, miền biển- địa bàn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội.

Từ đó, phấn đấu đến năm 2020 có 85% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; 60% thôn, bản, tiểu khu và 95% cơ quan đạt danh hiệu đơn vị văn hoá; 30% số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên; 100% xã,  thị trấn và thôn, bản có thiết chế văn hóa thông tin đồng bộ; 100% thôn, bản, tiểu khu có nhà văn hóa trong đó có trên 70% đạt chuẩn.

Hương Trà