.

Ở ngay trong cõi bể dâu...

Thứ Bảy, 24/09/2016, 19:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Khi nhà thơ Chế Lan Viên viết: Nguyễn Du viết Truyện Kiều, đất nước hóa thành văn là nhằm tôn vinh giá trị, sức sống và sự lan tỏa kỳ diệu của Truyện Kiều trong lòng dân tộc Việt, kể từ lúc thi hào Nguyễn Du trước tác nên thiên truyện. Tuy nhiên, bài viết của chúng tôi không đi theo hướng này, mà tham gia bàn thảo về một nội dung do một số tác giả gần đây đã đặt ra: Nguyễn Du viết Truyện Kiều ở đâu?

 

 Vọng lâu cổng đông thành cổ Đồng Hới rất có thể là nơi Nguyễn Du thường ngồi ngắm cửa biển Nhật Lệ chiều hôm.
Vọng lâu cổng Đông thành cổ Đồng Hới rất có thể là nơi Nguyễn Du thường ngồi ngắm cửa biển Nhật Lệ chiều hôm.

Nguyễn Du viết Truyện Kiều ở đâu, có vẻ như đây là một hướng tìm tòi mới, vì khi tra cứu trong sách “200 năm nghiên cứu bàn luận truyện Kiều” do Lê Xuân Lít tập hợp và xuất bản, chúng tôi không tìm thấy có bài nào  đặt vấn đề trực tiếp tìm kiếm địa điểm Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều. Trong tập sách đồ sộ này, chỉ thấy các học giả tập trung quan tâm tiếp cận và nghiên cứu Truyện Kiều ở các lĩnh vực: thời điểm sáng tác Truyện Kiều, văn bản Truyện Kiều, và các giá trị nội dung, nghệ thuật của Truyện Kiều.

Có lẽ vì nhận thấy sự “khiếm khuyết” này mà gần đây, một số tác giả  đặt vấn đề tìm hiểu Nguyễn Du viết Truyện Kiều ở đâu chăng?

Theo đó, có người cho rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều tại quê mẹ (Kinh Bắc), cũng có người lại cho rằng ông viết ở quê vợ (Thái Bình), người khác lại chứng minh Nguyễn Du viết Truyện Kiều ở quê cha (Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh), còn có tác giả khi tìm thấy trong Truyện Kiều của Nguyễn Du “có những khung không gian Việt” lại cho rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều ở Động Gián, nơi cùng huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh với địa điểm Tiên Điền.

Theo tác giả này, trong truyện Kiều của Nguyễn Du có những khung không gian Việt, do vậy, “khung cảnh Việt trong truyện Kiều của Nguyễn Du là một sự thực cần được nhận chân khi thưởng ngoạn Truyện Kiều...”. Theo đó, tác giả cho rằng “... đến câu: Buồn trông cửa bể chiều hôm, và hai câu: Buồn trông gió cuốn mặt duềnh / Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi; thì rõ ràng đây không phải là phong cảnh của thành Lâm Truy nữa, mà đúng là một nơi nào đó nằm sát, hay nói chính xác là nằm ngay trên cửa biển, nơi có dòng chảy của một con sông đổ vào biển cả với cuồn cuộn như thác lũ – đó là sông Mỹ Dương, ở Động Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đổ ra cửa Động Kèn, sông đã cạn dòng từ 100 năm trước?” (Tạp chí Thế giới di sản số Xuân Ất mùi 2015).

Việc đi tìm kiếm, nghiên cứu Nguyễn Du sáng tác truyện Kiều ở đâu có cần thiết hay không, chúng tôi sẽ đề cập đến sau, song với những chứng lý về những “khung không gian Việt” mà chủ yếu là từ các hình tượng biển và cát tìm được trong nội dung truyện Kiều, để từ đó xác quyết Nguyễn Du viết Truyện Kiều chỉ tại một địa điểm cụ thể nào đó như một số tác giả đã đề cập, theo chúng tôi là đang thiếu sức thuyết phục.
Liên quan đến điều này, không thể không nhắc lại các kết quả nghiên cứu về thời điểm (không phải địa điểm) Nguyễn Du sảng tác Truyện Kiều của các tác giả đi trước. Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền không ghi rõ Nguyễn Du viết Truyện Kiều vào thời điểm nào, song dựa vào cuộc đời Nguyễn Du, đối chiếu với một số chi tiết có trong văn bản Truyện Kiều, những người nghiên cứu chia ra có 3 nhóm ý kiến sau:

- Nguyễn Du bắt đầu viết Truyện Kiều lúc ông khoảng ngoài 30 tuổi, đang ẩn dật ở núi Hồng ở quê nhà, khi chưa ra làm quan (1796 – 1801)

- Nguyễn Du viết Truyện Kiều, lúc ông làm Cai bạ ở Quảng Bình (1804- 1809)

- Nguyễn Du viết Truyện Kiều lúc ông đi sứ Trung Quốc về (sau 1813)

Trong đó, luận điểm của nhóm ý kiến thứ hai: Nguyễn Du viết Truyện Kiều lúc ông làm Cai bạ ở Quảng Bình (1804- 1809), càng về sau càng được nhiều người chấp nhận hơn cả. Và cũng cần phải lưu ý thêm rằng, ở thời điểm này, Nguyễn Du đã có tập thơ chữ Hán  Nam Trung Tạp Ngâm gồm 40 bài, viết về vùng đất Phú Xuân và đặc biệt là Quảng Bình, nơi ông có thời gian giữ chức quan dài nhất trong cuộc đời quan hoạn bất đắc chí của mình.

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có một khung không gian Việt nói chung là đương nhiên, vì ông là người Việt, thấm đẫm tâm hồn Việt. Còn nếu chỉ dựa vào khung cảnh biển, cát với “cồn nọ dặm kia” xuất hiện nhiều trong Truyện Kiều để xác định một địa điểm cụ thể Nguyễn Du ngồi viết nên thiên truyện này như các tác giả đề cập, thì với điều kiện tư liệu hiện nay, chúng tôi cho rằng, góc thành cổ Đồng Hới, sát cửa biển Nhật Lệ, nơi ông tá túc làm quan suốt 4 năm trời cũng là một ứng cử viên sáng giá.        

Theo thống kê, trong Truyện Kiều có đến gần 40 chỗ Nguyễn Du viết về biển, cát, hoặc dùng hình tượng biển, cát phái sinh để diễn tả nội tâm nhân vật. Có một điều khá trùng hợp là trong số các bài thơ chữ Hán viết ở Quảng Bình, về Quảng Bình trong tập thơ  Nam Trung Tạp Ngâm, Nguyễn Du đã dành rất nhiều tâm huyết để miêu tả khung cảnh biển, cát ở tất cả các cửa bể thơ mộng nơi đây, cũng với mục đích ngụ tình đầy sáng tạo, đặc biệt là với cửa biển Nhật Lệ:

- Nhật Lệ triều đầu dũng hải môn
Thanh Vị trọc Kinh đồng bất túc
Hoàn hoa lục trúc lưỡng vong ngôn

(Nước sông cửa Lệ biển vỗ mình
Vị Kinh trong đục dòng chảy miết
Vàng hoa, xanh trúc đều lặng thinh)
                                                (Tặng bạn)

- Cô thành nhật mộ khởi âm vân
Thanh thảo man man đáo hải tần

 (Chiều về mây phủ thành vắng tanh
Cỏ mướt trải dài đến biển xanh,
                                    (Ngẫu đắc)

- Thanh phong niểu niểu tự giang tân
Minh nguyệt thanh sơn thướng hải tần

(Gió mát hiu hiu thổi từ sông
Trăng sáng núi xanh hướng bể trông)
                   (Giản công bộ thiêm sự trần II)

Trong các bài thơ chữ Hán này có không ít câu thơ khiến người đọc không  thể không liên tưởng đến những câu Kiều: Thanh thảo man man đáo hải tần (Cỏ mướt trải dài đến biển xanh)/ Cỏ non xanh rợn chân trời, hoặc: Khoáng dã biến mai vô chủ cốt (Đồng hoang xương lấp mộ vô chủ)/sè sè nấm đất bên đường...

Cửa biển Nhật Lệ ngày nay.
Cửa biển Nhật Lệ ngày nay.

Tuy nhiên, mặc dù có nhiều những chứng lý thuận lợi về thực địa và thi ca nhưng chúng tôi vẫn không võ đoán cho rằng địa điểm thành cổ Đồng Hới là nơi duy nhất Nguyễn Du viết nên Truyện Kiều. Bởi vì, với một thiên truyện dài hơi, giàu trắc ẩn và tính nghệ thuật như vậy, Nguyễn Du không thể viết và hoàn tất một mạch ở một địa điểm cụ thể nào, mà chắc chắn là ông phải cùng ăn, cùng ngủ, cùng thổn thức với truyện Kiều ở nhiều không gian, thời gian và địa điểm khác nhau. Mặt khác, theo chúng tôi việc  đi tìm địa điểm cụ thể Nguyễn Du viết Kiều trong điều kiện hiện nay là không thể và không cần thiết. Bất luận Truyện Kiều được viết ở đâu thì cũng không thể thay đổi được những hiệu ứng đặc biệt mà thiên truyện của Nguyễn Du tạo ra trong 200 năm qua trong lòng dân tộc. Đó là: từ khi Truyện Kiều ra đời đến nay,  người đời và các học giả không ngớt bàn luận, bình phẩm về nó, từ đó độc giả lại thấy thêm cái hay, cái đẹp của truyện Kiều. Ngoài việc thưởng thức trực tiếp qua văn bản, Truyện Kiều còn được người đời thưởng thức dưới nhiều hình thức khác nhau: hát Kiều, đố Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều, sân khấu Kiều, thơ phú vịnh Kiều... rất đa dạng và không bao giờ biết chán. Dù còn nhiều tranh luận: Nguyễn Du diễn nôm, phóng tác, mô phỏng hay dịch thuật, Truyện Kiều vẫn tồn tại đầy sức sống trong lòng người dân Việt và được cộng đồng thế giới công nhận là một sản phẩm Việt .

Trong Lời đầu sách ở Từ điển Truyện Kiều (1974), Giáo sư Đào Duy Anh viết: "Với Truyện Kiều của Nguyễn Du, có thể nói rằng ngôn ngữ VN đã trải qua một cuộc thay đổi về chất và đã tỏ rõ khả năng biểu hiện đầy đủ và sâu sắc... Nguyễn Du sinh quán ở Thăng Long, tổ quán ở Nghệ-Tĩnh, mẫu quán ở Bắc Ninh, đã nhờ những điều kiện ấy mà dựng lên được một ngôn ngữ có thể nói là gồm được đặc sắc của cả ba khu vực quan trọng nhất của của văn hóa nước ta thời trước".

Trong truyện Kiều chứa chan tâm hồn Việt, chứ không riêng một địa phương cụ thể nào. Chính vì vậy, người Việt ở toàn cõi Việt Nam này, dù rất đa dạng bản sắc, nhưng thảy đều cảm thấy thân thuộc và gần gũi với Truyện Kiều của Nguyễn Du như câu chuyện và nhân vật tồn tại ở xung quanh mình, đất nước mình, thậm chí ngay trong bản thân mình.

Do vậy chúng tôi thật sự đồng cảm với tác giả Tùng Bách khi anh viết ra những câu thơ thật lý tình về câu chuyện đi tìm nơi Nguyễn Du viết Kiều:

Thôi nào để cụ Nguyễn yên
Đừng giả với sử chi phiền lòng nhau
Truyện Kiều được viết ở đâu ?
Ở ngay trong cõi bể dâu đời này!

(Tạp chí Thế giới di sản số Xuân Ất Mùi 2015)

Trần Hùng