.

Ngọt ngào điệu hát phường nón Thổ Ngọa

Thứ Tư, 14/09/2016, 08:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong tiết trời dịu mát những ngày đầu thu, chúng tôi về Thổ Ngọa (phường Quảng Thuận, TX. Ba Đồn) - mảnh đất có bề dày văn hóa, lịch sử và là một trong bát danh hương của Quảng Bình. Dẫu nơi đây nghề làm nón không còn phát triển như thuở trước nhưng đó vẫn là nét đẹp làm nên cốt cách của làng quê giàu truyền thống này. Và một khi đã nhắc đến nghề làm nón Thổ Ngọa, thì không thể quên điệu hát phường nón ngọt ngào từng gắn bó với những năm tháng tuổi trẻ của nhiều thế hệ người dân nơi đây.

Người làng Thổ Ngọa không rõ làng nón quê mình có tự bao giờ, ông tổ nghề nón là ai, nhưng những đứa trẻ làng đã biết làm nón từ thuở lên 5, lên 7. Cái nghề đặc biệt ấy đã gắn bó với bao đời người dân nơi đây, cùng họ gánh gồng cuộc mưu sinh đi qua những năm cơ cực, đói khổ. Ngay cả khi chiến tranh, làng nón Thổ Ngọa vẫn duy trì nghề. Khâu nón chủ yếu là phụ nữ, trẻ em học lớp 3, lớp 4, trong khi đó, làm vành chủ yếu vẫn là thanh niên và đàn ông. Ngoài những gia đình tự làm nón, ở Thổ Ngọa còn có hình thức tổ chức làm chùm - vốn là một hình thức đổi công. Nhân lực chủ yếu là nam nữ thanh niên, không khí làm việc cũng rộn ràng, sôi nổi lên nhờ đó.

Và cũng chính từ các công việc quen thuộc của nghề làm nón như hái lá, phơi lá, ủi lá, xâu kim, lên khuôn, xỏ lá... một kho tàng dân ca, hò vè, trong đó có điệu hát phường nón Thổ Ngọa đã ra đời. Như nghề nón góp phần quan trọng vào chính cuộc sống mưu sinh của người Thổ Ngọa, điệu hò ấy cũng thấm dần vào đời sống tinh thần của người dân nơi đây.

Những đêm làm chùm, trai gái thường tổ chức hò đối đáp. Những cuộc vui ấy thường kéo dài tới 11-12 giờ khuya. Nhất là những ngày phiên chợ Họa hay phiên chợ Ba Đồn, khách phong lưu tứ xứ, khách ăn chơi muôn phương tìm đến các cuộc chơi trước phiên chợ, thả bộ xuống làng Thổ Ngọa để xem trai thanh nữ tú làm nón lá và hát giao duyên. Ông Trần Đình Lập, Trưởng làng Thổ Ngọa nhớ lại: Ngày đó, các cô gái làng vừa ngồi may nón, vừa hò hát. Họ hò những câu trêu đùa, nói lái rất ý nhị, “ý tục, lời thanh” để thử tài đối đáp của nhau. Những cuộc lương duyên cũng đơm nụ, nở hoa từ đó.

Thế hệ người già làng Thổ Ngọa còn lại rất ít người hát được điệu hát phường nón.
Thế hệ người già làng Thổ Ngọa còn lại rất ít người hát được điệu hát phường nón.

Trong cuốn Địa chí làng Thổ Ngọa, tác giả Đỗ Duy Văn khẳng định, điệu hát phường nón Thổ Ngọa có nét tương đồng với điệu hát phường vải Nghệ Tĩnh, nên trong âm điệu có sự ảnh hưởng của dân ca xứ Nghệ. Lời ca thường mộc mạc nhưng chứa chan tình cảm. Trong dòng hồi ức của các cụ cao niên làng Thổ Ngọa vẫn ám ảnh mãi câu chuyện cảm động xoay quanh điệu hò đối đáp ngọt ngào này. Đó là chuyện tình của đôi nam nữ yêu nhau say đắm nhưng bị gia đình hết mực ngăn cản. Đau khổ, bỏ nhà đi nhưng không thành, người con gái quay trở về khâu nón thì chàng trai từ bờ sông Gianh hò vào, giọng trách móc: “Anh thương em một ngã, thầy mẹ bán gả một nơi/ Cực lòng anh lắm em ơi/ Ngày thì than thân trách phận, đêm lệ rơi một mình/ Phen này anh quyết dứt tình/ Vì ông trời không định, hai đứa mình cùng đi”. Người con gái đau lòng đối lại: “Thương anh, nhưng không bỏ nhà mà đi với anh đặng/ Em sống răng đây cho vẹn nghĩa, trọn tình/ Công cha, nghĩa mẹ ai đền/ Mà nhủ em quấn chăn, lăn mền theo anh?”.

Ông Nguyễn Văn Chành (71 tuổi) đã từng đi qua những năm tháng tuổi xuân của mình trong sự rộn ràng của phường nón, của những điệu hát thấm đượm. Đó là những buổi làm nón miệt mài, với những đêm hò hát đối đáp say sưa quên nhọc mệt. Trong buổi gặp gỡ, ông lão không ngại ngần hò điệu hò truyền thống của quê hương cho những người khách phương xa như chúng tôi thưởng thức. Nhìn vào đôi mắt ngấn nước, dường như một thời tuổi trẻ sôi nổi của ông đang sống dậy. Tuổi đã cao nhưng giọng hò đối đáp của ông cụ vẫn ngọt ngào như thuở đôi mươi. Ông cụ bảo: dù nam thanh, nữ tú làng Thổ Ngọa ngày đó đều không được học hành nhiều, nhưng lại là những người rất nhanh nhạy trong sáng tác câu hò đối đáp. Lời hò bao giờ cũng mượt mà, sâu sắc và cũng rất ý nhị. Những lời hò thường thấm đượm nhân nghĩa và tình yêu trai gái. Những đêm không trăng, những phường làm nón vẫn miệt mài bên ngọn đèn dầu leo lét. Tiếng cười, giọng hát cứ thế làm rộn rã xóm nhỏ. Khi đêm đã về khuya, dầu cũng đã cạn, chiếc nón cuối cùng cũng đã khâu xong từ lâu, nam nữ phường nón chia tay nhau ra về trong bao quyến luyến. Người con gái còn cẩn thận hát lời dặn dò, đưa tiễn: “Anh về thưa với mẹ cha/ Cho anh đi lại để xa hóa gần”. Người con trai khi đó cũng nhẹ nhàng đối lại: “Mẹ cha anh đã thưa rồi/ Giờ còn em nữa ông trời chưa se”. Những buổi giao duyên, đối đáp như thế đã se duyên cho biết bao cặp trai gái cùng làng. Và cũng chính những câu hò, những lời đối đáp đó đã giúp họ quên đi những nỗi vất vả, mệt nhọc để làm nên những chiếc nón trắng phau, dịu dàng tô điểm thêm vẻ đẹp cho người phụ nữ Việt.

Đã hàng trăm năm nghề nón truyền thống gắn bó thiết thân với đời sống của người dân Thổ Ngọa, nên dẫu hôm nay, những phường làm nón không còn rộn rã như thuở trước, thì nghề nón vẫn làm nên nét đặc trưng riêng có của mảnh đất này. Có một điều, khi nghề nón dần đìu hiu hơn thì điệu hò phường nón cũng không còn phổ biến, người hát được điệu hò này cũng chỉ dăm ba người. Vậy nên, trong câu chuyện của ông Lập, ông Chành và những người cao niên làng Thổ Ngọa vẫn phảng phất đâu đó nhiều nỗi buồn. Ông Chành bảo, thời nay, trong những buổi làm nón, người Thổ Ngọa không còn duy trì hình thức hát đối đáp như ngày trước. Điệu hò ấy vì thế cũng dần bị lãng quên khi người hát được đều đã quá già, người trẻ thì không còn mấy hứng thú. Một mai, khi những thế hệ cũ mất đi, lấy ai để lưu giữ lại một nét văn hóa truyền thống vốn gắn bó với đời sống của nhiều thế hệ người làng Thổ Ngọa?

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đến nay, địa phương vẫn chưa có những nỗ lực nào để níu giữ, bảo tồn điệu hát xưa cũ. Nên rất dễ hiểu khi ông Chành, ông Lập và những người già làng Thổ Ngọa vẫn cứ đau đáu mãi những nỗi lo xa xôi. “Người già như chúng tôi chỉ mong rằng trước sự mai một hiện hữu đó, ngành văn hóa và chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ để lưu giữ lại điệu hát xưa cũ này, phát triển nó cùng với làng nghề làm nón truyền thống để phát triển thành một sản phẩm du lịch. Chắc chắn sẽ rất hay”, ông Chành kỳ vọng.

Diệu Hương