.

Khi nhiếp ảnh thử sức "quảng bá" lễ hội

Thứ Ba, 20/09/2016, 10:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thành Vương, Chi hội trưởng Chi hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Quảng Bình tự hào chia sẻ, trong giới chụp ảnh chuyên nghiệp, nhiều anh em cùng chung ý kiến cho rằng, ở nước ta, có hai lễ hội tạo nhiều cảm hứng, đặc sắc và ấn tượng nhất trong sáng tạo tác phẩm nhiếp ảnh, đó là lễ hội đua bò Bảy Núi ở An Giang và lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, Lệ Thủy.

Chỉ một nhận định tưởng chừng đơn giản đó thôi cũng đủ để đúc kết mối quan hệ chặt chẽ của nhiếp ảnh và đề tài lễ hội dân gian truyền thống, đồng thời cho thấy sự hấp dẫn, độc đáo, riêng có của lễ hội ở vùng sông nước Lệ Thủy. Điều may mắn là ngoài lễ hội này, tỉnh ta vẫn còn rất nhiều lễ hội phong phú, đa dạng khác để các tay máy thỏa sức đam mê sáng tạo.

Nhưng, để đưa được “đứa con tinh thần” đến với công chúng, họ vẫn gặp không ít gian nan, mặc dù chính những tác phẩm này sẽ là sự quảng bá đầy đủ nhất con người, văn hóa xứ Quảng đến với bạn bè gần xa.

Năm 2014, tác phẩm “Gái Thượng Phong” của tác giả Thành Vương đã đoạt giải nhất tại cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam năm 2014 do Tạp chí Vietnam Heritage (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) tổ chức. Chọn lọc từ hơn 4.400 tác phẩm ảnh đơn và bộ ảnh thuộc 4 hạng mục tranh giải (di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, đời sống, thiên nhiên) của 477 tác giả, ban tổ chức đã trao giải cho 25 tác phẩm xuất sắc nhất (20 cho ảnh đơn và 5 cho bộ ảnh). Bức ảnh “Gái Thượng Phong” của tác giả Thành Vương là ảnh đơn đoạt giải nhất thuộc hạng mục di sản văn hóa phi vật thể, về các cô gái Thượng Phong đang nỗ lực trên đường về đích trong lễ hội đua, bơi truyền thống mừng Tết Độc lập trên sông Kiến Giang, Lệ Thủy - quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tác phẩm được triển lãm cùng 99 tác phẩm xuất sắc khác tại hơn 10 tỉnh, thành phố trong cả nước, gồm: Phan Thiết, Nha Trang, Hội An, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Hạ Long, Cần Thơ, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh..., góp phần đưa hình ảnh con người, văn hóa của xứ Lệ đến với bạn bè khắp nơi.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thành Vương chia sẻ, tự bao giờ lễ hội này đã gắn bó máu thịt với sự nghiệp sáng tác của ông, là niềm hứng khởi, đam mê chưa bao giờ cạn. Ông luôn nỗ lực cố gắng ghi lại không khí náo nhiệt, rộn ràng, sự say sưa hết mình của cả người đua, người bơi, người xem hội, và những nét duyên quê riêng có của vùng đất Lệ Thủy trong ngày Tết Độc lập bằng các bức ảnh đẹp lạ của mình.

Ông kể trong niềm hứng khởi, “tai nạn” nhớ đời nhất trong một lần chụp ảnh tại lễ hội là do quá “ham” góc máy đẹp, ông lội đến đoạn sông sâu, sử dụng phần chân máy để “canh”, nhưng do chưa tính toán đến độ dập dềnh của con nước khi đò bơi đi ngang qua, khiến toàn bộ máy ảnh của ông đều ướt nhẹp. Đó vẫn chưa phải là tai nạn duy nhất của những người “săn ảnh đẹp” tại lễ hội truyền thống có một không hai này, bởi niềm đam mê với nét đẹp quê hương luôn là sự thôi thúc mãnh liệt trong họ.

Một tác phẩm mới nhất của NSNA Thành Vương về lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang, Lệ Thủy mừng Tết Độc lập năm 2016.
Một tác phẩm mới nhất của NSNA Thành Vương về lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang, Lệ Thủy mừng Tết Độc lập năm 2016.

Riêng với lễ hội đua, bơi truyền thống Lệ Thủy, kể cả tác phẩm này, đã có 5 tác phẩm nhiếp ảnh đã tạo được chỗ đứng trong sân chơi ảnh chuyên nghiệp, đoạt các giải thưởng uy tín trong khu vực và toàn quốc.

Ngoài ra, nhiều lễ hội độc đáo khác của tỉnh cũng tạo lực hút rất lớn với giới nhiếp ảnh, như: các lễ hội cầu ngư, cầu mùa, lễ hội tâm linh của các làng, xã... Bởi, suy đến tận cùng, lễ hội truyền thống dân gian vẫn luôn là một đề tài khai thác vô tận của giới nhiếp ảnh với sự tham gia nhiệt tình, hết sức mình của người dân, không khí thiêng liêng, tinh thần đoàn kết, gắn bó, tính cộng đồng toát ra từ mỗi hoạt động của lễ hội, cùng với đó là những nét đặc trưng văn hóa truyền thống, bản sắc của người dân Quảng Bình được bộc lộ vẹn nguyên, mộc mạc, chân thành.

Anh Văn Thức, người đã gắn bó ống kính của mình nhiều năm với các lễ hội đa dạng, phong phú, độc đáo của vùng đất ven đôi bờ sông Gianh, từ các lễ hội mừng cơm mới, lễ hội rằm tháng ba của bà con Mày, Khùa, Rục ở thượng nguồn, cho đến các lễ hội cầu an Rằm tháng giêng ở vùng trung lưu và cả lễ hội 18 tháng giêng ở các vùng hạ lưu... Với anh, mỗi lễ hội như có một sự cuốn hút, hấp dẫn riêng và qua đó, mỗi tác phẩm của anh luôn nỗ lực mang đến cho công chúng phần hồn cốt tinh túy, mộc mạc nhất của con người, phong tục, tập quán từng làng xã.

Đam mê đã có, tài năng đã được khẳng định, tác phẩm ấn tượng đã được ra đời, nhưng rồi cái khó nhất, mất nhiều thời gian nhất vẫn chính là để “đứa con tinh thần” đến với công chúng. Nếu được những giải thưởng lớn như “Gái Thượng Phong” của tác giả Thành Vương hoặc lọt vào trưng bày tại các triển lãm khu vực, toàn quốc, thì mỗi tác phẩm sẽ có cơ hội đến với rộng rãi người xem và đó là điều quá may mắn. Còn nếu không, tác phẩm sẽ lại được cất vào ngăn tủ, im lặng và chờ đợi.

Không thể phủ nhận một thực tế là bấy lâu nay xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Bình quá gắn với hang động và biển, trong khi “kho tàng” lễ hội văn hóa lại đang bị lãng quên, rất lãng phí. Và để quảng bá vật báu này, một bức ảnh chính là vạn lời nói.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thành Vương cho rằng, nếu anh em nghệ sĩ được hỗ trợ kinh phí làm triển lãm quảng bá hoặc các tác phẩm của họ có cơ hội tham gia bài bản vào khâu xúc tiến du lịch của tỉnh nhà, thì chắc chắn hiệu quả sẽ lớn hơn rất nhiều.

Suy cho cùng, đích đến cuối cùng của mỗi tác phẩm nhiếp ảnh về lễ hội là đến được với công chúng, tạo ấn tượng và cảm xúc trong lòng họ, qua đó thực hiện một nhiệm vụ: quảng bá cái hay cái đẹp của văn hóa, mảnh đất, con người xứ Quảng bằng chính sự tinh túy nhất của nghệ thuật nhiếp ảnh.

Mai Nhân