.

Chuyện về một làng mê ca Huế - Bài 2: Nâng niu từng làn điệu

Thứ Năm, 01/09/2016, 14:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau một thời gian dài do chiến tranh, ca Huế ở làng Quảng Xá (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh) dường như dần bị lãng quên. Số lượng người trong làng hát và đam mê ca Huế đến nay cũng ngày càng ít dần. Thế nhưng, với những thế hệ một thời đã từng lớn lên trong những làn điệu ca Huế đều không thể quên những điệu hát Nam Ai, Nam Bằng... và “hồi sinh” ca Huế là cách để họ nâng niu giá trị văn hóa mà cha ông để lại.

>> Chuyện về một làng mê ca Huế - Bài 1: Hơn một thế kỷ "bén duyên"

Ông Nguyễn Văn Xám, 76 tuổi, nguyên cán bộ văn hóa xã Tân Ninh, cháu nội của ông Bát Vời (người đã có công đưa ca Huế về làng Quảng Xá) cho biết: Trong một thời gian dài, ca Huế phát triển mạnh ở làng Quảng Xá như một món ăn tinh thần không thể nào thiếu với mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ do hoàn cảnh lịch sử mà ca Huế không còn được hát thường xuyên như trước. Bên cạnh đó, nếu trước đây, nghề quay sợi, dệt vải là nghề giúp cho ca Huế phát triển mạnh thì những năm trở về sau với sự phát triển của nền công nghiệp, nghề dệt vải thủ công đã không còn tồn tại ở làng Quảng Xá. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho ca Huế dần bị lãng quên. Số người trong làng còn nhớ để hát đúng và chuẩn ca Huế chỉ còn lại rất ít.  

Mặc dù hoàn cảnh không cho phép, nhưng ở đâu hay làm gì, người Quảng vẫn lưu giữ ca Huế theo cách của riêng mình. Ông Xám nhớ lại: Những năm tháng đi bộ đội, vì cũng biết chơi đàn bầu nên ông thường đánh đàn và hát một số làn điệu ca Huế cho đồng đội nghe. Mọi người thấy ông hát hay đàn giỏi đã cho ông đi học lớp sáng tác và chuyển ông qua đội nghệ thuật để đi biểu diễn cho các đơn vị. Đó cũng là khoảng thời gian ông được sống lại cùng ca Huế. Chính vì tình yêu và cách lưu giữ của riêng mình mà trong ký ức của những người Quảng Xá, ca Huế vẫn khắc sâu trong tâm trí họ.

 Việc bảo tồn ca Huế ở làng Quảng Xá gặp khó khăn vì lớp trẻ ít đam mê thể loại này.
Việc bảo tồn ca Huế ở làng Quảng Xá gặp khó khăn vì lớp trẻ ít đam mê thể loại này.

Bà Nguyễn Thị Chuyện (80 tuổi), nghệ nhân dân gian Quảng Bình tâm sự: Trước đây, vào những lúc rảnh rỗi, bà cùng một số người trong làng thường ngồi nhớ lại những bài hát ngày xưa, nhất là các làn điệu ca Huế để hát cho vui. Khi được hát chính những bài mà tuổi thơ mình đã gắn bó và từng hát, bà cùng mọi người cảm thấy rất vui nên cũng thường tập trung mọi người lại để hát và ôn lại kỷ niệm. Thấy các bà còn nhớ và hát hay những làn điệu ca Huế, các cụ trong làng đã nảy ra ý tưởng thành lập một câu lạc bộ ca Huế. Khi ý tưởng được nêu ra, mọi người ai nấy đều ủng hộ nhiệt tình. Đầu năm 2016, câu lạc bộ ca Huế làng Quảng Xá ra đời.  Ông Nguyễn Văn Xám, trưởng câu lạc bộ vui mừng chia sẻ: Khi câu lạc bộ ra đời không chỉ các cụ trong làng vui mừng mà bản thân ông cũng vô cùng hạnh phúc. Hạnh phúc bởi sản phẩm văn hóa của làng do chính ông nội ông mang về tưởng như bị bỏ quên giờ được hồi sinh trở lại. Những chiếc đàn tranh, đàn nhị, đàn nguyệt... bấy lâu nay đươc cất kỹ càng, giờ lại được đem ra sử dụng. Cùng với những làn điệu ca Huế, họ như được sống lại với ký ức mấy chục năm về trước.

Hiện tại, câu lạc bộ ca Huế Quảng Xá có 50 thành viên, là tập hợp những người có chung niềm đam mê về ca Huế và biết hát ca Huế. Người lớn tuổi nhất trong câu lạc bộ là cụ Trần Thập, năm nay đã 90 tuổi, nhỏ nhất mới chỉ 13 tuổi. Mặc dù các thành viên trong câu lạc bộ hầu hết đều ở tuổi từ 50 tuổi đến 90 tuổi nhưng các cụ tham gia sinh hoạt thường xuyên và không bỏ một buổi tập luyện nào. Cứ buổi chiều chủ nhật, nhà văn hóa của thôn Quảng Xá lại rộn ràng những lời ca, tiếng hát của câu lạc bộ ca Huế Quảng Xá. Nhiều cụ vui mừng chia sẻ, cả tuần họ chỉ háo hức và mong đến ngày chủ nhật để được tập cùng câu lạc bộ. Bà Dương Thị Diến, vợ ông Nguyễn Văn Xám tâm sự: “Câu lạc bộ ca Huế Quảng Xá ra đời tôi mừng lắm. Nó giúp tôi thỏa niềm đam mê với làn điệu đã ngấm vào xương vào thịt từ  thuở bé. Cứ đến buổi chiều chủ nhật là vợ chồng tôi cùng với thằng cháu 13 tuổi sửa soạn áo quần để ra nhà văn hóa thôn tập luyện”. Ngoài những buổi tập chính vào chiều chủ nhật hàng tuần, một số thành viên nữ như bà Diến lại tập trung nhau lại và mở các băng đĩa ca Huế sưu tập được trên mạng để hát và múa chuẩn bị cho đợt biểu diễn văn nghệ của thôn sắp tới. Cùng với bà Chuyện thì bà Diến cũng là một trong những thành viên có giọng ca hay nhất và chủ lực của câu lạc bộ.

 Câu lạc bộ ca Huế của làng Quảng Xá.
Câu lạc bộ ca Huế của làng Quảng Xá.

Những bài hát mà câu lạc bộ thường xuyên tập luyện là những làn điệu ca Huế lời cũ như Nam Ai, Nam Bằng, Lưu Thủy, Kim Tiền, Xuân Phong, Long Hổ... do bà Chuyện nhớ và ghi chép lại. Bên cạnh đó, câu lạc bộ còn tập những bài hát mới do ông Xám và một số thành viên trong câu lạc bộ sáng tác. Những bài hát được sáng tác lời mới dựa trên các làn điệu ca Huế cũ. Hầu hết đều ca ngợi cuộc sống lao động, tình yêu quê hương, con người Quảng Xá. Có thể nói, câu lạc bộ ca Huế ở Quảng Xá không đơn thuần chỉ là một câu bộ tập luyện, hát ca Huế mà đó còn là nơi gặp gỡ những tâm hồn say mê, tâm huyết với ca Huế của làng. Ông Nguyễn Văn Minh, 61 tuổi dù ở Đồng Hới nhưng chiều chủ nhật nào cũng lái xe máy lên tập với mọi người. Ông Minh vốn là người Quảng Xá, có mẹ là người Huế nên ca Huế rất hay và chuẩn. Trong câu lạc bộ, ông là một người đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhịp, lời và những luyến láy của những làn điệu ca Huế có lời cổ.

Dù ca Huế của làng Quảng Xá đã được “hồi sinh”, tuy nhiên, hiện nay, những người biết hát ca Huế đều đã ở tuổi xế chiều. Việc bảo tồn và lưu giữ ca Huế rất khó vì thế hệ trẻ yêu thích và đam mê ca Huế không có. Câu lạc bộ chỉ có duy nhất một thành viên 13 tuổi thích ca Huế. Việc lưu giữ ca Huế cho thế hệ sau đã được các thành viên tính đến. Tuy nhiên, ông Xám tâm sự: “Dù các thành viên trong câu lạc bộ đã về động viên con cháu cùng tham gia tập hát ca Huế nhưng đa số đều không mặn mà với thể loại này. Các cháu bây giờ chỉ đam mê nhạc trẻ nên việc bắt các cháu hát ca Huế là rất khó”.

Hơn một trăm năm ca Huế được đưa về và phát triển ở làng Quảng Xá. Theo thời gian, không thể phủ nhận những giá trị văn hóa mà ca Huế đã mang lại cho những người dân nơi đây. Cùng với những làn điệu của mình, ca Huế đã góp phần không nhỏ trong việc làm đa dạng những giá trị văn hóa dân gian của làng. Chính vì vậy, việc bào tồn và lưu giữ ca Huế ở Quảng Xá là việc làm cần thiết, đó không chỉ là trách nhiệm của những người già như ông Xám, ông Minh, bà Chuyện... mà đó còn là trách nhiệm của những thế hệ trẻ của làng.

Đ.Nguyệt