.

Về Vĩnh Lộc xem rước kiệu Thành hoàng

Thứ Tư, 10/08/2016, 08:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Có lẽ cũng từ lâu lắm rồi, dễ chừng ngót nghét 60 năm, đến hôm nay, người làng Vĩnh Lộc (TX. Ba Đồn) mới lại được hòa vào dòng người rước kiệu Thành hoàng đi khắp nơi, mọi nẻo đường quê, đi qua những nhà thờ họ trong làng. Dòng người nối tiếp dòng người, niềm tự hào về quê hương xứ sở cũng vì thế cứ nối dài ra mãi.

Điện Thành hoàng – niềm tự hào của người Vĩnh Lộc

Với nhiều thế hệ người làng Vĩnh Lộc, điện Thành hoàng làng đã trở thành một phần ký ức, là niềm tự hào da diết khôn nguôi mỗi khi nhớ về làng quê bé nhỏ nằm phía hạ nguồn dòng sông Gianh. Nơi chốn trang nghiêm và linh thiêng ấy là địa điểm tổ chức những hoạt động văn hóa lễ hội mang đậm màu sắc truyền thống, níu bước chân những người con phương xa trở về mỗi dịp lễ tết, hội hè.  

Theo sử sách cũ ghi lại, điện Thành hoàng làng Vĩnh Lộc (Đông Đoài – Hai Giáp) được xây dựng năm 1483 từ sự đóng góp của nhân dân. Ngày ấy, điện được làm bằng tre nứa để thờ vị Thượng thư Đại Hành khiển Trần Bang Cẩn, người vốn có dòng dõi vua Trần, là người có công đánh dẹp giặc Chiêm Thành, chiêu mộ dân, khai hoang lập ấp. Năm 1815, điện Thành hoàng được nhân dân làng Vĩnh Lộc tu sửa hoàn chỉnh. Bên ngoài điện thờ trang nghiêm còn có cả một hệ thống sân ngoài, sân trong, bình phong, tiền điện, miếu tả, miếu hữu. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, điện Thành hoàng Vĩnh Lộc là kiểu kiến trúc độc đáo trong loại hình kiến trúc thời phong kiến ở Quảng Bình. Đến hôm nay, trải qua gần 600 năm tồn tại giữa bao thăng trầm của thời cuộc và vĩnh hằng trong chính tâm khảm của bao thế hệ người dân nơi đây, điện Thành hoàng làng Vĩnh Lộc vẫn giữ nguyên dáng vẻ uy nghi với nhiều hoa văn sắc nét. Những hình rồng, hình phượng mềm mại uốn lượn, cách điệu thể hiện khả năng sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời của các nghệ nhân xưa.

Dù trời nắng gắt, nhưng lễ rước kiệu Thành hoàng vẫn có sự tham gia của rất đông người làng Vĩnh Lộc
Dù trời nắng gắt, nhưng lễ rước kiệu Thành hoàng vẫn có sự tham gia của rất đông người làng Vĩnh Lộc

Theo Đại Việt sử ký toàn thư và gia phả chữ Hán còn lại của các dòng họ trong làng Vĩnh Lộc, thì Vĩnh Lộc được hình thành cách đây khoảng 600 năm, từ khi Thành hoàng Trần Bang Cẩn dẫn đầu đoàn quân đánh dẹp giặc Chiêm Thành. Với mỗi thế hệ người dân làng Vĩnh Lộc, thần Trần Bang Cẩn đã trở thành một phần linh thiêng, gắn bó thiết thân với chính đời sống tinh thần, chở che họ trước những bước thăng trầm của cuộc sống. Những năm bom đạn chiến tranh, thần vẫn sống giữa lòng dân, là nguồn cổ vũ động viên con cháu Vĩnh Lộc quyết tâm bám trụ bảo vệ từng tấc đất quê hương. Hòa bình lập lại, người dân làng Vĩnh Lộc coi vị Thành hoàng làng như nguồn động viên, che chở cho họ trong chính cuộc mưu sinh, cùng vững tâm làm giàu, xây dựng kinh tế, phát triển quê hương.

Trải qua hàng trăm năm vững bền tồn tại, thách thức cả sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh và thời gian, Điện Thành hoàng Vĩnh Lộc vừa là nơi thờ tự, nơi tế lễ, nơi tưởng niệm vị Thành hoàng Trần Bang Cẩn, vừa gắn bó với những lễ hội, tín ngưỡng của cư dân Vĩnh Lộc. Với chiều sâu văn hóa và bề dày lịch sử hàng trăm năm, Điện Thành hoàng làng Vĩnh Lộc đã được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1995.

Giữ văn hóa truyền thống là giữ làng

Chúng tôi đã được tham dự lễ hội kỳ phúc của làng Vĩnh Lộc vào dịp rằm tháng 6 âm lịch vừa qua, tận thấy những nghi thức văn hóa và nét đẹp truyền thống vẫn vẹn nguyên trong chính đời sống của người dân nơi đây. Đây là lễ hội được tổ chức hằng năm nhằm ghi ơn công lao khai khẩn của vị Thành hoàng Trần Bang Cẩn, cầu cho đời sống của nhân dân được yên ổn, bình an. Cũng như mọi năm, lễ hội lần này được tổ chức với nhiều nghi thức truyền thống như dâng hương tại Điện Thành hoàng làng Vĩnh Lộc (Đông Đoài - Hai Giáp), lễ rước kiệu từ Điện Thành hoàng đến Miếu Quan Tổng trấn về nhà thờ các họ làng Vĩnh Lộc, lễ khai sắc, lễ kỳ phúc và một số hoạt động giao lưu văn hóa – văn nghệ. Có một điều đặc biệt, phải gần 60 năm rồi, nay nghi thức rước kiệu từ Điện Thành hoàng đến Miếu Quan Tổng trấn về nhà thờ làng Vĩnh Lộc mới được tổ chức lại. Theo cụ Đinh Phú Tặng, một cao niên trong làng kể lại rằng, kể từ sau cải cách ruộng đất, suốt nhiều năm liền, lễ hội rằm tháng 6 của làng không còn duy trì nghi thức này nữa. Nhưng nay, sau rất nhiều nỗ lực bảo tồn, nghi thức rước kiệu Thành hoàng đến các nhà thờ họ đã trở về trong vỡ òa niềm vui của người già và cái háo hức đón đợi của người trẻ. 5h sáng, sau khi cúng lễ tại Điện Thành hoàng, kiệu bắt đầu được rước đi dọc theo các con đường nhỏ, đi đến từng nhà thờ họ. Giữa cái nắng tháng 7, dọc theo con đường dài hơn 7km quanh làng, người già, người trẻ ai nấy đều háo hức đón đợi đoàn rước kiệu đi qua. Đi đến đâu, người làng nơi đó lại áo quần chỉnh tề, cùng hòa vào dòng người háo hức đi dọc theo các con đường trong làng đến các nhà thờ họ. Làng Vĩnh Lộc xưa gồm cả thôn Vĩnh Lộc (Quảng Lộc) và thôn Hợp Hòa (Quảng Hòa) ngày nay nên dẫu khi địa giới hành chính đã khác, thì họ vẫn luôn tự hào mình là người làng Vĩnh Lộc xưa, cùng tôn kính Thành hoàng làng như một đức tin linh thiêng và bền vững.

Một trong những nghi thức quen thuộc trong lễ hội rằm tháng 6 âm lịch làng Vĩnh Lộc là nghi thức khai sắc. Đã từng có hàng chục cuộc du ngoạn qua nhiều làng quê trên dải đất nắng gió Quảng Bình, nhà nghiên cứu Tạ Đình Hà khẳng định, có lẽ không một làng quê nào như làng Vĩnh Lộc, trải qua hàng trăm năm lịch sử, đến nay, dân làng vẫn còn giữ nguyên vẹn 30 sắc phong qua các triều đại. Hơn thế nữa, có những vị thần được phong sắc nhiều lần. Trong 23 đạo sắc các vị thần của các dòng họ làng Vĩnh Lộc có hai vị là tước công, bốn vị tước hầu, một vị tước bá, một vị tước tử, với trung đẳng thần, thượng đẳng thần, tôn thần... có một sắc phong vào loại sớm, năm Cảnh Hưng thứ 15 (1785).

Riêng tại Điện Thành hoàng làng Vĩnh Lộc hiện đang lưu giữ 7 sắc phong cho Thượng thư Đại Hành Khiển Trần Bang Cẩn. Hằng trăm năm đã trôi qua, cùng với sự tồn tại linh thiêng của Điện Thành hoàng làng Vĩnh Lộc là 7 sắc phong đã và đang được người dân làng Vĩnh Lộc gìn giữ cẩn thận. Và cứ mỗi dịp lễ hội, người làng Vĩnh Lộc lại một lần nữa được chính những bảo vật truyền đời này gợi nhắc và tôn thêm niềm tự hào về truyền thống quê hương. Niềm tự hào ấy như mạch nguồn chảy trong từng huyết quản, càng rạo rực hơn khi mỗi dịp lễ hội, đứng trước điện thờ, nghe cụ cao tuổi và uy tín nhất của làng lần lượt đọc 7 sắc phong còn ánh màu vàng bạc, lấp lánh hình rồng phượng và hoa văn tinh tú.

Lễ hội truyền thống làng Vĩnh Lộc là nét đẹp văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức những người con của làng. Và dù ở đâu, dù làm gì, người làng Vĩnh Lộc hôm nay vẫn đau đáu nhớ về làng quê ấy, nơi có ngôi điện Thành hoàng linh thiêng vững bền với thời gian, nơi có sự gắn bó bền chặt của tình làng, nghĩa xóm. Như lời ông Nguyễn Viết Kháng, Trưởng ban Truyền thống làng Vĩnh Lộc: người Vĩnh Lộc hãnh diện, tự hào với những tinh hoa mà tổ tiên đã để lại bao nhiêu thì càng “ứng xử” với tinh hoa ấy trách nhiệm và trân trọng bấy nhiêu. Hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau, những tinh hoa ấy sẽ luôn được gìn giữ cẩn thận bằng tất cả niềm tự hào và trân trọng bởi giữ văn hóa truyền thống cũng chính là giữ làng!

Diệu Hương