.

Sáng tác thơ ở Quảng Bình: Khi tác giả trẻ... "như lá mùa thu"

Thứ Năm, 18/08/2016, 07:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhiều năm trở lại đây, câu chuyện về xây dựng đội ngũ sáng tác trẻ cho văn học nghệ thuật nói chung và lĩnh vực thơ ca nói riêng luôn là đề tài bàn luận sôi nổi trong các diễn đàn, những buổi trò chuyện với giới văn nghệ sỹ tỉnh nhà. Thế nhưng, có một thực tế là dường như đời sống văn học trẻ ở tỉnh ta đang dần trầm lắng lại. Khi người trẻ dửng dưng với chính những phong trào đó thì người già lại đau đáu nỗi lo là đã, đang và sẽ thiếu đi một đội ngũ kế cận.

“Lấy câu thơ làm gạch nối tương đồng”

Hai mươi năm trước, cố nhà thơ Nguyễn Văn Dinh, khi ấy là chủ nhiệm CLB thơ – thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh thường chia sẻ chân tình rằng, sinh hoạt CLB thơ này nghĩa là “lấy câu thơ làm gạch nối tương đồng”. Kể từ khi thành lập CLB thơ tỉnh vào năm 1996 cho đến nay, những người yêu thơ đã được kết nối, được chia sẻ niềm đam mê thơ ca từ bởi chính những “gạch nối tương đồng” ấy.

Buổi đầu thành lập, CLB Thơ thực sự là một sân chơi có hấp lực mạnh mẽ khi thu hút một số lượng đông đảo những người yêu thơ tỉnh nhà. Nhưng lâu dần, con số ấy vơi dần đi. Một số hội viên lớn tuổi qua đời do tuổi tác, bệnh tật, tạo thành một khoảng trống lớn lao khó lòng bù đắp được cho thơ ca Quảng Bình. Nhưng như những con sóng bạc đầu nối đuôi nhau vỗ bờ, thơ ca Quảng Bình vẫn được truyền lửa từ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác.

Sức sống của CLB Thơ thực sự được nuôi dưỡng bằng chính các hoạt động như truyền hình giao lưu trực tiếp, các buổi sinh hoạt đọc thơ, trao đổi kinh nghiệm sáng tác. Từ những ngày đầu còn nhiều lạ lẫm ấy, CLB Thơ dần dà đã có chỗ đứng vững chắc trong đời sống tinh thần người yêu thơ tỉnh nhà. Ông Văn Tăng, chủ nhiệm CLB Thơ cho biết: “Chính những hoạt động thường xuyên của CLB đã khuấy động không khí sáng tạo thơ vốn khá trầm lắng và rời rạc, từ đó, hội viên tích cực tham gia các cuộc thi. Thành quả không chỉ dừng lại ở phạm vi tỉnh nhà mà nhiều tác giả vươn xa tới các báo, tạp chí trung ương, địa phương, cũng như các tổ chức đặt yêu cầu cao về sáng tạo thơ như CLB Thơ Đường Nhà giáo Việt Nam, CLB Thơ Việt Nam...”.

Trong nhiều năm ra đời và phát triển, việc sáng tác, xuất bản tập thơ đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt thường nhật của CLB. Mỗi dịp tết đến, tập san Thơ Xuân tập hợp những sáng tác của các hội viên CLB thực sự là sự kết tinh, chắt lọc của thơ ca, ngôn ngữ, là tiếng lòng xuất phát từ chính những tâm hồn yêu thơ ca. Tính đến nay đã có 15 tập san Thơ Xuân được thể hiện bằng đa dạng hình thức và phong phú về nội dung. Bên cạnh việc trao đổi, chia sẻ tâm tình giữa những người yêu thơ, những năm qua, CLB còn được hỗ trợ kinh phí xuất bản 15 đầu sách chung và hàng trăm đầu sách riêng của nhiều tác giả. Những tác phẩm và tác giả tiêu biểu như: tập “Cây trường sinh” in năm 1998, của tác giả Cổ Kim Thành, “Những vần thơ dâng tặng”, “Dấu ấn thời gian”...

Hoạt động của CLB Thơ như một luồng gió mới mẻ, khuấy động phong trào sáng tạo thi ca tại nhiều địa phương toàn tỉnh. Những CLB ở các địa phương đã có những đóng góp không nhỏ trong việc làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cả những miền quê xa xôi, còn nhiều khó nhọc như CLB thơ Ba Trại, CLB thơ ca Nghĩa Ninh, CLB thơ Quán Hàu... Đó chính là môi trường sinh hoạt bổ ích, là nhịp cầu kết nối những tâm hồn yêu và đam mê thực sự với thơ ca.

Trầm lắng tác giả trẻ

Hội viên của CLB Thơ tỉnh chủ yếu trong độ tuổi từ 70 - 75. (Trong ảnh: Các hội viên CLB Thơ nhận giấy khen của Sở VH-TT và DL)
Hội viên của CLB Thơ tỉnh chủ yếu trong độ tuổi từ 70 - 75. (Trong ảnh: Các hội viên CLB Thơ nhận giấy khen của Sở VH-TT và DL)

Có một thực tế dễ dàng nhận ra là tại các buổi sinh hoạt thường niên hoặc ngay cả buổi lễ kỷ niệm 20 thành lập CLB Thơ tỉnh đều có sự thiếu hụt nghiêm trọng của các tác giả trẻ. Có lẽ so với các CLB văn học – nghệ thuật khác, CLB Thơ hiếm hoi người trẻ nhất khi độ tuổi trung bình của hội viên từ 70 – 75 tuổi. Thế nên, những buổi tụ họp như thế quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những gương mặt đã cũ, năm này qua năm khác. Bàn chuyện thơ, đọc thơ hay đơn giản là giới thiệu những tác phẩm mới cũng chỉ là câu chuyện giữa những mái đầu đã bạc trắng quá nửa. Hình thức sinh hoạt vì thế cũng trầm lắng đi nhiều.

Cần khẳng định rằng không phải đời sống sinh hoạt văn hóa, đặc biệt là sáng tác thơ ở tỉnh ta thiếu đi những người viết trẻ mà do chưa có sự tập hợp, chưa có tiếng nói chung, chưa tạo ra phong trào và chưa có các diễn đàn, các buổi  giao lưu sinh hoạt thơ văn dành riêng cho giới trẻ. Các bạn trẻ xuất bản thơ ở nhiều hình thức, ở mọi lúc mọi nơi: blog, facebook, websize, các tờ báo tường... nhưng để tổ chức thành một đội ngũ bài bản, có sự kế thừa giữa hai thế hệ sáng tác già và trẻ thì còn cần phải bàn luận nhiều hơn. Phải chăng, chính bởi hoạt động của những tổ chức này chưa đủ những hấp lực mạnh mẽ để lôi kéo các tác giả trẻ cùng hòa nhịp?

Ông Văn Tăng, chủ nhiệm CLB Thơ tỉnh thẳng thắn nhìn nhận: “Cũng như rất nhiều CLB khác, một khó khăn ngồn ngộn mà CLB Thơ – Trung tâm Văn hóa tỉnh phải đối mặt là thiếu thốn về kinh phí hoạt động. Kéo theo đó là vô vàn những khó khăn và trở ngại khác như xuất bản tập thơ cũng gặp nhiều vướng mắc, các buổi sinh hoạt định kỳ cũng không được tổ chức thường xuyên do đội ngũ hội viên đã lớn tuổi”. Từ cái khó “muôn thuở” đó, việc đổi mới hình thức thể hiện, làm phong phú hoạt động CLB để thu hút cây bút trẻ càng không phải là chuyện đơn giản. Hoạt động thường niên của Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh là tổ chức các trại sáng tác văn học nghệ thuật cho các tác giả trẻ nhưng sau đó, ngoài một số tác giả trên lĩnh vực văn xuôi thì lĩnh vực thơ còn khá èo uột. Các CLB sáng tác thơ, văn của các trường học trên địa bàn tỉnh không phải là hiếm. Nhưng nhìn chung, ngoài cái không khí sáng tác khá sôi nổi buổi ban đầu, về sau, phần đa những CLB ấy đều “chết yểu”. Lý do mà nhiều CLB đưa ra khá quen thuộc là thiếu kinh phí và quan trọng hơn cả là các bạn trẻ thiếu tâm huyết và thiếu một đam mê thực sự với thơ ca.

Thơ là sự giải bày tự thân nên thơ vẫn luôn có một giá trị đặc biệt, một chỗ đứng sang trọng và quan trọng trong tâm hồn, trong đời sống của những người Việt từ xưa đến nay. Ngay cả trong thời hiện đại ngỡ mọi thứ đều được giải quyết bằng công nghệ, sáng tạo thơ ca vẫn không hề vắng bóng trong chính cuộc sống hôm nay. Việc cần làm là phải biết khơi gợi, biết loại bỏ dần tâm lý sáng tác một cách tùy hứng ngẫu nhiên, thiếu chất lửa và tính chuyên nghiệp trong lực lượng viết trẻ. Rõ ràng, muốn sáng tạo thơ ca phát triển, ngoài năng khiếu và nỗ lực tự thân của người sáng tác thì còn cần sớm có sự quan tâm của các cơ quan chức năng bằng những chương trình hành động cụ thể về đầu tư, hỗ trợ khuyến khích sáng tác, xuất bản và quảng bá tác phẩm. Xây dựng lực lượng sáng tác trẻ cũng chính là tạo sự kế thừa trong sáng tác văn học nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng!

Diệu Hương