.

Nhiệm kỳ mới Hội nhà văn Hà Nội: Những dự định chờ khởi động

Thứ Hai, 08/08/2016, 14:35 [GMT+7]

Nhiệm kỳ 2010-2015 của Hội nhà văn Hà Nội chuẩn bị khép lại với những thành quả được ghi nhận và một số ước ao, dự định đã khơi lên nhưng còn chưa khởi động.

Nâng tầm

Nét nổi bật của Hội nhà văn Hà Nội trong nhiệm kỳ qua đã được dư luận ghi nhận phải kể đến tiếng vang của các mùa xét giải thưởng hàng năm. Những tác phẩm nhận giải của các tác giả như Nguyễn Bình Phương, Phan An Sa, Phạm Vĩnh Cư…, cùng các gương mặt tác giả được vinh danh thành tựu trọn đời như Lưu Quang Vũ, Phùng Cung… được dư luận đánh giá chung là có chất lượng tốt và xứng đáng. Vẫn có những ý kiến khác nhau xung quanh kết quả của các giải thưởng, nhưng mối quan tâm đông đảo của báo chí, giới nghề trong những ngày đầu và giữa tháng 10 nhân dịp trao giải vào ngày 10-10 thường niên, đã phần nào cho thấy uy tín của giải thưởng này.

 Buổi nói chuyện của GS Phong Lê với các hội viên.
Buổi nói chuyện của GS Phong Lê với các hội viên.

Ngoài một số trại viết được tổ chức thông thường, một số hội nghị, hội thảo hàng năm, hoạt động phổ biến khác được diễn ra hàng tháng với các cuộc nói chuyện, trao đổi giữa các chuyên gia, một số nghệ sĩ với hội viên xung quanh một chủ đề chuyên môn trong các lĩnh vực luật pháp, triết học, văn học Hán Nôm, chủ quyền biển đảo… hay các môn nghệ thuật như ca trù, xẩm, điện ảnh… Không khí tham dự và trao đổi tại trụ sở 19 Hàng Buồm hàng tháng cho thấy mối quan tâm của nhiều hội viên với những cuộc gặp gỡ này. Bên cạnh đó, có thể thấy một số lãnh đạo Hội nhà văn Hà Nội cũng tích cực kiến tạo các cuộc thưởng thức nghệ thuật sân khấu, xem phim theo chương trình của Hội điện ảnh Việt Nam, và bước đầu có hình thức cung cấp một số thông tin hoạt động, sự kiện văn hóa nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội đến các hội viên. Cách làm như trên góp phần tạo ra một môi trường sinh hoạt mở, có sự kết nối người làm văn chương đến các lĩnh vực văn hóa, xã hội hay các bộ môn nghệ thuật khác. Đây là cách làm rất nên được thúc đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.

Cũng đáng chú ý, Hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ hai sau mỗi năm ở “tư thế chuẩn bị”, cuối cùng cũng đã diễn ra vào tháng 9-2015. Đã có được một cuộc gặp gỡ đông đảo và giao lưu thân tình của nhiều cây bút trẻ đến từ nhiều vùng miền, tỉnh thành, đang làm việc, sáng tác trên địa bàn thủ đô với tinh thần chung mong khẳng định và thúc đẩy những tiếng nói mới của thế hệ.

Còn đó những việc nên làm

Tuy nhiên, với những tiềm năng có được, lẽ ra đã có thể mong muốn và nhìn thấy nhiều hơn trong các thành quả hoạt động của Hội. Đây cũng là kỳ vọng được gửi sang nhiệm kỳ tới đây.

Có thể thấy việc vận hành website của Hội nhà văn Hà Nội cần phải cập nhật hơn nữa trong bối cảnh hoạt động văn học trên địa bàn thủ đô diễn ra khá thường xuyên với những hội nghị, hội thảo, những cuộc ra mắt sách, cùng nhiều thông tin về các tác giả, tác phẩm được đăng tải thường xuyên trên các báo. Ngay việc theo dõi, tổng hợp để đưa lại các thông tin trên website cũng đã có thể tạo nên một cửa sổ văn chương phong phú.

Thêm nữa, có thể cuốn hút bạn đọc, người quan tâm bằng việc đăng tải tác phẩm của các hội viên, các tác giả ở khắp nơi đã qua thẩm định, chọn lọc. Ngay với các ấn phẩm của Liên hiệp các Hội VHNT Hà Nội như báo Người Hà Nội, tạp chí Tản viên sơn, nếu tạo được cơ chế, có thể khai thác các tác phẩm đã đăng tải trên những ấn phẩm này giới thiệu trên website cho thêm phần lan tỏa. Từ đó thúc đẩy hoạt động trao đổi, bình luận, thẩm bình văn chương trên mạng thông qua đầu mối này một cách hiệu quả. Website của Hội nhà văn Hà Nội có thể nhìn sang một số cánh cửa khác như website của Hội nhà văn Việt Nam, Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh… để tham khảo cho các hoạt động của mình.

Rất nên, trong nhiệm kỳ tới, Hội nhà văn Hà Nội tổ chức được cuộc thi và thường xuyên có các chương trình vận động sáng tác về thủ đô trong tiến trình đổi mới, xây dựng, phát triển với muôn mặt vấn đề và những thách thức đặt ra xung quanh. Đương nhiên, đồng hành với đó phải có sự vào cuộc tích cực hơn của chính quyền và các địa phương, ban ngành thành phố trong việc tài trợ, tạo điều kiện về việc đi thực tế, hỗ trợ sáng tác. Viết về Hà Nội vốn là nhiệm vụ tự thân của các tác giả, cây bút, nhưng nếu có thêm sự động viên từ những đầu mối có thể tạo cơ chế, điều kiện về tinh thần, vật lực, thì cũng là điều tốt hơn cho công việc sáng tác. Dĩ nhiên, không thể nói phải có lời mời gọi, cổ vũ, có tiền thì sáng tác mới hay hơn, nhưng nếu có, thì hẳn rằng mức độ yên tâm, sự hào hứng của nhiều tác giả, cây bút sẽ được góp phần nâng lên.

Và còn đó, những mong đợi từ Hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ hai với những kỳ vọng của các tác giả trẻ, những dự định của lãnh đạo Hội nhà văn Hà Nội, và cả một số định hướng của đại diện lãnh đạo Ban tuyên giáo thành phố, về việc chắp cánh cho những người trẻ viết văn tại Hà Nội. Nào tổ chức đi thực tế, tổ chức trại sáng tác, tổ chức ra mắt, quảng bá tác phẩm, tổ chức tọa đàm về văn học trẻ…, hay đưa ra những định hướng và hoạt động cụ thể hơn nhằm kết nối sáng tác của người trẻ với đời sống xã hội, văn hóa trên địa bàn thủ đô và những chặng đường lịch sử của Hà Nội văn hiến. Nhưng có lẽ nhiệm kỳ vừa qua sẽ khép lại không có dấu vết của những hoạt động này mà phải mong đợi thời gian tới.

Đại hội Hội nhà văn Hà Nội sẽ diễn ra trong thời gian tới, khép lại chuỗi đại hội của các Hội VHNT thủ đô, chuẩn bị cho đại hội của Liên hiệp các Hội VHNT Hà Nội. Hy vọng tới đây, tiếng nói của các nhà văn Hà Nội sẽ được gióng lên mạnh dạn và sôi nổi hơn nữa trong đời sống văn hóa, xã hội của thủ đô. Cũng như việc tạo các diễn đàn để tăng cường trao đổi và đối thoại cũng được lãnh đạo Hội nhà văn, lãnh đạo liên hiệp cũng như ngành văn hóa Hà Nội tích cực thúc đẩy. Lắng nghe, đón nhận được nhiều hơn, thường xuyên hơn những kiến nghị, những ý tưởng, đề xuất của đội ngũ các nhà văn Hà Nội bên cạnh các tác phẩm của họ, thành phố sẽ có thêm được những định hướng và giải pháp tốt cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn văn hóa và xây dựng con người thủ đô văn minh của mình.

Theo Nguyễn Quang Hưng (Nhân Dân)