.

Hương xưa

Thứ Tư, 03/08/2016, 13:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Bữa đi chợ gặp bà già ngồi bán thị. Ngày rằm, phố đông người lại qua nhưng rổ thị của bà không mấy người hỏi. Bà nhìn theo những mẹ, những chị lỉnh kỉnh hoa trái với ánh nhìn mong mỏi. Tôi gặp ánh mắt bà và mùi thị chín, ký ức xa lắc xa lơ bỗng ùa về...

Khi lũ trẻ con trong ngõ nhỏ, trong đó có tôi, lớn lên, cây thị đã tỏa bóng tự bao giờ. Mà hình như cả làng chỉ có mỗi một cây thị, nên khi bạn bè hỏi nhà ở đâu để tới chơi, tôi bảo nhà có cây thị to trước ngõ với nỗi tự hào rất đỗi trẻ con. Bạn bè gật gù rồi dễ dàng tìm đến nhà. Lúc ngang qua cây thị, đứa nào cũng nghển cổ nhìn rồi ồ lên tấm tắc.

Đầu hè, khi hoa thị rụng trắng con ngõ, bạn bè tới chơi nhưng không vào nhà mà ngồi lì ngoài ngõ với mớ kim chỉ, cần mẫn xâu hoa thị thành từng chuỗi dài rồi đeo vào cổ. Cả bọn ngắm nghía, khen ngợi nhau rồi tạo dáng và dùng cái máy ảnh xếp bằng giấy chụp tanh tách, điệu bộ hệt như ông thợ ảnh đầu ngõ...

Buổi chiều, ngõ tấp nập trẻ con, người già. Những bà già ngồi thoăn thoắt vá lưới dưới bóng râm và kể chuyện ma còn đám trẻ con mải mê hóng hớt. Bà già nhất hay kể, cây thị này hồi xưa nghe đồn có ma. Mà toàn ma tốt bụng, biết phù hộ độ trì cho người trong ngõ, chỉ thi thoảng nửa khuya rượt đuổi nhau thậm thịch trêu chọc mấy đứa hay đi chơi về muộn. Câu chuyện cũ kỹ bà kể năm này qua năm khác nhưng lần nào bà kể, đám trẻ cũng mắt chữ o miệng chữ a nghe trọn từng lời...

Hè muộn, hoa tàn và cây bắt đầu đậu quả. Sau những ngày mặc áo xanh lẩn mình trong vòm lá, thị len lén ngả vàng. Ngoài những quả to tròn, vàng óng ả, thường có những quả thị bé xíu được gọi là thị chàm. Khi chủ nhà trèo lên cây hái thị để phân phát cho các gia đình trong ngõ thắp hương nhân ngày rằm tháng bảy, đám trẻ con được chia phần thị chàm. Mỗi đứa vài ba quả bỏ vào túi áo, hân hoan hít hà mùi thị chín. Đêm về mang thị bỏ trên đầu giường, mơ màng tưởng tượng có cô Tấm chui ra từ quả thị...

Hôm qua, khi mua hết rổ thị chàm của bà già ở chợ, tôi mang về rồi bày thị khắp nơi, từ phòng ngủ, phòng khách đến bàn ăn. Dù bây giờ người ta bỉ bai chuyện Tấm Cám, bảo rằng cô Tấm quá độc ác, còn cô Cám là người mù quáng bởi tình yêu, thì giữa ngôi nhà ngập tràn mùi thị chín, vẫn phảng phất đâu đó câu chuyện cổ tích với bức tranh minh họa hình ảnh bà già có nụ cười hiền từ mang chiếc túi đứng dưới cây thị và hát "Thị ơi thị rơi bị bà...".

Quê bây giờ đã đổi thay nhiều. Nông thôn mới đã mang lại những con đường bê tông thẳng tắp, xe ô tô chạy vào tận ngõ. Không còn nữa những con đường làng cát mịn dưới chân và đầy lá rụng. Ngõ cũng vắng dần trẻ con vì chúng đã trưởng thành, đuổi theo những giấc mơ nhiều sắc màu nơi phố thị. Còn những lớp trẻ sau này phải mải mê học hè, rảnh rỗi thì ôm điện thoại, máy tính, quên hẳn ngoài kia ngày mùa hạ hoa thị xôn xao rụng đầy ngõ nhỏ. Dĩ nhiên, chúng cũng không biết đến những chuỗi hạt được tỉ mẩn kết từ hoa thị. Những bà già hay kể chuyện ma năm xưa giờ đã lần lượt theo nhau về miền cổ tích. Chỉ cây thị cổ thụ là vẫn đứng đó qua bao thăng trầm và giông bão, cứ lặng lẽ trổ hoa, đơm trái và tỏa hương khắp một vùng...

Bữa về quê đúng dịp thị chàm vừa chín. Đứa bạn hàng xóm năm xưa sai con mang sang tặng một rổ thị đầy. Chợt ấm lòng bởi ý nghĩ những ngày tháng đẹp nơi ngõ nhỏ dường như vẫn còn vẹn nguyên trong tim bạn. Như mình, giữa những xô bồ, xôn xao của hiện tại, vẫn còn đó một góc nhớ về ngõ nhỏ. Nơi có bà ngoại mỗi sáng mỗi chiều quét lá thị, có ông ngoại khéo léo dùng chiếc sào hái thị cho cháu mình và lũ trẻ hàng xóm. Và có những người già thích kể chuyện ma dọa lũ trẻ rồi qua lại thăm nhau ngày mấy bận. Và nhớ những trò vui bất tận của lũ trẻ xóm nghèo quẩn quanh nơi gốc thị...

Bạn bảo, đôi khi tớ hình dung cuộc sống như một vòng tròn. Ngày bé dại, chúng ta đã khao khát lớn lên, trưởng thành để lao mình vào cuộc đời rộng lớn ngoài kia, nơi đầy những sắc màu xôn xao vẫy gọi. Vậy rồi những lúc mệt mỏi, thất bại hay như bây giờ, khi tóc chớm bạc và tình cờ gặp bà già bán thị (hoặc có thể là bất cứ món gì liên quan đến những ngày tháng cũ) lại ngậm ngùi nhớ và ước ao được trở lại ngày bé dại, quẩn quanh nơi gốc thị già với bạn bè biết bao...

Cảm ơn bà già bán thị trong buổi chợ chiều đã mang về cho bạn, cho mình những ký ức đẹp từ mùi hương thơ ấu...

Diệp Đồng