.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số

Thứ Ba, 09/08/2016, 08:48 [GMT+7]

Nhiều đề án, dự án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc vừa được công bố, là một minh chứng cho sự quan tâm của Chính phủ với việc nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc.

Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” vừa được Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu giới thiệu, quảng bá chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và di sản văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam với thế giới; góp phần củng cố và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và khối đại đoàn kết dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, gắn bó cùng phát triển của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Theo đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), các hoạt động của Đề án gồm khảo sát, điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng hệ thống tư liệu, sáng tạo, xuất bản, phát hành và quảng bá các công trình văn học nghệ thuật về các dân tộc thiểu số Việt Nam dưới dạng sách in, sách điện tử (Ebook), sách 3D, các phim tài liệu, phim chuyên đề và hệ thống thư viện số. Cụ thể, biên tập, biên soạn và phát hành khoảng 1.500 công trình, tác phẩm được chọn lọc từ kho tài liệu hơn 2.500 tác phẩm, công trình đã được nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác; xuất bản 1.500 sách điện tử được chuyển từ 1.500 tác phẩm, công trình sách in đã xuất bản nêu trên; bảo đảm dễ dàng, thuận lợi sử dụng, truy cập trên máy tính để bàn và trên các thiết bị điện tử cầm tay với hệ điều hành phù hợp, thông dụng.

 Các nghệ nhân góp phần bảo tồn các làn điệu hát Then ở Tuyên Quang. Ảnh: Quang Đán – TTXVN
Các nghệ nhân góp phần bảo tồn các làn điệu hát Then ở Tuyên Quang. Ảnh: Quang Đán – TTXVN

Cũng trong khuôn khổ đề án, sẽ xây dựng bộ sách gồm 54 sách 3D của 54 dân tộc, giới thiệu về những đặc trưng của từng dân tộc, ngôn ngữ, địa bàn cư trú, phân bố dân cư, hoạt động kinh tế, sinh hoạt văn hóa; xây dựng 54 phim tài liệu, phim chuyên đề giới thiệu về tộc người hoặc phim chuyên đề về văn hóa, lễ hội dân gian, tín ngưỡng dân gian, nghề thủ công truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ cũng như âm nhạc nghệ thuật truyền thống… của 54 dân tộc. “Tất cả hệ thống tư liệu được đăng tải trên Trang tin điện tử của Đề án bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài; bảo đảm cung cấp các thông tin cơ bản, tiêu biểu nhất về văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc; các tác phẩm, công trình của Đề án dưới dạng file điện tử được công bố và phổ biến rộng rãi văn hóa và văn học, nghệ thuật các dân tộc Việt Nam đến mọi đối tượng trong nước và quốc tế. Tất cả sản phẩm của Đề án, gồm: sách điện tử (Ebook), sách 3D, phim tài liệu, phim chuyên đề... được số hóa, hệ thống hóa và cung cấp trong thư viện giúp người đọc dễ dàng xem và truy cập dữ liệu một cách tốt nhất, nhanh nhất và khoa học nhất”, đại diện Bộ VHTTDL cho biết.

Đồng thời với đề án của Chính phủ, Bộ VHTT và DL cũng vừa phê duyệt Dự án “Gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số” đến năm 2020, với kinh phí hơn 54 tỉ đồng.

Đối tượng dự án hướng tới là 53 dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên các dân tộc có số dân dưới 10.000 người, dưới 5.000 người ở các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, An Giang, Sóc Trăng. Dự án hướng tới mục tiêu xây dựng 15 mô hình phát triển kinh gắn với phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát triển 20 nghề thủ công truyền thống; bảo tồn và phát triển 20 lễ hội, 15 trò chơi dân gian, 30 đội văn nghệ, 10 nhà trưng bày tạo sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; các di sản văn hóa phi vật thể, di tích lịch sử được bảo tồn, trùng tu, tôn tạo; xây dựng mới từ 200 - 500 sản phẩm du lịch văn hóa; tổ chức 20 lớp tập huấn về kỹ năng nghiệp vụ làm du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số; mở 5 tour, tuyến du lịch; tổ chức 5 sự kiện văn hóa, ước tính thu hút từ 5.000 - 100.0000 lượt khách du lịch/điểm/năm.

Bên cạnh đó, dự án cũng tập trung vào các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán của người dân được bảo tồn và phát huy; các hoạt động văn hóa văn nghệ, thế thao của đồng bào ngày càng đa dạng và phong phú; vai trò chủ thể văn hóa và đời sống của người dân ngày càng được nâng lên; văn hóa truyền thống của các dân tộc được giới thiệu, quảng bá trong và ngoài nước...

“Một trong những mục tiêu trọng tâm nữa của dự án là nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 1,5 - 4,5 triệu đồng/tháng; từng bước nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng được đầu tư nâng cấp; đời sống kinh tế của người dân. Thu hút từ 20 - 10 doanh nghiệp lữ hành du lịch tham gia hợp vào xây dựng các mô hình phát triển du lịch bền vùng dân tộc thiểu số; tăng cường hỗ trợ vốn đầu tư từ Nhà nước, thu hút xã hội hóa nhằm bảo tồn và phát triến các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế”, đại diện Bộ VHTTDL khẳng định.

Theo PV (Baotintuc)