.

Tiếng hát bên dòng Nhật Lệ

Thứ Sáu, 08/07/2016, 13:39 [GMT+7]

(QBĐT) - 8 giờ tối. Nơi góc nhỏ thành phố ven sông Nhật Lệ, giữa “sân khấu ngàn sao”, ở đó có những màn biểu diễn không hào nhoáng, không lộng lẫy, chỉ có tiếng đàn, giọng hát mộc nhưng đủ sức lan tỏa và kết nối những tâm hồn yêu ca hát. Một nhóm bạn trẻ với loại hình âm nhạc đường phố đã bắt đầu nhen nhóm lên ý tưởng để “đánh thức” thành phố về đêm.

Đi đâu và chơi gì khi thành phố lên đèn vẫn là câu hỏi muôn thuở của khách du lịch khi đặt chân đến thành phố Đồng Hới. Và lẽ đương nhiên, xây dựng sản phẩm du lịch gắn với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí để phát triển Đồng Hới thành một thành phố du lịch chứ không chỉ là một điểm đến đơn thuần trở thành bài toán khó đối với những người làm du lịch tỉnh nhà.

Là một thành viên thuộc Hiệp hội Du lịch Quảng Bình, Lê Thế Anh (26 tuổi, quản  lý chuỗi nhà hàng Chang Chang) cũng nhiều lần trăn trở về các hoạt động văn hóa còn khá nghèo nàn tại thành phố quê hương, nhất là khi đêm về. Sau những buổi tụ tập đàn hát ngay tại công viên Nhật Lệ, một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu chàng trai trẻ: “Mình nhận ra, bạn bè mình ai cũng yêu ca hát và không ít người có năng khiếu âm nhạc. Vậy thì tại sao không biến sở thích và đam mê đó thành một hoạt động ý nghĩa thay vì chỉ đơn thuần là thú vui bộc phát ngay trong những cuộc hội hè?”.

 Hát bằng tất cả đam mê và niềm khát khao cống hiến
Hát bằng tất cả đam mê và niềm khát khao cống hiến

Nghĩ là làm, Thế Anh cùng người bạn của mình là Nguyễn Trung Hiếu, hiện đang công tác tại Sở Ngoại vụ bắt đầu lên ý tưởng thành lập một nhóm nhạc đường phố. Sau một tuần kêu gọi trên mạng xã hội, nhóm đã tập hợp được 20 thành viên và thành lập nên CLB Âm nhạc đường phố Quảng Bình. Trong số họ có cả học sinh, sinh viên, có người cả công chức, người làm kinh doanh... nhưng điểm chung giữa họ là tình yêu và niềm đam mê ca hát. Một số bạn trẻ còn thành thạo các nhạc cụ mộc như đàn guitar, trống cajon... Hiện, số lượng thành viên hoạt động thường xuyên của CLB là 10 người, trong đó, có 4 tay guitar, 3 tay trống cajon.

Vậy là từ nhiều tháng nay, cứ khoảng thời gian từ 8 giờ đến 9 giờ tối thứ 7 hàng tuần, CLB Âm nhạc đường phố biểu diễn trong sự hào hứng đón đợi của rất đông khán giả, với đủ mọi độ tuổi và có cả khách du lịch. Dưới ánh đèn vàng, bên dòng sông Nhật Lệ lồng lộng gió, tiếng đàn, lời ca cứ thế cất lên mộc mạc, da diết. Âm nhạc tự thân nó vốn đã có sức lay động và kết nối mãnh liệt, thì nay, khi được cất lên bởi những tâm hồn còn rất trẻ ngay giữa một không gian thơ mộng với đất trời, sông nước lại càng có sức hút khó cưỡng.

Là một khán giả có mặt thường xuyên trong các buổi biểu diễn của CLB Âm nhạc đường phố, bạn Lan Anh (Bảo Ninh, Đồng Hới) thẳng thắn chia sẻ rằng là người trẻ nhưng vào buổi tối, bạn chẳng biết đi đâu ngoài việc loanh quanh ở các quán cà phê quen thuộc vì đơn giản Đồng Hới thiếu đi những điểm vui chơi dành cho giới trẻ. Từ khi có các biểu diễn của CLB Âm nhạc đường phố, những tối cuối tuần bắt đầu trở nên ý nghĩa và thi vị hơn.

CLB Âm nhạc đường phố biểu diễn ngay tại Công viên Nhật Lệ vào tối thứ 7 hàng tuần.
CLB Âm nhạc đường phố biểu diễn ngay tại Công viên Nhật Lệ vào tối thứ 7 hàng tuần.

Mỗi tuần, để có được một buổi biểu diễn trong một giờ đồng hồ ngắn ngủi, và mang đến cho người nghe những phút giây thưởng thức âm nhạc trọn vẹn nhất, các thành viên CLB vừa tập luyện ở nhà, vừa phải tranh thủ tập luyện cùng nhau vào sáng thứ 7 hằng tuần. Để tránh nhàm chán cho chính người hát lẫn người nghe, mỗi biểu diễn sẽ đi theo một chủ đề nhất định, có lúc là chủ đề về thiếu nhi, hoặc tình yêu, tình bạn hay tuổi học trò...

Thế Anh bảo, những ca khúc mà nhóm biểu diễn thường là nhạc trẻ, nhưng phải là những tác phẩm được lựa chọn khá khắt khe về ngôn từ và tiết tấu phải phù hợp với loại nhạc cụ acoustic (mộc). Vậy nên, khán giả đến đây có đủ mọi đối tượng, ở mọi độ tuổi. Dường như, có một sự kết nối vô hình giữa những khán giả đặc biệt ấy. Trong vòng tròn đông đặc người nghe, có không ít những mái đầu đã ngả màu. Họ say sưa lắng nghe, có lúc là hát theo những ca khúc quen thuộc. Có lẽ, có những giai điệu đủ khả năng đi vào tim người thưởng thức khi tình cờ chạm vào khoảng không gian hoài niệm của họ và cứ thế, người ta mặc sức để cho âm nhạc thả rơi hồn mình về với quá khứ xa xăm.

“Nhiều lần, khi đang biểu diễn, nhìn các cô, các chú dù đã lớn tuổi, vẫn cứ ngả nghiêng, nhún nhảy theo nhạc điệu, tự nhiên, trong lòng mình như có thêm một nguồn cảm hứng, càng cố gắng biểu diễn hết mình vì họ”, Thế Anh hào hứng kể.

Âm nhạc đường phố là loại hình biểu diễn âm nhạc xuất phát từ các nước phương Tây. Tại Việt Nam, âm nhạc đường phố chính thức xuất hiện từ năm 2000 ở Festival Huế. Đến năm 2011, âm nhạc đường phố bắt đầu được nhiều người biết đến và lan tỏa mạnh mẽ. Đến nay, ở hầu hết các thành phố lớn đều có các CLB Âm nhạc đường phố và coi đây là một trong những sản phẩm du lịch tạo sức hút mạnh mẽ cho du khách.

Để mua loa máy và tạo nguồn kinh phí hoạt động, CLB tham gia biểu diễn tại nhà hàng Chang Chang vào các tối chủ nhật hằng tuần. Khó khăn về tài chính nhưng lý do để những người trẻ ấy duy trì những buổi biểu diễn miễn phí ngay tại các điểm công cộng không chỉ đơn giản là thỏa mãn niềm đam mê ca hát mà sâu xa hơn, họ muốn tạo nên một điểm nhấn cho thành phố khi đêm về. Họ hy vọng, nơi đây sẽ là điểm đến thú vị và lành mạnh cho những bạn trẻ vào những dịp cuối tuần.

“Có địa điểm vui chơi mới, chắc chắn rằng nhiều bạn trẻ sẽ không có nhiều thời gian để lao vào những tệ nạn xã hội, vào những trò chơi vô bổ. Trong rất đông khán giả xem chúng tôi hát hàng đêm, có rất nhiều các em nhỏ, dù chưa hiểu về bài hát nhưng vẫn say sưa lắng nghe. Biết đâu được, chính những lời ca, tiếng hát hôm nay sẽ truyền cảm hứng và tình yêu âm nhạc cho những khán giả đặc biệt đó”, Nguyễn Trung Hiếu, thành viên CLB kỳ vọng.

Trò chuyện và lắng nghe chia sẻ từ những bạn trẻ đầy nhiệt huyết ấy, chúng tôi hiểu ở họ có khát khao cống hiến cháy bỏng mà như Lê Thế Anh đã thẳng thắn bày tỏ: “Đừng ngại thể hiện bản thân nếu việc đó giúp ích được cộng đồng dù nó chỉ mang giá trị tinh thần. Không vì bất kì giá trị lợi ích kinh tế nào, không ai trả lương, chỉ mục đích duy nhất là xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, kết nối cộng đồng”. Và điều mà những bạn trẻ này mong muốn là làm sao có được một sân khấu nhỏ ngay tại thành phố Đồng Hới, đó sẽ là sân chơi chung của các CLB trẻ đang hoạt động trên địa bàn như CLB Hip hop, CLB Beatbox, CLB Âm nhạc đường phố... Hàng tháng hoặc hàng quý, họ sẽ cùng nhau biểu diễn trên chung một sân khấu, tạo nên một hoạt động văn hóa, giải trí lành mạnh để “đánh thức” thành phố khi đêm về. Rõ ràng, tạo sân chơi cho giới trẻ cũng là cách đang thổi sức trẻ vào thành phố du lịch!

Diệu Hương