.

Rớ giàn nét đẹp vùng sông nước

Thứ Ba, 26/07/2016, 07:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Không biết tự bao giờ, dọc đôi bờ sông Nhật Lệ quê tôi những chiếc rớ giàn đã hiện hữu một cách tự nhiên. Đó là một công cụ, một phương tiện đánh bắt thuỷ sản của con người vùng sông nước.

Quê tôi, dãi cát Bảo Ninh phía Đông giáp biển, phía Tây là sông Nhật Lệ có bờ sông chạy dài 8km từ Võ Ninh (Quảng Ninh) ra đến tận cửa biển Nhật Lệ. Người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh cá biển và chế biến hải sản. Ngày ấy, nghề làm rớ giàn chưa nhiều.

Khi còn nhỏ (trước 1954), sáng sáng, tụi nhỏ chúng tôi thường ngồi bên bờ sông xem một chiếc thuyền đánh cá với hình dáng lạ thường. Đó là một chiếc thuyền "đi ngược" vì phía đuôi thuyền thì đi trước mà phần mũi thuyền lại đi sau! Ở phía đuôi của thuyền được cấu tạo bốn cây tre cong gắn tấm lưới nằm trên một hệ thống đòn bẩy có cánh tay đòn nâng lên hạ xuống và một que gỗ dài phía đối diện. Khi muốn cất lưới, phải có 2 người leo ra  cuối que gỗ, tạo ra trọng lực lớn hơn làm cho vó lưới từ từ nâng lên khỏi mặt nước để bắt cá.

Ông nội tôi bảo đó là "nôốc mồ" hoặc "nôốc xịnh" của những ngư dân từ ngoài Hà Tĩnh du nhập vào. Trên mỗi chiếc "nôốc" như vậy thường có cả một gia đình sinh sống. Chúng tôi thường gọi là "nôốc rớ". Đây chính là tiền thân của loại rớ giàn ngày nay. Để có được một chiếc rớ giàn, người ta phải tìm được một địa điểm đáp ứng mấy yêu cầu. Đó là rớ phải nằm gần bờ, có độ sâu hợp lý (thông thường đoạn sông có độ sâu khoảng 5-6m), có dòng chảy vừa phải, thích nghi với khả năng di chuyển của tôm cá theo thời tiết và mùa vụ của con nước. Rớ giàn được cấu tạo hai phần, phần chòi rớ và phần rớ.

Ảnh: T.H
Ảnh: T.H

Về chòi rớ, luôn nằm phía trong sát bờ hoặc có khi nằm ngay trên bờ (tuỳ thuộc địa hình). Người ta dùng những cây gỗ chắc (đường kính cỡ 150mm) đóng xuống sâu ở bốn góc, sau đó giằng bằng các thanh ngang, lót ván làm sàn. Phía trên, có mái lợp bằng lá cọ hoặc lá mây để chống nắng. Đây cũng là nơi sinh hoạt của người dân trong quá trình đánh bắt cá, gọi là chòi rớ. Về rớ (còn gọi là giàn rớ) được cấu tạo phức tạp hơn vì có nhiều bộ phận: sào rớ, dây triêng, dây neo, chằng, hệ thống trục quay tời và lưới. Rớ được đặt nằm phía trước chòi, cách khoảng 8m. Phía ngoài có 2 que gỗ chắc, cao khoảng 10m. Phía trong có 2 cây cao khoảng 5m gọi là sào rớ. Bốn góc của rớ được mắc vào bốn đầu của lưới, được giữ bằng những sợi dây neo chắc chắc. Diện tích của tấm lưới trung bình khoảng 650-700m2. Giàn lưới rớ được nối một sợi dây lớn chịu lực đưa vào chòi rớ. Ở đây được thiết kế thủ công bằng một trục quay (tời) dùng để nâng và hạ giàn rớ mỗi khi đánh bắt. Trước đây, theo phương pháp cổ truyền, để vận hành trục quay nâng hạ rớ, người dân thường dùng chân đạp kết hợp với tay kéo, do đó tốn nhiều sức người, tốc độ chậm và không an toàn. Đã có trường hợp khi sức người yếu liền bị đánh bật ra ngoài sông gây tai nạn. Bây giờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, người dân đã có "cải tiến" để giảm sức lao động. Họ tìm mua bộ hộp số của xe ô tô  hỏng, lắp thêm một mô tơ điện, thế là chỉ việc ngồi tại chỗ ấn nút khởi động máy, vào số ... Cả giàn rớ từ từ chuyển động nâng lên. Khi cả bốn sào thẳng đứng, tấm lưới khổng lồ như treo lơ lửng trên mặt nước (có lẽ như thế nên mới có tên gọi rớ giàn?)

Con cá, con tôm ở sông hay ở biển đều có một đặc điểm giống nhau, đó là luôn hướng về ánh sáng. Khi màn đêm buông xuống, chúng thường kéo đàn đến những nơi phát sáng để kiếm mồi. Lợi dụng đặc điểm này, người dân trước đây đã dùng cây đèn bão để nhử cá. Phía ngoài giàn lưới được cắm một cây sào cao và một sợi dây kéo căng nối vào chòi rớ. Đoạn giữa tâm của rớ, họ treo ngọn đèn  bão cách mặt nước từ 1 đến 1,5m, có chao đèn để ánh sáng hắt xuống nước. Tuy nhiên, cây đèn bào cũng chỉ cung cấp một lượng ánh sáng nhỏ, không thu hút được nhiều tôm cá tụ hợp đến. Từ thực tiễn đó, người dân vùng sông nước lại làm một "cuộc cách mạng ánh sáng". Đó là chuyển sang dùng đèn măng sông đốt bằng năng lượng dầu hoả và thắp sáng bằng những chiếc bóng đèn, cường độ ánh sáng mạnh gấp nhiều lần so với cây đèn bão, vì vậy mà năng suất đánh bắt cũng được tăng hơn trước.

Ngày nay, đèn măng sông không còn ai dùng nữa. Thay vào đó, người dân kéo điện về tận chòi rớ dùng, thay ánh sáng bằng những bóng đèn 200W hoặc đèn nê ông, đèn compac vừa tiết kiệm điện, vừa có ánh sáng xanh, mạnh tạo sự hấp dẫn thu hút muôn loài tôm, cá...

Sản phẩm đánh bắt được của nghề rớ giàn cũng rất đa dạng, phong phú. Loại lớn có cá vược, cá hồng, cá hanh, cá buôi... Nhỏ thì cá đối, mòi, cá trích ve, cá dìa, cá móm... Ngoài cá ra, còn có tôm, cua, ghẹ, mực nang, mực lá, bạch tuộc nhỏ từ ngoài biển vào cũng bắt được.

Hiện nay dọc đôi bờ Nhật Lệ có khoảng 50 chiếc rớ giàn hoạt động, trong đó nhiều nhất vẫn là phía Bảo Ninh. Những chiếc rớ giàn không chỉ là phương tiện sinh sống của người dân vùng sông nước mà nó còn là nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt của thành phố Đồng Hới nằm bên cửa biển Nhật Lệ trong mắt du khách thập phương. Trước đây, khi Bảo Ninh chưa có điện sáng thì những ngọn đèn măng sông của hàng chục chiếc rớ giàn tạo thành một dãy ánh sáng ven bờ sông. Từ ngày Bảo Ninh có hệ thống đường điện dọc kè bờ sông, cộng thêm ánh sáng điện đánh cá của những chiếc rớ giàn, đứng từ phía tượng đài Mẹ Suốt nhìn sang, ngọn gió nam thổi nhẹ, những bóng đèn chao động phản ánh sáng xuống mặt nước lung linh càng tăng thêm vẻ đẹp huyền ảo của dòng Nhật Lệ về đêm. Du khách mỗi lẫn đến Đồng Hới, đi dạo dọc con đường từ tượng đài Mẹ Suốt đến cầu Nhật Lệ, qua công viên Đồng Mỹ đến cửa biển đều dừng chân chụp ảnh, quay phim ghi lại hình ảnh những chiếc rớ giàn, chiếc xuồng thúng. Nhớ lại, anh Nguyễn Xuân Chàm (anh là dân biển chính hãng) lúc đang là Chủ tịch UBND thị xã Đồng Hới  đã từng tâm sự: "... Những chiếc rớ giàn, làm tăng thêm vẻ đẹp của thị xã Đồng Hới”. Cũng thời kỳ đó, tôi biết anh Chàm cũng đã có ý định đề nghị Phòng Văn hoá - Thông tin thị xã khảo sát để có sự hỗ trợ của chính quyền cho các chủ rớ giàn, nâng cấp sửa sang chiếc chòi rớ bảo đảm tính thẩm mỹ, tính văn hoá của một phương tiện đánh bắt, để đạt hai yếu tố: Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển du lịch, nhưng đáng tiếc, ý tưởng vẫn đang là ý tưởng...

...Thành phố Đồng Hới được Chính phủ công nhận là đô thị loại 2, được vinh danh là Thành phố Hoa Hồng nằm trong quần thể Du lịch của Quảng Bình với những bãi tắm Bảo Ninh, Hải Thành, Quang Phú... có di tích Luỹ Thầy, có Tượng đài Mẹ Suốt... chỉ cách cửa biển một tầm nhìn, có cầu Nhật Lệ 1, Nhật Lệ 2 bắc qua Bảo Ninh. Đây là điểm khác biệt lợi thế hơn các thành phố khác. Sự có mặt của những chiếc rớ giàn như tăng thêm nét cộng hưởng cho Đồng Hới...                   

Đoàn Thị