.

Phía sau những dòng thơ

Thứ Năm, 28/07/2016, 08:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Tình cờ trong chuyến công tác tại huyện Quảng Ninh, tôi được một người đọc cho nghe bài thơ “Nhớ anh”. Bài thơ, theo lời giới thiệu là của một người em viết cho người anh khi gia đình nhận giấy báo tử từ chiến trường Tây Nam bộ gửi về năm 1970. Lần theo những dòng thơ, tôi đã gặp chính tác giả và biết đến câu chuyện dài đầy xúc động về người lính- liệt sỹ “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, hy sinh vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.

Ngôi nhà nhỏ nằm khiêm tốn tại xã Hiền Ninh, thầy giáo- người lính Trần Đình Mới, tác giả bài thơ “Nhớ anh” xúc động khi tôi nhắc đến từng câu chữ mà ông “rứt ruột” viết ra trước sự hy sinh của người anh, liệt sỹ Phạm Văn Bưởi. “Thật ra anh Bưởi là anh rể của tôi”- Ông Mới vào chuyện - “Nhưng trong tâm tôi luôn xem anh như một người anh cả. Ngày anh đi B, hai con gái Thanh, Xuân còn nhỏ, tôi chống chèo cùng chị gái, nuôi cháu, hy vọng ngày thống nhất anh về”.

Liệt sỹ Phạm Văn Bưởi.
Liệt sỹ Phạm Văn Bưởi.

Ông Mới nhìn vào khoảng không như hồi tưởng, bài thơ “Nhớ anh” viết gần năm chục năm trước khắc trong tâm, nay có cơ hội bật ra, nghẹn ngào:

“Đã sáu năm rồi xa vắng anh
Mạ chờ, nuôi dạy cháu Xuân, Thanh
Chị Dung thương nhớ trong vò võ
Em đợi chờ anh với tin lành

Mỗi bận ghi thư gửi thăm nhà
Chị ơi! Anh có gửi thư ra?
Rằng không, biền biệt bao năm tháng
Đau quặn lòng em ôi xót xa

Nối gót anh, em đến chiến trường
Gặp người trở lại thăm quê hương
Hỏi anh, họ bảo vào xa lắm
Mong ước gặp anh đỡ nhớ thương

Mỗi lần em thấy bộ đội ra
Lặng đứng em nhìn mắt cứ hoa
Ước gì trong số người đi đó
Em gọi: Anh ơi! Em đây mà

Anh được về thăm mạ đỡ buồn
Dẫu rằng tóc mạ đã pha sương
Bởi bao năm tháng trong thương nhớ
Mạ vẫn nhắc thầm tên anh luôn

 Anh bế Thanh, Xuân thảy vào lòng
Thỏa bao năm tháng đợi chờ mong
Cháu Xuân thôi hỏi: Ba đâu nhỉ?
Chị khóc nhìn con mắt lưng tròng

Em có ngờ đâu sáng mai nay
Tin về như sét đánh ngang tai
Anh đi, đi mãi không về nữa
Em cố nín buồn mắt cay cay

Mạ đã khóc anh mấy ngày liền
Chị buồn lặng lẽ cứ triền miên
Vợ em mong mỏi ngày gặp mặt
 Thất vọng, mắt nhòa đứng tựa hiên

Em bế Thanh, Xuân thảy vào lòng
Mong mỏi bao ngày thế là xong
Ba đã hy sinh vì đất nước
Nhưng mãi vẫn còn với núi sông”.

Liệt sỹ Phạm Văn Bưởi sinh năm 1933, có vợ là bà Trần Thị Dung. Họ có với nhau hai con gái Phạm Thị Thanh và Phạm Thị Xuân. Phạm Văn Bưởi biên chế tại Trung đoàn 270, Sư đoàn 325B, trong kháng chiến chống Pháp chiến đấu ở chiến trường Lào, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ trở về nước tập trung huấn luyện, chỉnh quân, chỉnh huấn chuẩn bị tăng cường cho chiến trường miền Nam.

Năm 1964, Trung đoàn 270 Nam tiến, lúc đơn vị tập kết tại bến phà Long Đại chuẩn bị vượt sông, ông Bưởi tranh thủ lội về nhà thăm gia đình, chỉ được 15 phút, ôm hai con Xuân, Thanh vào lòng, động viên, an ủi vợ rồi lội ngược sông trở về đơn vị. Đó cũng là lần ông Bưởi hội ngộ với người thân lần cuối cùng. Đơn vị hành quân theo đường Trường Sơn qua Tây Nguyên, đến miền Tây Nam bộ. Lúc này ông Bưởi giữ chức vụ Đại đội trưởng trinh sát, thuộc Trung đoàn 16 chủ lực miền Tây Nam bộ, địa bàn đóng quân tại tỉnh Tây Ninh bây giờ.

Tháng 6-1967, Phạm Văn Bưởi hy sinh. Đồng đội ông kể rằng đại đội trưởng Bưởi cùng một chiến sỹ tên Đào Quang Huy trên đường đi điều nghiên chiến trường, khi đến con suối Ngô thuộc xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh thì bị máy bay oanh tạc, cả hai đều hy sinh.

Lại kể chuyện nơi hậu phương, ông Trần Đình Mới, thương chị, nhớ anh rể không chút tin tức nên quyết tâm lên đường vào Nam, vừa góp phần vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, vừa mong muốn tìm thấy anh, chiến trường rộng lớn, biết đâu cơ duyên thấy anh mình. Ông Mới chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, thuộc Binh trạm 17, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn. Bởi thế trong bài thơ “Nhớ anh” mới có những câu: “Nối gót anh, em đến chiến trường/Gặp người trở lại thăm quê hương/Hỏi anh, họ bảo vào xa lắm/Mong ước gặp anh đỡ nhớ thương/Mỗi lần em thấy bộ đội ra/Lặng đứng em nhìn mắt cứ hoa/Ước gì trong số người đi đó/Em gọi: Anh ơi! Em đây mà...”.

Sau hòa bình, thông tin trên tấm giấy báo tử không đủ cơ sở để gia đình ông Mới cùng hai con Thanh, Xuân của liệt sỹ Phạm Văn Bưởi tìm ông để đưa về quê nhà. Hai “thầy trò” liệt sỹ Phạm Văn Bưởi, Đào Quang Huy vẫn nằm bên con suối Ngô, cạnh hố bom tấn đào sâu vào lòng đất, giữa bạt ngàn cao su miệt Tây Ninh.

Duyên may cho gia đình liệt sỹ Phạm Văn Bưởi, em trai liệt sỹ Đào Quang Huy là ông Đào Đình Chiến trong một lần tra cứu danh sách tại Phòng Chính sách, Cục Chính trị, Quân khu 7 thì phát hiện ra hai hồ sơ quân nhân, ngày hy sinh, trường hợp hy sinh, sơ đồ mộ chí, tên người chôn cất... của hai liệt sỹ nằm cạnh nhau như đúng trên thực tế.

Dựa trên cơ sở dữ liệu đầy đủ đó, tháng 1-2014, hai gia đình liệt sỹ Phạm Văn Bưởi, Đào Quang Huy cùng đồng đội, đại điện Quân khu 7, nhân dân xã Suối Ngô tiến hành tìm kiếm, cất bốc và đưa về quê hương.

Vậy là 47 năm nằm giữa lòng đất mẹ... quê hương, gia đình, người em Trần Đình Mới đã đón liệt sỹ Phạm Văn Bưởi trở về.

Hương Trà