.

Người truyền đam mê nhạc cụ truyền thống dân tộc

Thứ Tư, 20/07/2016, 10:00 [GMT+7]

(QBĐT) - 20 năm gắn bó với Nhà Thiếu nhi Quảng Bình, cô Nguyễn Thị Minh Hới (SN 1954) không nhớ đã dạy bao nhiêu thế hệ học trò về nhạc cụ dân tộc: đàn Tam thập lục. Với cô, tìm được học sinh vừa có năng khiếu, lại đam mê với nhạc cụ truyền thống này chính là niềm vui sướng và hạnh phúc nhất.

Cứ mỗi buổi chiều chủ nhật, trong căn phòng hòa âm của Nhà Thiếu nhi Quảng Bình, những âm thanh của các nhạc cụ như trống, sáo dân tộc, đàn tranh, đàn bầu và đàn tam thập lục lại rộn ràng vang lên. Mặc dù số lượng các em trong câu lạc bộ không nhiều, chỉ 7 em, nhưng ít ai biết rằng, đội nhạc cụ dân tộc này lại từng gặt hái được rất nhiều thành công ở các cuộc thi Quốc gia. Tháng 6 vừa qua, đội đã vinh dự giành 1 huy chương vàng  và 2 huy chương bạc trong Festival Nhà thiếu nhi toàn quốc lần thứ 6 được tổ chức tại Nha Trang (Khánh Hòa). Ở các kỳ Festival trước đó, đội cũng giành được nhiều huy chương vàng liên tiếp. Thành công đó chính là sự nỗ lực không mệt mỏi của các thầy cô giáo, các em trong câu lạc bộ và đặc biệt là đóng góp không nhỏ của cô Nguyễn Thị Minh Hới, người đã có 20 năm gắn bó với Nhà Thiếu nhi tỉnh và câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc từ những ngày đầu thành lập.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, bố là một nghệ sĩ chơi đàn nguyệt, mẹ là nghệ sĩ hát dân ca, từ nhỏ, Nguyễn Thị Minh Hới đã được làm quen và đam mê với thể loại âm nhạc dân tộc. Tình yêu dành cho âm nhạc dân tộc cứ lớn dần theo cô. Năm 11 tuổi, trong đợt tuyển chọn của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện âm nhạc Quốc gia), Nguyễn Thị Minh Hới đã trúng tuyển và ra Hà Nội học.

Sau một thời gian sinh sống, học tập làm việc ở Hà Nội, năm 1996, cô cùng gia đình nhỏ của mình trở về quê hương. Để có thể tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật mà mình yêu thích, Minh Hới đi dàn dựng chương trình nghệ thuật cho các đơn vị và nhận lời vào giảng dạy môn năng khiếu cho Nhà thiếu nhi tỉnh Quảng Bình.

Cô tâm sự: “Vì thích trẻ con và đam mê với nghề nên dù lúc đó công việc bận rộn, vừa phải dạy học, vừa phải đi dàn dựng chương trình nhưng mình vẫn cố gắng hoàn thành công việc. Ngoài dạy đàn Organ, đàn Tam thập lục, mình còn dạy nhạc, hát cho Câu lạc bộ Nhật Lệ xanh của Nhà thiếu nhi”. Với sự hướng dẫn và dìu dắt của cô, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành và gặt hái thành công trong cuộc sống.

Cô Nguyễn Thị Minh Hới đang hướng dẫn học sinh đánh đàn Tam thập lục.
Cô Nguyễn Thị Minh Hới đang hướng dẫn học sinh đánh đàn Tam thập lục.

Nói về bộ môn đàn Tam thập lục, một nhạc cụ truyền thống của dân tộc, cũng chính là nhạc cụ mà cô đam mê, cô Hới cho biết, hiện nay, khi các nhạc cụ hiện đại đang dần chiếm được chỗ đứng với nhiều bạn trẻ thì nhạc cụ dân tộc, nhất là đàn Tam thập lục dường như đang dần bị bỏ quên.

Suốt hai mươi năm giảng dạy ở Nhà thiếu nhi, số lượng các em theo học môn đàn Tam thập lục của cô chỉ vọn vẹn vài chục em. Để tuyển chọn được các em theo học, cô Nguyễn Minh Hới cùng các đồng nghiệp phải về các trường tiểu học để tuyển sinh. Nhằm khuyến khích các em theo học loại nhạc cụ dân tộc này, Nhà thiếu nhi tỉnh đã miễn phí toàn bộ học phí cho các em. Tuy nhiên, mỗi khóa học cũng chỉ được 2-3 em.

Nguyên nhân theo cô Hới là bởi đàn Tam thập lục là loại đàn khó học vì có rất nhiều dây. Có thể nói đây là nhạc cụ nhiều dây nhất trong các nhạc cụ dân tộc nên việc giảng dạy cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cô Hới chia sẻ: để đào tạo được các em các kỹ thuật cơ bản, bản thân người giáo viên phải luôn kiên trì, nhẫn nại hướng dẫn nhẹ nhàng. Đặc biệt, để truyền cho các em niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc này thì người giáo viên phải gần gũi và thương yêu các em thật sự.

Theo học đàn Tam thập lục của cô Nguyễn Thị Minh Hới từ lúc còn là cô bé lớp 3, Nguyễn Trúc Mai (SN 2002) hiện là học sinh lớp 9 nhớ lại: Lúc mới vào học, thấy đàn nhiều dây quá nên em cũng sợ mình không học nổi. Tuy nhiên, thấy cô gần gũi lại tận tình chỉ dạy nên em cũng quyết tâm học, không ngờ đến bây giờ lại đam mê và chơi tốt loại đàn này. Nằm trong đội tuyển nhạc cụ dân tộc đi dự Festival toàn quốc lần thứ 6, Trúc Mai chia sẻ: “Mặc dù là lần thứ hai đi thi cùng đội và cũng là lần thứ hai được nhận huy chương vàng nhưng cảm giác lúc đó của em là rất vui mừng và sung sướng, chẳng khác chi lúc đầu”.

Trong mắt Trúc Mai và các bạn trong đội nhạc cụ dân tộc của Nhà văn hóa thiếu nhi, cô Minh Hới không chỉ là một cô giáo truyền cảm hứng âm nhạc mà còn là người bạn thân thiết của các em. Là người nhiều lần đồng hành và dẫn đội tuyển đi thi, với cô Minh Hới đó không chỉ là niềm vinh dự mà còn là trọng trách lớn. Để giúp đội tuyển có thành tích tốt và đạt giải cao, cô đã  biên soạn những bản hòa tấu dựa trên giai điệu dân gian và dân ca truyền thống để các em thể hiện như: Liên khúc Hoa thơm bướm lượn, Đi cấy...

Hy vọng, với những kinh nghiệm sau nhiều năm giảng dạy và niềm đam mê với đàn Tam thập lục, cô Nguyễn Thị Minh Hới sẽ đánh thức được tình yêu của các em học sinh đối với nhạc cụ truyền thống dân tộc này.

Đ.Nguyệt