.

Để biển khơi không vắng những câu hò...

Thứ Sáu, 29/07/2016, 08:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Sống trên biển, chết cũng về với biển, bấy lâu nay, biển là cái nôi của sự sống, là ngọn nguồn của những ước mơ, hoài bão của người dân làng biển Quảng Bình. Tinh thần mặn mòi đó thấm đẫm trong từng điệu hò biển Nhân Trạch chắc nịch, từng lời hát ru Cảnh Dương da diết yêu thương, từng điệu múa bông chèo cạn Bảo Ninh uyển chuyển đắm say...

Và ngay cả khi biển quê hương đang bị đe dọa bởi chính sự nhẫn tâm của con người, thì linh hồn trong từng câu hò, lời ru, điệu múa vẫn không bao giờ thay đổi trong tâm trí người “kẻ biển”.

Chỉ có điều, giờ đây, trước thách thức thời cuộc, chúng ta không thể cứ để cho kho tàng văn hóa này “tự đối mặt” với những thăng trầm trong cộng đồng, mà đã đến lúc cần phải có những giải pháp bảo tồn mạnh mẽ, hiệu quả, nhất là cần có sự tổng kết, đánh giá và một chiến lược dài hơi để duy trì các giá trị.

Đưa hò biển vào trường học như cách Lệ Thủy đang làm với hò khoan cũng là một hướng đi hay cần nghiên cứu áp dụng.
Đưa hò biển vào trường học như cách Lệ Thủy đang làm với hò khoan cũng là một hướng đi hay cần nghiên cứu áp dụng.

Có ngồi nghe nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Niếu (Nhân Trạch, Bố Trạch) cất giọng hò biển hào sảng dưới cái nắng hè oi ả, khi khung cảnh ồn ào trên bãi cát mỗi đợt tàu về đang dần thưa thớt sau sự cố cá chết, thì mới thấm cái chất biển như chưa từng phôi pha trong tâm hồn mỗi người dân biển:

“Hò la hò là hò hò la hò là...
Đưa mái chèo thuyền nhanh băng ra khơi
Lướt sóng để thuyền ta đi nơi nơi
Nắng tỏa về phương trời biển rộng bao la
Như ôm ấp lấy những xóm làng
Kia đàn cá lượn ngoài khơi
Cánh buồm vươn trong nắng mới
Lưới ta tung ra no ấm cả cuộc đời này
Lưới ta tung ra khi biển lặng trời êm, dô khoan
Thắm tươi những cuộc đời biển khơi nơi ngàn đời
 ...Hò hò là hò hò là...”

Những giọng hò dường như chưa hề ngơi nghỉ trong từng ngõ ngách của làng biển Nhân Trạch (Bố Trạch). Bởi câu lạc bộ văn hóa văn nghệ dân gian của xã trong những ngày này đương bận rộn cho nhiều hoạt động ý nghĩa, vừa tập luyện cho buổi biểu diễn vào đợt kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, vừa đào tạo, bồi dưỡng về hò biển, múa bông, chèo cạn cho các cháu thanh thiếu niên trong xã.

Cụ Phạm Thị Niếu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ dân gian xã Nhân Trạch tâm sự, dù rất đau xót với tình trạng ô nhiễm biển của quê hương, nhưng các thành viên câu lạc bộ quyết tâm lấy câu hò, điệu múa để vực dậy tinh thần bà con, tăng quyết tâm bám biển và một lòng tin tưởng vào chính quyền, đảng bộ địa phương. Thành lập từ hơn 16 năm nay, câu lạc bộ của cụ Niếu đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vùng biển, truyền dạy cho thế hệ trẻ thông qua những lớp học vào dịp hè. Lớp học đợt này quy tụ các cháu ở những khối lớp 5-6, 8-9 với từ 35 đến 40 em, duy trì từ 3 đến 4 buổi/tuần. Cụ và các thành viên trong câu lạc bộ trực tiếp đứng ra chỉ dạy, bồi dưỡng cho các cháu với mong ước tinh thần làng biển sẽ mãi mãi được nối truyền, không bao giờ bị dập tắt.

Tuy vậy, cụ Phạm Thị Niếu chia sẻ thêm, kho tàng dân ca làng biển là nguồn vô tận, cần sự theo đuổi đam mê, học hỏi lâu dài, lớp trẻ sau này dù mặn mà với nghệ thuật truyền thống, nhưng vẫn rất khó để các em có thể theo đuổi trong khi còn bao bộn bề cuộc sống phải lo toan. Trong khi đó, các thành viên Câu lạc bộ tuổi cũng đã trung bình trên 60, có cụ cũng ngấp nghé 75-80 tuổi. Điều mong ước của cụ Niếu cũng như nhiều người yêu văn hóa biển khác là có thể đưa hò biển vào trường học. Có như vậy, cái nôi văn nghệ dân gian mới có thể bám rễ từ tầng sâu nhận thức của thế hệ đi sau.

Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ dân gian (Nhân Trạch, Bố Trạch) chủ yếu là các cụ cao tuổi, rất cần được trẻ hóa.
Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ dân gian (Nhân Trạch, Bố Trạch) chủ yếu là các cụ cao tuổi, rất cần được trẻ hóa.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Ngọc Thức (Cảnh Dương, Quảng Trạch) và nghệ nhân Nguyễn Lữ (Bảo Ninh, TP. Đồng Hới) không hẹn mà gặp ở mong muốn xây dựng một câu lạc bộ văn hóa văn nghệ dân gian dành riêng cho lớp trẻ ngay tại quê nhà.

Năm nay đã bước sang tuổi 80, cụ Nguyễn Lữ là một trong những nghệ nhân hiếm hoi của xã biển Bảo Ninh am tường về múa bông. Cụ hứng khởi chia sẻ, bắt đầu tham gia múa bông từ năm 13 tuổi, đến nay, hơn nửa thế kỷ cụ đã sống chết với từng điệu múa. Chúng đã trở thành máu thịt, linh hồn của cụ, không thể tách rời. Trong lễ hội “Lục niên cạnh độ” của xã vừa qua, mặc dù diễn ra trong không khí lo lắng khôn nguôi về môi trường biển, nhưng mọi nghi thức, nghi lễ, nhất là phần múa bông chèo cạn, vẫn luôn trang nghiêm, chỉnh chu, ẩn chứa khát vọng của bà con ngư dân về trời yên bể lặng, để con cá con tôm làm giàu cho quê hương, để những con tàu bám biển ngoài khơi xa luôn vọng tín hiệu vui khi trở về. Thông thường, mỗi năm khi đến lễ hội, cụ Nguyễn Lữ mới đến từng thôn trong xã để tập luyện cho đội múa bông của mỗi thôn. Do vậy, cụ rất mong muốn một câu lạc bộ về múa bông chèo cạn có thể ra đời, quy tụ lớp trẻ yêu văn hóa văn nghệ dân gian miền biển và có nguồn kinh phí hỗ trợ để duy trì hoạt động, có sân chơi để được biểu diễn, lan tỏa tình yêu này đến với mọi người.

Cụ Phạm Ngọc Thức gắn bó hàng chục năm nay với kho tàng văn hóa văn nghệ Cảnh Dương, từ hát ru cho đến hò giã ruốc, điệu hò đã mai một hơn 50 năm nay. Cụ ao ước lắm có một câu lạc bộ để cụ có thể truyền dạy mọi kỹ năng, kinh nghiệm của mình trước khi quá muộn. Cụ Thức trầm ngâm, bây giờ, thi thoảng mới có một vài chương trình mời cụ đến hát, đến hò, xong rồi lại thôi, trong khi hò biển, hát ru không phải chỉ nghe một lần rồi thôi. Từng câu hò, lời ru phải được vang vọng mãi, hình thành mạch ngầm âm ỉ trong lối sống, từng nếp ăn nếp nghĩ và quan trọng hơn, lớp trẻ phải biết để duy trì, nuôi dưỡng cái hồn cốt đó của biển trước khi mọi thứ vô tình phôi pha.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian Văn Tăng, đã đến lúc việc bảo tồn các giá trị văn hóa biển, từ vật thể đến phi vật thể, không thể cứ chần chừ, lần lữa mãi. Cần thiết phải có một cuộc hội thảo quy mô lớn, quy tụ các nhà quản lý, nhà nghiên cứu về văn hóa trong tỉnh để cùng bàn bạc về những cách thức duy trì, phát huy giá trị văn hóa biển một cách hiệu quả và thiết thực nhất. Trong bối cảnh biển đang bị ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay, các giá trị văn hóa biển chính là sợi dây vô hình kết nối, siết chặt hơn nữa tình cảm gắn bó với biển của bà con ngư dân, đồng thời là động lực tinh thần mạnh mẽ thúc đẩy từng chuyến tàu vươn khơi. Không những vậy, qua đó, thế hệ đi sau lại càng hiểu rõ, hiểu sâu, hiểu kỹ thêm về nét văn hóa biển đã trường tồn mấy trăm năm qua trên mảnh đất Quảng Bình nắng gió và có sự tiếp biến, bảo tồn các giá trị bền vững.

Mai Nhân