.

Về đất cũ, nhớ tiền nhân - Bài 2: Cần được tôn vinh

Thứ Năm, 09/06/2016, 08:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Gần trọn một thế kỷ trôi qua kể từ khi người tù Côn Đảo Phan Thúc Duyện bị “lưu đày biệt xứ” ở phía tây Lệ Thủy, nhưng đến hôm nay, người dân nơi đây vẫn còn nhớ đến ông như người có công đầu khai khẩn vùng đất hoang hóa thành mỡ màu, xanh tốt. Thế hệ hậu sinh của danh nhân Phan Thúc Duyện hôm nay vẫn mong ông có được sự tôn vinh xứng đáng ngay trên chính nơi mà ông đã một thời gắn bó.

>> Về đất cũ, nhớ tiền nhân- bài 1

Lần theo những tư liệu hiếm hoi về những năm tháng Phan Thúc Duyện bị “lưu đày biệt xứ” trên mảnh đất Quảng Bình, chúng tôi về làng Phú Hòa (Phú Thủy, Lệ Thủy). Thế hệ những người được chứng kiến quãng thời gian danh nhân xứ Quảng sinh sống tại đây hầu như không còn, nhưng trong câu chuyện của những bậc lão thành nơi đây, họ nhớ như in một nhân vật đặc biệt khác: ông Phan Trọng Thỉnh – con trai ông Phan Thúc Duyện. Sử sách cũ chép lại rằng năm 1930, trước khi trở về quê hương, Phan Thúc Duyện giao lại cơ ngơi ở phía tây Lệ Thủy cho con trai thứ của mình tiếp quản. Thừa hưởng đầu óc làm kinh tế tiến bộ từ cha, với 15 ha đất đồn điền của cha để lại, ông thuê nhân công, khai khẩn đất hoang, mở rộng diện tích nuôi trồng. Chỉ vài năm sau, ông Năm Thỉnh đã sở hữu một đồn điền rộng mênh mông với hơn 120 ha.

Ông Phan Bá Trác – một người dân làng Phú Hòa nhớ lại: Ngày còn nhỏ, tôi thường xuyên đi chăn bò trên đồn điền của ông Năm Thỉnh, mà giờ là thuộc địa phận của thị trấn Nông trường Lệ Ninh, đất của ông rộng lắm, tôi nhớ, bò đi lang thang ăn cỏ suốt ngày cũng không đi hết đất của ông ấy. Mà lạ kỳ, tại thời điểm đó, ông Năm Thỉnh đã bắt đầu có những cách làm kinh tế tiến bộ, ruộng vườn được quy hoạch rất bài bản, đã chia ô, chia thửa, biết trồng xen canh, tăng vụ. Ruộng vườn rộng lớn là vậy nhưng dường như chưa đủ để người đàn ông đến từ phương Nam thỏa mãn ước nguyện làm giàu, ông xuống huyện thuê thêm hàng chục hecta đất ruộng để canh tác. Chỉ một thời gian ngắn sau khi tiếp quản đồn điền của cha, ông Năm Thỉnh đã phát triển vùng đất hoang hóa ngày trước thành một đồn điền cao su rộng lớn với hàng trăm nhân công làm suốt ngày đêm. Cái tên Năm Thỉnh bắt đầu được người dân địa phương biết đến với tất cả sự ngưỡng vọng bởi độ giàu có và tư duy làm giàu mới mẻ.

Phả đồ gia đình cụ Phan Thúc Duyện.
Phả đồ gia đình cụ Phan Thúc Duyện.

Trong số những người làm công cho ông Năm Thỉnh ngày ấy, ông Phan Văn So là người được ông thương hơn cả. Gặp lại ông hôm nay, trí nhớ của một ông lão đã bước vào tuổi 91 vẫn lấp đầy hình ảnh những năm tháng gian khó nhưng nhiều nghĩa tình với ông chủ quê Quảng Nam. Ông bảo, ông Năm Thỉnh giàu có nhưng sống rất nghĩa tình với người làm. “Chính vợ chồng ông chủ đã đi tìm người hỏi vợ cho tui, dù cuộc mối mai đó không thành. Khi làm việc, ông rất nghiêm khắc nhưng trả công cán lại rất sòng phẳng. Dù là ông chủ, nhưng thỉnh thoảng ông vẫn chia sẻ chuyện gia đình cho người làm nghe, nhất là chuyện về người cha mà ông rất tự hào. Dù thời đó đi lại khó khăn nhưng năm nào ông Năm Thỉnh cũng quay trở về Quảng Nam thăm ông cụ, đến khi ông ấy mất thì vào hương khói thường xuyên”.

Lần theo lời kể của những nhân chứng hiếm hoi còn lại, chúng tôi tìm về gia đình bà Phan Thị De – con dâu của ông Phan Trọng Thỉnh, tức cháu dâu của danh nhân Phan Thúc Duyện tại thôn Phú Hòa (Phú Thủy). Nhiều đổi thay thời cuộc đã biến một gia đình giàu có nửa đầu thế kỷ XX trở về khó nghèo. Dường như hiếm ai biết được gia đình ấy vốn là con cháu của một danh nhân yêu nước, một trong những yếu nhân của phong trào Duy Tân nổi tiếng một thời. Họ cất giữ niềm tự hào ấy cho riêng mình và sống một cuộc đời bình lặng giữa rất nhiều khốn khó đời thường. Trên ban thờ tiên tổ, di ảnh cụ Phan Thúc Duyện được đặt trang trọng. Ánh mắt  sáng ngời, trí thức.

Bà Phan Thị De kể rằng bà về làm dâu gia đình họ Phan đã ngót nghét hơn 50 năm. Trong những năm tháng gắn bó với gia đình nhà chồng, bà được nghe mẹ chồng – con dâu cụ Phan Thúc Duyện - kể rất nhiều về ông nội của mình. Dẫu xuất thân từ một gia đình gia giáo nhưng ông Cử Duyện luôn nhắc nhở con trai mình: “Không được lấy vợ giàu sang, phải lấy vợ người nghèo vì chỉ có người xuất thân nghèo khó mới thương người làm công. Mình thương họ, họ mới hết lòng vì mình”. Nghe lời cha và mê đắm điệu hò khoan xứ Lệ, ông Năm Thỉnh kết hôn với một người con gái Lệ Thủy nghèo có giọng hò giã gạo ngọt ngào. Trải dài qua hai cuộc chiến tranh, dù đường sá cách trở, cháu chắt, con cái vẫn thường xuyên vào hương khói cho cụ và giữ liên lạc thân tình với họ hàng ở Điện Bàn (Quảng Nam). Trong câu chuyện kể của người phụ nữ đã chịu nhiều vất vả - bà Phan Thị De – vẫn luôn chất chứa niềm tự hào khi được làm dâu trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Bà bảo, dẫu đường sá xa xôi, cuộc sống còn rất nhiều khó nhọc nhưng bà vẫn động viên con cháu nhớ về nguồn cội. “Mình phải nhớ về nguồn gốc của mình, đó là cách để giáo dục cháu chắt nhớ về truyền thống đáng tự hào của gia đình, để rồi biết học hành đàng hoàng, sống lương thiện”, bà De trải lòng.

Ông Phan Văn So và vợ kể về những năm tháng làm công cho ông Năm Thỉnh.
Ông Phan Văn So và vợ kể về những năm tháng làm công cho ông Năm Thỉnh.

Những đóng góp của danh nhân Phan Thúc Duyện cho phong trào Duy Tân đã được lịch sử ghi nhận và tôn vinh. Tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng có con đường mang tên Phan Thúc Duyện và ngay tại quê nhà – xã Điện Thọ (Điện Bàn, Quảng Nam) cũng có một ngôi trường THCS mang tên ông. Riêng đối với gia đình bà Phan Thị De cũng chỉ mong có một con đường mang tên Phan Thúc Duyện ngay tại Quảng Bình như một sự ghi nhận những đóng góp của ông trong những năm tháng “lưu đày khổ ải” ở mảnh đất này. Bà Phan Thị De bảo: năm 2008, khi con dâu cụ Cử Duyện là bà Hoàng Thị Doan mất, gia đình, dòng tộc tại Quảng Nam đã ra Lệ Thủy và có “đặt vấn đề” với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Quảng Bình xin một con đường mang tên Phan Thúc Duyện, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.

Nhà nghiên cứu Tạ Đình Hà cũng khẳng định: “Với 10 năm lưu đày nhưng những cống hiến của ông trong việc chiêu dân, khai phá, mở mang đất đai, phát triển kinh tế ở miền tây Lệ Thủy, Quảng Bình, tuy ngắn nhưng có ý nghĩa rất lớn, thiết nghĩ Quảng Bình cũng nên có một việc làm ý nghĩa, thiết thực để ghi nhận và tôn vinh ông, một người con xứ Quảng đã một thời gắn bó với Quảng Bình”. Quá khứ dẫu đã qua đi nhưng lịch sử là điều cần được ghi nhận. Với mảnh đất phía tây Lệ Thủy, cụ Phan Thúc Duyện và con trai mình – ông Phan Trọng Thỉnh là người có công trong việc khai khẩn đất hoang, đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên một vùng đất mỡ màu, tươi tốt, nay là thị trấn Nông trường Lệ Ninh.

Tôn vinh những con người xứng đáng cũng là cách để thế hệ đời sau tự hào về quá khứ và không lãng quên đi lịch sử của quê hương, dân tộc mình!  

Diệu Hương