.

Tuổi thơ ơi!

Thứ Bảy, 04/06/2016, 16:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Không biết, đời người ta đến chừng nào thì tâm tưởng hay lội ngược về quá khứ, nhớ lại một thời ấu thơ nhỉ? Với riêng tôi, mỗi khi ngả lưng trên giường hay ngồi bên ấm chè, nhắm mắt lại là tuổi thơ ngọt ngào hiện lên ngay, cận cảnh, hơi mờ nét nhạt màu và hương vị thoảng như mơ. Một vườn rau cải. Không phải vườn, mà là, vào mùa xuân, khoảng sân được đổ đất lên để gieo hạt cải, hè tới lại trả nguyên trạng cho sân phơi. Bao quanh là hàng rào thấp bằng những thanh củi đun lấy ở rừng về ngăn không cho mẹ con đàn gà vào phá. Một giàn bầu eo hình hồ lô trĩu quả. Và bí đỏ, bò lang thang trong vườn ra hoa vàng. Tôi lẫm chẫm học người lớn hái những bông đực ngắt bớt cánh rồi úp lên bông cái. Lạ lùng chưa, chỉ mấy ngày sau là quả bí nên hình hài lớn như thổi. Rồi những ngày hè tới. Có lẽ hồi ấy chưa thành lập hợp tác xã, lúa gặt về chất đầy trong hiên nhà. Đêm, sáng trăng rời rợi, người lớn xếp lúa ra sân, trải theo hình bầu dục rồi dong năm sáu con trâu đi quanh dẫm lên để thóc rụng. Thỉnh thoảng có con trâu đứng lại là một người vội vàng lấy cái rổ có lót lá chuối hứng để phân trâu khỏi rơi vào thóc. Tôi còn nhỏ, nằm trong nhà thì sợ bóng tối nên lót mảnh chiếu ở hè nhà nằm ngắm trăng và cảnh ba mẹ cùng các anh chị dong trâu đạp lúa kiểu ấy. Hàng cau trước sân xạc xào lay động. Những con trâu cứ đi vòng theo hình bầu dục. Có tiếng sáo của ai từ cuối xóm cứ vọng lại dìu dặt dìu dặt. Hai mắt tôi cơ hồ muốn díp lại. Đàn trâu bỗng bước lên khoảng không, cây cau cũng đung đưa trên khoảng không, ánh trăng vàng rượi chuyển sang màu tro rồi màu đen...

Ảnh: T.H
Ảnh: T.H

Tôi quờ được tấm chăn... len, ôm cứng ngủ ngon lành. Có lẽ phải gần sáng, khi đã no mắt, lại cảm như mặt ươn ướt mới tỉnh ra: Ông kẹ ơi! Tôi đang ôm con chó vàng. Cái mũi của nó dí vào mặt, thảo nào thấy ươn ướt. Trăng vàng vẫn tưới đều xuống vườn. Hàng cau vẫn lắc lư nhưng đàn trâu đã nằm nhai lại trong chuồng. Tủi thân, tôi định khóc, nhưng sực nhớ không ai dỗ, lại thôi...                            

*

Rồi tôi đến tuổi đi học. Học vỡ lòng với thầy giáo già ở đình làng. Lớp đã học được nhiều tháng, tôi vào sau chả biết gì cả. Chỉ thấy hai con số viết bằng phấn nơi góc bảng mỗi ngày lại đổi một lần. Sau mới biết là hàng số ghi ngày tháng và sĩ số của lớp. Lớp gì đâu, chỉ chừng mươi mười hai đứa lớn bé khác nhau. Có khi thằng lớn bắt nạt thằng nhỏ. Thằng nhỏ khóc hu hu. Thầy dỗ không nín chạy về nhà “méc mạ”. Mạ chạy ra chưởi thằng lớn vang làng xóm.

Ấy vậy mà... lên lớp. Tôi nghe thằng hàng xóm nói ghi tên vào lớp một rồi nên nằm dãy khóc trên giường bắt đền mạ. Thế là hôm sau mạ lục rương lấy áo dài ra mặc rồi dẫn tôi lên làng trên để ghi tên vào lớp một, bắt đầu học “chính quy”. Chính quy đấy, nhưng vì học vỡ lòng lõm bõm nên tôi chả biết làm toán là gì, chỉ được một điểm. Rồi một buổi, tôi nhìn trộm sang bên thấy thằng cùng bàn viết: “Lời giải” và cái này cộng với cái kia. Thế thì khó gì đâu mà chỉ vì chưa ai dạy. Đó là lần đầu tiên tôi ăn gian “coppi”. Phụ mẫu dạy chúng tôi phải trung thực, không gian dối. Sau này, ở đại học tôi có gian một lần nữa. Cơm ở trường, đói, đọc giáo trình hoa cả mắt. Tôi vào bài thi kinh tế tư bản, phân tích cái gì đó về Côngxooctiom. Trời, ai mà nhớ được, bèn giở sách xem trộm, bị phát hiện. Tôi khóc vì quên lời ba mẹ dặn. Cuối năm đó, tôi nhập ngũ ra chiến trường, lấy mạng sống của mình đánh đổi hoàn toàn trung thực với bom đạn. Hồi nhỏ ấy, đi học, cũng đóng học phí nhưng nhân văn và khoa học lắm. Nhà nào có ba đứa con đi học thì được giảm ba mươi phần trăm, thay vì bảy đồng hai hào thì chỉ phải nộp bốn đồng tám hào. Bán buồng chuối to là đủ nộp, chả phải phong bì phong bao cho ai, chả phải lo mất mật nhiều triệu nộp đầu năm học như bây giờ, Mà cũng không học nhiều, bỏ vở xuống là ra đồng. Chăn trâu, cắt cỏ, bứt rạ, chơm cá, chơi đủ trò chơi dân gian không biết chán, uống nước ruộng cũng không đau bụng. Đêm hè trăng sáng, trẻ con tụ tập chơi trăng, đánh du kích, khuya, tắm sông lên ngủ vùi trong tiếng cọ xạc xào của lá cau, của thân tre, chẳng chăn màn gì...

Rồi chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, bom đạn đầy trời. Chưa qua tuổi thơ đã phải thành người lớn. Bao nhiêu mùa phượng nở phượng tàn, không kịp nhớ. Bao nhiêu người bạn ra chiến trường không trở về, không dám tính. Cuộc mưu sinh thời hậu chiến gian khó không cùng. Phương Tây cấm vận, bạn bè thôi viện trợ. Biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc giặc sôi như kiến. Trai làng chưa kịp lớn đã lại đi, lại nhiều đứa không về.

Rồi, công cuộc đổi mới, đổi đời như cơn gió. Tuổi thơ bây giờ có còn giống ngày xưa không? Những trò chơi dân gian như hình bóng quê hương có còn không? Gặp cỏ xanh ngập đồng cứ thấy nhớ đàn trâu. Nhìn ao đầm không còn tăm cá, không bóng chim trời, thấy thương. Hình bóng tuổi thơ cứ nhạt nhòa dần trong ký ức và cũng phôi pha dần ngay nơi sinh ra. Nhiều lúc đang vui lại thảng thốt giật mình vì một làn gió quen quen như đã từ xa lắm thổi về, một tiếng còi xe mà văng vẳng như tiếng nghé ọ trên đồng...                          

  *

Mãi vẫn không hiểu sao trong vốn từ vựng lại có hai âm tiết lập thành tổ từ hay đến thế! Nếu không phải từ Hán Việt phiên ra thì đây đích thị là cách gọi tên hay nhất cho một trạng thái, một quãng thời gian. Tuổi thơ ơi! Có phải muộn quá rồi không, hay bởi vì bao năm mải chạy theo giá trị phù du mà vô tình đánh rơi bản thể?! Phải về làng thôi, phải đi ra đồng thôi, đứng bên bờ mương chờ ngọn gió năm xưa theo mùa trở lại, nghe một tiếng Cà lơi thánh thót như thể giọng người bạn gái nào đã xa lâu lắm. Tuổi thơ, ai cũng chỉ một lần đi qua, nhưng hoài vọng về tuổi thơ là... mãi mãi...!

Nguyễn Thế Tường