.

Nữ nhà văn trẻ Trác Diễm và những dự định sáng tác mới

Thứ Sáu, 24/06/2016, 13:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Buổi sáng tháng 6, mùa hè 2016 thật đẹp, không gian thân thiện, bên dòng Nhật Lệ trong xanh, câu chuyện của Trác Diễm càng cuốn hút tôi. Khi tôi hỏi đùa: Hãy xem tôi là một du khách đến từ tỉnh bạn, nếu là hướng dẫn viên du lịch, bạn Trác Diễm tự giới thiệu mình như thế nào?

Trác Diễm cười rất tự nhiên: Ngày 21 tháng 10 âm lịch, đúng vào mùa hoa “thầu đâu” nở rộ là ngày mà mẹ sinh tôi ra đời. Ba tôi lúc đó đang công tác tại Phòng chính trị, Ban Tuyên huấn Bộ chỉ huy Quân sự Bình Trị Thiên. Trước đó ít ngày, ba tôi viết trong nhật ký: dù mẹ tôi sinh con gái hay con trai, ba tôi cũng đặt tên là Thôi Văn để kỷ niệm ngày về hưu - thôi viết văn của mình. Tôi mang cái tên đó suốt những năm học mẫu giáo. Nhưng đến năm đi học lớp 1, ba tôi nhìn tôi một hồi rồi bảo: “Công chúa của ba thật thông minh, xinh đẹp. Nhưng chỉ điều ấy thôi thì chưa đủ. Là con gái, con sẽ phải thực hiện rất nhiều thiên chức. Do vậy con phải không ngừng tu luyện, trau dồi kiến thức, phải biết làm đẹp cả tâm hồn mình. Ba lại một lần nữa làm lại giấy khai sinh cho tôi với cái tên mới: Trác Diễm. Ý nghĩa của cái tên đó là Ngọc bất trác bất thành khí, Nhân bất học bất tri lý”. Tôi mang cái tên này cho đến giờ và bút danh cũng chính là tên thật của chính mình. Tôi thích cái tên đầy ý nghĩa mà ba tôi đặt.

Kế thừa “gen” văn nghệ sĩ từ ba tôi, tôi cũng đam mê viết văn từ nhỏ. Lớp 4 đã biết làm thơ, các thầy cô giáo bảo thơ tôi già trước tuổi. Sau những nhận xét đó, tôi đã cố gắng viết phù hợp với lứa tuổi của mình. Tôi làm thơ, viết truyện ngắn và vẽ tranh có ghi những câu thơ của mình cho đến năm 13 tuổi. Rồi ba tôi đột ngột qua đời! Tôi đã đón nhận một cú sốc về tinh thần rất lớn. Khoảng 2 tuần sau đó tôi rơi vào hoảng loạn. Tôi bị một trận ốm thập tử nhất sinh. Bác sĩ đã thông báo với gia đình tôi để chuẩn bị hậu sự. Nhưng đến ngày thứ 8, khi bác sĩ rút ống thở, kim tiêm trên khắp cơ thể thì ngón tay tôi tự nhiên cử động. Tôi đã từ cõi chết trở về một cách ngoạn mục. Thật khó tưởng tượng niềm vui sống và lý do tôi thích ngao du để cân bằng lại tâm lý có thể bắt nguồn từ những hoàn cảnh như vậy.

Nhà văn Trác Diễm
Nhà văn Trác Diễm

Kể đến đây nữ nhà văn Trác Diễm im lặng rất lâu. Cô đang xúc động khi nhớ lại sự kiện khủng khiếp này. Để cho câu chuyện trở lại bình thường, tôi ngắt lời Trác Diễm: Hình như hiện nay, mỗi sáng tác của Trác Diễm đều phảng phất hình ảnh những chuyến đi? Trác Diễm trả lời ngay: Đúng là tôi bị nhiễm “chủ nghĩa xê dịch” của Nguyễn Tuân.

Tôi đang trò chuyện với một nữ nhà văn trẻ nhiều tài năng và triển vọng. Trác Diễm là niềm tự hào của văn học trẻ Quảng Bình và của văn học trẻ toàn quốc sau những tác phẩm đã được xuất bản. Giờ đây sách của Trác Diễm đã được bạn đọc cả nước đón nhận. Trác Diễm đã gặt hái được một số thành quả đáng ghi nhận trong cuộc hành trình viễn du đi tìm chính mình, tìm lại niềm tin trong cuộc sống sau những dư chấn tinh thần khủng hoảng nặng nề. Nhiều độc giả đã rơi nước mắt khi đọc những trang viết rất đời, rất cảm động của Trác Diễm qua mỗi phận đời, phận người.

Với bút pháp khoáng đạt, giàu ngôn từ hình ảnh Trác Diễm đã kích thích sự tưởng tượng của bạn đọc. Những câu chuyện xúc động diễn ra hàng ngày, những biến đổi về thiên tai, khí hậu... đã được nữ nhà văn trẻ Trác Diễm cảm thấu một cách sâu sắc để đưa vào văn chương tiểu thuyết. Đó là cuốn tiểu thuyết “Hồn lau trắng”dày 500 trang - NXB Thuận Hóa - 2014, được Trác Diễm ấp ủ bản thảo khi mới 22 tuổi và sau gần 2 năm tác phẩm được ra đời. Ngay sau đó “Hồn lau trắng” đã được nhận thưởng Giải trẻ của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật toàn quốc. Tiếp theo, năm 2015,Trác Diễm cho ra mắt cuốn tiểu thuyết “Tiếng vọng Ma Coong” dày hơn 300 trang - NXB Văn học.  Tiểu thuyết “Tiếng vọng Ma Coong” là một thành công mới của Trác Diễm khi nhìn cuộc sống bằng một góc nhìn khác đầy mới mẻ, sâu sắc và mang tính thời sự cao. Trác Diễm đã viết về vùng rừng núi hoang sơ với những hang động kỳ thú, hấp dẫn, với những phong tục, tập quán, nét văn hóa, hủ tục... của những người sống tựa lưng vào dãy Trường Sơn. Ngay sau đó không lâu, đoàn làm phim Kinh Kong đã về vùng này để thực hiện những cảnh quay tuyệt đẹp. Hy vọng “Tiếng vọng Ma Coong” sẽ có tên trong những giải thưởng danh giá của văn học nước nhà.

Tôi hỏi Trác Diễm: Lý do nào đưa đến cho Trác Diễm những hiệu suất sáng tác cao như vậy, Trác Diễm phân tích: Thật khó giải thích nguyên nhân. Bởi ngoài công việc chuyên môn, thiên chức làm mẹ, chăm con, đi thực tế, Trác Diễm còn tham gia nhiều việc khác nữa như biên kịch, thực hiện một số phóng sự tài liệu truyền hình, cộng tác với các báo Văn nghệ Công an, Người Hà nội, Tài nguyên và Môi trường, Tạp chí Nhật Lệ cùng nhiều ấn phẩm khác. Điều mà Trác Diễm tiết lộ vẫn là niềm tin với cuộc sống, sự say mê viết văn. Trác Diễm tâm sự: “Em không vội ngủ quên trên sự thành công bước đầu của sự nghiệp văn chương. Em nghĩ là nhà văn, phải lấy lao động khổ ải làm nguồn hạnh phúc, không lấy số lượng làm trọng. Em luôn nuôi mạch nguồn cảm xúc để viết”.

Trong câu chuyện của mình nữ nhà văn trẻ Trác Diễm đã tiết lộ cho tôi biết đang dự định một sáng tác mới. Đó là một tiểu thuyết. Tên gọi của tiểu thuyết có thể là “Nếu có ngày mai”. Tiểu thuyết gồm 12 chương. Thông điệp mà nữ nhà văn muốn chuyển tới bạn đọc là ca ngợi  con người miền Trung kiên cường bất khuất trong chiến tranh, đang vươn lên xây đắp hạnh phúc trong công cuộc đổi mới hôm nay. Hình ảnh mảnh đất miền quê nghèo từng bị vùi dập bởi chiến tranh, thiên tai đang thực sự hồi sinh sẽ là một điểm nhấn của tiểu thuyết. Trong tiểu thuyết sẽ có những nhân vật thể hiện vẻ đẹp tính siêu việt của võ thuật cổ truyền dân tộc Việt Nam. Những số phận con người mang cả bi thương, sự vượt lên chết chóc để rồi sau bao biến cố cuộc sống với những mối tình duyên ngang trái, cuối cùng tìm được hạnh phúc viên mãn nhờ niềm tin yêu cuộc sống. Bối cảnh diễn ra câu chuyện được lấy ở hai bờ nam bắc Vĩ tuyến 17, nơi có dòng sông Bến Hải đã đi vào lịch sử hùng tráng của dân tộc. Cô sinh viên bờ bắc sông Bến Hải sau cuộc đấu tranh vật lộn để trốn thoát số phận nghiệt ngã của sự bất hạnh gia đình đã chèo thuyền qua sông Bến Hải, tình cờ gặp cậu sinh viên. Tưởng như hạnh phúc đã nằm trong tầm tay của cô, nhưng một lần nữa số phận không buông tha cô khi xuất hiện một võ sư. Mối tình tay ba tiếp tục đan xen khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn...

Có thể nói nữ nhà văn trẻ Trác Diễm đang khẳng định được “thương hiệu” rất riêng trong tình cảm của bạn đọc trong tỉnh và cả nước. Gần đây nhất, năm 2016, các truyện ngắn của Trác Diễm như “Bức vẽ cuối cùng” “Trôi theo dòng lũ” đã được in chung cùng với các nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Ngọc Tư, Trần Đức Tĩnh, Phong Điệp, Nguyễn Thị Việt Hà... trong Tuyển tập truyện ngắn hay năm 2016 - NXB Văn học 2016. Trác Diễm thường tâm sự: “Nghiệp văn chương là nghiệp chướng. Nhưng đã trót mang cái nghiệp vào thân, Trác Diễm sẽ giành trọn cả cuộc đời mình cho văn chương. Dẫu con đường đó đầy gian truân và khổ ải, tôi sẽ chỉ là nhà văn mà thôi. Niềm tin, lòng vị tha, bác ái, bao dung đã giúp tôi từng bước vượt qua khó khăn để có những thành công nhất định. Nhưng tôi sẽ không bao giờ ngủ quên trên những vinh quang ấy. Tôi vẫn miệt mài sáng tác. Tôi vẫn là tôi. Tin người, hoang sơ, hoang dại và thích quan tâm đến mọi thay đổi biến chuyển của con người, của đất trời và thi thoảng rời xa công chức để làm người nông dân như thu hoạch kê, ngô, lạc... Nó sẽ tạo cho tôi sự lạc quan, niềm vui sống bằng sự lao động. Và quan trọng là tôi muốn tạo cho mình có sức khỏe để có nguồn năng lượng dồi dào để đi và viết”.

Được biết, thời gian tới nữ nhà văn trẻ Trác Diễm sắp ra mắt bạn đọc tác phẩm mới. Bạn đọc hãy đón đợi và chúc cho Trác Diễm tiếp tục gặt hái được thành công mới trên con đường văn chương của mình.

Phan Hòa